tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-06-2017

  • Cập nhật : 12/06/2017

Không mở rộng diện tích cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum không còn mở rộng diện tích cây cao su mà chỉ chú trọng đầu tư chăm sóc, thâm canh tăng năng suất, sản lượng mủ cao su để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Riêng năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 200.000 tấn mủ cao su, trong đó các tỉnh Gia Lai và Kon Tum có diện tích, sản lượng mủ cao su nhiều nhất.

cong nhan khai thac mu cao su tai cong ty cao su cu mgar (dak lak). anh: duong giang/ttxvn

Công nhân khai thác mủ cao su tại Công ty Cao su Cư Mgar (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Từ năm 2016 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác cũng như không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp dài ngày nói chung, cây cao su nói riêng. Hiện nay, các doanh nghiệp, nông hộ trồng cao su tiểu điền ở Tây Nguyên tập trung làm cỏ, bón phân cho cao su kiến thiết cơ bản, cao su đã đưa vào kinh doanh.

Riêng đối với việc bón phân, các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cao su tiểu điền đầu tư mua các loại phân bón, hóa chất để bón cho cây cao su ngay vào đầu mùa mưa. Các doanh nghiệp, nông hộ bón từ 3 - 4 tấn phân chuồng ủ hoai mục/ha cao su kiến thiết cơ bản và tùy theo diện tích cao su tơ (cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác mủ từ năm thứ nhất đến năm thứ 10), cao su trung niên, cao su già, các đơn vị, gia đình đầu tư bón từ 669 kg đến 884 kg NPK/ha/năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đầu tư bón thêm phân komíx, chăm sóc, làm cỏ cho cây cao su đúng quy trình kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện cho cây cao su phát triển với năng suất, sản lượng mủ cao.

Theo thống kê, các tỉnh Tây Nguyên hiện có tổng diện tích cao su trên 251.348 ha, trong đó có 139.115 ha cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác mủ; đồng thời có 220 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng 73.131 ha cao su.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, đất lâm nghiệp sang trồng cao su thời gian qua nhìn chung chưa đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội cũng như các mục tiêu khác đề ra như: công tác thẩm tra, sàng lọc chủ đầu tư... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực, nóng vội, nghiên cứu chưa thấu đáo về điều kiện thổ nhưỡng trên đất rừng khộp ngập úng vào mùa mưa, nắng hạn vào mùa khô… khiến một số vườn cao su của các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk phát triển kém, bị chết với tỷ lệ khá cao…(TTXVN)
---------------

Tháng 5, bội chi ngân sách gần 1 tỷ USD giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước

Ngân sách NN tháng 5 đã bội chi trở lại sau khi thặng dư nhẹ trong tháng 4. Lũy kế 5 tháng đầu năm, bội chi NSNN đạt 2,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 5 đã "góp" hơn 40% mức bội chi. Chi đầu tư phát triển và đầu tư xây dựng cơ bản sau 5 tháng chỉ đạt 21% dự toán.

Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 5 ước đạt 85,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, đóng góp lớn nhất đến từ thu nội địa.

Thu nội địa tháng 5 ước đạt 66,88 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 18,2 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý I/2017 đã tập trung kê khai, thu nộp trong tháng 4 theo chế độ quy định.

Thu từ dầu thô tháng 5 ước đạt 3,84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so tháng trước. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 4/2017 đến nay giao động trong khoảng 48-51 USD/thùng; giá dầu thanh toán bình quân trong kỳ khoảng 52,5 USD/thùng, tăng 2,5 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 1,21 triệu tấn.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 ước đạt 22,2 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện tháng trước; sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối NSNN ước đạt 14,6 nghìn tỷ đồng.

Tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 94,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ (95,68 tỷ đồng). Bội chi NSTW tháng 5 ước đạt 21 nghìn tỷ đồng. Mặc dù, NSNN đã bội chi trở lại sau khi thặng dư nhẹ trong tháng 4. Tuy nhiên, bội chi NSNN tháng 5/2017 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ (23.000 tỷ đồng).

Thu NSNN lũy kế 5 tháng đạt 481,27 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thu nội địa 5 tháng đạt 388,26 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế thu dầu thô 5 tháng đạt 18,9 nghìn tỷ đồng bằng 49,3% dự toán năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng là 115 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (41 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1% dự toán, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Luỹ kế chi 5 tháng ước đạt 484,58 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 76,26 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán, tăng 22,6%; chi trả nợ đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán, tăng 10,2%; chi thường xuyên đạt 362,39 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng chi đầu tư XDCB thực hiện 5 tháng ước đạt 21% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 20,9%). Trong đó, vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN ước đạt 24,8% dự toán (các Bộ, cơ quan trung ương đạt 31,6% dự toán; các địa phương đạt 23,1% dự toá)); vốn trái phiếu Chính phủ 5 tháng đầu năm chưa giải ngân. Nguyên nhân giải ngân chi đầu tư XDCB chậm chủ yếu do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn.

Bội chi ngân sách lũy kế 5 tháng ước đạt 55,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến 31/5/2017, Chính phủ đã vay tổng cộng 136,4 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.

Cụ thể, khối lượng TPCP huy động trên thị trường là 103.396,7 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch phát hành (183,3 nghìn tỷ đồng); đồng thời đã phát hành 33.000 tỷ đồng TPCP cho Bảo hiểm xã hội đạt 55% kế hoạch phát hành (60.000 tỷ đồng).(NDH)
--------------------------------

EU điều tra thương vụ sáp nhập kỷ lục trên thị trường bán dẫn

Liên minh châu Âu (EU) thông báo tiến hành điều tra chống độc quyền đối với vụ tập đoàn công nghệ Qualcomm của Mỹ mua công ty Hà Lan NXP, nhà sản xuất chip lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô với giá 47 tỷ USD.

Ngày 9/6, Liên minh châu Âu (EU) thông báo tiến hành điều tra chống độc quyền đối với vụ tập đoàn công nghệ Qualcomm của Mỹ mua công ty Hà Lan NXP, nhà sản xuất chip lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô với giá 47 tỷ USD, được coi là thương vụ mua bán lớn nhất trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cuộc điều tra được tiến hành do những lo ngại thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của thị trường và khiến người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn với ít lựa chọn hơn, đồng thời làm giảm sức sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ủy viên EU về Cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết hiện mọi người đều phụ thuộc và thiết bị bán dẫn vì các ứng dụng thực tiễn của các thiết bị này.

Cuộc điều tra là nhằm đảm bảo người dân sẽ được hưởng lợi từ những sản phẩm an toàn và sáng tạo ở mức giá cạnh tranh.

Hiện ủy ban này cũng đang tiến hành một loại cuộc điều tra nhằm vào các thương vụ sáp nhập của các công ty Mỹ.

Trong khi đó, Qualcomm khẳng định với việc kết hợp này, hai doanh nghiệp có thể mang đến nhiều sáng kiến đột phá hơn đồng thời bày tỏ hy vọng thương vụ sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

Hãng này cũng tuyên bố có thể giải quyết những lo ngại của EC và khẳng định sẽ hợp tác với giới chức EU để đảm bảo sự minh bạch.

Qualcomm là nhà cung cấp lớn thứ 4 thế giới trên thị trường chất bán dẫn toàn cầu với doanh số 4,09 tỷ USD trong quý IV/2016.

Trong khi đó, NXP của Hà Lan là hãng cung cấp các thiết bị bán dẫn hiệu suất cao trong lĩnh vực ôtô, vi điều khiển diện rộng, nhận dạng an toàn và hệ thống mạng.

Đây cũng chính là nhà sản xuất các chíp thanh toán NFC và bộ xử lý chuyển động bên trong iPhone.

Việc mua lại NXP với mức giá "khủng" 47 tỷ USD là nhằm củng cố nỗ lực của Qualcomm chiếm lĩnh thị trường bán dẫn trong lĩnh vực ôtô và đặc biệt trong công nghệ "internet of things" (vạn vật kết nối internet).

Qualcomm kỳ vọng thương vụ này sẽ mang lại doanh thu 30 tỷ USD mỗi năm(Vnietnam+)
----------------------

Du lịch sẽ đóng góp 11% GDP của TPHCM

Ngành du lịch sẽ trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của TPHCM với doanh thu tăng trưởng mỗi năm 15-16% và đến năm 2020 sẽ đạt đến 165.000-170.000 tỉ đồng, đóng góp trên 11% trong cơ cấu GDP của thành phố.

Đây là những mục tiêu được UBND TPHCM nêu tại kế hoạch ban hành ngày 8-6 về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đến năm 2020.

Theo kế hoạch trên, tổng doanh thu của ngành du lịch TPHCM trong năm 2017 là 116.000 tỉ đồng, tăng 2,62% so với năm 2016, nhưng ngành du lịch sẽ phấn đấu đạt khoảng 120.000 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm ngoái.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành du lịch TPHCM cần phát triển hạ tầng đồng bộ như hạ tầng về giao thông, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin…

Về hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, UBND thành phố đặt ưu tiên đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đầu tư các cầu vượt, hầm chui, quy hoạch và đầu tư các tuyến đường trên cao, bãi đậu xe ngầm, phát triển các tuyến metro, các tuyến giao thông thủy.

Thời gian gần đây, chính quyền thành phố đang tập trung phát triển thêm các sản phẩm mới như du lịch gắn với nông nghiệp, phố đông y, phố đi bộ, con đường âm nhạc, chợ phiên cuối tuần song song với chương trình kích cầu du lịch… TPHCM cũng lên kế hoạch phát triển nhiều tuyến du lịch đường thủy trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh rạch nội đô với mục tiêu trước mắt trong năm 2017 và năm 2018 khách du lịch qua đường thủy đến thành phố đạt 450.000 lượt khách/năm và tăng 15% trong những năm tiếp theo.

TPHCM sẽ đầu tư nâng chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến đi Bình Quới (Bình Thạnh), tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Song song đó, thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới như tuyến đi quận 7, quận 5, quận 6, quận 8 thông qua các tuyến sông Sài Gòn, Rạch Bến Nghé, Kênh tẻ, Tàu Hủ - Lò Gốm.

Hiện TPHCM có 2.113 cơ sở lưu trú với khoảng 49.000 phòng (công suất khai thác hiện nay khoảng 65%) đảm bảo đón trên 7,5 triệu du khách quốc tế. Gần 1.200 doanh nghiệp hoạt động lữ hành với năng lực tiếp nhận lượng khách lớn cùng với đội ngũ hướng dẫn viên lên đến gần 5.000 người.(TBKTSG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục