tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-05-2018

  • Cập nhật : 27/05/2018

Điểm mặt Top 20 “ông lớn” bị kiến nghị truy thu thuế hơn 9.000 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, từ Sabeco, Habeco, ACV, BSR, TKV đến IDICO, HUD, VCG và VEAM đều có tình trạng kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước. Top 20 ông lớn có những thiếu sót nói trên sẽ phải nộp cho NSNN thêm hơn 9.100 tỷ đồng.

Điểm mặt Top 20 “ông lớn” bị kiến nghị truy thu thuế hơn 9.000 tỷ đồng

Ngày 21/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc. Ngay trong buổi chiều đầu tiên của kỳ họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc, đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016. Trong báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra ngân sách nhà nước cần phải thu thêm 19.109 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp và tổ chức.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với doanh nghiệp nhà nước, tình trạng các doanh nghiệp nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo thống kê của BizLIVE từ số liệu báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, 20 doanh nghiệp nhà nước có quy mô hàng đầu sẽ bị truy thu hơn 9.100 tỷ đồng tiền thuế.  

Nhóm ngành thực phẩm đồ uống có Sabeco và Habeco là 2 doanh nghiệp đứng đầu về bị kiến nghị truy thu thuế với số truy thu thêm lớn nhất, lần lượt là 2.668 tỷ đồng và 1.853 tỷ đồng. Tiếp sau Sabeco và Habeco là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán ACV) với số thuế bị đề nghị truy thu là 1.753 tỷ đồng. Chỉ riêng Sabeco, Habeco và ACV, tổng số tiền thuế truy thu thêm được kiến nghị là 6.274 tỷ đồng.

Sabeco chưa tiến hành Đại hội thường niên năm 2018 vì vậy chưa có con số kế hoạch lợi nhuận năm 2018. Tuy nhiên, trong quý I/2018, lợi nhuận của Sabeco đạt 1.155,7 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Habeco chưa thể tổ chức Đại hội thường niên năm 2018 và đã có công văn xin hoãn đến trước ngày 29/6/2018. Dù vậy, Habeco dự kiến kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 607 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2017.

Ngoài bị kiến nghị truy thu thêm thuế, Habeco cũng đang bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh hồi tố tăng khoản phải trả cho cổ đông gần 1.702 tỷ đồng trong đó có hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức cho cổ đông số tiền 1.533 tỷ đồng.


  Nguồn: Số liệu báo cáo kiểm toán Nhà nước

ACV đã  tiến hành Đại hội thường niên năm 2018 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 của công ty với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.2 doanh nghiệp nằm trong Top 5 còn lại bị kiến nghị truy thu thuế lớn gồm: CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) với 486 tỷ đồng và nhóm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 449 tỷ đồng. 

BRS đã giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM từ ngày 01/03/2018, sau gần 3 tháng giao dịch, giá cổ phiếu BSR hiện đang ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 39% so với giá đóng cửa của phiên giao dịch đầu tiên. 
 

5 thành viên còn lại góp mặt trong Top 10 doanh nghiệp bị kiến nghị truy thu thuế lớn với giá trị 1.158 tỷ đồng gồm: Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV (SGCC) 270 tỷ đồng; Vinachem 256 tỷ đồng; IDICO 249 tỷ đồng; Sonadezi 203 tỷ đồng và Vinataba (công ty mẹ) 180 tỷ đồng.

10 doanh nghiệp tiếp theo trong Top 20 bị kiến nghị truy thu thuế tổng cộng 740 tỷ đồng gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và 6 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước 175 tỷ đồng; GENCO2 (mẹ) 160 tỷ đồng; Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) 140 tỷ đồng; HUD 64 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn 44 tỷ đồng; VCG 38 tỷ đồng; CC1 33 tỷ đồng; Saigontourist 32 tỷ đồng; Fico 28 tỷ đồng và Viancafe 26 tỷ đồng.

Được biết, tình trạng kê thiếu, xác định sai không chỉ diễn ở các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Qua đối chiếu thuế của 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng tại 2.344 doanh nghiệp và kiến nghị cơ quan Thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng.(Bizlive)
-----------------------

EU ra điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga

Tổng thống Pháp hôm 25/5 tuyên bố, các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu với Nga sẽ không được dỡ bỏ nếu vấn đề Ukraine không tiến triển.

Phát biểu tại một buổi họp báo chung tại ST Petersburg, Nga sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: “Quả bóng đang ở phía Nga và Ucraina. Nó đơn giản như vậy. Chúng tôi sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu không có gì được làm cả. Đó cũng là cái chúng tôi vừa thảo luận với ngài Putin.”

Theo nhà lãnh đạo Pháp, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng 7 tới để xem xét việc gia hạn các lệnh trừng phạt vốn được áp đặt với Nga từ năm 2015.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng thống Nga Putin đề cao mối quan hệ giữa Nga và Pháp đã không ngừng phát triển trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt những thách thức. Trước đó, tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Pháp, Nga cũng đã nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về kinh tế, cũng như duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và giải quyết chính trị xung đột Syria.(VOV)
------------------------------

Hơn 1,2 tỷ USD tiền ảo bị đánh cắp từ năm 2017 đến nay

Theo thống kê của Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu (APWG), trong năm 2017 và nửa đầu 2018 có khoảng 1.500 đồng tiền ảo đang hoạt động. Việc phổ biến của những Bitcoin hay Ethereum giúp con người có thêm phương thức thanh toán mới, nhưng cũng khiến chúng trở thành "mồi ngon" cho giới tội phạm mạng. "Ngoài buôn bán ma túy, rửa tiền, tiền ảo là mục tiêu của tội phạm trong năm qua", Dave Jevans, Chủ tịch APWG và CEO công ty bảo mật tiền điện tử CipherTrace, nói với Reuters.

Jevans nhấn mạnh, con số 1,2 tỷ USD tiền ảo bị đánh cắp là thống kê dựa trên các vụ việc đã phát hiện. Con số thất thoát trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Chỉ khoảng 20% số tiền trong đó được thu hồi.

Khác với tiền thông thường, tiền ảo có các mã hóa phức tạp gây khó khăn cho cảnh sát khi điều tra. Thế nhưng, sắp tới công việc này còn khó khăn hơn sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) trong hôm nay (25/5). GDPR được đưa ra nhằm đơn giản hóa và củng cố các quy tắc bảo vệ quyền riêng tư của từng công dân. Điều này có nghĩa là, các hồ sơ trực tuyến của bất kỳ ai thuộc EU sau 25/5 (gồm tên, địa chỉ, email...) đều không thể bị xâm phạm.

"GDPR sẽ tác động tiêu cực đến an ninh Internet tổng thể, vô tình hỗ trợ tội phạm mạng. Khi bị hạn chế truy cập vào thông tin quan trọng, luật mới sẽ làm khó các nhà điều tra cũng như các quan chức thực thi pháp luật, thậm chí cản trở việc điều tra tội phạm mạng, trộm tiền điện tử, lừa đảo, tung phần mềm độc hại và nhiều thứ khác", Jevans nhấn mạnh.

2017 là năm ghi nhận sự bùng nổ của tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin. Đồng tiền này đã gây nên cơn sốt khi giá trị của nó tăng phi mã, tiệm cận mốc 20.000 USD mỗi đồng. Tuy nhiên, từ đầu 2018 đến nay, Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo khác liên tục hạ nhiệt với giá trị giảm nhiều lần so với lúc đỉnh điểm.(Vnexpress)
-------------------------

Doanh nghiệp châu Á đua nhau đổ tiền thâu tóm công ty dược phẩm phương Tây

Nắm bắt được tiềm năng thị trường dược phẩm tăng mạnh khi người châu Á ngày một giàu có hơn, các công ty chi tiền không tiếc tay nhằm giành thêm quyền sản xuất dược phẩm.

Công ty dược phẩm Takeda Pharmaceutical đang ngày một mở rộng về quy mô với thỏa thuận thâu tóm hãng dược phẩm Ireland Shire. 

Thế nhưng thương vụ trị giá 46 tỷ bảng, tương đương 62 tỷ USD này không chỉ là tham vọng của riêng một công ty. Nó đại diện cho một xu thế lớn hơn, trong đó các công ty dược phẩm châu Á cố gắng vươn mình ra thế giới thông qua "trò chơi" sáp nhập và thâu tóm.

Thương vụ mà Takeda Pharmaceutical thực hiện là thương vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp Nhật, thế nhưng nó không phải tham vọng thâu tóm duy nhất do các doanh nghiệp châu Á đang tiến hành.

Hai doanh nghiệp châu Á khác đang theo đuổi mảng da liễu của công ty Thụy Sỹ Novartis. Công ty dược phẩm Aurobindo Pharma của Ấn Độ là một trong hai doanh nghiệp có kế hoạch thâu tóm.

Ngày 11/5/2018, Bloomberg và nhiều trang báo khác đưa tin tập đoàn dược phẩm Shanghai Fosun của Trung Quốc cũng có kế hoạch cạnh tranh, giá trị thương vụ ước tính lên đến 2 tỷ USD.

Trong nhóm những công ty dược phẩm thế giới chuyên sản xuất thuốc mang tên gốc (generic), Aurobindo đứng thứ 10 về doanh số, theo công ty nghiên cứu của Anh có tên Evaluate. Doanh số bán thuốc của Aurobindo đã tăng gấp hơn 3 lần trong 5 năm gần đây. 

Còn Shanghai Fosun là công ty con chuyên trách mảng dược phẩm thuộc tập đoàn đa ngành Fosun. Tập đoàn này không ngừng mở rộng hoạt động thông qua hàng loạt các vụ thâu tóm, trong đó có vụ mua lại một công ty quản lý khu nghỉ dưỡng của Pháp và một công ty bảo hiểm Bồ Đào Nha. 

Trong thế giới các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của con người, những thương vụ với cả bên mua và bên bán đến từ Mỹ chiếm khoảng 30% tổng giá trị các thương vụ trong năm 2017, thấp hơn nhiều so với con số 52% vào năm 2015, theo phân tích của chuyên gia hàng đầu về ngành khoa học cuộc sống tại Ernst & Young Global, bà Pamela Spence. Bà Spence chỉ ra các công ty châu Á đang ngày một tăng được sự hiện diện trong các thương vụ lớn.

Vậy các công ty dược phẩm châu Á đang ngày một thách thức các đối thủ phương Tây như thế nào?

Một lý do là bởi thị trường thuốc mang tên gốc ngày một tăng trưởng mạnh. Tổ chức Evaluate ước tính thị trường thuốc mang tên gốc toàn cầu có quy mô ước khoảng 80 tỷ USD trong năm ngoái, quy mô như vậy ước tính tăng đến 35% so với năm 2010. Nhật vẫn ưa thích các loại thuốc mới, thế nhưng nhu cầu thuốc mang tên gốc tại Mỹ - thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới cũng như tại các nước mới nổi tăng nhanh.

Một chuyên gia dược phẩm Nhật lý giải cho xu thế này: “Các loại thuốc mới được phát triển ở Nhật, thế nhưng chỉ một nhóm nhỏ các nước giàu có thể có tiền chi trả cho thuốc đắt tiền. Tại nhóm nền kinh tế mới nổi nơi mức thu nhập đang tăng lên và dịch vụ y tế ngày một phát triển, thuốc mang tên gốc ngày một phổ biến hơn. Chính vì vậy, các công ty dược phẩm châu Á càng được đà phát triển.

Ấn Độ tập trung nhiều công ty kiểu như vậy và họ cùng đang ráo riết săn lùng công ty toàn cầu. Lupin đầu tư 150 triệu USD để thâu tóm Symbiomix Therapeutics của Mỹ vào cuối năm ngoái và giành được bản quyền thuốc phụ khoa. Theo CEO của Lupin, ông Vinita Gupta, việc cạnh tranh về giá tốt cho doanh nghiệp Mỹ và rằng công ty sẽ tiếp tục cải thiện lợi thế cạnh tranh với những sản phẩm khó có đối thủ.

Về phía các doanh nghiệp Trung Quốc, nhận được sự bảo trợ mạnh mẽ của chính phủ về việc muốn phát triển ngành dược phẩm, các công ty Trung Quốc cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn trong các hoạt động thâu tóm.(bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục