Doanh nghiệp ô tô Indonesia tăng tốc vào Việt Nam; Trung Quốc bắt giữ chủ tịch tập đoàn Anbang; Đường sắt khó thu hút vốn tư nhân; Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của VN tăng 12 bậc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-06-2017
- Cập nhật : 14/06/2017
Tiền đang được đổ mạnh vào nhà đất
Nhu cầu của người dân vay vốn cho bất động sản, qua tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố.
Theo báo cáo, tín dụng trong tháng 5 vừa qua tiếp tục tăng trưởng khả quan. Ước tính đến hết tháng 5/2017, tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 5,7%). Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh trong quí 1/2017. Cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016.
Đáng chú ý, trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%). Tốc độ này gắn với sự dịch chuyển của một hình thái tín dụng bất động sản.
Theo HoREA và các sàn giao dịch, số lượng nhà đầu tư thứ cấp tại mỗi dự án hiện nay chiếm tới gần 50%
Còn nhớ, cũng trong báo cáo về tình hình kinh tế tháng cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từng đưa ra lưu ý. Đó là tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tăng chậm, thấp hơn so với cùng kỳ 2015, tăng 5,3% so với 14,5% của cùng kỳ. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng cuối năm 2016 đã tăng 31,2% so với cuối năm 2015, trong đó tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,7%).
“Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực bất động sản cho thấy hình thái tín dụng bất động sản có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận tại thời điểm cuối 2016.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, đến hết quý I-2017, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn TP.HCM đạt trên 164.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 10,88% tổng dư nợ và chiếm khoảng 19,29% dư nợ tín dụng trung và dài hạn. Như vậy so với đầu năm, tín dụng BĐS tăng khoảng 4%. So với đầu năm, hiện nay tín dụng bất động sản có số dư nợ cao nhất. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2007-2008 khi tín dụng tăng trưởng nóng lên gần 30%, hiện tại ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết trước tình trạng BĐS nóng lên trong thời gian gần đây, NHNN đã cảnh báo các ngân hàng. Tuy vậy, tín dụng cho BĐS hiện nay không tăng nóng như giai đoạn 2007-2008. Hơn nữa, dù tăng về số tuyệt đối nhưng tỉ trọng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS không tăng cao bằng tín dụng sản xuất.
“Điều này cho thấy các ngân hàng đã chặt chẽ hơn, thận trọng trong việc rót vốn vào các dự án BĐS. Qua đó nhằm quản lý được chất lượng tín dụng, góp phần hạn chế tình trạng bong bóng xảy ra như những năm trước đây” - ông Minh khẳng định.
Theo số liệu thống kê, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đang tăng mạnh.Trong 5 tháng đầu năm, thị trường xuất hiện 1.859 doanh nghiệp, tăng 72,8% về số doanh nghiệp và 43,8% về số vốn.
Riêng tại TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2017, Doanh nghiệp Bất động sản thành lập mới chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 42,6% (tương ứng 6.599 doanh nghiệp mới) với vốn đăng ký 82.644,4 tỷ đồng.
Điều này cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang có sức hút rất lớn trên thị trường(PLO)
--------------------
Các ông lớn chờ 'so găng' với 7-Eleven
Bán thêm thức ăn nhanh, vé số hay rau sạch… là cách các thương hiệu cửa hàng tiện lợi tạo dấu ấn trước ngày 7-Eleven ra mắt.
7-Eleven sắp chào sân thị trường Việt Nam bằng cửa hàng đầu tiên trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Hai năm trước, tức vào giữa 2015, 7-Eleven Inc ký thỏa thuận nhượng quyền với Seven System Việt Nam. Không hẳn vì sự kiện này nhưng Circle K và nhiều thương hiệu cửa hàng tiện lợi khác bắt đầu cải tổ hệ thống, tăng cường đầu tư cũng trong hai năm trở lại đây.
Đầu 2015, Circle K Việt Nam được tái cấu trúc và bắt đầu phát triển mạnh số lượng cửa hàng. Hiện tại, hệ thống này có khoảng 250 cửa hàng tại TP HCM, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội.
Mini Stop, hệ thống thuộc Tập đoàn AEON hiện có khoảng 80 cửa hàng tại TP HCM và Bình Dương. Theo mục tiêu mà Tổng giám đốc Akihiko Maeda của thương hiệu này từng chia sẻ, Mini Stop cần có 300 cửa hàng để đảm bảo ổn định về lợi nhuận.
Với số lượng nhỉnh hơn, Shop&Go, FamilyMart và B’s mart đang lần lượt sở hữu khoảng 120, 140 và 160 cửa hàng. Hai thương hiệu Việt Nam là Co.op Food và Vinmart+ cũng có số cửa hàng ấn tượng không kém. Co.op Food đang có xấp xỉ 100 cửa hàng và có kế hoạch mở thêm 30-50 cửa hàng đến năm 2020. Trong khi đó, với tiềm lực mạnh, Vinmart+ đã có khoảng 850 cửa hàng và tham vọng mở thêm 1.500 cửa hàng trong năm nay.
Tính về số lượng, cho đến 2020, 7-Eleven cũng không thể so với các tên tuổi đến trước ở thị trường Việt Nam.“Như kế hoạch công bố từ trước, tính từ ngày khai trương, chúng tôi sẽ mở khoảng 20 cửa hàng trong năm nay và đạt mốc 100 cửa hàng sau ba năm”, bà Phan Thy, đại diện truyền thông của 7-Eleven Việt Nam xác nhận.
Tuy nhiên, mọi động thái của 7-Eleven Việt Nam rất được chú ý. Ngoài 100 món ăn làm mới hàng ngày, công ty này cho biết sẽ lên kệ dòng nước giải khát thương hiệu riêng Slurpee, dòng sản phẩm 7-Select cùng ứng dụng di động 7Rewards… ngay khi cửa hàng đầu tiên ở TP HCM mở cửa. Tờ Nikkei Asian Review cho biết thêm, dù chỉ mới là cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam nhưng một số sản phẩm thương hiệu riêng Seven Premium cũng được mang về.
Trước đó, 7-Eleven đã bắt đầu thí điểm kinh doanh 20 mặt hàng Seven Premium tại hơn 350 cửa hàng ở Singapore vào năm ngoái và tại khoảng 290 cửa hàng ở Bắc Kinh trong năm nay. Ra mắt vào năm 2007, nhãn hàng riêng Seven Premium của 7-Eleven hiện có hơn 3.600 mặt hàng, từ đồ ăn nhẹ, các món ăn chính chế biến sẵn cho đến thịt và rau tươi. Đến năm 2019, công ty dự kiến sẽ tăng số lượng lên 4.200 mặt hàng, doanh thu 13,6 tỷ đôla, tăng 30% so với năm 2016.
“Châu Á đầy những thị trường hấp dẫn, bao gồm cả Trung Quốc", chủ tịch Kazuyuki Furuya của thương hiệu này nhận xét.
Để cạnh tranh lẫn nhau và chờ đón thương hiệu mới đến từ Nhật Bản, các chuỗi cửa hàng tiện lợi có trước tại Việt Nam không ngừng đổi mới trong thời gian gần đây. Cuộc tái cơ cấu của Circle K vào 2015 được định hình theo hướng kết hợp bán tạp hóa và thức ăn nhanh. Với cách làm tương tự, Mini Stop triển khai cửa hàng Combo, tức mô hình kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thức ăn nhanh chế biến tại chỗ.
Trong khi đó, thương hiệu cửa hàng tiện lợi lâu đời là Shop&Go thì quyết định bán thêm vé số Vietlott từ khi loại vé số này ra mắt giữa năm ngoái. Phía Vinmart+, ngoài độ phủ lớn, hệ thống này còn có thêm điểm cộng bởi ngành hàng rau sạch và thịt tươi sống.
Quan điểm hàng hóa trong cửa hàng tiện lợi luôn đắt hơn siêu thị hay tạp hóa truyền thống dần bị B’s mart thay đổi.
“Cá nhân tôi cho rằng, B’s mart có thế mạnh ở mặt hàng hóa Thái Lan phong phú. Ngoài ra, hệ thống này tổ chức khuyến mại rất thường xuyên. Trong các đợt khuyến mại thì giá sản phẩm còn rẻ hơn siêu thị và tạp hóa”, anh Minh Tùng – một cựu nhân viên bán hàng của B’s mart chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 3, 7-Eleven hiện có khoảng 14.500 cửa hàng tại Đông Nam Á. Nếu tính cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan thì tổng số cửa hàng của thương hiệu này tại châu Á đạt hơn 30.000, chiếm một nửa số cửa hàng trên toàn cầu.
Theo Nikkei Asian Review, 7-Eleven nhận thức rõ sự yêu mến của thị trường châu Á dành cho các mặt hàng tiêu dùng và thức ăn Nhật Bản, thông qua nhãn hàng riêng Seven Premium. Do đó, công ty đang có kế hoạch đầu tư vào vùng Okinawa như một điểm trung chuyển sản phẩm nhãn riêng đến các thành phố trong khu vực như Đài Bắc, Seoul, Bangkok, Singapore hay cả TP HCM.
Như vậy, đáp lại các chiến lược chào đón của những thương hiệu khác, 7-Eleven Việt Nam sẽ chào sân thông qua việc “đánh vào bao tử” khách hàng với các món ăn Việt Nam chế biến hàng ngày và cả những món ăn Nhật Bản có thể được nhập khẩu.(Vnexpress)
--------------------------------
Công ty nông nghiệp của Bầu Đức đặt mục tiêu thu hơn 1.000 tỷ đồng từ chanh dây
HAGL Agrico dự kiến thu hoạch 56.250 tấn chanh dây, mang lại doanh thu 1.050 tỷ đồng chỉ sau một năm triển khai.
Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HNG) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2016. Theo đó, doanh thu thuần đạt 4.776 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với năm trước. Đàn bò tiếp tục là nguồn thu chủ lực của công ty (chiếm 72,6% trong cơ cấu doanh thu), tiếp theo lần lượt là hàng hoá, mía đường, bắp và mủ cao su.
Do tiến hành đánh giá lại giá trị một số tài sản, biên lợi nhuận của đàn bò giảm và chi phí tài chính tiếp tục tăng nên công ty ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 1.020 tỷ đồng.
Trong thông điệp gửi đến cổ đông và nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng mặc dù công ty chưa đạt được chỉ tiêu về kế hoạch lợi nhuận hợp nhất, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác thì năm 2016 vẫn ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Điển hình như việc thực hiện cơ cấu lại khoản nợ để phù hợp với dòng tiền thu được từ các dự án, hoàn thành việc tái cơ cấu nợ vay và trái phiếu với với các tổ chức tín dụng.
“Từ trạng thái tài chính dễ đổ vỡ do mất khả năng thanh khoản do số tiền lãi và gốc đến hạn quá lớn, khả năng thanh khoản đã dần được cải thiện, rủi ro tài chính được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc xin gia hạn thành công các khoản nợ vay không những giảm bớt gánh nặng về dòng tiền trả nợ, mà còn giúp công ty có quỹ thời gian tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý khối tài sản to lớn để tăng doanh thu, mang lại dòng tiền”, Bầu Đức cho biết.
Tính đến cuối 2016, tổng nợ phải trả của công ty là 24.984 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ so với năm trước. Tổng tài sản của công ty đạt 35.468 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm khoảng 81%. Đây chủ yếu là các vườn cây cao su, vườn cây cọ dầu, trang trại bò và nhà máy chế biến.
Hiện HAGL Agrico chưa công bố kế hoạch kinh doanh chi tiết cho năm 2017, nhưng mục tiêu trọng tâm được đề cập trong báo cáo thường niên là đảm bảo thanh khoản và hoạt động an toàn.
Ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết vẫn tập trung vào các ngành nghề cốt lõi như chăn nuôi bò, thu hoạch mủ cao su và cọ dầu. Công ty dự kiến bán 40.000 con bò và thu hoạch 18.000 tấn mủ cao su, thu về tổng cộng gần 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đẩy mạnh công tác thu hoạch mủ cao su và tập trung nguồn lực các dự án ngắn hạn như chăn nuôi bò thịt, chanh dây và cây ăn quả, vì đây là những dự án tạo ra dòng tiền nhanh, giúp lấy ngắn nuôi dài. Sắp tới, công ty sẽ thành lập đơn vị phân phối tại TP HCM để tiêu thụ trái cây trong nước.
Cụ thể, HAGL Agrico đặt mục tiêu thu hoạch 56.250 tấn chanh dây, mang lại doanh thu 1.050 tỷ đồng. Sản phẩm chính là quả chanh dây tươi xuất khẩu và ruột chanh dây dùng làm nguyên liệu để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Đây là một phần trong chuỗi giá trị xuất khẩu quả chanh dây có nguồn gốc từ Lào và Việt Nam mà công ty tham gia từ đầu năm 2016.
HAGL Agrico còn tận dụng quỹ đất trống để trồng thanh long, chuối và hơn 10 loại cây ăn quả khác. Năm nay, vườn thanh long ước tính cho sản lượng 17.000 tấn, mang lại doanh thu 680 tỷ đồng; vườn chuối cho sản lượng 50.000 tấn và doanh thu 843 tỷ đồng. (Vnexpress)