Ukraine bất ngờ ra tiền giấy bằng… sợi lanh
Theo tin từ Ngân hàng TW của Ukraine thì đồng hryvna của nước này sẽ được sản xuất từ sợi lanh.
Ngân hàng Ukraine lý giải dùng sợi lanh vì tính chất bền và dai hơn của nó. Hiện nay nó cũng được sử dụng để sản xuất đồng USD. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa chắc chắn liệu điều này có thể biến đồng hryvnia hiện khá “yếu đuối” trở thành một loại tiền tệ có giá trị “bền vững” không.
Trong một thông cáo báo chí, Ngân hàng TW Ukraine cho biết rằng đồng hryvnia mới sẽ được làm từ sợi lanh. Các công ty sản xuất giấy đã thử nghiệm với nhiều loại vật liệu (ví dụ sợi bông) nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn sợi lanh bởi giá thành rẻ nhất.
Các loại vật liệu khác như sợi rơm và sợi chuối cũng đã được cân nhắc và sợi lanh “từ lâu đã được sử dụng để sản xuất tiền giấy ở Mỹ” - Phó Giám đốc Ngân hàng TW, ông Yakov Smoliy, cho biết thêm.
Đồng hryvnia của Ukraine Ảnh: galynatateworpress.com
Việc giới thiệu tiền giấy mới làm từ sợi lanh “sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển tiền tệ tại đất nước Ukraine”. Ông Smoliy khẳng định rằng loại tiền giấy mới này sẽ khó có thể bị hư hại.
Tuy nhiên, dường như Ukaine sẽ phải mất nhiều hơn nếu muốn tăng giá trị cũng như tỉ giá hối đoái của đồng hryvnia khi mà đồng tiền này đã giảm giá mạnh trong suốt hai năm qua.
Kể từ các cuộc biểu tình ủng hộ liên minh Chấu Âu (EuroMaidan) vào năm 2014, Ngân hàng TW đã chuyển đồng hryvnia sang loại tiền tệ thả nổi theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong vòng vài tháng sau đó, đồng hryvnia đã giảm 70% giá trị so với đồng USD, dẫn tới việc Ukraine sụp đổ nền kinh tế cũng như tăng sự bất ổn trong đời sống xã hội của người dân.
Trên thực tế, lanh là một loại thức ăn và nó được trồng ở các khu vực ôn đới trên thế giới. Ở các nước phương Tây, lanh thường được dệt làm các tấm trải giường, các loại quần áo mặc bên trong hay các khăn trải bàn.
Để không gây ngạc nhiên, Ngân hàng TW Ukraine đã đề cập đến trong thông báo của mình rằng sự cải tiến trong việc sản xuất đồng hryvnia này sẽ “hỗ trợ cho các công ty sản xuất nông sản trong nước và tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân”.
Không chỉ bền và dai hơn, nó còn đáng tin hơn các loại vật liệu đã được sử dụng để in tiền giấy trước đây. Trong thời kỳ thống trị tại Alaska, Nga đã cho in tiền trên các tấm da thuộc. Giữa thế kỷ 19, Mỹ sử dụng lụa để in các đồng USD.
Các lựa chọn rẻ tiền nhất như là nhung hoặc gỗ là biểu tượng của các nền kinh tế đang gặp khủng hoảng lớn hoặc tình trạng siêu lạm phát - giống một số quốc gia thời Hậu chiến thế giới I. Năm 1902, đồng tiền khẩn cũng được in trên tấm kha-ki và sử dụng trong suốt cuộc chiến trang Boer ở Nam Phi.
Nhật Bản kêu khó khi nhập khẩu hàng vào Việt Nam
Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, cho biết việc nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam của các doanh nghiệp (DN) Nhật gặp nhiều khó khăn do thủ tục kéo dài.
Cụ thể, theo phản ánh của các DN Nhật, để thực phẩm đến tay nhà nhập khẩu mất khoảng hai tuần sau khi thực phẩm có nguồn gốc động vật đã được vận chuyển tới Việt Nam. So với thủ tục của Nhật và các nước khác thì thời gian này là khá dài.
Theo các DN Nhật, khoảng thời gian trên là một trong những nguyên nhân làm giá bán thực phẩm có nguồn gốc động vật tăng cao, do cần thêm chi phí bảo quản. Quan trọng hơn, thời gian bảo quản lâu sẽ gây ra các vấn đề như chất lượng thực phẩm xuống cấp và các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm khác.
Từ đó, Jetro kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam áp dụng ngoại lệ đối với một số nhà nhập khẩu đáng tin tưởng đã có những thành tích nhập khẩu trong quá khứ. Chẳng hạn như miễn hoặc giản lược một số thủ tục.
Từ 31.3, ngân hàng chấm dứt cho vay ngoại tệ sản xuất kinh doanh
Từ ngày 31.3, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN mà Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 8.12.2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Cụ thể, Thông tư 24 quy định các ngân hàng thương mại xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot) trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31.3.2016.
Ba nhu cầu vay ngoại tệ khác vẫn được ngân hàng thương mại đáp ứng như vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Khởi công nhà máy nhiệt điện hơn 1,8 tỉ USD
Ngày 27.3, tại xã Phúc Thành (H.Kinh Môn, Hải Dương), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng phát lệnh khởi công Nhà máy nhiệt điện Hải Dương, công suất 2 x 600 MW.
Dự án do Tập đoàn JAKS Resource Bhd (Malaysia) cùng đối tác là Công ty hữu hạn Tập đoàn cố vấn công trình điện lực Trung Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức BOT; sau khi vận hành 25 năm sẽ chuyển giao lại cho Chính phủ VN. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,87 tỉ USD này dự kiến sẽ hoàn thành sau 36 tháng xây dựng.
Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8.2011 theo hợp đồng BOT với Bộ Công thương VN, rất nhanh sau đó dự án đã được động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng phải đến tận bây giờ (sau gần 5 năm) nhà máy mới chính thức khởi công do khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn.
Như vậy, cùng với các dự án điện Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2, Mông Dương 2, điện Hải Dương là dự án BOT thứ 4 được triển khai, trong tổng số hàng chục dự án BOT đang “nằm chờ” với số vốn hàng chục tỉ USD.
Malaysia đề xuất 'chứng nhận ASEAN' về an toàn thực phẩm
Một hàng bán thức ăn truyền thống tại chợ ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Y tế Malaysia vừa cho biết nước này sẽ đề xuất một chứng chỉ an toàn thực phẩm cho toàn cộng đồng ASEAN, giúp chuẩn hóa chất lượng thực phẩm sản xuất và cung ứng từ các nước trong khu vực cho thị trường thế giới.
Để đạt được chứng chỉ của ASEAN, các sản phẩm trong khu vực phải đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của từng quốc gia trong khối và tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường chủ lực, Bộ trưởng S.Subramaniam phát biểu với báo giới trong nước.
“Nhưng một khi đã vượt qua những tiêu chí này, sản phẩm của bạn sẽ ung dung thẳng tiến ra thế giới vì đã được bảo chứng bởi toàn bộ ASEAN”, người đứng đầu ngành y tế Malaysia nhấn mạnh.
Malaysia sẽ chính thức đề xuất sáng kiến này tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN sắp diễn ra tại Brunei. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến quan trọng thể hiện tinh thần gắn kết của toàn khu vực trong thời kỳ hội nhập, đồng thời là đòn bẩy kinh tế giúp nâng cao uy tín của Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thế mạnh của ASEAN.
Malaysia đã khởi động đề xuất trên với việc khánh thành một trung tâm thẩm định trung lập về an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn ASEAN tại Kuala Lumpur hồi tuần rồi.
(
Tinkinhte
tổng hợp)