Chính phủ yêu cầu NHNN đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá
Mỹ kiện chống bán phá giá thép cuộn Việt Nam
Giá thép giảm thêm, sức mua chững lại
Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh trong ngành điện
Apple mở công ty tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-06-2016
- Cập nhật : 29/06/2016
Khối tài sản 'khủng' của chủ đầu tư tháp tài chính 108 tầng tại Hà Nội
Tập đoàn BRG được biết đến với khối tài sản đồ sộ và sự đầu tư trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, tới bán lẻ, bất động sản...
Theo Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) vừa được UBND TP Hà Nội công bố, trọng tâm khu vực này sẽ là tháp tài chính thương mại Phương Trạch có chiều cao dự kiến tối đa khoảng 108 tầng với kiến trúc hiện đại gắn với bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc, mang tính biểu tượng cao.
Hiện tòa nhà cao nhất Việt Nam là Keangnam có chiều cao 72 tầng (336m). Nếu tòa tháp tài chính 108 tầng được hoàn thành thì đây sẽ là công trình lập kỷ lục mới về chiều cao.
Đơn vị được giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch tuyến đường này là Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Với tiềm lực tài chính lớn và sở hữu nhiều dự án bất động sản đắc địa, nhiều người nhận định có thể BRG sẽ có tham vọng trở thành chủ đầu tư dự án tháp tài chính 108 tầng nói trên.Có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, BRG đầu tư và hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ sân golf tới tài chính - ngân hàng, bán lẻ... Trong những năm gần đây, bà Nga tiếp tục tham gia nhiều thương vụ mua lại các khách sạn, dự án bất động sản nằm ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Nếu tòa tháp 108 tầng được xây dựng và hoàn thành sẽ phá vỡ kỷ lục tòa nhà cao nhất của Keangnam Landmark Tower. Ảnh: Võ Hải
Tuy nhiên, một trong những lĩnh vực đầu tiên làm nên tên tuổi của BRG phải kể đến là các dự án sân golf đẳng cấp quốc tế với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành và quản lý. Tập đoàn hiện sở hữu một loạt sân golf như: Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course, Sơn Tây, 350ha), Khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), Khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Sóc Sơn - 270ha).
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga cũng không phải là gương mặt mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bà Nga đặt chân vào lĩnh vực này từ năm 2000 khi trở thành cổ đông của Ngân hàng Techcombank. Những năm sau đó, bà lần lượt giữ vai trò Phó chủ tịch và Chủ tịch nhà băng. Tuy nhiên, đến năm 2007, bà Nga rời Techcombank và trở thành lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank). Hiện nhà băng có vốn điều lệ 5.446 tỷ đồng, tổng tài sản xấp xỉ 100.000 tỷ. Bà cũng giữ vai trò Chủ tịch Công ty chứng khoán Đông Nam Á.
Những năm gần đây, thông qua các thương vụ mua cổ phần, tài sản, bà Nga còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản với việc sở hữu một loạt các khách sạn và nhiều dự án lớn nằm ở những vị trí đất vàng tại Hà Nội. Năm 2009, BRG mua gần một nửa số cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Intimex - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị và nắm quyền quản lý hàng triệu m2 đất xưởng, thương mại, văn phòng và siêu thị khắp cả nước, cũng như sở hữu tới trên 45,5% tại Công ty địa ốc Hoàng Đức Long Khánh.
Năm 2012, BRG hoàn tất thương vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera, nằm ngay cạnh Nhà hát Lớn từ tay các ông chủ Đức và Áo. Việc chuyển nhượng chỉ được giới truyền thông biết đến sau khi mọi việc hoàn tất. Đầu năm 2015, tập đoàn này cũng góp vốn vào Khách sạn Thắng Lợi (đã đổi tên thành Hilton Hanoi Westlake) - một trong những địa điểm lưu trú có vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô. Bà Nga hiện cũng giữ vai trò chủ tịch công ty này.
Hiện ngoài 2 khách sạn trên, Tập đoàn BRG còn sở hữu khách sạn Hilton Garden Inn Hanoi (Trần Hưng Đạo), Khách sạn Sông Nhuệ (Hà Đông); nắm giữ cổ phần lớn ở một loạt khách sạn như Pan Horizon Hotel, InterContinental Hanoi Westlake...
Không chỉ dừng lại ở thị trường khách sạn, BRG còn là chủ đầu tư một loạt các dự án bất động sản khác như tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Khu căn hộ Oriental Palace (Hồ Tây), Oriental Garden (Lê Văn Lương), Oriental West Lake (174 Lạc Long Quân) và Oriental Plaza (16 Láng Hạ), dự án chung cư Oriental Pearl (Hai Bà Trưng).
Giữa năm ngoái, thông qua đấu giá, Công ty TNHH Thung lũng Vua - thành viên của Tập đoàn BRG cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng để sở hữu 27% cổ phần của Công ty cổ phần Thăng Long GTC - đơn vị sở hữu 35% cổ phần tại dự án Times Square Hà Nội (Phạm Hùng).
Tập đoàn BRG cũng giữ vai trò là đối tác của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để xây dựng tòa tháp truyền hình 636m cao nhất thế giới tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD.
Đầu năm nay, BRG đưa ra đề xuất được mua lại toàn bộ cổ phần của Tập đoàn Casino tại Big C Thăng Long. Thương vụ này dù sau đó không được hoàn tất nhưng cũng cho thấy rõ tham vọng mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ của BRG.
Không phải là công ty đại chúng, do đó hoạt động và kết quả kinh doanh của BRG không được công bố. Bà Nga cũng là người khá kín tiếng trước giới truyền thông. Tuy nhiên, theo Forbes, riêng trong năm 2013, mảng kinh doanh sân golf, bất động sản… đã đem lại mức doanh thu cho Tập đoàn BRG khoảng 435 triệu USD. Bà Nga cũng từng được Tạp chíForbes vinh danh một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á.
Brexit đẩy xa ngày Séc dùng đồng euro
Brexit sẽ càng đẩy xa thời điểm CH Séc sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro).
Ảnh minh họa. Nguồn: thehiberniatimes.com
Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Công Thương CH Séc Jan Mladek sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tại Anh. Trong khi đó, theo Đài phát thanh Praha, các chuyên gia kinh tế Séc khuyến nghị chính phủ nước này gia nhập Khu vực đồng euro (eurozone) càng sớm càng tốt vì điều này có lợi cho Séc.
Hiện nay CH Séc đáp ứng tất cả các tiêu chí cần tuân thủ để chuyển sang sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Ngân hàng quốc gia Séc lại không khuyến nghị đưa ra thời hạn cụ thể để nước này gia nhập Eurozone. Bộ trưởng Công Thương Jan Mladek cho rằng hiện nay cần chờ đợi việc xác lập những quy tắc hoạt động mới của EU trong bối cảnh người Anh quyết định rời “ngôi nhà chung” châu Âu. Theo ông Mladek, Brexit đẩy xa thời điểm (Séc) chuyển sang sử dụng đồng euro bởi hiện nay châu Âu sẽ phải thảo luận rất nhiều vấn đề khác, vì vậy việc mở rộng Eurozone bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Công Thương Séc, nhà phân tích của hãng Cyrrus Tomas Mencik cho rằng đồng euro không có chỗ trong nghị trình hiện nay. Người ta hiện chỉ quan tâm đến việc liệu tất cả các nước còn lại , ngoài Anh, có duy trì được tư cách thành viên EU hay không hay là sẽ xuất hiện những xu hướng khác.
Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava Vojtech Filip cũng phản đối việc vội vã gia nhập Khu vực đồng euro, thậm chí nếu như Séc đáp ứng tất cả các tiêu chí cần thiết để chuyển sang sử dụng đồng euro. Ông Filip nhấn mạnh “lợi ích quốc gia của Séc quan trọng hơn những điều kiện mà châu Âu đưa ra”.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Séc Cyril Svoboda có quan điểm ngược hẳn. Theo ông Svoboda, việc gia nhập Eurozone và thông qua đó củng cố EU là một hành động đúng đắn. EU sẽ lại đoàn kết xung quanh 6 quốc gia sáng lập.
Phó Chủ tịch Hội công nghiệp và giao thông Séc Radek Spicar cũng ủng hộ quan điểm nói trên. Theo ông Spicar, Brexit sẽ dẫn đến việc tăng cường Eurozone, dẫn đến việc đầu tàu của châu Âu, mà trước hết đó là quan hệ đồng minh Đức – Pháp, sẽ vận hành tích cực hơn rất nhiều. CH Séc sẽ chịu thiệt hại nếu không tham gia quá trình đó, bao gồm cả việc không phải là thành viên Eurozone.
Về phần mình, trong bài trả lời phỏng vấn của nhật báo Der Standard của Áo mới đây, Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka đã bày tỏ lo ngại về việc Anh rời bỏ EU có thể làm dấy lên làn sóng ly khai và dân tộc chủ nghĩa. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Séc, chính sự hợp tác trong khuôn khổ EU tạo điều kiện chống lại những hiện tượng tương tự một cách hiệu quả. Ông Sobotka nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chúng ta có rất nhiều lập luận vững chắc để tiếp tục thực hiện dự án châu Âu. Bên cạnh đó, EU còn là sự bảo đảm tốt nhất nhằm tránh lặp lại những cơn ác mộng của thế kỷ XX. Đối với người Séc, châu Âu là sự bảo đảm tốt nhất cho ổn định và hòa bình”.
Người đứng đầu chính phủ Séc cũng cho biết thêm rằng những trung tâm ảnh hưởng chính trị và kinh tế mới đang xuất hiện trong một thế giới toàn cầu hóa. Ông Sobotka nêu rõ, nếu châu Âu có ý định duy trì tầm quan trọng của mình trong thế giới này, thì châu lục này không nên tự làm mình yếu đi bằng cách chia tách.
Nguồn lợi quảng cáo trên Instagram
Lượng người dùng Instagram tăng cao là điều kiện tốt cho quảng cáo nhưng cũng dễ bị phản ứng ngược nếu khai thác quá nhiều.
Ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram phát triển mạnh với lượng người dùng tăng gấp đôi trong 2 năm qua, lên đến 500 triệu. Facebook đã cho phép tạo quảng cáo trên Instagram với những cửa sổ thông tin trên hình ảnh hay tích hợp chức năng mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, các chuyên gia marketing nhận xét đây là thời điểm nhạy cảm cho Facebook nếu họ muốn tận thu nguồn lợi quảng cáo từ Instagram. Nguy cơ có thể đến từ việc nhà quảng cáo nóng vội kiếm tiền, đăng tải nhiều nội dung tiếp thị dẫn đến việc người dùng "bội thực", gây phản ứng tiêu cực.
Tất cả các mạng xã hội đều phải đối mặt với vấn đề khó xử này. Ví dụ Snapchat, Twitter hay Pinterest đều gặp cảnh đình trệ tỷ lệ tăng trưởng người dùng khi đẩy mạnh khai thác quảng cáo. Do đó, để có thể "sống sót" mà vẫn tạo được nguồn thu là một bài toán khó.
Tại hội nghị ngành công nghiệp quảng cáo vừa tổ chức tại Cannes (Pháp), đại diện Facebook và giám đốc điều hành Instagram nói sẽ tạo sự cân bằng tốt cả về nhu cầu người dùng và nguồn lợi quảng cáo. Dù không đưa ra kế hoạch chi tiết, họ hứa sẽ nghiên cứu kỹ hành vi, thái độ của cả 2 nhóm người dùng tiếp xúc và không tiếp xúc với nội dung quảng cáo để đưa ra giải pháp cụ thể.
Instagram với sự đa dạng về nội dung hình ảnh và video được xem như một showroom tiếp thị kỹ thuật số đầy tiềm năng. Đó là lý do khiến các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng Asos hay Dior kỳ vọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến với Instagram thông qua nút "Đặt mua" nhiều tiện ích.
Facebook không nói rõ Instagram đóng góp bao nhiêu trong tổng số 19 tỷ USD doanh thu quảng cáo. Công ty nghiên cứu eMarketer cho biết khoảng 200.000 doanh nghiệp thực hiện quảng cáo trên Instagram kể từ 1/2016, tạo ra khoảng 1,3 tỷ USD, tương đương 15% doanh thu quảng cáo di động của Facebook tại thị trường Mỹ trong năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không khai thác hợp lý thì Instagram sẽ có một ngày đạt tới điểm bão hòa. Khi tình trạng quảng cáo quá tải diễn ra, người dùng giảm thời gian lên web và cũng bớt hứng thú gửi những tấm ảnh tự chụp chia sẻ lên mạng.
Facebook công bố người dùng dành hơn 50 phút mỗi ngày để sử dụng Instagram và Messenger. Tuy nhiên, 80% người sử dụng mới Instagram trong năm qua đến từ những nước ngoài Mỹ. Theo số liệu từ tập đoàn nghiên cứu Cantor Fitzgerald, trung bình người dùng bỏ ra 10 phút mỗi ngày để vào ứng dụng Snapchat, trong khi đó con số này của Instagram là 6,4 phút.
Thế giới mất 3.000 tỷ USD vì Anh
Chỉ trong 2 phiên 24 và 27/6, các thị trường toàn cầu đã bốc hơi kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD trên giấy, theo số liệu của S&P Global.
Con số này thậm chí còn lớn hơn trong khủng hoảng tài chính 2008, Howard Silverblatt - nhà phân tích tại S&P cho biết. Riêng Mỹ đã đóng góp 1.300 tỷ USD.
Hôm qua, Dow Jones mất hơn 260 điểm, tương đương 1,5%. Nhưng con số này vẫn còn khá hơn Anh, khi chỉ số FTSE 250 mất gần 7%. Bảng Anh chốt phiên hôm qua lại xuống đáy 31 năm.
Julian Jessop – nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng dù bất ổn đang tăng, "sẽ thật sai lầm nếu kết luận thế giới đang tiến dần đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Vì thực sự, đà giảm của bảng Anh so với USD còn thấp hơn dự báo".
Dĩ nhiên, người giàu thế giới cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của 400 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 127 tỷ USD sau phiên thứ Sáu tuần trước. Và hôm qua, họ mất thêm 53 tỷ USD nữa.
"Đây là cú sốc toàn cầu, xét về mặt giá trị bằng tiền, lớn nhất từ năm 2008", David Beckworth - giáo sư tại Mercatus Center thuộc Đại học George Mason nhận xét, "Đây có thể là bước ngoặt đẩy toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm, vào một cuộc suy thoái mới".
Beckworth cũng cho rằng rủi ro từ quyết định của Anh "đang khiến lãi suất trái phiếu đua xuống đáy". Trái phiếu Chính phủ được coi là công cụ đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn. Khi người ta đổ xô mua trái phiếu, giá của nó sẽ tăng, đồng nghĩa lãi suất giảm. Con số này đang thấp kỷ lục tại nhiều nước trên thế giới.
Nhu cầu các tài sản an toàn khác, như yen, USD hay vàng cũng đang bùng nổ. Nhà đầu tư ồ ạt bán tài sản rủi ro do lo ngại cú sốc Brexit ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Con tôm mang về cho Việt Nam 1 tỉ USD
Trong tốp 10 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam thì Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng tốt. Trong đó, tôm xuất sang Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh nhất với hơn 34%. Lý do là Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu tôm.
Riêng thị trường EU tăng cường nhập các sản phẩm tôm ăn liền, tôm dễ chế biến và tôm giá trị gia tăng (tôm xiên que hoặc tôm tẩm ướp gia vị) từ Việt Nam.
Theo VASEP, vừa qua nguồn nguyên liệu tôm trong nước khan hiếm nhưng chưa tác động ngay đến kết quả xuất khẩu, trong khi các yếu tố cung cầu thị trường vẫn đang có lợi cho tôm Việt Nam.