Tính chuyện hút thêm 2 triệu tấn dầu thô để bù đắp ngân sách
Giải mã cơn sóng ngầm tăng lãi suất
Năm 2015, cảng Hải Phòng lãi 450 tỷ đồng, chia cổ tức 8%
Xử lý nợ xấu phải có giải pháp căn cơ
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam hầu tòa
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-03-2016
- Cập nhật : 28/03/2016
Miễn thuế xe Nga, vẫn không có ô tô con giá rẻ
Mặc dù Việt Nam sẽ mở cửa đón ô tô Nga với mức thuế suất 0%, thế nhưng đối tượng miễn thuế lại không phải là các dòng xe cá nhân mà là các dòng xe trên 10 chỗ, xe tải và xe chuyên dụng.
Việt Nam và Liên Bang Nga vừa ký kết Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ (Nghị định thư hợp tác về ô tô) trên cơ sở Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA). Tuy nhiên, mức ưu đãi về thuế suất dành cho các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga vào Việt Nam lại không dành cho các dòng xe cá nhân.
Theo Nghị định thư, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo VN – EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%. Như vậy, đối tượng miễn thuế không phải là các dòng xe dưới 10 chỗ. Thêm đó, những cái tên mà hiệp định này nhắc như KAMAZ, GAZ, UAZ… đều là các hãng sản xuất xe chuyên dụng.
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp ô tô trong nước nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ Nghị định hợp tác. Theo Nghị định mới, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Thêm đó, tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa với Nga phải đạt được vào năm 2020 là 25% đối với ô tô chuyên dụng, 30% đối với ô tô tải và ô tô thể thao tiện ích và 35% đối với ô tô chở từ 10 người rồi tiếp đó đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với ô tô chuyên dụng và ô tô thể thao tiện ích, 45% đối với ô tô tải và 50% đối với ô tô chở từ 10 người. Nếu một liên doanh không đạt được mức nội địa hóa đã cam kết nêu trên sau 10 năm thì liên doanh đó sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn nhắm đến việc sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo VN – EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan như nêu trên, các liên doanh phải đáp ứng các điều kiện được quy định cụ thể trong các Nghị định thư hợp tác về ô tô. Ngoài ra, việc sản xuất ô tô của các liên doanh phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và trong kế hoạch thành lập liên doanh các đối tác Nga phải có biện pháp cụ thể cho việc chuyển giao công nghệ theo các thỏa thuận về li-xăng giữa doanh nghiệp hai bên, đóng góp cho việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất linh kiện và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, phát triển hệ thống bảo dưỡng và dịch vụ sửa chữa ô tô, đào tạo công nhân kỹ thuật của Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu ô tô và linh kiện do liên doanh sản xuất sang thị trường các nước, trong đó có thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu và dành cho liên doanh độc quyền kinh doanh các mẫu xe và linh kiện ô tô do liên doanh sản xuất tại thị trường các nước ASEAN.
Nước ASEAN nào rót tiền vào Việt Nam nhiều nhất 2015?
Dẫn đầu lượng vốn FDI vào Việt Nam trong số các nước ASEAN năm 2015 là Malaysia với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm gần 2,5 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng trong năm 2015, đã có 7 nướcASEAN đầu tư vốn FDI tại Việt Nam với 233 dự án cấp mới, 130 lượt tăng vốn, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 5,12 tỷ USD.
Dẫn đầu lượng vốn FDI vào Việt Nam trong số các nước ASEAN làMalaysia với 29 dự án cấp mới tổng vốn đăng ký 2,44 tỷ USD.
Đồng thời, Malaysia cũng có 20 lượt dự án tăng vốn với 30,8 triệu USD vốn tăng thêm, nâng tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của nước này lên tới xấp xỉ 2,5 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký của khu vực ASEAN vào Việt Nam năm 2015.
Thứ tự tiếp theo lần lượt thuộc về Singapore , Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipines, Lào.
Lũy kế từ 1988 đến hết năm 2015, Malaysia xếp thứ 7/110 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam với 523 dự án còn hiệu lực và 13,4 tỷ USD vốn đăng ký.
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án của riêng năm 2015 thì Singapore là nước có số dự án FDI vào Việt Nam nhiều nhất trong khối các nước ASEAN với 138 dự án cấp mới, 1,2 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và 66 lượt dự án tăng thêm, với 862,9 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm từ nước này tại Việt Nam năm 2015 là 2,08 tỷ USD.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng các nước trong khu vực.
Với việc AEC đã chính thức có hiệu lực vào ngày 31/12/2015 đây được coi là một cơ hội lớn về đầu tư và thương mại cho các nước thành viên và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều thách thức cũng như cơ hội đang đặt ra đối với chính phủ và doanh nghiệp các nước thành viên.
Trong thời gian tới, đối với các nước ASEAN, các dự án đầu tư có quy mô lớn sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của khu vực và họ sẽ có những điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư lớn hơn.
Việt Nam sẽ trở thành thị trường của ô tô Thái Lan?
Vượt qua Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan đang trở thành một trong những thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc lớn dành cho thị trường Việt. Và tham vọng của người “láng giềng” không chỉ dừng ở đó.
Cùng với lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) vào Việt Nam tiếp tục giảm, trong tháng 2, thị trường tiếp tục chứng kiến sự vươn lên của dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan vào thị trường Việt.
Theo số liệu từ cơ quan Hải quan, trong tháng 2, lượng nhập khẩu mặt hàng này đạt gần 5.700 chiếc, giảm 3,2% so với tháng trước với trị giá đạt gần 142 triệu USD, giảm 5%.
Trước đó, hồi tháng 1, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam đã giảm xuống hơn một nửa và về số lượng và trị giá. Cùng với đó, lượng tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng giảm xuống đáng kể so với tháng trước. Như vậy, tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại có sự sụt giảm cùng kỳ năm 2015 khi chỉ đạt 11.500 chiếc, giảm 23,5%.
Bắt đầu từ tháng 1, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ thị trường Thái Lan bắt đầu tăng trưởng. Cùng với đó là sự sụt giảm đáng kể cúa các dòng xe nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt, lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 2 chủ yếu có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với 2.120 chiếc, tức là chiếm tới gần một nửa lượng xe nhập trong tháng. Số lượng xe nhập khẩu còn lại là từ Hàn Quốc với hơn 1000 chiếc và Nhật Bản với 590 chiếc.
Mặc dù nhiều người đánh giá, việc sụt giảm của lượng ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ và Hàn Quốc chỉ là tạm thời và có thể ô tô nhập khẩu từ hai thị trường trở lại. Nhưng không thể phủ nhận, Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, đặc biệt là các dòng xe bán tải đang được thị trường trong nước ưa chuộng.
Được xem là quốc gia có nền công nghiệp ô tô phát triển nhất khu vực khi trở thành nơi sản xuất của rất nhiều hãng xe nhưng tham vọng của Thái Lan không chỉ dừng ở đó. Chính phủ nước này hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô của thế giới. Điển hình là là việc gia tăng các chính sách hỗ trợ cho nền công nghiệp ô tô nước này trong thời gian gần đây.
Tờ Bangkok Post vừa đưa tin, trong tháng 3, người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đã có một cuộc hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của các thương hiệu xe Nhật Bản tại Thái Lan. Sau cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha với lãnh đạo 4 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản là Toyota, Isuzu, Honda và Nissan, Chính phủ nước này đã có được "cái gật đầu" cam kết sẽ đầu tư lâu dài của 4 thương hiệu ô tô lớn nhất Nhật Bản.
Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan cho hay: ô tô được xem là 1 trong 10 ngành công nghiệp quan trọng nhất của Thái Lan và được xem là “động cơ mới cho sự tăng trưởng”. Điều Chính phủ Thái muốn hơn nữa là các hãng xe áp dụng công nghệ cao trong sản xuất của mình tại các cơ sở ở đây. Đồng thời tăng cường chuyên giao công nghệ để người dân Thái và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể học hỏi, trong đó, có công nghệ sản xuất các loại pin điện.
Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, Werachon Sukondhapatipak đã cho biết: Chính phủ nước này đang làm hết sức và cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng sau cuộc họp, Giám đốc điều hành các thương hiệu xe Nhật cũng khẳng định cam kết sẽ coi Thái Lan là trung tâm sản xuất chính của mình tại Đông Nam Á và là cơ sở sản xuất lớn nhất chỉ sau Nhật Bản.
Đáng kể, Toyota cho biết họ có kế hoạch sản xuất xe hybrid sử dụng nhiên liệu pin mới. Isuzu sẽ sản xuất xe bán tải thân thiện môi trường, cùng với xe hybrid tiêu thụ dầu diesel sinh học. Nissan sẽ sản xuất xe điện để xuất khẩu và Honda sẽ sử dụng Thái Lan là trung tâm R & D của khu vực.
Viettel cuối cùng cũng nhận giấy phép viễn thông tại Myanmar
Myanmar chính thức mở cửa thị trường di động không dây vào giữa năm 2014, chấm dứt thời kỳ độc quyền bởi nhà mạng quốc doanh là Myanmar Posts and Telecommunications (MPT), và từ đó đến nay, cước di động tại quốc gia này đã giảm hơn một nửa
Gần một nửa dân số Myanmar hiện nay đang sử dụng điện thoại di động...
Từng trượt thầu năm 2013, nhưng sau hai năm, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nhận được giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar - một thị trường được đánh giá có tiềm năng lớn.
Thông tin được trang Nikkei dẫn nguồn từ Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar cho biết, hôm 25/3, cơ quan này đã chính thức công bố Viettel và một liên doanh gồm 11 công ty địa phương sẽ được cấp giấy phép để mở các dịch vụ điện thoại tại Myanmar.
Viettel và liên danh trên sẽ trở thành mạng di động thứ tư tại Myanmar.
Trước đó, bên cạnh mạng viễn thông quốc doanh MPT, tại Myanmar còn có hai hãng viễn thông Telenor ASA của Na Uy và Ooredoo đến từ Qatar. Hai công ty viễn thông này đã trúng thầu giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 2014 tại Myanmar, và trở thành những nhà mạng viễn thông nước ngoài đầu tiên được phép hoạt động ở nước này.
Viettel, đại diện duy nhất của Việt Nam, cũng tham gia đợt đấu thầu nói trên, nhưng trượt. Như lời ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, khi đó do các đối thủ bỏ giá rất cao, nên Viettel không cạnh tranh được.
Tuy nhiên sau đó, Viettel vẫn theo đuổi mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar, khi thông qua nghị quyết dự án đầu tư vào thị trường này, đồng thời lập công ty Viettel Myanmar để tìm kiếm cơ hội tại đây.
Ngoài Viettel, một tập đoàn viễn thông khác của Việt Nam là VNPThồi tháng 9/2014 cũng khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar), với mục tiêu làm “bước đệm” thâm nhập vào thị trường này.
Myanmar chính thức mở cửa thị trường di động không dây vào giữa năm 2014, chấm dứt thời kỳ độc quyền bởi nhà mạng quốc doanh là Myanmar Posts and Telecommunications (MPT), và từ đó đến nay, cước di động tại quốc gia này đã giảm hơn một nửa.
Nếu như cuối năm 2012, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Myanmar mởi chỉ là 9% (tương đương với 5,4 triệu người trong tổng số 60 triệu dân của nước này) sở hữu thuê bao di động, thì nay tỷ lệ này đã lên tới gần 50%.
Sau khi Telenor và Ooredoo cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar và phát triển mạnh mẽ, mạng MPT đã liên doanh với hai đối tác Nhật là nhà mạng KDDI và tập đoàn Sumitomo để củng cố sức mạnh và chiếm giữ thị phần.
Hiện tại, MPT đang chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo khoảng 5,8 triệu thuê bao.
Nhà thầu Trung Quốc: Nên hay không?
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết thế giới nhận xét nhiều doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với đối tác theo “quan hệ” là chính chứ không dựa vào hợp đồng
Việc một doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục trúng thầu cung cấp đường ống nước bằng gang dẻo cho dự án xây dựng đường ống nước sông Đà số 2 (Hà Nội) tiếp tục dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng công trình có nguồn gốc từ người bạn láng giềng này.
Thường gặp sự cố
Là người trực tiếp làm việc trong ngành xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết thế giới nhận xét nhiều doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với đối tác theo “quan hệ” là chính chứ không dựa vào hợp đồng. Quan hệ này tức là sự tin tưởng nhau, không cần ký kết hợp đồng chặt chẽ, chuyên nghiệp.
“Trong nhiều trường hợp, Việt Nam đã làm việc với đối tác Trung Quốc theo quan hệ kiểu này. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải kiên quyết không cho cái lệ này vào Việt Nam khi làm ăn với Trung Quốc” - TS Liêm nói. Theo ông, khi ký kết hợp đồng cần đầy đủ, quy định rõ ràng trách nhiệm, ghi chú cả những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, sự cố bất ngờ… để 2 bên có căn cứ thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Tiếc rằng phía Việt Nam đã chưa thực sự tỏ ra chuyên nghiệp trong nhiều hợp đồng, dẫn đến tình trạng đối tác chây ì, chậm tiến độ, đội giá công trình…
Thêm một lý do nữa dẫn đến các dự án có yếu tố nước ngoài thường gặp sự cố hoặc “tai tiếng” - theo ông Liêm - là do công tác kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan chức năng chưa tốt chứ không hẳn do phía đối tác làm sai. “Đối với dự án đầu tư công ở các nước khác, cơ quan quản lý nhà nước không được tự quản lý mà phải thuê tư vấn quản lý. Đó là một đơn vị chuyên nghiệp, được đào tạo sâu về quản lý dự án bởi quản lý dự án thực tế là một môn học tương đối phức tạp. Còn người quản lý của chúng ta không hề chuyên nghiệp, thường được sắp xếp từ bộ phận khác sang” - TS Liêm phân tích.
Thậm chí, theo TS Phạm Sỹ Liêm, có một thực tế là ban quản lý dự án không có năng lực nhưng vẫn “ôm” lấy việc quản lý, giám sát vì có thể tận dụng để kiếm chác, xà xẻo. “Ở Trung Quốc, dự án công quá 5 triệu nhân dân tệ là bắt buộc phải thuê tư vấn quản lý; còn ở Việt Nam, năng lực không có mà cứ ôm lấy. Phải thay đổi tư duy quản lý ngay, nếu không thì nhận đủ thiệt thòi” - TS Liêm khuyến cáo.
Lấp lỗ hổng của luật pháp
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, ông Bùi Trung Dung, thừa nhận khi tổng kết Luật Xây dựng 2003, cơ quan soạn thảo của Chính phủ cùng với các hiệp hội đã chỉ ra rất nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng các công trình xây dựng bị ảnh hưởng. Do đó, Luật Xây dựng 2014 khi ban hành đã khắc phục được các hạn chế này về mặt pháp lý. “Nội dung về ban quản lý dự án đã được quy định trong luật là ban quản lý phải chuyên nghiệp, có năng lực chứ không phải cứ có công trình mới vội vàng thành lập ban quản lý dự án như trước kia” - ông Dung dẫn chứng.
Về khâu giám sát, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho rằng chúng ta phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. “Chúng tôi đã nhận ra rằng chuyện chất lượng công trình xây dựng kém và chuyện nhà thầu nước ngoài có năng lực không tốt là do công tác quản lý dự án, công tác giám sát điều kiện hợp đồng của phía Việt Nam chưa ổn. Do đó, tôi đánh giá Luật Xây dựng đã khắc phục được điểm yếu này và hơn một năm nay, rõ ràng chất lượng công trình xây dựng đã tốt lên” - ông Dung nói.
Phân tích rõ thêm, ông Dung cho hay các quy định về đầu tư, xây dựng đã được ban hành kỹ càng hơn rất nhiều. Nếu như ngày trước cứ có vốn là “cuống cuồng” lên thực hiện dự án thì nay, vốn trung và dài hạn đều được công bố minh bạch theo quy định của Luật Đầu tư công để lên kế hoạch thực hiện hợp lý. Thêm nữa, chủ đầu tư phải chứng minh được nguồn vốn mình có mới đủ điều kiện đầu tư nên tình trạng “dây dưa”, kéo dài trong các dự án đã được hạn chế rất nhiều.
“Những hạn chế từ trong nước làm ảnh hưởng đến chất lượng dự án đã được hoàn chỉnh về mặt pháp luật và đang trong quá trình thực thi. Chúng tôi đang nắm tình hình thực hiện từng tháng, từng quý một để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội điều chỉnh nếu cần” - ông Dung thông tin.