tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-07-2017

  • Cập nhật : 06/07/2017

Giá cát xây dựng tăng nóng

Khoảng 2 tháng qua, nguồn cát sông tại Quảng Nam khan hiếm bất thường khiến giá tăng chóng mặt, trong khi nhà thầu các dự án xây dựng trên địa bàn mỏi mắt tìm cát.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Tại vựa cát gần cầu Khuê Đông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), chị Lớn - chủ đại lý tất bật nghe điện thoại của khách hàng hỏi mua cát, gần như chị phải từ chối tất cả vì không còn nguồn cung. Theo chị Lớn, 2-3 tháng nay, giá cát bất ngờ tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/m3, cá biệt có lúc tăng đến 50.000 đồng, lên giá 160.000 đồng/m3. “Tôi mua cát ở các mỏ ven sông tại Quảng Nam đã gần 100.000 đồng/m3 nhưng giờ có tiền muốn mua cũng không được, không còn ai khai thác hết, phải chờ động thái các mỏ thì mình mới tính tiếp được”, chị Lớn nói và cho biết, đang bán cầm chừng số cát dự trữ, nhiều khách than phiền giá cao nhưng đành phải mua vì không có giá thấp hơn.

Theo tìm hiểu, sở dĩ cát sông dành cho hoạt động xây dựng khan hiếm do công tác truy quét cát lậu được đẩy mạnh thời gian qua. Bên cạnh đó, ngày 21/6, Sở TN-MT Quảng Nam ra Văn bản số 886/STNMT-KS, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc lắp đặt hệ thống, thiết bị khai thác cát, sỏi tại phạm vi được cấp phép để khai thác và chuyển lên các phương tiện vận chuyển. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các doanh nghiệp không bơm hút hoặc xúc cát, sỏi chuyển lên phương tiện vận chuyển có gắn thiết bị khai thác cát. “Hoàn thành việc lắp đặt… trước ngày 1/7. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, văn bản nêu rõ.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho hay: Chỉ đạo của tỉnh đưa ra nhằm lập lại trật tự, đưa hoạt động khai thác cát trên sông và buôn bán cát vào khuôn khổ quản lý. “Chủ trương là không cấp mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mà rà soát lại, giảm xuống dưới 10 đơn vị khai thác có tiềm lực tài chính, kỹ thuật và chấp hành tốt các quy định để quản lý”, ông Thu nói.

Theo Đại úy Lê Phan Minh Mẫn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy Quảng Nam, đơn vị vừa phát hiện và xử phạt 6 trường hợp hút cát lậu, ra quyết định tịch thu 8 tàu hút và chở cát. Theo quy định, mức phạt ít nhất cho hành vi khai thác cát lậu là 57,5 triệu đồng. Đồng thời, tất cả phương tiện bị tịch thu sẽ được hóa giá để nộp kho bạc. Mức phạt nặng khiến các khu vực nóng về cát lậu trên sông Thu Bồn trở nên yên ắng, cá nhân bị xử phạt không còn cơ hội tái diễn hành vi của mình vì mất toàn bộ phương tiện, máy móc. “Cát tặc thường chọn ban đêm để hoạt động, khi bị xử phạt thì dùng mọi biện pháp để câu giờ, thậm chí chống lại lực lượng chức năng nên công tác TTKS rất khó khăn. Kết quả có được là khả quan và đơn vị sẽ triển khai xuyên suốt việc TTKS, kiên quyết lập lại trật tự đường sông”, Đại úy Mẫn cho biết.(Giao thông)
----------------------------------

TP.HCM: Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản ngưng hoạt động

Mới đây ngày 27/6, Sở Xây dựng TP.HCM đã có thông báo về việc hàng loạt sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố đã ngưng hoạt động.

TP.HCM: Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản ngưng hoạt động

Ảnh minh họa.

Cụ thể: Sàn giao dịch bất động sản Novaland Nguyễn Khoái tại số 09 đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4 ngưng hoạt động do nhu cầu kinh doanh thực tế của công ty.

Sàn giao dịch bất động sản Cienco 585 tại số 02 đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh ngưng do không có nhu cầu kinh doanh Sàn giao dịch bất động sản.

Sàn giao dịch bất động sản Đông Tây Real tại số 86 đường Tản Đà, Phường 11, quận 5 cũng đã ngưng hoạt động từ ngày 15/5/2017.

Ngoài ra các sàn giao dịch bất động sản Ngôi Sao V, sàn giao dịch bất động sản Thanh Yến, sàn giao dịch bất động sản Rồng Thái Bình Dương… cũng thông báo ngưng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả.(Vietnamnet)
-------------------------------

Công bố hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Lương thực miền Nam

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Công bố hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Lương thực miền Nam

Ảnh minh họa.

Theo đó, từ năm 2014 đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất sai với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đối với lô đất 697 m2 tại ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trị giá 179 triệu đồng; Ba cồn nuôi trồng thủy sản và tài sản đi kèm tại Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh: 101,9 tỷ đồng; Căn Nhà số 02 Điện Biên Phủ, thành phố Trà Vinh: 12,6 tỷ đồng. Với 3 tài sản trên, tổng giá trị tài sản đã bán là 114,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng công ty tự tính số tiền chuyển nhượng sau khi trừ các chi phí, số còn lại tạm nộp vào tài khoản của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính là sai với quy định tại Thông tư số 41/2015/TT-BTC ngày 27/3/2015 của Bộ Tài chính và Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 sửa đổi bổ sung khoản 5 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Số tiền mà Công ty Lương thực Tiền Giang đã hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanhnăm 2015 với số tiền lãi 42.253.136 đồng là sai với quy định tại Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 V/v sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với khuyết điểm, sai phạm nêu trên, trách nhiệm chủ yếu thuộc về Hội đồng thành viên Tổng Công ty, trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng thành viên tại thời điểm ban hành chủ trương bán tài sản; trách nhiệm đề xuất chủ trương là Tổng giám đốc Tổng công ty; trách nhiệm tham mưu là Giám đốc các công ty nêu trên và Trưởng Phòng Kỹ thuật xây dựng cơ bản và cá nhân liên quan thuộc Tổng công ty.

Vinafood2 cũng đã có những sai phạm trong việc thỏa thuận, thống nhất với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân.

Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV ngày 22/10/2015 đã chuyển trách nhiệm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ Công ty TNHH Hai thành viên Thương mại-Dịch vụ-Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (trong đó Công ty Việt Hân chịu 80% trên tỷ lệ vốn góp và Tổng Công ty chịu 20% theo tỷ lệ vốn góp) sang Tổng công ty chịu trách nhiệm 100%.

Theo thỏa thuận giữa Tổng Công ty và Công ty Việt Hân, số tiền chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng (dự kiến của hai bên) là 68 tỷ đồng, lấy từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài Chính. Như vậy, nếu thực hiện theo đúng thỏa thuận trên thì Ngân sách nhà nước bị thất thoát (80%) tương đương với trên 54 tỷ đồng.

Tổng Công ty giao cho Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn quản lý, sử dụng Nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản, thực phẩm và vùng ao nuôi thủy sản cồn Đông Giang từ ngày 01/4/2015 đến ngày 30/8/2016 nhưng không ký hợp đồng thuê khoán và không thu tiền, nhưng sau đó (tháng 6/2016) hai bên mới thỏa thuận để Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chi trả một phần chi phí cho Tổng công ty với số tiền 4.975.829.000 đồng.

Tổng Công ty thuê Nhà máy chế biến gạo của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (theo hợp đồng từ tháng 9/2014 đến 31/12/2015, với giá thuê 50.000.000 đồng/tháng) nhưng không có kế hoạch sử dụng là việc làm tùy tiện, không đúng quy định pháp luật về quản lý kinh tế và Quy chế quản lý vốn, tài sản của Tổng công ty; không công khai, thiếu minh bạch trong quản lý kinh tế.

Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang và Công ty Lương thực Đồng Tháp phải thực hiện theo chỉ đạo của Tổng giám đốc, mặc dù đã nhiều lần báo cáo, đề xuất phương án sử dụng Nhà máy Chế biến và Bảo quản thủy sản và vùng ao nuôi thủy sản nhưng không được Tổng Giám đốc chấp nhận.

Đặc biệt, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014, 2015 và quý I/2016 và tái cơ cấu doanh nghiệp cũng có nhiều sai phạm...

Với những sai phạm được nêu, Bộ NN&PTNT yêu cầu Vinafood 2 khẩn trương xây dựng phương án và triển khai củng cố, kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp của Tổng Công ty. Đồng thời, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có những tồn tại, khuyết điểm và sai phạm nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về những vấn đề đã nêu.(Bizlive)
-----------------

Bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn của Chứng khoán Bản Việt

Là thành viên sáng lập Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhưng hiện bà Nguyễn Thanh Phượng chỉ còn sở hữu chưa tới 5% vốn tại đây. 

 

ba nguyen thanh phuong.

Bà Nguyễn Thanh Phượng.

 

Theo bản cáo bạch niêm yết của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt - VCSC (Mã: VCI) phục vụ cho việc niêm yết vào ngày 7/7 tới, bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT hiện chỉ còn sở hữu 5 triệu cổ phiếu VCI. Con số này tương đương 4,84% vốn điều lệ và đồng nghĩa với việc bà không còn là cổ đông lớn của công ty. Trước đó, bà Phượng từng sở hữu 8,97% vốn tại đây.

Bà Nguyễn Thanh Phượng là thành viên sáng lập của VCSC và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (VCAM). Kể từ khi VCSC và VCAM thành lập năm 2007 đến nay, bà Phượng đều đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Bà Phượng sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Geneva. Bà từng là Phó giám đốc tài chính của Holcim Vietnam, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Thụy Sỹ. Bà cũng từng là Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Thụy Sỹ VietnamHolding, niêm yết tại thị trường chứng khoán London.  Ngoài việc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Bản Việt, bà Phượng hiện còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt, Công ty bất động sản Bản Việt và là thành viên HĐQT của Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank). 

Cũng theo báo cáo, Chứng khoán Bản Việt hiện chỉ còn duy nhất cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn cổ phần là ông Tô Hải – Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT nắm giữ 22,95 triệu cổ phiếu công ty, tương đương 22,24% vốn cổ phần. Những người có liên quan đến ông Hải hiện cũng sở hữu hơn 0,8% tỷ lệ cổ phiếu.

VCSC được thành lập và chính thức hoạt động vào tháng 1/2007 với mức vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng, hiện đã được nâng lên 1.032 tỷ. Đây là một trong 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HSX. 

Năm 2016, VCSC đạt 893,7 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 27,5% so với năm 2015. Trong đó, 3 hoạt động chính (ngân hàng đầu tư, đầu tư chứng khoán và môi giới chứng khoán) đóng góp hơn 80% tổng doanh thu. Năm 2017, VCSC đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.095 tỷ đồng. (Vnexpress)
-------

Trở về

Bài cùng chuyên mục