Gạo Việt xuất sang Trung Quốc tăng đột biến; Ba tháng đầu năm phải cứu nông sản hai lần; Nợ công Hàn Quốc vượt ngưỡng 600.000 tỷ won năm 2016; Ngân sách khởi sắc do thu thuế xuất nhập khẩu tăng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-04-2017
- Cập nhật : 03/04/2017
Số doanh nghiệp rời thị trường bằng 9/10 số thành lập mới từ đầu năm
Báo cáo kinh tế quý 1/2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý về tình hình doanh nghiệp Việt Nam quý 1/2017.
Bình quân, mỗi ngày trong quý 1 có 265 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, so với con số thành lập mới là 294 doanh nghiệp/ngày.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 271.200 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ;
Cũng trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.268 doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 13,8%), trong đó có 3.008 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92%.
Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 1.269 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 38,8%); có 993 công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (chiếm 30,4%); có 594 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 18,2%) và có 412 công ty cổ phần (chiếm 12,6%).
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm là 20.636 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 9.942 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23,9% và 10.694 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 11%.
Tổng cộng có 23.904 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong quý 1, bằng khoảng 9/10 số doanh nghiệp thành lập mới.
Bình quân, mỗi ngày trong quý 1 có 265 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, so với con số thành lập mới là 294 doanh nghiệp/ngày.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 1 năm nay, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có 56,2% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất; 44,2% doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 34,5% doanh nghiệp cho rằng do khó khăn về tài chính; 31,2% doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 27% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao và 22,9% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.
Về chi phí sản xuất, có 28,3% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý 1 năm nay tăng so với quý trước; 7,5% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 64,2% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 19,4% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý 1 năm nay tăng so với quý trước; 28,9% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 51,7% số doanh nghiệp giữ ổn định. (VNECO)
----------------------------------
Thủ tướng chỉ đạo đưa vào sản xuất thương mại công nghệ điện rác của Công ty HMC
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các Bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Nam hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty TNHH Thủy lực - Máy (Công ty HMC) tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ điện rác, vận hành thử nghiệm thành công và đưa công nghệ vào sản xuất thương mại, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế.
Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thăm và làm việc tại Nhà máy điện rác, KCN Đồng Văn I, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Thủ tướng biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm của Công ty HMC trong nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng hệ thống công nghệ điện rác - WTE. Đây là bài học thực tế kết hợp công tác nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, là việc làm cần được khuyến khích, phát huy nhân rộng.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt, UBND tỉnh Hà Nam xem xét có thể giao Công ty HMC xử lý thử nghiệm một phần số lượng rác thải hiện có trên địa bàn tỉnh (với chi phí xử lý rác thải như giá hiện hành) trong thời gian 1 tháng để vận hành thử nghiệm đồng thời nhiều modul; trong quá trình vận hành thử nghiệm với quy mô này, các Bộ và UBND tỉnh Hà Nam cử cán bộ theo dõi thường xuyên tại cơ sở để thẩm định thực tế công nghệ này.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn Công ty HMC hoàn thành các thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận bản quyền sở hữu trí tuệ Công nghệ Điện rác – WTE và chứng chỉ công bố tiêu chuẩn Công nghệ Điện rác – WTE theo đúng quy định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty HMC lập hồ sơ, thủ tục bảo đảm các điều kiện theo quy định để cấp chứng chỉ công nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho Công nghệ Điện rác – WTE (sau khi kiểm tra cụ thể đạt chuẩn).
Cùng với đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thẩm định cụ thể về mặt kỹ thuật, khả năng kết nối, sự ổn định của nguồn điện, nếu khả thi về kỹ thuật thì hướng dẫn Công ty HMC lập hồ sơ, thủ tục về hợp đồng mua bán điện và hồ sơ thủ tục đấu nối vào lưới điện quốc gia theo quy định; hướng dẫn hồ sơ thủ tục để đưa vào danh mục hàng trong nước đã sản xuất được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội trong việc ứng dụng công nghệ điện rác – WTE, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách hỗ trợ đối với đơn vị nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, xử lý rác thải rắn bằng công nghệ này.(BĐT)
-------------------------------------
Khánh Hoà: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm
Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 652/QĐ-UBND, theo đó chấp thuận cho Nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực miền Trung được triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Theo Quyết định trên, dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung được UBND tỉnh Khánh Hoà chấp thuận cho phép đầu tư với quy mô công suất thiết kế 50MW, diện tích dự án khoảng 70 ha, sản phẩm dịch vụ cung cấp là năng lượng điện. Địa điểm thực hiện dự án tại thôn Thuỷ Ba và thôn Tân An, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Để thu xếp nguồn vốn cho dự án, EVN và EVNCPC đã làm việc với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để đăng ký nguồn vốn vay ưu đãi. Tháng 1/2017 vừa qua, đoàn công tác của ADB đã đi kiểm tra hiện trường vị trí thực hiện dự án, đoàn công tác đánh giá cao việc lựa chọn địa điểm và công tác chuẩn bị dự án.
Theo Tổng công ty điện lực Miền Trung, với chủ trương của Nhà nước về tạm thời chưa triển khai điện hạt nhân, trong khi các dự án thủy điện trong quy hoạch không còn nhiều, việc phát triển các nguồn điện dựa trên năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời có tiềm năng phát triển rất lớn, đặc biệt đối với các địa phương vùng Trung Trung bộ và Nam Trung bộ do có ưu thế về vĩ độ địa lý và khu vực đất đai ít hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nên rất thích hợp để nghiên cứu các dự án điện mặt trời. Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung được hy vọng là một trong những dự án đầu tiên được triển khai phù hợp với xu thế này.(BĐT)
-----------------------------------------
Tập đoàn VNPT có quỹ lương trên 8.600 tỷ đồng
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa có báo cáo chế độ tiền lương, thưởng của tập đoàn năm 2016, theo đó mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý VNPT đã tăng rất mạnh so với 2015.
VNPT cho biết tại thời điểm báo cáo, số lao động của tập đoàn là 39.198 người với mức thu nhập bình quân theo kế hoạch là 18,34 triệu đồng/tháng. Năm 2015, tập đoàn này có số lao động là 41.500 người với mức thu nhập bình quân (kế hoạch) là 15 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, mức thu nhập thực hiện đã tăng thành 17,6 triệu đồng.
Tổng quỹ lương kế hoạch của VNPT trong năm 2016 là hơn 8.626 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với quỹ lương kế hoạch năm 2015 là 7.500 tỷ đồng và tổng quỹ lương thực hiện (2015) tăng mạnh tới hơn 8.380 tỷ đồng.
Báo cáo của VNPT cũng cho biết, số người quản lý của tập đoàn hiện là 14, với mức lương cơ bản bình quân (2016) là 32,35 triệu đồng, bằng với mức lương kế hoạch của 2015, dù vậy, lương thực hiện bình quân năm này chỉ đạt 32,31 triệu đồng/người/tháng.
Quỹ tiền lương kế hoạch 2016 đối với quản lý của VNPT đã tăng khá mạnh, từ 6,98 tỷ đồng năm 2015 lên 9,9 tỷ đồng. Quỹ lương thực hiện 2015 của tập đoàn này là 6,43 tỷ đồng.
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết, mức lương bình quân đối với nhóm quản lý đã tăng lên 64,7 triệu đồng, trong khi năm trước đó, mức lương bình quân kế hoạch chỉ là 48,5 triệu đồng (còn lương thực hiện là 45,2 triệu đồng).
Đáng chú ý nhất là quỹ tiền thưởng kế hoạch trong năm 2016 dành cho quản lý của VNPT cũng tăng khá mạnh lên tới 1,236 tỷ đồng, tăng hơn 400 triệu đồng so với mức quỹ kế hoạch và thực hiện năm 2015 là 804 triệu đồng.
Nhờ việc tăng quỹ tiền thưởng nên mức thu nhập bình quân (kế hoạch) của viên chức quản lý VNPT (14 người) cũng tăng khá mạnh, lên 72,78 triệu đồng so với mức 54,8 triệu đồng năm 2015, tăng tương đương gần 33%.
Mức thu nhập bình quân thực hiện năm 2015 đối với quản lý VNPT là 50,89 triệu đồng/người/tháng.
VNPT cho biết, nguyên tắc trả lương, thưởng đối với người lao động là dựa trên vị trí công việc, năng lực và kết quả hoàn thành.
Trong khi đó, lương, thưởng, thù lao đối với người quản lý được thực hiện theo quy định Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, tiền lương, thưởng, thù lao đối với người quản lý cũng được thực hiện theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT, trước đó cho biết, trong 3 năm liền tái cơ cấu (2014-2016), lợi nhuận của VNPT đều tăng trên 20%, thu nhập của người lao động tăng lên 60%, từ mức 11,7 triệu đồng/tháng (thời điểm trước tái cơ cấu), hết 2016 đã tăng 18 triệu đồng/tháng.
Mặc dù mức thu nhập bình quân của VNPT ngày càng tăng mạnh, tuy nhiên, thời gian qua, lãnh đạo tập đoàn này nhiều lần than phiền, do vẫn phải áp dụng cơ chế lương theo khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không có được cơ chế lương đặc thù nên doanh nghiệp khá thua thiệt so với đối thủ của mình là Tập đoàn Viettel, nơi được áp theo cơ chế lương đặc thù (cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương).(VNECO)