Ngành thủy sản tăng trưởng âm trong nửa đầu năm
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đột biến
Vải thiều mất mùa nhưng được giá
Nhà đầu tư tăng bán vàng
Hàn Quốc đầu tư 400 triệu USD làm dự án điện sinh khối tại Quảng Bình
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-06-2016
- Cập nhật : 30/06/2016
EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho Việt Nam
Ông Lưu Đức Thanh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, danh sách chỉ dẫn địa lý Việt Nam đề xuất có 41 chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên EU chỉ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực.
Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp- chế biến chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản 13%, sản phẩm khác là 13%.
Trong khi đó, Việt Nam đồng ý bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý cho EU. Cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý của EU chủ yếu sản phẩm chủ yếu là rượu và phomat, rất ít các sản phẩm tươi sống.
Những thông tin này được ông Lưu Đức Thanh đưa ra tại Hội thảo "Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam-EU", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29-6.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất một sản phẩm nước mắm Phú Quốc được cấp chỉ dẫn địa lý tại châu Âu, chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong số 7.000 chỉ dẫn địa lý đã được cấp tại thị trường này.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chất lượng mang đặc trưng vùng miền, tuy vậy, với một thị trường rộng lớn như EU thì việc Việt Nam mới được bảo hộ duy nhất một sản phẩm tại thị trường cũng là vấn đề đáng quan tâm.
“Việc nhận thức quản lý với tài sản này còn bất cập, thiếu hoạt động quảng bá, do đó hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhất là chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý cần được làm tốt hơn nữa”, ông Thanh nói.
Trước một thị trường khó tính, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.
Còn theo ý kiến của bà Jana Herceg, Phó trưởng Ban kinh tế-Thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam, với nhiều sản phẩm nổi tiếng như thanh long, cà phê, chè... Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Tất nhiên, để khai thác được lợi thế này còn nhiều công việc ở phía trước trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý lẫn người sở hữu chỉ dẫn địa lý.
Theo khuyến cáo của bà Jana Herceg, cơ quan quản lý cần thiết lập cơ chế để người sản xuất hưởng lợi từ đó giúp sản phẩm có thể đưa ra thị trường và xuất khẩu được nhiều hơn. Người sở hữu chỉ dẫn địa lý cần tập trung chất lượng, nâng cao nhãn hiệu, thương hiệu, marketing sản phẩm.(HQ)
Mỹ áp thuế hơn 500% lên thép Trung Quốc
Mức thuế đặc biệt 522% được áp dụng với mặt hàng thép tấm cán nguội của Trung Quốc. Sản phẩm này thường được dùng để sản xuất xe hơi, đóng tàu chở hàng và xây dựng.
Phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở một số mặt hàng. Trong đó thép là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm.
Các nhà sản xuất thép tại Mỹ và châu Âu đổ lỗi cho Trung Quốc về việc bóp méo thị trường thép toàn cầu và chặn đường làm ăn của họ bằng cách bán thép giá rẻ số lượng lớn ra thị trường.
Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ cũng áp thuế chóng bán phá giá 71% với thép cán nguội của Nhật Bản.
Phán quyết này của Mỹ chỉ hướng vào một lượng nhỏ thép của những nhà sản xuất Nhật Bản, Trung Quốc và nó sẽ không có nhiều tác động đến tình hình hiện nay. Tuy nhiên, quyết định này của Bộ Thương mại Mỹ lại mang nhiều tính chất chính trị.
Năm 2016 là năm bầu cử tại Mỹ và các ứng cử viên hàng đầu – bà Hilary Clinton và ông Donald Trump – đều đang có những động thái chỉ trích những hoạt động thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc.
Các nhà sản xuất thép Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp vô lý cho việc xuất khẩu thép. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang gặp áp lực cứu lấy ngành thép do tình trạng dư thừa năng xuất trong khi nguồn cung trong nước lại yếu đi.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã không phản hồi trực tiếp với Mỹ về phán quyết này nhưng trên website của mình, họ cho biết sẽ vẫn giữ chính sách hoàn thuế cho ngành xuất khẩu thép như một phần trong những nỗ lực giúp phục hồi ngành này.
Việc bồi hoàn thuế được coi là chính sách ưu đãi mà chính phủ Trung Quốc dành cho ngành thép nhằm giúp vực dậy các công ty trong ngành và cứu hàng triệu việc làm. Hiện các bên đang chờ đợi việc Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn với những động thái thương mại không công bằng từ phía Trung Quốc.
Các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ đã đơn phương gửi những hồ sơ lên Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) nhằm kêu gọi việc cấm cửa hoàn toàn các sản phẩm thép nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong năm 2015, đã có tới 12.000 công nhân bị mất việc tại các công ty thép của Mỹ bởi sự cạnh tranh thiếu công bằng của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Phía Trung Quốc đổ lỗi cho nền kinh tế yếu đi khiến các vấn đề nảy sinh trong ngành thép và cho biệt họ đã tiến hành các bước để giảm sản lượng thép.
Năm 2015, giá trị xuất khẩu của thép tấm cán nguội Trung Quốc sang Mỹ đạt khoảng 272,3 triệu USD.(NĐH)
Giá cà phê trong nước chạm “đỉnh”
Cụ thể, so với cuối tháng 5, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện đã tăng thêm 1.700 đ/kg, lên mức 37.200 – 37.600 đ/kg.
Tuy nhiên, mức giá chạm “đỉnh” từ đầu vụ đến nay được cho là vẫn thấp so với nhiều năm trước (ở niên vụ trước, giá cà phê lúc cao nhất đạt 41.000 đ/kg). Do đó, hầu hết những người tạm trữ cà phê có xu hướng găm hàng chờ giá lên cao hơn.
Đánh giá chung nửa đầu năm, thị trường cà phê trong nước biến động theo hướng tăng lên. So với thời điểm cuối năm 2015, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 4.200 – 4.300 đ/kg. Nguyên nhân khiến giá cà phê thế giới và Việt Nam tăng cao là do thời tiết khô hạn tại nhiều vùng trồng cà phê chủ chốt trên thế giới.
Đối với xuất khẩu, báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT nêu rõ: Tính tới hết tháng 6, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 985 nghìn tấn và 1,71 tỷ USD, tăng 39,8% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 1.713 USD/tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 15,85% và 12,89%.
Toyota thu hồi 3,37 triệu xe
Hãng ô tô Toyota Motor Corp. (Nhật) vừa quyết định thu hồi 3,37 triệu ô tô trên toàn cầu liên quan lỗi túi khí và lỗi ở bộ phận kiểm soát khí thải, hãng tin Reuters (Mỹ) cho biết.
Ngày 29-6, Toyota thông báo thu hồi 2,87 triệu ô tô vì lỗi ở bộ phận kiểm soát khí thải. Ngày trước đó, Toyota cũng đã ra thông báo thu hồi 1,43 triệu ô tô trên toàn cầu vì có lỗi ở bộ phận túi khí. Gần một triệu xe mắc cả hai lỗi cũng bị thu hồi.
Số ô tô nằm trong diện thu hồi thuộc các mẫu xe Prius Hybrid, Prius Plug-in Hybrid động cơ xăng và điện, và Lexus CT200h sản xuất trong thời gian tháng 10-2008 đến tháng 4-2012.
Theo báo New York Times (Mỹ), trong 1,43 triệu xe thu hồi vì lỗi túi khí có 743.000 xe ở Nhật, 495.000 xe ở thị trường Bắc Mỹ, 141.000 xe ở châu Âu, 9.000 xe ở Trung Quốc và 46.000 xe ở các thị trường khác.
Nhà máy Toyota ở Takaoka (Nhật). (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Ở các xe bị lỗi, mối hàn thiết bị bơm trong các túi khí ở phía tài xế và cả phía hành khách có vết rạn nứt, dẫn đến nguy cơ thiết bị bơm không hoạt động bình thường, các túi khí có nguy cơ không đủ căng.
Chưa có báo cáo tai nạn hay thương vong nào liên quan đợt lỗi này của xe hãng Toyota. Toyota ra mắt dòng xe tiết kiệm nhiên liệu Prius năm 1997, tới nay đã bán được hơn 7 triệu chiếc toàn cầu.
Túi khí này không phải do tập đoàn Takata (Nhật) sản xuất. Takata là nhà cung cấp túi khí liên quan đến đợt thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử công nghiệp ô tô.
Vì lỗi túi khí của Takata, tháng 5-2015, các hãng sản xuất ô tô đã đồng loạt thu hồi 60 triệu xe ở Mỹ và hàng chục triệu xe toàn cầu sau khi lỗi này được xác định liên quan đến các tai nạn làm 14 người chết và hơn 100 người bị thương toàn cầu.
IKEA thu hồi 29 triệu tủ gỗ có nguy cơ lật nhào
IKEA đưa ra quyết định này sau khi có 6 trẻ em thiệt mạng và hàng chục trẻ em khác bị thương trong các vụ tai nạn liên quan tới sản phẩm tủ gỗ của họ.
Ông Elliot Kaye (đứng ở bục phát biểu), chủ tịch CPSC, và các nhân viên ủy ban này cùng xem cảnh tái hiện một tai nạn xảy ra với trẻ em liên quan tới sản phẩm tủ của IKEA - Ảnh: AFP
Theo Wall Street Journal, tập đoàn nội thất nổi tiếng IKEA của Thụy Điển đã chấp nhận thu hồi 29 triệu tủ đựng đồ có ngăn kéo tại thị trường Mỹ sau một loạt tai nạn, thậm chí đã làm chết người, xảy ra liên quan tới dòng sản phẩm này.
Quyết định thu hồi ảnh hưởng tới 50% số tủ gỗ của IKEA bán tại Mỹ. Nó cũng liên quan tới 8 triệu chiếc tủ thuộc dòng sản phẩm tủ gỗ Malm nổi tiếng của IKEA và 21 triệu chiếc tủ dành cho trẻ em và người lớn.
Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) cho rằng các sản phẩm có quyết định thu hồi này đã không đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng tại Mỹ.
Trong một quyết định khác, chi nhánh IKEA tại Canada cũng nói đã ra quyết định thu hồi các loại tủ có nguy cơ dễ bị lật nhào.
Theo CPSC có khoảng 6,6 triệu tủ của IKEA bán tại Canada.
Chủ tịch CPSC Elliot F. Kaye nói: “Cứ hai tuần lại có một trẻ em ở Mỹ chết do bị một vật dụng nào đó như đồ nội thất hay TV rơi đè lên người”.
Hãng IKEA đã nhận được báo cáo về 41 vụ tai nạn bị tủ đổ và đè lên người liên quan tới loại tủ Malm của họ tại Mỹ. Không chiếc tủ nào trong các vụ tai nạn đó có móc gắn giữ vào tường.
Tháng 2-2014, một bé trai 2 tuổi ở West Chester, Pennsylvania thiệt mạng sau khi bị chiếc tủ sáu ngăn đổ vào người.
Bốn tháng sau đó, một bé trai 23 tháng tuổi khác ở Snohomish, Washington cũng thiệt mạng sau khi bị một chiếc tủ Malm ba ngăn đổ đè lên người.
Tháng 7-2015, CPSC và IKEA đã phối hợp tổ chức chiến dịch tuyên truyền và khuyến khích người tiêu dùng gia cố thêm móc giữ vào tường để sử dụng tủ an toàn hơn. IKEA cũng đã phát các móc giữ này cho người mua tủ tại các cửa hàng.
Tuy nhiên vẫn tiếp tục có thêm các tai nạn khác xảy ra, trong đó có vụ một bé trai 22 tháng tuổi ở Apple Valley, bang Minnesota, thiệt mạng vào tháng 2 năm nay.
Ngoài ba trẻ em thiệt mạng, IKEA cũng nhận được báo cáo về 17 trường hợp trẻ em khác (độ tuổi từ 19 tháng đến 10 tuổi) bị thương trong các tai nạn liên quan tới tủ của họ.