Một loạt ngân hàng bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế; Giá dầu giảm do ba nhà sản xuất hàng đầu dự kiến tăng nguồn cung; TP.HCM: Điều chỉnh hệ số giá đất tính bồi thường ở 2 dự án
Tin kinh tế đọc nhanh 28-05-2018
- Cập nhật : 28/05/2018
Đề xuất đầu tư siêu dự án lấn biển 8 tỷ đô tại Đà Nẵng
Dự án nằm cách bờ biển gần 1km và nối với đất liền bằng nhiều cây cầu hiện đại.
Đề xuất đầu tư siêu dự án lấn biển 8 tỷ đô tại Đà Nẵng
Các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavillion-Malaysia, Quỹ Bamboo Capital và Công ty CP Lương thực Đà Nẵng đã có đề xuất thực hiện dự án lấn vịnh Đà Nẵng thực hiện dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island tại vịnh Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 8 tỉ USD.
Được biết, mục tiêu ban đầu của dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island là xây dựng một đặc khu kinh tế bằng việc xây dựng đảo nhân tạo hình thành các khu chức năng như khu dân cư, casino, trung tâm tài chính - thương mại, khu đua Công thức 1, khu bán lẻ miễn thuế, sân golf... Dự án nằm cách bờ biển gần 1km và nối với đất liền bằng nhiều cây cầu hiện đại.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Pavillion có trụ sở chính tại Malaysia, hiện tập đoàn này đang có nhiều dự án lớn trên thế giới. Quỹ Bamboo Capital trực thuộc Công ty Bamboo Capital - gồm nhiều công ty thành viên hoạt động ở đa dạng lĩnh vực tại Việt Nam.
Trong khi đó, Công ty CP Lương thực Đà Nẵng tiền thân là Công ty Lương thực Quảng Nam Đà Nẵng hoạt động từ năm 1992, không phải là một công ty chuyên ngành.
Qua cuộc làm việc với các nhà đầu tư mới đây, Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã giao các sở ngành, các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê phối hợp với Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư cung cấp các thông tin cần thiết để nhà đầu tư hoàn thiện đề xuất dự án đầu tư.(CafeF)
-----------------------
Bộ Tài chính lý giải nhiều dự án đầu tư công 'đội vốn'
Chiều 25/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương Ngân sách nhà nước. Nhiều vấn đề liên quan đến việc các dự án đầu tư công bị đội vốn, tăng vốn rất nhiều so với mức đầu tư ban đầu cũng như các biện pháp kiểm soát chi đã được đưa ra và làm rõ.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư.
Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Tuấn Anh chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc "đội vốn". Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm. Song nhìn chung là do chất lượng ở khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án). Chất lượng thẩm định không cao hay như khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài....). Đặc biệt, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.
Để ngăn chặn được tình trạng này, ông Lê Tuấn Anh cho rằng phải tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư, giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý mạnh...
Một vấn đề khác được đưa ra tại cuộc họp báo là vấn đề chi ngân sách. Theo dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết, qua kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm 2018, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đáng chú ý, trong thực tế cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, tiến độ chi đầu tư phát triển 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ.
Một trong những biện pháp kiểm soát chi mà Bộ Tài chính đưa ra là khoán xe công, quản lý trụ sở công. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý Công sản, Bộ tài chính cho rằng, quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo phương thức tự nguyện, nhưng đã quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo hướng dễ thực hiện, đảm bảo phương tiện cho đối tượng nhận khoán. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án khoán xe.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng... Trong đó, một số bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công, kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe, số lượng nhân viên lái xe, tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công..., tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và các cơ quan truyền thông.
Về quản lý trụ sở, ông Trần Đức Thắng cũng cho biết đã đạt được những kết quả quan trọng như nắm được tổng thể trụ sở làm việc, tổng số nhà, đất đã được phê duyệt phương án là 128.256 cơ sở nhà, đất với diện tích đất là 1.989.813.742 m2, diện tích nhà là 118.202.686 m2. Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng là 117.579 cơ sở, chuyển giao chính sách nhà ở, đất ở là 621 cơ sở, điều chuyển 2.785 cơ sở, bán 3.036 cơ sở, thu hồi 641 cơ sở, chuyển mục đích sử dụng đất 402 cơ sở, di dời 80 cơ sở và phương án khác là 3.155 cơ sở nhà, đất.
Đồng thời, tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cùng đó, khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư hiện đại hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại như các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà đất dôi dư so với tiêu chuẩn, định mức; sử dụng lãng phí, bỏ trống, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Việc khắc phục tình trạng sử dụng trụ sở làm việc, nhà, đất sai quy định diễn ra còn chậm, kéo dài, thiếu chế tài xử lý từ khâu chính sách đến tổ chức thực hiện; một số Bộ, ngành không thực hiện bàn giao lại trụ sở cũ khi xây dựng trụ sở mới.
Ông Trần Đức Thắng cho rằng, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành định mức sử dụng diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để làm cơ sở đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, bố trí sử dụng, xử lý nhà, đất; tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức đối với diện tích chuyên dùng...(TTXVN)
-------------------------
Sắp có cuộc đua giảm giá ô tô?
Rất nhiều dự báo cho rằng giá xe hơi tháng 6 này sẽ giảm đáng kể trong bối cảnh xe nhập khẩu từ các thị trường hưởng thuế ưu đãi 0% ngày càng nhiều.
Lượng xe nhập tăng mạnh được dự báo sẽ có đợt giảm giá tranh thị phần - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Số liệu tạm thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5.2018 đã có khoảng hơn 2.000 xe ô tô được nhập khẩu vào VN. Trong đó, xe dưới 9 chỗ chiếm gần 1.500 chiếc và hơn 85% số này nhập từ Thái Lan với thuế nhập khẩu là 0%. Nếu tính lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng xe nhập từ Thái Lan cũng áp đảo hoàn toàn thị trường xe hơi nhập và nhiều lô hàng đã hoàn tất kiểm định để đưa xe ra thị trường. Ngoài ra, sau Honda, GM, thông tin từ các nhà nhập khẩu, hãng xe của Nhật Mitsubishi cũng đã hoàn tất các thủ tục về giấy chứng nhận kiểu loại ô tô từ chính phủ Thái Lan. Theo dự kiến, trong tháng 6, lô xe Mitsubishi đầu tiên cập cảng VN.
Ông Nguyễn Văn Thành - chủ đại lý xe hơi trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Thị trường xe hơi tháng 6 này chắc chắn sôi động. Dự báo sẽ có những đợt khuyến mãi giảm giá cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi thông tin chúng tôi có được, đến nay đã có 3 hãng xe được cấp giấy chứng nhận kiểu loại đáp ứng quy định tại Nghị định 116 từ quốc gia là nội khối. Và như vậy, thị trường xe nhập hưởng thuế 0% không chỉ có những chiếc mẫu xe của Honda, Chevrolet mà sẽ có thêm các mẫu thể thao của Mitsubishi nữa”. Cuộc đua giảm giá này được ông Thành cho là sẽ không kém phần khốc liệt và thú vị, bởi người mua sau thời gian “nín nhịn”, nay có quá nhiều thông tin đã trở nên “khôn ngoan” hơn trong lựa chọn. Tuy nhiên, không hẳn khi nào chiến lược giảm giá cũng sẽ thành công.
Theo ghi nhận, ngoài giảm giá, việc tập trung tung ra nhiều mẫu mã thuộc các phân khúc để tăng độ phủ sóng trên thị trường cũng được các nhà sản xuất lưu ý. Hiện các mẫu xe mới từ thị trường hưởng thuế ưu đãi của Honda, Chervolet đã về đến VN. Thời gian gần đây, một số mẫu xe từ châu Âu - nơi chịu thuế nhập khẩu cao như Slovakia, Hungary, Tây Ban Nha, Đức và Mexico cũng đã được nhập về VN để thăm dò thị trường. Rõ ràng so với xe từ thị trường ASEAN, xe nhập từ châu Âu, châu Mỹ sẽ thiệt thòi hơn khi phải đóng thuế suất nhập khẩu. Song theo các đại lý xe hơi, rất nhiều người tiêu dùng vẫn hỏi các mẫu xe Cross Polo, Tiguan Allspace của Volkswagen, Futuner của Toyota hay Avanza, Pajero và Triton của Mitsubishi.(Thanhnien)
----------------------
8 dự án bãi đậu xe ngầm quanh trung tâm TP.HCM đều chậm tiến độ
Cách đây 13 năm, UBND TP.HCM đã chọn 8 địa điểm để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay TP.HCM vẫn chưa có một bãi đậu xe ngầm công cộng nào được xây dựng hoàn thành.
Theo quy hoạch phát triển giao thông của TP.HCM, khu vực quận 1 và một phần các quận 3, 4 và Bình Thạnh có tổng diện tích bãi đậu xe 8,9ha, trong đó có 4 bãi đậu xe ngầm tập trung tại quận 1. Ðây là những dự án lớn khi đưa vào sử dụng được kỳ vọng giúp giải quyết đáng kể chỗ đậu xe đang thiếu trầm trọng tại khu vực trung tâm.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện nay bãi xe công viên Lê Văn Tám (có tổng mức đầu tư 1.748 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, di dời cây xanh.
Bãi xe công viên Tao Đàn (1.055 tỷ đồng) đang được chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2022. Tuy nhiên, Sở STVT cho biết hiện tiến độ hoàn thành nghiên cứu khả thi chậm, nhà đầu tư đã đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 6/2018. Dự kiến thời gian lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2018 và triển khai dự kiến hoàn thành năm 2020.
Bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng (740 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn thiện phương án hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng. Thời gian dự kiến khởi công dự án sẽ chuyển qua năm 2018 và hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020.
Trong khi đó, bãi đậu xe sân vận động Hoa Lư (3.419 tỷ đồng) đang được chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, một dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm ngay cạnh Nhà hát TP.HCM đã được chủ đầu tư trả lại do vướng nhiều thủ tục pháp lý suốt nhiều năm liền.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết mặc dù các bãi đậu xe ngầm đã được giao cho các chủ đầu tư từ lâu, nhưng tiến độ thi công vẫn chậm, có dự án động thổ từ năm 2010 nhưng hiện vẫn chưa triển khai.
Nguyên nhân chính khiến các dự án bãi đỗ xe ngầm vẫn "án binh bất động" nhiều năm qua là do vướng mắc về chính sách, thủ tục, nên một số nhà đầu tư đã xin rút. Mặt khác, các dự án bãi đỗ xe ngầm được ngân hàng xếp vào loại đầu tư bất động sản, nên mức tín dụng rất hạn chế.
Ngoài ra, hầm ngầm đỗ, giữ xe là dạng dự án mới, chưa có tiền lệ, vì vậy rất khó xác định đơn giá thuê đất. Chưa kể các dự án này thường có tổng mức đầu tư lớn, trong khi mức lãi suất vay hiện nay vẫn còn cao, ảnh hưởng khả năng huy động vốn làm dự án.
Với nhu cầu đậu xe rất lớn tại khu vực trung tâm thành phố, Sở GTVT TP.HCM mới đây đã kiến nghị UBND TP.HCM nên đầu tư xây dựng bãi đậu xe tự động thông minh. Trước mắt, Sở này sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan và các nhà đầu tư xây dựng ngay các bãi đậu xe thông minh có quy mô nhỏ (10 - 20 chỗ/vị trí) trên phần đất công của các cơ quan, công sở ở khu vực trung tâm để hạn chế tối đa tình trạng dừng, đỗ dưới lòng đường. (Thoidai)