Các nhà máy dầu độc lập của Trung Quốc đối mặt với đóng cửa theo quy định thuế mới; Vì sao TP HCM muốn thu hút thêm nhiều khách Trung Quốc?; MB đưa ra "chìa khoá" để doanh nghiệp star up tiếp cận vốn tín dụng; Hàng tồn như núi ở cảng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-05-2018
- Cập nhật : 29/05/2018
Đất vàng bị dìm giá thấp để doanh nghiệp thâu tóm
Việc trục lợi khi cổ phần hóa bằng cách định giá thấp hơn thực tế được ông Trần Văn Minh (Quảng Ninh) thảo luận về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước sáng 28/5.
Theo ông, khi định giá doanh nghiệp, nhiều nơi đã không tính đến giá trị quyền sử dụng đất hoặc không tính đến giá trị sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất. "Nhiều cá nhân, tổ chức đã dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp sau cổ phần hóa với giá rẻ, với động cơ chủ yếu là được hưởng lợi lớn từ đất vàng của doanh nghiệp", đại biểu tỉnh Quảng Ninh nêu.
Ông Minh nói thêm, cách định giá trị doanh nghiệp còn thiếu sót.“Nhiều nơi xảy ra biểu hiện trục lợi khi định giá doanh nghiệp thấp hơn giá trị thật. Để khi doanh nghiệp lên sàn, giá cổ phiếu tăng cao hơn rất nhiều lần. Kiểm toán Nhà nước từng kiến nghị điều chỉnh giá trị của các doanh nghiệp sau khi định giá thêm 22.300 tỷ đồng”, ông nói.
Ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QH
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì nhấn mạnh đến tình trạng sử dụng đất vàng một cách lãng phí của doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều nơi sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, bị lấn chiếm gây lãng phí tài sản công.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường (Hà Nội),việc thất thoát tài sản nhà nước liên quan nhiều đến đất đai khi chuyển đất công thành tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc việc xác định giá đất khi cổ phần hoá không được thực hiện đúng quy định theo Luật Đất đai mà chủ yếu sử dụng bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Ông Cường cho rằng, cómột số vấn đề đang nổi lên liên quan đến đất đai khi "95% khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai". Khiếu kiện kéo dài, đông người, những điểm nóng về an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ... cũng liên quan đến đất đai.
"Nguyên nhân cơ bản là chính sách đất đai đang áp dụng đi ngược lại nguyên tắc quản lý đất trong cơ chế thị trường. Có thể nói, chúng ta không thành công, chưa nói là thất bại trong quản lý kinh tế với đất đai nên để xảy ra tình trạng hỗn loạn như trên", đại biểu Cường .
Giơ biển tranh luận, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco (đại biểu Nam Định) không đồng tình.Theo ông Dũng, việc định giá doanh nghiệp không thể "chính xác đúng - sai, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường". Ngay các đơn vị tư vấn nước ngoài cũng khó đưa ra dữ liệu sát thực thị trường nhất.
"Định giá doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào giá trị đất, mà giá trị đất là câu chuyện vị trí – vị trí và vị trí. Vì thế, việc định giá giá trị doanh nghiệp chỉ được xem là giá tham khảo, giá sàn khi tổ chức đấu giá cổ phần doanh nghiệp" ,ông nói.
Mấu chốt vấn đề, theo đại biểu Nam Định, là việc định giá trị doanh nghiệp chưa đúng thị trường có khiến Nhà nước mất vốn hay không, còn việc định giá chưa sát thị trường nhưng không mất vốn Nhà nước thì "chấp nhận được".
Then chốt, theo ông Dũng,đã thiếu sự giám sát trongtổ chức đấu giá doanh nghiệp. Ông đề nghị,cần hoàn thiện quy trình đấu giá cổ phần doanh nghiệp khi đưa lên sàn, như vậy mới giảm được thất thoát.(Vnexpress)
---------------------
Giá tôm chạm đáy 2 năm, Vasep khuyến cáo người dân bình tĩnh để tránh thiệt hại
Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, những ngày này, đồng bằng sông Cửu Long lao xao vì giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày.
Giá tôm chân trắng tại đầm quý I năm nay giảm 15% so quý IV/2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg tháng 4 giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng 3 xuống 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg xuống 85.000 - 90.000 đồng/kg
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm chân trắng và tôm sú tại tỉnh Sóc Trăng cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần và hiện ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giảm từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2018. Tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg.
Sở Công thương Cà Mau cho biết, đầu tháng 5, giá tôm chân trắng tiếp tục giảm xuống mức thấp. Cụ thể, tôm loại 100 con/kg chỉ còn giá khoảng 80.000 đồng/kg, giảm 15% so tháng 4; còn tôm loại 70 - 90 con/kg giảm nhiều hơn nữa.
Có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc giá tôm giảm tuy nhiên theo đánh giá đây chỉ là đợt giảm giá mang tính thời điểm và theo xu hướng giảm chung của thế giới.
Giá tôm giảm một phần còn do nguồn cung trên thị trường khá cao. Sản lượng tôm nước lợ cả nước 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 119,8 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 56,9 nghìn tấn, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 62,9 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước 46,7 đạt nghìn tấn, tăng 1%, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 51,5 nghìn tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước tình hình này, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng (MTSA) đã động viên người nuôi bình tĩnh thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Đây được cho là giải pháp dung hòa và đúng đắn tại thời điểm này bởi nếu dừng việc thả nuôi thì chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí và duy trì sinh kế. Song song đó MTSA còn có những kiến nghị về giải pháp tới Chính phủ và ngân hàng để người nuôi được tháo gỡ phần nào về vốn cho phát triển nuôi tôm đúng hường đã đề ra của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Các doanh nghiệp (DN) cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước XK tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp. Hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều DN Việt Nam đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, DN và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này.
Vasep cũng khuyến cáo, khi sản lượng của các nước đồng loạt tăng, nhà nhập khẩu (NK) muốn ép giá và chờ giá giảm. Để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, người nuôi không nên bỏ ao, hãy bình tĩnh thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục.
Cũng theo Vasep, theo nhiều chuyên gia ngành tôm trên thế giới, sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ sẽ giảm thả nuôi, nguồn cung dự báo giảm. Sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu "ấm lên" từ các thị trường NK, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. NK tôm của các thị trường NK chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay.
Tuy nhiên để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).(CafeF)
-------------------------
Doanh nghiệp giấy đứng ngồi không yên
Giá giấy tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng giấy (giấy viết, giấy in báo, văn phòng phẩm từ giấy, giấy bao bì…) lo lắng rất nhiều
Cuối tháng 3, các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường giá mặt hàng mùa khai trường ở TP HCM gửi văn bản đến Sở Tài chính đăng ký điều chỉnh giá một số mặt hàng tập học sinh. Những DN không tham gia bình ổn thị trường mặt hàng này thì âm thầm tăng giá vì không cầm cự nổi trước sức "nóng" của giá giấy nguyên liệu.
Ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập Việt (chuyên sản xuất văn phòng phẩm từ giấy), cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, giá giấy nguyên liệu đã tăng 30% kéo giá bán sản phẩm giấy văn phòng phẩm và giấy in tăng theo. "Có tháng cao điểm giá giấy đầu vào tăng 2-3 lần, tháng 4 chững lại nhưng cũng tăng 1 lần. Vì giá giấy nguyên liệu tăng liên tục nên công ty không dám ký hợp đồng giữ giá 3-6 tháng như thông lệ mà phải tính toán trên từng đơn hàng" - ông Trung cho biết.
Giá giấy nguyên liệu leo thang kéo giá sách báo, tập vở… tăng theo Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Chu Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH In bao bì Ngân Hà, phản ánh không chỉ nguồn giấy nhập từ Trung Quốc mà từ Thái Lan, Indonesia cũng tăng cao so với 3-4 tháng trước làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. "Hợp đồng với khách hàng thường có hiệu lực 1 năm, muốn thương lượng lại giá phải chờ đến khi ký hợp đồng mới nên thời điểm này chúng tôi phải tìm cách tiết giảm chi phí" - ông Cường nói.
Số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho thấy trong vòng 1 năm, giá bột giấy trên thế giới đã tăng bình quân trên 42% và có chiều hướng tăng thêm. Tại Việt Nam hiện nay, hầu như không có DN sản xuất bột giấy thương phẩm công suất lớn, ngành bột giấy chỉ đáp ứng 21,8% công suất sản xuất giấy; số còn lại lấy từ nguồn bột giấy nhập khẩu, giấy loại thu gom nội địa và giấy loại nhập khẩu.
Đầu tháng 5, giá giấy in báo dao động ở mức 17,5-18,5 triệu đồng/tấn, tăng 1,5-2,5 triệu đồng/tấn; giấy viết khoảng 32,5-24 triệu đồng/tấn, tăng 4-4,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 12-2017. Cũng theo VPPA, 4 tháng đầu năm, Việt Nam sản xuất hơn 1,18 triệu tấn giấy và nhập khẩu 465.000 tấn, tăng lần lượt 60% và 5% so với cùng kỳ 2017. Lượng giấy nhập khẩu chủ yếu là giấy làm bao bì cao cấp, giấy ăn, giấy hoa văn. Giá giấy nguyên liệu trong tháng 4 đã giảm nhẹ nhưng vẫn đang đứng ở mức cao và có khả năng gia tăng nên các DN sản xuất giấy văn hóa (sách báo, giấy viết, giấy photocopy) bị ảnh hưởng khá mạnh.
Các DN ngành giấy đang nhập phần lớn nguyên liệu từ Indonesia, Malaysia và một số nước châu Âu. Nhập khẩu bột giấy từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ nhỏ. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng giấy nguyên liệu và thành phẩm của Trung Quốc rất lớn trong khi nước này đóng cửa hàng loạt nhà máy giấy khiến nguồn cung thiếu hụt dẫn đến biến động thị trường chung, đẩy giá giấy leo thang. (NLĐ)
-------------------------------
Bảo vệ môi trường, EU cấm cả tăm bông ráy tai bằng nhựa
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 28-5 đã đưa ra đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, tăm bông ráy tai,... đồng thời kêu gọi các nước thành viên thu gom 90% các loại chai nhựa vào năm 2025.
Các sản phẩm dùng một lần như tăm bông nhựa để ráy tai sắp sửa biến mất khỏi châu Âu - Ảnh: AFP
Đề xuất này sẽ cần được 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu thông qua trước khi có hiệu lực. Hồi đầu năm nay, Anh - quốc gia chuẩn bị rời EU, đã ra lệnh cấm ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Theo đề xuất mới của EC, các sản phẩm nhựa dùng một lần và dễ thay thế như ống hút, đĩa, thìa, đũa sẽ bị cấm và được thay thế bằng các vật liệu cứng bền vững, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, các thành viên EU cũng phải giảm việc sử dụng các đồ chứa thức ăn hoặc đồ uống được làm từ nhựa, dùng các giải pháp thay thế khi bán hàng hoặc đảm bảo rằng người mua phải trả tiền khi sử dụng các vật này, theo hãng tin Reuters.
Các nhà sản xuất cũng phải đóng một khoản phí quản lý rác thải và sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn. Bên cạnh đó, họ cũng phải dán nhãn sản phẩm và thông tin tới người tiêu dùng về việc rác thải sẽ được xử lý như thế nào.
Theo kế hoạch trên, vào năm 2025, các nước thành viên phải thu gom 90% các chai lọ dùng một lần, các nhà sản xuất cũng có trách nhiệm hỗ trợ chi phí xử lý số chai nhựa này.
Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans kêu gọi sự chung tay của các nước thành viên trong việc hạn chế rác thải nhựa.
"Thải đồ nhựa ra môi trường rõ ràng là vấn đề lớn và người dân châu Âu cần cùng nhau hành động để giải quyết vấn đề này, bởi vì chúng ta sẽ sớm thấy rác nhựa bị thải ra ở trong không khí, trong đại dương, trong đất và cả trong thức ăn của chúng ta", ông Timmermans nhấn mạnh.
Theo ông Timmermans, các biện pháp trong gói đề xuất nói trên sẽ giúp giảm các loại đồ nhựa dùng một lần được bày bán trên các sạp hàng ở siêu thị. Các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ những quy định mới tại thị trường 500 triệu dân của EU, cũng như nhờ sự "bùng nổ" của thị trường sản phẩm bền vững trên toàn cầu.
Trước gói đề xuất trên, EU đã đưa ra một đề xuất khác đưa ra hồi tháng 1-2018, theo đó vào năm 2030, toàn bộ các loại bao bì bằng nhựa tại châu Âu sẽ phải chuyển thành loại có thể tái sinh, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu các sản phẩm rác thải nước ngoài để tái chế. EU đang xuất khẩu một nửa số rác thải nhựa thu gom được, 85% trong đó xuất sang Trung Quốc.(Tuoitre)