Heineken góp 2.700 tỷ đồng lãi cho Satra; Siết kiểm tra ôtô nhập khẩu Ấn Độ, ASEAN; Đất nền nhiều nơi ở Hà Nội bị thổi giá gấp đôi sau một năm; Thủ tướng đề nghị Nhật hỗ trợ Việt Nam trong Cách mạng 4.0
Tin kinh tế đọc nhanh 12-06-2017
- Cập nhật : 12/06/2017
Kido tăng tốc thâu tóm doanh nghiệp thực phẩm
Kido đề xuất mở room 100% để huy động vốn và hợp tác với nhà đầu tư ngoại thực hiện các thương vụ M&A ngành thực phẩm.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC) cho biết, sắp tới HĐQT sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 49% như hiện nay lên 100%.“Nhiều nhà đầu tư trong mảng thực phẩm đang muốn liên doanh với Kido nhằm giúp công ty đa dạng hoá danh mục sản phẩm và tăng vị thế cạnh tranh trong nước và khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi quyết định mở room tối đa, để đối tác có room mua trên sàn chứng khoán nhằm tăng tính thanh khoản. Công ty không quan trọng cán cân tỷ lệ sở hữu giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, miễn việc hợp tác có lợi nhất cho các bên, mà trước mắt là cùng công ty mở rộng sản xuất, theo đuổi các thương vụ mua bán và sáp nhập”, ông Nguyên chia sẻ.
Trong năm nay, Kido sẽ hoàn tất thủ tục mua lại 50% vốn Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food - trực thực Tập đoàn Dabaco Việt Nam). Đơn vị này sở hữu 3 nhà máy giết mổ, chế biến và bảo quản thịt gia súc, gia cầm… nên sẽ đóng vai trò sản xuất các sản phẩm quan trọng của ngành hàng thực phẩm, còn Kido toàn quyền quyết định sản phẩm, thương hiệu và phân phối.
Kể từ sau khi hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International vào tháng 8 năm ngoái, Kido liên tiếp đưa ra nhiều quyết định mở rộng đối với nhiều mặt hàng, đồng thời thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập nhằm tăng sở hữu tại các công ty trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu.
Chia sẻ về lý do tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành hàng này, theo ông Nguyên, hiện Kido có kênh phân phối rộng khắp cả nước với khoảng 400.000 điểm bán mặt hàng thiết yếu và 70.000 điểm bán thực phẩm đông lạnh. Đây là lợi thế lớn nhất khi công ty đưa sản phẩm mới ra thị trường. Hơn nữa, ngành hàng này có vòng quay vốn nhanh và ít phụ thuộc vào yếu tố thời vụ như bánh kẹo.
Trong năm 2016, Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) – thành viên của Tập đoàn ghi nhận doanh thu 1.397 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 176 tỷ, trong đó mảng kem và sữa chua chiếm đến 99%.
Với mảng dầu ăn, đây được xác định là mũi nhọn của Kido trong thời gian tới và công ty cũng không giấu tham vọng bành trướng thị phần nội địa thông qua việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này. Sau khi hoàn tất thâu tóm 65% vốn điều lệ của Công ty Dầu thực vật Tường An (mã CK: TAC) vào cuối năm ngoái và nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) lên 51% cách đây không lâu, Kido trở thành doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn trong ngành dầu ăn.
Ông Nguyên cho biết thêm, sắp tới đây Kido sẽ thành lập 2 liên doanh với nước ngoài và tung ra các sản phẩm mới. Trong tương lai xa hơn, công ty dự định đầu tư ngược ra nước ngoài, mà tiên phong là thị trường Indonesia. “Kido tự tin trở thành một trong số công ty thực phẩm lớn nhất Việt Nam trong khoảng 2-3 năm nữa, còn trước mắt là đạt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ trong năm 2018”, ông Nguyên nói.(Vnexpress)
---------------------
Giá chè thế giới có thể tăng mạnh
Hạn hán, thiên tai khiến sản lượng chè tại các nước xuất khẩu lớn của thế giới giảm, có thể đẩy giá chè tăng mạnh từ nay tới cuối năm.
Sản lượng chè của Kenya, nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới đã giảm hơn một phần ba trong quý I/2017 so với cùng kỳ năm trước sau khi khô hạn xảy ra ở nhiều khu vực trên đất nước này.
Theo Hiệp hội Chè Kenya, hiện giá chè trung bình đã tăng lên ở mức 3,01 USD một kg (so với 2,5 USD một năm trước đây). Cơ quan Nông nghiệp và Lương thực Kenya dự báo sản lượng chè năm nay sẽ giảm 11%.
Tại Ấn Độ, nước sản xuất chè đen lớn nhất thế giới trong quý I/2017 cũng giảm 16% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái do khô hạn xảy ra ở nhiều bang trồng chè lớn nhất nước này.
Trong khi đó, Sri Lanka và Bangladesh, những nước sản xuất chè lớn lại đang phải gánh chịu các đợt mưa lũ và lở đất nghiêm trọng khiến việc sản xuất chè đang gặp khó khăn… Theo các chuyên gia, sản lượng chè đen toàn cầu từ đầu năm tới nay đã giảm khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2016. (NNVN)
--------------------------
Nguồn cung cao su hụt gần 700.000 tấn
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nguồn cung cao su trên thế giới sẽ thiếu hụt so với nhu cầu của năm 2017.
ANRPC dự báo tổng mức cung cao su thiên nhiên của thế giới trong năm 2017 là 12,77 triệu tấn, gồm 11,41 triệu tấn từ 11 nước thành viên của ASEAN và 1,36 triệu tấn từ các nước khác.
Thống kê của hiệp hội, nguồn cung cao su thiên nhiên đã tăng 5,7% trong năm 2016. Tuy nhiên, lượng cung này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu trong năm nay.
Theo đánh giá của tổ chức này, nhu cầu cao su thiên nhiên năm 2017 sẽ tăng thêm 1,8%, lên 12,82 triệu tấn. Dự báo trong tháng 6/2017, nguồn cung cao su sẽ thiếu hụt khoảng 688.000 tấn. Tuy nhiên, dù cung thiếu so với cầu, giá cao su vẫn sẽ ở mức thấp.(NNVN)
-----------------------------
Gần 4.000 tỷ đồng nâng cấp cảng hàng không Điện Biên
Theo Cục hàng không Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn 2020, định hướng 2030 là rất cần thiết. Cảng Hàng không Điện Biên được cải tạo, nâng cấp sẽ đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như Airbus A320/321 và tương đương trở lên. Đồng thời mở thêm một số tuyến bay mới tại sân bay Điện Biên (cả nội địa và quốc tế), đáp ứng mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.
Tại buổi làm việc, đại diện các bên liên quan đã thống nhất phương an điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên do đơn vị tư vấn thông qua. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đề nghị, đơn vị tư sớm lên phương án tối ưu trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng đất cho người dân. Điều chỉnh lại một số khu vực phù hợp với đất quốc phòng cũng như giữ nguyên hiện trạng khu đất của phòng cháy, công an, viễn thông.
Tổng mức ước toán đầu tư cho quy hoạch điều chỉnh là gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2020 là 2.058 tỷ đồng và giai đoạn 2030 là 1.739 tỷ đồng.(NNVN)