Lo ngại quá tải như Tân Sơn Nhất, Hà Nội đề nghị mở rộng sân bay Nội Bài; Nhật Bản đầu tư xây dựng công viên phong điện lớn nhất Mỹ Latinh; Gỡ nút thắt để xử lý “cục máu đông” nợ xấu; Thị trường trầm lắng, giá thép tiếp tục xu hướng giảm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-04-2017
- Cập nhật : 03/04/2017
TP HCM đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động
Theo báo cáo của các địa phương, chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương vì tai nạn lao động (TNLĐ) là 171,63 tỉ đồng; thiệt hại về tài sản là 7,8 tỉ đồng và 98.176 ngày nghỉ do TNLĐ
Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết trong năm 2016, trên toàn quốc xảy ra 7.981 vụ TNLĐ làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, 799 vụ TNLĐ làm chết người, 106 vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên làm 862 người chết, 1.952 người bị thương nặng.
10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2016 là TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Trị. TP HCM là địa phương đứng đầu về số vụ TNLĐ (1.735 vụ) và số người chết vì TNLĐ với 112 người; tiếp đến là Hà Nội có 78 người chết vì TNLĐ; Thanh Hóa 64 người chết, Bình Dương 62 người chết…
Trong khu vực có quan hệ lao động, năm 2016 trên toàn quốc xảy ra 7.588 vụ TNLĐ làm 7.806 người chết, giảm 32 vụ so với năm 2015. Tuy nhiên, các chỉ tiêu thống kê khác về TNLĐ của năm 2016 lại tăng. Cụ thể, có 7.806 nạn nhân, tăng 21 vụ; 655 vụ có người chết, tăng 26 vụ; 711 người chết, tăng 45 người; 1.855 người bị thương nặng, tăng 151 người….
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tình hình TNLĐ ở khu vực có quan hệ lao động, loại hình công ty TNHH chiếm nhiều nhất với 37,1% số vụ tai nạn chết người và 37% số người chết. Loại hình công ty CP chiếm 34,2% số vụ tai nạn chết người và 34,3% số người chết. Tiếp đến là DN nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp 20,8% và 20,8; DN tư nhân, hộ kinh doanh là 3,5% và 3,2%.
Lĩnh vực xây dựng dẫn đầu về xảy ra nhiều TNLĐ chết người với 23,8% tổng số vụ và 24,5% tổng số người chết; tiếp đến khai thác khoáng sản chiếm 11,4% tổng số vụ và 12,9% số người chết. Tai nạn giao thông là yếu tố dẫn đến chết người nhiều nhất với 28,7% tổng số vụ và 27,8% tổng số người chết; ngã từ trên cao chiếm 22,8% tổng số vụ và 21,8% tổng số người chết; điện giật, vật rơi, đổ sập chiếm 12,4% tổng số vụ và 15,3% tổng số người chết…
Đáng lưu ý, có đến 42% nguyên nhân để xảy ra TNLĐ là do người sử dụng lao động vì không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động hoặc thực hiện chưa đầy đủ; không tổ chức trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Có 17,3% nguyên nhân xảy ra TNLĐ từ người lao động do vi phạm quy trình quy chuẩn về an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…(Người Lao Động)
---------------------------------------------------------
Nhu cầu của người Việt với dịch vụ tài chính tăng
Nhu cầu sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng tiếp tục tăng, nhất là nhu cầu thanh toán, thẻ.
Đó là kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý 2-2017 đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài tại VN vừa được vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố.
Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy tình hình kinh doanh của các ngân hàng đang được cải thiện rõ nét.
Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực trong quý 1-2017, trong đó nhu cầu thanh toán, thẻ tăng mạnh nhất, tiếp đến là nhu cầu vay vốn và và gửi tiền.
Có 90,4% NH tin rằng lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2016.
Đa số các ngân hàng cũng cho rằng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ là cơ sở cho việc ổn định lãi suất huy động, tạo nguồn lực xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 5,58% trong quý 2-2017, và tăng 16,23% trong năm 2017, giảm nhẹ so với mức tăng kỳ vọng 16,76% tại cuộc điều tra cuối tháng 12-2016. (Tuổi Trẻ)
----------------------------------------
Malaysia bác bỏ trách nhiệm đối với thâm hụt mậu dịch của Mỹ
Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Ong Ka Chuan tuyên bố nước này không chịu trách nhiệm hay lợi dụng thâm hụt mậu dịch của Mỹ.
Các công ty Mỹ ở Malaysia sẽ bị thiệt hại nặng nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt Malaysia chỉ vì chi phí sản xuất thấp, trang tin Malay Mail dẫn phát biểu của ông Ong tại Kuala Lumpur ngày 2.4.
“Có lẽ Tổng thống Trump không biết rằng Mỹ có rất nhiều nhà sản xuất ở Malaysia như Intel và Western Digital nhờ chi phí sản xuất thấp ở đây”, ông Ông nói.
Sản phẩm điện tử do các công ty Mỹ ở Malaysia sản xuất hiện chiếm 53% tổng sản lượng xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ, trong đó có nhiều bán thành phẩm được đưa về Mỹ để lắp ráp, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia.
“Nếu ông Trump trừng phạt chúng tôi vì điều này, các công ty Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng”, ông Ong nhấn mạnh.
Trước đó vào ngày 31.3, ông Trump đã chỉ đạo giới hữu trách lập danh sách các quốc gia và mặt hàng liên quan đến thâm hụt mậu dịch lên đến 50 tỉ USD của Mỹ. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Russ, nguyên nhân “số 1” là Trung Quốc, bên cạnh các nước như Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Malaysia…
Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản ứng trước động thái trên của chính quyền Trump, kêu gọi Mỹ tôn trọng các nguyên tắc thương mại quốc tế cũng như cải thiện đàm phán và hợp tác.
Reuters ngày 2.4 dẫn lời phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng bất cứ biện pháp thương mại nào của Mỹ cũng phải “tuân thủ quy tắc thương mại quốc tế chung” và hai nước cần giải quyết một cách đúng đắn.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên nền tảng bình đẳng và đôi bên cùng có lợi”, theo phát ngôn viên trên.
Dự kiến Tổng thống Trump sẽ tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida vào ngày 6-7.4, và thương mại có thể là một trong những chủ đề chính. Ông Trump đã viết trên Twitter rằng cuộc gặp sẽ “rất khó khăn” vì các vấn đề thâm hụt mậu dịch và người dân Mỹ bị mất việc làm.(Thanh Niên)
-------------------------------------------
Dự án cầu Đại Ngãi đón vốn ODA Nhật Bản
Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ được chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang nhận vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Rút ngắn đường về miền Tây
Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc triển khai Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ là cơ quan được giao triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, tháng 8/2016, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 từ BOT sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản do không tìm được nhà đầu tư có năng lực.
Cầu Đại Ngãi được xây dựng vượt sông Hậu, dài 15,2 km, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8 km về hạ lưu. Ảnh: A.C
Như vậy, đây sẽ là công trình cầu dây văng vượt sông lớn thứ hai (sau cầu Cần Thơ) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ vốn ODA Nhật Bản. Cầu Đại Ngãi được xây dựng vượt sông Hậu, dài 15,2 km, nằm phía hạ lưu Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8 km về hạ lưu và có một đoạn tuyến đi bằng trên Cù Lao Dung.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 15,2 km, bao gồm 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2; 5 cầu trung và nhỏ; đường dẫn vào cầu. Trong đó, điểm nhấn chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km dạng cầu dây văng; vượt qua luồng Định An, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu từ kênh Quan Chánh Bố (nếu vào cảng Sóc Trăng và Trung tâm Nhiệt điện Long Phú đi vòng qua Cù Lao Dung), với tĩnh không thông thuyền 45 m, chiều rộng thông thuyền tối thiểu 300 m.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, các tuyến quốc lộ theo trục dọc từ TP.HCM đi về Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã được nối thông. Chỉ riêng tuyến Quốc lộ từ Bến Tre về Sóc Trăng đang bị chia cắt do chưa xây dựng được cầu Đại Ngãi. Giao thông của các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn.
“Việc xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ khai thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn khoảng cách xuống 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau về TP.HCM. Cùng với đó sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”, ông Nhật cho biết.
Tiếp tục rà soát chi phí đầu tư
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2011, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi đã được Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Nhật Bản (OCAJI) quan tâm khảo sát nghiên cứu, Bộ GTVT cũng đã có các văn bản đề xuất với Bộ Kinh tế -Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nghiên cứu để xúc tiến vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Đồng thời, cũng tại thời điểm này, Bộ GTVT đưa Dự án vào danh mục đăng ký vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản từ năm 2011 – 2014 với Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phía Nhật Bản chưa quan tâm nghiên cứu tài trợ Dự án do cầu Cổ Chiên chưa được xây dựng, nên việc xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ không hiệu quả.
Sau khi cầu Cổ Chiên hoàn thành (tháng 5/2015), METI đã cấp một khoản kinh phí cho Hiệp hội Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản (gồm: Nippon Engineering Consultants Co, Chodai Consultants Co, Nippon Koei Consultants Co, Kajima Corp, IHI, Nippon Steel, Sumitomo Metal...) triển khai nghiên cứu từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2016, mặc dù tại thời điểm này, nhóm tư vấn Nhật Bản đã biết là Bộ GTVT đang triển khai Dự án theo phương án BOT.
Tính toán sơ bộ của METI cho thấy, tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 8.401 tỷ đồng (tương đương 46,2 tỷ yên), dự kiến vay (STEP) của Nhật Bản khoảng 85%. Tổng mức đầu tư này cao hơn 2.675 tỷ đồng so với phương án đầu tư BOT.
Nguyên nhân có sự chênh lệch, theo Bộ GTVT, là do tính toán của tư vấn trong nước thực hiện theo quy định trong nước, trong khi tư vấn METI tính giá thành xây dựng theo điều kiện vay vốn STEP, nên một số hàng hóa, dịch vụ được mua sắm và cung cấp từ Nhật Bản (khoảng trên 30%) có giá thành cao hơn.
Đặc biệt, về mặt kỹ thuật, tư vấn METI đề xuất bổ sung 2 trụ neo và thay thế giải pháp xử lý đất nền yếu từ giếng cát bằng phương pháp cố kết hút chân không, thời gian thực hiện dự án của tư vấn METI kéo dài nên có sự chênh lệch trên. Tuy nhiên, đề xuất của tư vấn METI chưa có sự rà soát và thẩm tra, nên mới chỉ là số liệu dự kiến.
“Sau khi Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại thiết kế, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án cho phù hợp, nhằm đảm bảo giá thành và chất lượng công trình”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết. (Báo Đầu Tư)