Standard & Poor's và Fitch đồng loạt hạ mức tín nhiệm của Anh
Dự báo niềm tin sản xuất tháng 7 của Hàn Quốc không đổi
Tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha giảm nhẹ trong quý II
Đói nguyên liệu, nhiều nhà máy giảm 50% công suất
Ngành dệt may phải cấu trúc lại sản xuất
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-06-2016
- Cập nhật : 30/06/2016
Đánh giá lại nhu cầu thị trường BĐS ở Hà Nội, TPHCM
Bộ Xây dựng khuyến cáo các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cần đánh giá lại nhu cầu của thị trường BĐS khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tránh để xảy ra tình trạng lệch pha cung-cầu.
Theo thông báo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2016, Hà Nội có 14.391 căn hộ đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, riêng 6 tháng đầu năm 2016 là 4.940 căn hộ.
Tại TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2016 có 15.061 căn hộ đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Đánh giá chung của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, thị trường BĐS tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có lượng cung hàng hóa khá lớn, chủ yếu là căn hộ trung và cao cấp, nhưng mới đang ở giai đoạn làm xong móng.
Tuy nhiên, gần đây lượng giao dịch BĐS đã có xu hướng chững lại, không tăng trưởng mạnh mẽ như thời gian trước.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS khuyến cáo hai thành phố này cần đánh giá lại nhu cầu của thị trường khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung-cầu dễ gây bất ổn thị trường.
Cùng với đó phải lập kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, làm cơ sở quyết định đầu tư các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch và kế hoạch; để bảo đảm cung cầu ổn định, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Đối với các địa phương trọng điểm, cần tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất dành cho các dự án phát triển nhà ở thay cho việc giao đất, cho thuê đất, chỉ định nhà đầu tư... nhằm tạo sự công khai, minh bạch thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.
Phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Ngày 28/6, Tổng công ty Viglacera phối hợp với Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”.
Sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội ngăn cản sự truyền nhiệt sẽ là giải pháp tối ưu trong các công trình xây dựng tại Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Với vai trò là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, Tổng công ty Viglacera luôn là đơn vị tiên phong, chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới vào sản xuất các loại vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera là dự án “công nghệ cao” đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt với quy mô 5.000.000 m2/năm tại Bình Dương và Bắc Ninh.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành xây dựng, hiện hầu hết các công trình lớn trên thế giới đều đang sử dụng kính tiết kiệm năng lượng và các nhà đầu tư lớn của Việt Nam cũng bắt đầu lựa chọn sử dụng loại vật liệu này.
Loại kính này không chỉ mang lại lợi ích tối ưu và nâng cao giá trị cho tòa nhà mà còn mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư khi tiết kiệm năng lượng điện sử dụng điều hòa tới 45%, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng do ngăn cách 99% tia tử ngoại có hại cho sức khỏe.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá, hiện tại nhiều công trình tại Việt Nam đang sử dụng kính tiết kiệm năng lượng nhập từ Trung Quốc, việc một doanh nghiệp trong nước tiên phong đầu tư, đưa sản phẩm tiết kiệm năng lượng có tính ưu việt ra thị trường trong nước, hướng tới lợi ích của người sử dụng là điều cần được ủng hộ.
Đồng thời, ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh đơn giá định mức để phá vỡ rào cản này đối với các công trình đầu tư xây dựng trong nước. Bộ Xây dựng rất mong muốn việc khống chế quản lý tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng sẽ được rà soát và bổ sung kịp thời để có thêm nhiều công trình được ứng dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Qua hội thảo, Bộ Xây dựng khẳng định bước tiến chủ động đón đầu hội nhập WTO và TPP của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, đồng thời khẳng định hành động hiện thực hóa chủ chương của Chính phủ “Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào quỹ Khí hậu xanh 2016-2020 về đóng góp giảm phát khí thải nhà kính và giảm 8% lượng phát khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng thế giới”.(TBNH)
Kinh tế Mỹ: Chưa kịp mừng... đã lo
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ tuy có chậm lại trong quý đầu tiên, nhưng không quá thấp như con số ước tính trước đó và đáng có dấu hiệu lấy lại đà trong quý 2. Tuy nhiên, rủi ro Brexit có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nửa cuối năm.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua (28/6) cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng trưởng 1,1% trong quý đầu năm so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 0,8% trong báo cáo tháng trước. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn mức tăng 1,4% của quý 4/2015.
Điều đáng mừng hơn kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng trong quý thứ hai, với doanh số bán lẻ và doanh số bán nhà đều tăng khá mạnh trong tháng Tư và tháng Năm, mặc dù chi tiêu kinh doanh còn yếu, tăng trưởng việc làm đã chậm lại.
Phát biểu trước Thương viện Mỹ tuần trước, Chủ tịch Fed Janet Yellen cũng cho biết các dữ liệu cho thấy tăng trưởng GDP quý 2 sẽ cao hơn.Theo ước tính mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Atlanta, GDP quý 2 sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,6%.
Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chắc chắn việc cử tri Anh bỏ phiếu chia tay Liên minh châu Âu (EU) – Brexit) - sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Sự bất ổn trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng cũng như xu hướng đầu tư kinh doanh", Ryan Sweet - nhà kinh tế cấp cao của Analytics Moody ở West Chester, Pennsylvania cho biết. "Nếu thị trường tài chính ổn định, ảnh hưởng của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đến nền kinh tế Mỹ sẽ rất nhỏ".
Sự kiện Brexit đã làm bốc hơi 3,01 nghìn tỷ USD từ các thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ trong hai ngày. Mặc dù trong phiên hôm qua, chứng khoán toàn cầu đã thu lại được một số thiệt hại, trong đó cổ phiếu tài chính dẫn đầu sự phục hồi. Song chừng đó là chưa đủ.
Các nhà kinh tế ước tính rằng Brexit có thể trừ đi trung bình của hai phần mười của một điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 6 quý tới. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà kinh tế cho rằng, Fed sẽ không thể tăng lãi suất trong ngắn hạn, do không chắc chắn về những tác động của Brexit.
Tính theo thu nhập, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 2,9% trong quý đầu tiên, tốc độ nhanh nhất kể từ quý 3/2014.(TBNH)
Anh có thể phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu để đối phó Brexit
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết vào hôm thứ Ba (28/6) rằng nước Anh sẽ phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để đối phó với các thách thức kinh tế đặt ra sau khi người Anh bình chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.
"Chúng tôi phải đảm bảo an ninh tài khóa cho người dân, chúng ta sẽ phải cho đất nước và thế giới thấy rằng chính phủ có thể sử dụng các công cụ của mình", ông nói với BBC radio.
Khi được hỏi liệu điều đó có nghĩa là sẽ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, ông nói: "Vâng, hoàn toàn đúng".
CASS: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6% trong năm nay
Kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 6,6% trong năm nay, và cần phải được củng cố bằng những chính sách hỗ trợ trong nửa cuối năm để chống lại áp lực giảm tốc, theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).
Dự báo từ một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc đã được đăng tải trên tờ Tạp chí Chứng khoán Thượng Hải số ra hôm nay, cho thấy một cái nhìn ảm đạm hơn so với thời điểm tháng 5, khi CASS đã dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% đến 6,8% trong năm nay.
Cũng theo dự báo của CASS, lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc có khả năng sẽ chỉ tăng 2%trong năm nay, trong khi sự suy giảm của giá sản xuất sẽ chậm lại. Bên cạnh đó, tăng trưởng chi tiêu bán lẻ được dự báo sẽ ổn định, nhưng sự tăng trưởng cung tiền sẽ chậm lại, khi mà tăng trưởng trong đầu tư vào tài sản cố định và phát triển bất động sản được dự báo sẽ tăng.
CASS cũng cho biết, Chính phủ Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nửa cuối năm, cũng như tối ưu hóa mức độ đòn bẩy và dọn sạch các công ty zombie.