Cần loại ô tô điện ra khỏi phạm vi điều kiện kinh doanh; Trung Quốc tăng cường nhập khẩu quặng sắt trong tháng 5; Mỹ có thể ban hành lệnh hạn chế nhập khẩu thép vào cuối tuần này; Kiểm tra 3 mặt hàng nhập từ Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-06-2017
- Cập nhật : 12/06/2017
SkyViet "chết yểu" sau hơn một năm thành lập?
Công ty cổ phần Hàng không SkyViet đã được sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO).
Trong đó, với sự phê duyệt chủ trương của chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines - Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã góp 153 tỷ đồng tương đương 51% vốn để thành lập SkyViet.
Cùng với đó, hai đối tác liên quan tới Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cũng tham gia góp vốn gồm Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ Thương - Techcom Capital (48%) và Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper - TCD (1%).
Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, ngày 18/4/2017, cổ đông nhỏ nhất của SkyViet, Công ty cổ phần Đầu tư TCO Việt Nam (trước kia là Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper), đã bất ngờ có văn bản gửi Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án yêu cầu hoặc các cổ đông hiện hữu mua lại cổ phần của TCO tại SkyViet hoặc tiến hành giải thể SkyViet.
Tiếp đó, vào ngày 03/5/2017, Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ Thương (TechcomCapital) có văn bản gửi Vietnam Airlines đề nghị làm thủ tục giải thể SkyViet. Như vậy, thay vì lựa chọn mua lại 1% vốn, cổ đông lớn thứ 2 sở hữu 48% vốn đã đưa ra quyết định giải thể doanh nghiệp.
Về phía Vietnam Airlines, cổ đông lớn nhất của SkyViet cho biết trong thời gian giải quyết các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc giải thể, VASCO vẫn tiếp tục hoạt động với tư cách là một chi nhánh của Vietnam Airlines.
Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) trước đây là một đơn vị trực thuộc của Vietnam Airlines do đó vốn điều lệ của VASCO không được tách riêng trong báo cáo tài chính của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, theo chia sẻ tại ĐHĐCĐ Techcombank năm 2016 của Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh, quy mô và vốn của VASCO rất hạn chế, tài sản của chủ yếu đi thuê và có một số tuyến đường bay ngắn trong nước.
Trong suốt hơn một năm qua kể từ sau khi thành lập, SkyViet vẫn chưa để lại dấu ấn gì trên thị trường hàng không vốn đang cạnh tranh rất gay gắt. Ngược lại, cái tên SkyViet lại "nóng lên" xung quanh câu chuyện thành lập và quá trình thực hiện Đề án thành lập hãng hàng không này.
Chỉ 3 tháng sau ngày thành lập, ngày 22/6/2016, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản số 4828/ BKHĐT – ĐKKD cho ý kiến về việc cấp phép kinh doanh hàng không chung cho hãng hàng không này. Trong đó nêu rõ, căn cứ quy định tại điều 24, 25, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Bộ Tài chính có trách nhiệm tham gia ý kiến với bộ quản lý ngành về việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của tập đoàn kinh tế và tổng công ty sau cổ phần. Tuy nhiên, các Bộ này phản ánh đã không nhận được đề nghị tham gia ý kiến đối với vấn đề góp vốn thành lập SkyViet của Vietnam Airlines theo quy định nêu trên.
Cuối tháng 6/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có ý kiến chỉ đạo về thông tin báo chí phản ánh dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc thành lập SkyViet của Vietnam Airlines.
Tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo lại toàn bộ quá trình thực hiện Đề án thành lập SkyViet để xem xét chủ trương thực hiện tiếp hay không theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Văn phòng Tổng Bí thư trong tháng 5/2017.(NDH)
---------------------------------
Hãng Boeing nhìn nhận thế nào về hàng không Việt?
Trao đổi với Zing.vn qua thư điện tử, bà Joanna Pickup, đại diện hãng Boeing, cho biết từ lâu hãng đã nhận thức được tầm quan trọng của Việt Nam và chủ động hỗ trợ trong việc phát triển năng lực hàng không của Việt Nam.
Nhìn về tương lai, đại diện một trong những hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, lạc quan về triển vọng ngành hàng không Việt Nam.
Việt Nam được hưởng lợi nhờ đầu tư máy bay thế hệ mới
Cụ thể theo Boing, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này góp phần khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành thị trường máy bay thương mại tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Bà Joanna dẫn lại báo cáo thị trường năm 2016 của Boeing nhận định khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp 40% máy bay bàn giao mới trong 20 năm tới, tương đương 15.130 máy bay, tổng giá trị 2.300 tỷ đôla. Riêng Đông Nam Á sẽ cần tới 3.860 máy bay mới, trị giá hơn 565 tỷ đôla.
Vận chuyển hàng không trong khu vực Đông Nam Á sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng 7,7% mỗi năm. Tăng trưởng GDP khu vực này được dự báo ở mức 4,4% trong 20 năm tới. Và Việt Nam được dự báo có mức tăng cao hơn trung bình khu vực.
Bà Joanna chỉ rõ, các hãng hàng không Đông Nam Á tăng trưởng nhanh cùng đà tăng trưởng kinh tế khu vực. Các hãng chi phí thấp như Vietjet Air đang mở rộng và giành thị phần, thúc đẩy nhu cầu khách hàng với mức giá hấp dẫn và những đường bay mới.
Thị trường khu vực cũng tăng trưởng nhanh khi quan hệ ASEAN được thắt chặt, thúc đẩy giao thương và du lịch.
"Việt Nam sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng này, nhờ việc đầu tư vào những máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu như 787 Dreamliner hay 737 MAX, nhờ tăng năng lực vận hành hàng không của các công ty đóng tại Việt Nam, cũng như nỗ lực đạt được công nhận FAA hạng 1 của Mỹ", bà Joanna Pickup nói.11 chiếc 787 Dreamliners với ưu thế vượt trội về tính tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Vietnam Airlines vận hành đường bay có lãi và mở rộng thị trường, trong khi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời trên máy bay. Vietnam Airlines hiện là hãng có đội tàu bay Dreamliner 787-9 lớn nhất Đông Nam Á.
Hãng hàng không Vietjet Air và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Hà.
Máy bay 787 MAX cũng sẽ làm điều tương tự cho Vietjet Air với phiên bản mới của dòng 737. Boeing thậm chí tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng ngành hàng không ở khu vực, và hãng vui mừng được đóng vai trò mấu chốt.
Hợp đồng 11,3 tỷ USD và dấu ấn Boeing tại Việt Nam
Một năm trước, Boeing đã có hợp đồng trị giá lên tới 11,3 tỷ USD với hãng Vietjet Air, khi hãng hàng không của Việt Nam đặt mua 100 máy bay B373 MAX 200 của Mỹ. Thông tin cho biết số máy bay này sẽ được bàn giao trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2023, nâng tổng số máy bay của Vietjet Air lên 200 chiếc.
Con số 11,3 tỷ USD vượt qua bất kỳ bản hợp đồng làm ăn nào mà một doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với doanh nghiệp Mỹ trước đó. Đây cũng là vụ mua bán máy bay thương mại lớn nhất của hàng không Việt Nam.
Thông tin từ Business Insider cho biết có thể Vietjet Air được phía Boeing giảm tới 50% giá niêm yết cho hợp đồng này. Trao đổi với Zing.vn, bà Joanna Pickup cho biết hãng từ chối bình luận công khai hoặc công bố chi tiết về các đàm phán, cũng như hợp đồng bán máy bay.
Bà nói thêm hãng của bà có những cuộc đối thoại thường xuyên với Vietjet về nhu cầu máy bay hiện tại cũng như tương lai.
Hãng cũng hài lòng với việc chốt hợp đồng với Vietjet và mong đợi bàn giao máy bay 737 MAX trong tương lai cho đối tác Việt Nam.
Với Boeing, thương vụ là dấu mốc lớn của hãng tại thị trường Việt Nam, nơi Airbus giữ thị phần lớn.
Boeing hiện diện khá sớm tại Việt Nam, vào năm 1995 khi Vietnam Airlines thuê 3 máy bay Boeing 767-300ER (Extended Range) đầu tiên.
Đây cũng là hãng đầu tiên ký hợp đồng giao thương với Việt Nam ngay sau khi hai nước Việt - Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương. Đối tác của hãng khi đó là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines (VNA) đã mua 4 máy báy Boeing 777-200ER vào tháng 1/2001. Các máy bay này được giao vào các năm 2003 và 2004.
Tháng 6/2005, VNA cũng là khách hàng khởi động dòng 787 Dreamliner, và chiếc Dreamliner 787-9 đầu tiên được giao cho Việt Nam tháng 7/2015.
Trước hợp đồng 11,3 tỷ USD năm 2016, toàn bộ máy của của Vietjet Air đều do Airbus cung cấp. Chỉ 2 năm trước đó, Vietjet Air cũng đã đặt mua hơn 100 máy bay dòng A320 của hãng Airbus, trị giá hơn 9 tỷ USD.(Zing)
-------------------------
Doanh thu bán xe của Thaco giảm, lợi nhuận quý I hụt 28%
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chững lại và lợi nhuận lần đầu tiên sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng.
Cụ thể, doanh thu quý I/2017 đạt 12.792 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán xe chiếm 11.245 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng nhẹ lên gần 400 tỷ và doanh thu từ bất động sản 1.014 tỷ đồng.
Dù có mức tăng 4,8% tổng doanh số so với cùng kỳ năm trước nhưng do giá vốn tăng 8% khiến lợi nhuận gộp giảm 6,3%, chỉ còn 2.577 tỷ đồng. Tương ứng với biên lãi gộp là 20,15%, giảm so với 22,53% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính kỳ này tăng lên 330,5 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý cũng tăng 84% so với cùng kỳ lên mức 456 tỷ đồng.
Kết quả sau quý I, Thaco ghi nhận 1.255 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Báo động sự sụt giảm lợi nhuận đầu tiên trong vòng 5 năm qua.
*Thị trường ô tô tháng 5: Trường Hải tiếp tục sụt giảm thị phần
Thaco đang ghi nhận mức tồn kho bất động sản trên 10.000 tỷ đồng
Trong quý I năm nay, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức âm hơn 1.070 tỷ đồng so với mức dương 2.235 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng các khoản hàng tồn kho và phải thu.
Với sự sụt giảm này, Thaco phải tăng vay nợ ngắn hạn thêm hơn 1.600 tỷ đồng. Dù vậy thì con số tiền tương đương tiền cuối kỳ của Thaco vẫn giảm hơn 300 tỷ đồng so với hồi đầu năm xuống còn 646 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, Thaco cũng không còn tài sản thanh khoản ngắn hạn đáng kể ngoài khoản hơn 300 tỷ ủy thác đầu tư vào cổ phiếu và 196 tỷ đồng tiền gởi kỳ hạn. Trong khi đó, nợ vay ngắn và dài hạn đã tăng thêm 2.100 tỷ đồng lên con số trên 19.000 tỷ đồng, bằng 79% vốn chủ sở hữu.
Báo cáo cũng cho thấy, hàng tồn kho bất động sản của Thaco vẫn không thay đổi so với hồi đầu năm, ghi nhận con số tồn kho bất động sản 10.390 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm nay. Riêng dự án 4 tuyến đường R1, R2, R3, R4 trên Bán đảo Thủ Thiêm đang ghi nhận mức đầu tư cơ bản dở dang 3.883 tỷ đồng, tăng 1.257 tỷ đồng so với đầu năm.(NDH)
----------------------------
Tỉ giá có thể chịu sức ép trong những tháng cuối năm
Đó là nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm vừa được công bố.
Theo đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng tỉ giá trong những tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao, cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang mức thâm hụt dự báo ở mức 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng tăng áp lực lên tỉ giá. Thêm vào đó là xu hướng biến động khó lường của đồng nhân dân tệ và yên Nhật.
Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tăng tỉ giá trung tâm. Căn cứ theo mức tỉ giá công bố ngày 10-6 là 22.406 đồng/USD thì từ đầu năm 2017 đến nay tỉ giá đã tăng 247 đồng/USD, tương đương mức tăng 1,11%.
Tuy nhiên, giá bán USD tại các ngân hàng lại có xu hướng giảm và hiện bán ra ở mức 22.730 đồng/USD. So với mức trần cho phép, giá bán USD tại các ngân hàng đang thấp hơn 348 đồng/USD.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, diễn biến tỉ giá trong những tháng đầu năm là do nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn nghiêng về hướng nắm giữ VND và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực lên tỉ giá.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm thì sức ép lên tỉ giá sẽ lớn hơn.(TuoiTre)