VTV "chán" dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới; Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với hợp tác xã; Yêu cầu PVN xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ; Thêm gần 135.000 ô tô lăn bánh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-07-2017
- Cập nhật : 07/07/2017
Chồng ca sĩ Trang Nhung rút vốn khỏi Pharbaco, thua lỗ hàng trăm tỉ đồng
Ông Ngô Nhật Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Appollo cho biết hôm 28.6 đã ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phiếu chiến lược và toàn bộ phần vốn đã đầu tư trước đó vào Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (trụ sở tại Hà Nội).
Ông Ngô Nhật Phương được biết đến là một doanh nhân thành công trên thương trường và là chồng của ca sĩ Trang Nhung.
Những công ty mua lại là Công ty cổ phần Sài Gòn Pharma, Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, một đối tác nước ngoài và 9 cổ đông khác tại Việt Nam.
Qua thương vụ này ông Ngô Nhật Phương cho biết lỗ hơn 140 tỉ đồng. Ông Phương cũng cho biết thêm từ năm 2015 đến nay, Appollo liên tục gánh những khoản lỗ ''khủng'', như lỗ 853 tỉ đồng trong việc bán thanh lý toàn bộ cao su ở Lào, Campuchia, Bình Phước và Tây Ninh… Tiếp đó là khoản lỗ do việc thanh lý toàn bộ để chấm dứt các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến điều, thanh long, tiêu xuất khẩu với tổng lỗ hơn 1.000 tỉ đồng khiến các cổ đông lo lắng.
Trước đó, khi mua 60% cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco để trở thành cổ đông chiến lược, ông Ngô Nhật Phương đã đầu tư hơn 400 tỉ đồng thay mới toàn bộ thiết bị, dây chuyền cũ, xây mới các phòng nghiên cứu thẩm định, xây dựng lại hệ thống kho, chỉnh trang nhà máy, nâng cấp toàn bộ phần mềm quản lý… đồng thời tăng lương và chăm lo cho hoạt động của công ty, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên.
Thông tin ông Phương và Công ty Appollo rút khỏi các hoạt động đầu tư và kinh doanh ngành dược khiến cho giới đầu tư hết sức bất ngờ.
Trả lời câu hỏi vì sao đầu tư với số tiền lớn như vậy ông lại rút vốn khỏi Pharbaco, ông Ngô Nhật Phương chia sẻ: “Tôi không phải là người làm trong ngành dược, nhưng được một số bạn bè thân hữu “rủ rê” kinh doanh lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy từ nhiều năm qua, thị trường dược dành cho doanh nghiệp trong nước hết sức nhỏ bé mặc dù tiềm năng với mức tăng trưởng hơn 20%. Bảo hiểm Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với ngành dược để có những chính sách tổng thể phù hợp...”.
Ông Phương cũng cho biết mặc dù rút vốn và không đầu tư kinh doanh vào ngành dược nhưng nếu có sự đổi thay về chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược chắc chắn ông sẽ quay lại đầu tư quy mô hơn, bài bản hơn. “Tôi chỉ đầu tư khi số tiền chi cho bảo hiểm y tế trên 100 USD/người/năm”, ông Phương nói.
Ông Ngô Nhật Phương, Chủ tịch Appollo hiện điều hành và nắm giữ cổ phần nhiều công ty lớn tại Việt Nam và nước ngoài. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế thị trường. Ông có nhiều mô hình kinh doanh độc đáo như kinh doanh thị trường “ngách”, “kinh doanh cơ hội”... mang lại nguồn lợi ổn định và “khủng” như mô hình kinh doanh ve chai, làm phân rác, phá dỡ tàu cũ, phế liệu chiến tranh, buôn bán kỳ nam trầm hương, hệ thống kinh doanh xăng dầu cửa sông cửa biển, khai thác gỗ ở Lào, Campuchia, Myanmar. Đặc biệt là hệ thống kinh doanh thuốc lá, kho ngoại quan, hàng miễn thuế dọc biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc… (Thanhnien)
-----------------------------------
Airbus bán lô máy bay trị giá gần 23 tỉ USD cho Trung Quốc
Hãng sản xuất máy bay nổi tiếng của Pháp đã nhận được đơn đặt hàng trị giá gần 23 tỉ USD theo giá niêm yết để cung cấp 140 chiếc máy bay và một thân máy bay tầm xa cho Trung Quốc.
Theo Reuters, công ty quốc doanh China Aviation Supplies Holding là đơn vị đứng ra ký hợp đồng với Airbus. Sau đó họ sẽ phân phối những chiếc máy bay mới cho các hãng hàng không cá nhân của Đại lục trong vòng 5 - 6 năm tới.
Trong số 140 chiếc máy bay mà Airbus bán cho Trung Quốc sẽ có 100 chiếc A320 được kết hợp giữa phiên bản hiện tại và phiên bản động cơ tùy chọn mới và 40 chiếc A350. Đồng thời nhà sản xuất máy bay châu Âu cho biết họ cũng đang thương thảo để bán thêm những chiếc A380, một dòng siêu máy bay nhưng lại có tốc độ bán ra khá chậm, cho hãng hàng không China Southern Airlines.
“Trung Quốc là một trong những thị trường hàng không quan trọng nhất thế giới và đây là thỏa thuận lớn nhất mà chúng tôi đã ký kết trong một thời gian dài”, Tom Enders, Tổng giám đốc Airbus, cho hay. Ông Enders ước tính rằng có khoảng 50% trong tổng số máy bay A320 sẽ được sản xuất tại dây chuyền lắp ráp cuối cùng của Airbus ở Thiên Tân, Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Đại lục dự kiến sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2024. Boeing, đối thủ của Airbus, dự đoán quốc gia châu Á có thể sẽ cần tới 6.810 máy bay mới trong vòng 20 năm tới, nâng mức giá trị thị trường hàng không Trung Quốc đạt hơn 1.000 tỉ USD vào năm 2035.
Thị trường du lịch của Trung Quốc đã tăng trưởng gần 11% trong năm ngoái. Nhu cầu đi lại của nước này được dự đoán sẽ tăng khoảng 6,1% mỗi năm trong hai thập niên tới. Và điều này đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các hãng hàng không của Mỹ. Cụ thể, tập đoàn American Airlines đã đồng ý mua 2,68% cổ phần tại China Southern hồi đầu năm nay, Delta Air Lines cũng có cổ phần trong China Eastern Airlines vào năm 2015.(Thanhnien)
-----------------------------
Đại gia Đặng Văn Thành nhảy vào điện mặt trời
Mới đây, Tập đoàn của Đại gia Đặng Văn Thành đã tổ chức Hội nghị Khách hàng ngành năng lượng với sự tham dự của hơn 150 khách mời là đại diện những tổ chức uy tín đến từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (AAM - Singapore), Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) và nhiều ngân hàng lớn trong nước (Vietcombank, Vietinbank, OCB, BIDV...), ngân hàng quốc tế (HSBC, ANZ, Standard Chartered, Mizuho, SumitomoMitsui)…
Đến năm 2020, TTC Group dự tính đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40MW điện gió - chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của Tập đoàn, còn lại là 222MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150MW chiếm 11%.
Điện mặt trời được phát triển dưới hình thức đầu tư dự án mới còn điện gió vừa đầu tư dự án mới vừa góp vốn đầu tư với tỷ lệ trên 51%.
Theo ông Thái Văn Chuyện, Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC, TTC đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324MW), Bình Thuận (300MW), Ninh Thuận (300MW), Huế (30MW), Gia Lai (49MW)…
Các dự án này bắt đầu khởi công vào quý IV năm 2017, công tác kỹ thuật do đối tác chiến lược Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (AAM - Singapore) có nhiều kinh nghiệm đã và đang thực hiện nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực châu Á phụ trách, triển khai dự án theo hình thức đấu thầu EPC. Tập đoàn TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Lãnh đạo Tập đoàn này kỳ vọng vào kế hoạch triển khai điện mặt trời, điện gió sẽ mang đến diện mạo mới cho ngành năng lượng Việt Nam bằng cách tăng cường quy mô hoạt động, phát triển theo các chuẩn mực quốc tế.(PLO)
-----------------------------
Tập đoàn Nhật Bản bắt tay công ty nhựa Việt
Ngày 5-7, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong Nam) và Công ty Sekisui Chemical của Nhật Bản (Sekisui Nhật Bản) tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện.
Theo đó, Sekisui Nhật Bản sẽ trở thành một trong các cổ đông chiến lược của Tiền Phong Nam với số cổ phần nắm giữ chiếm 25,1%.
Theo hợp đồng đã ký kết, Sekisui và Nhựa Tiền Phong sẽ hợp tác với nhau trong việc sản xuất và bán các sản phẩm của Sekisui như hố ga bằng nhựa vẫn chưa được sử dụng tại Việt Nam và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC (các sản phẩm này Nhựa Tiền Phong chưa sản xuất).
Các sản phẩm này được ép khuôn với công nghệ kỹ thuật rất cao và phức tạp, nhằm cung cấp cho các dự án ODA của Nhật Bản và các dự án khác ở Việt Nam, cũng như các dự án ở khu vực châu Á.
DN Nhật đánh giá ngành nhựa Việt Nam nhiều tiềm năng.
Sekisui Chemical là một công ty hàng đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ngành nước và môi trường, doanh thu năm ngoái của Sekisui đạt hơn 1.000 tỉ yen (tương đương 10 tỉ USD).
Đại diện Công ty Nhựa Tiền Phong cho biết để đáp ứng nhu cầu trong nước, việc hợp tác với Sekisui Chemical lần này giúp Tiền Phong Nam có thể sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm như van cầu nhựa, ống xoắn, phụ tùng hàn điện trở, chất lượng tốt, giá thành phù hợp mà hiện tại chưa có đơn vị nào ở Việt Nam sản xuất, phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngoài ra, công ty cũng hướng tới xuất khẩu 20% trong tổng sản lượng hàng hóa sản xuất.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2017, ngành nhựa đã nhập khẩu 2,36 triệu tấn nguyên liệu nhựa các loại, tương đương 3,5 tỉ USD, tăng 14,2% về lượng và 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,2 tỉ USD, tăng 12,6% so với năm 2016. (PLO)