Ngân hàng Nhà nước nói gì về huy động vàng trong dân?; Thực phẩm organic lớn mạnh nhờ thế hệ Y; Xuất khẩu dầu của Mỹ đạt kỷ lục, lấy vào thị phần của Nga, OPEC ở châu Á; Ngân hàng hút vốn bằng khuyến mãi, chứng chỉ tiền gửi
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-05-2018
- Cập nhật : 28/05/2018
"Muôn vẻ" cách đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt
Nếu nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc chọn cách thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), nhượng quyền thương hiệu với các doanh nghiệp, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Việt Nam để “đi nhanh” hơn thì nhà đầu tư Nhật Bản lại chọn cách làm khác đó là tự mình xây dựng chuỗi trung tâm thương mại.
Nhà đầu tư có đang mạo hiểm?
Được biết việc hoàn vốn của các trung tâm thương mại này thường phải mất 5 năm do vốn đầu tư lớn, nhà đầu tư Nhật Bản có đang mạo hiểm?
Mới đây nhất, phải kể đến thương vụ đầu tư của “ông lớn” đến từ Nhật Bản đó là Tập đoàn AEON vốn đã quen thuộc với thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây. Thông qua Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam Tập đoàn AEON đã tiến hành đầu tư thêm một trung tâm thương mại tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trị giá 190 triệu USD. Dự án này đi vào triển khai nâng tổng số dự án đầu tư vào hạ tầng thương mại của nhà đầu tư này lên 6 với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 1 tỷ USD.
Nhà đầu tư này đặt mục tiêu đến năm 2025, AEONMALL sẽ có 20 trung tâm thương mại trên toàn Việt Nam, như vậy, so với tham vọng, nhà đầu tư này mới đang đi được 1/3 chặng đường.
Việc đầu tư vào hạ tầng thương mại mà cụ thể là xây dựng trung tâm thương mại của nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, sau các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).
Ngoài ra, kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) về thị trường bán lẻ Việt Nam được công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Quay trở lại dự án của AEONMALL, dự án thứ 6 này được triển khai trong bối cảnh, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác như Hàn Quốc, Thái Lan...sự cạnh tranh đến từ chính các chuỗi bán lẻ từ những người đồng hương Nhật Bản.
Ngoài ra, cũng phải kể đến, các mô hình trung tâm thương mại từng “vang bóng một thời” những năm 2005 – 2010 của Việt Nam đang chết dần hoặc sống lay lắt như trung tâm thương mại Parkson, Grand palza hay thậm chí là Tràng Tiền Plaza.
Như vậy có thể thấy, “miếng bánh” bán lẻ màu mỡ là thế, tuy nhiên “đất đã chật, người cũng đã đông”. Chưa kể đến, hoạt động hoàn vốn của các trung tâm thương mại này phải lên tới 5 năm.
Trao đổi với DĐDN, ông Yasutsugu Iwamura – Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam cho biết: “Trung tâm thương mại này sẽ hướng đến các dịch vụ tiện ích hơn cho người sử dụng, ví dụ bãi đỗ xe rộng hơn. Theo đó, nhà đầu tư cũng hướng đến việc tích hợp thêm nhiều ngành hàng hơn và dịch vụ đa dạng hơn”.
Ngoài ra, để triển khai dự án trung tâm thương mại AEONMALL tại Hải Phòng này, nhà đầu tư Nhật Bản đã lựa chọn “bắt tay” với doanh nghiệp được cho là am hiểu thị trường nội địa để triển khai dự án là Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Bất Động Sản Việt Phát.
Việc lựa chọn bắt tay với doanh nghiệp Việt Nam, giữa một bên có nguồn vốn, kinh nghiệm đầu tư, một bên am hiểu thị trường và văn hoá kinh doanh thị trường nội địa chính là xu hướng hợp tác của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường Việt Nam không chỉ riêng trong ngành bán lẻ. (DDDN)
---------------------
Năm tháng đầu năm triển khai cổ phần hóa còn rất chậm
Bộ Tài chính cho biết theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (bao gồm: 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018).
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, đến hết tháng 5/2018 mới cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp (chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN).
Năm doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, gồm: Công ty TNHH MTV cà phê Phước An - Đăk Nông; Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk; Công ty TNHH MTV Vạn Tường - Quân khu 5; ban quản lý khai thác cung cấp nước sinh hoạt huyện Châu Thành - Bến Tre; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Theo đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 3.131 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.509 tỷ đồng; bán có nhà đầu tư chiến lược 211 tỷ; đấu giá công khai 1.371 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 38 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 868 triệu đồng).
Bộ Tài chính nhận định, việc triển khai cổ phần hóa còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-DDMDN. Đối với việc thoái vốn, theo Bộ tài chính, 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thoái được 1.469 tỷ đồng, thu về 3.973 tỷ đồng
Theo Quyết định số năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có một đơn vị thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn. Lũy kế đến nay mới chỉ có 12 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (năm 2017 có 11 đơn vị thực hiện thoái vốn). Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước cũng được nhìn nhận là chậm.
Để hoàn thành kế hoạch được giao, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện kế hoạch.
Đối với các doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018. Đối với các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp...(TTXVN)
--------------------
700.000 người tham gia bán hàng đa cấp tạo ra doanh thu 8.000 tỉ đồng
Theo số liệu báo cáo, tổng số người tham gia bán hàng đa cấp tính đến hết năm 2017 là 707.330 người, tăng 11% so với cuối năm 2016.
Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho thấy doanh nghiệp có số lượng người tham gia lớn nhất là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Oriflame) với 371.547 người. Đứng thứ hai là Công ty TNHH Amway Việt Nam, kế đến là Công ty TNHH New Image Việt Nam.
Tổng cộng doanh thu bán hàng đa cấp (BHĐC) năm 2017 đạt 8.000 tỉ đồng, tăng hơn 330 tỉ đồng so với doanh thu năm 2016. Doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất là Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam với hơn 2.000 tỉ đồng. 3 doanh nghiệp khác có doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng gồm Oriflame, Amway Việt Nam và công ty New Image Việt Nam. Các doanh nghiệp còn lại đều có doanh số dưới 500 tỉ đồng. Đặc biệt tổng doanh thu của 10 công ty dẫn đầu đã chiếm đến 94,3% tổng doanh thu toàn ngành.
TIN LIÊN QUAN
Tăng cường thanh tra thuế hoạt động bán hàng đa cấpDoanh số của các doanh nghiệp BHĐC có đến 71% thu được từ việc bán thực phẩm chức năng và 23% thu từ bán mỹ phẩm. Còn hoạt động bán đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chỉ chiếm 6%.
TIN LIÊN QUAN
- Tăng cường thanh tra thuế hoạt động bán hàng đa cấp
- Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp buộc người tham gia phải đặt cọc
- Hoạt động kinh doanh không thể tách rời trách nhiệm xã hội
Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nêu, tính đến cuối năm 2017, có 34 doanh nghiệp được cấp phép BHĐC nhưng chỉ có 32 doanh nghiệp còn hoạt động. Như vậy số lượng doanh nghiệp BHĐC đã giảm đi 9 đơn vị so với đầu năm 2017. Trong năm qua, có 5 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hoạt động BHĐC nhưng không có đơn vị nào được cấp vì không có đủ điều kiện. Bước sang tháng 3.2018, có một doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động nên tổng cộng hiện còn 33 doanh nghiệp có giấy phép BHĐC trên cả nước.
Trong năm qua, quản lý nhà nước đã xử phạt 10 doanh nghiệp BHĐC do các hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1,88 tỉ đồng và thu hồi giấy phép hoạt động đối với 2 doanh nghiệp.(Thanhnien)
-----------------------------------
Đình chỉ lưu hành 3 mỹ phẩm do hàm lượng thủy ngân quá cao
Các sản phẩm bao gồm: sản phẩm Cream new white tobe effective after 5 days; Cream Victory tobe effective after 5 days và kem tàn nhang - tái tạo ngừa lão hóa Lavish skin as you.
Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Đồng Nai đã lấy 3 mẫu mỹ phẩm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn mỹ phẩm Hoa Việt (địa chỉ chi nhánh 60/18, tổ 28, khu phố 5, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để kiểm tra chất lượng.
Các mẫu mỹ phẩm được lấy để kiểm tra bao gồm sản phẩm Cream new white tobe effective after 5 days; Cream Victory tobe effective after 5 days và kem tàn nhang - tái tạo ngừa lão hóa Lavish skin as you.
Theo Cục Quản lý Dược, cả 3 mẫu đều không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm, do hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Hoa Việt phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng 3 sản phẩm nêu trên; tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng qui định và gửi báo cáo thu hồi về Cục trước ngày 15/6.
Bên cạnh đó, Cục giao Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt và chi nhánh của Công ty này; giám sát việc thu hồi các lô mỹ phẩm không đáp ứng qui định; xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo qui định hiện hành.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm.(CafeF)