Fitch cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ; Gánh nặng chi phí đang thách thức sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt; Geleximco và đối tác Trung Quốc đề xuất xây sân bay Long Thành; Vì sao hoãn xử vụ bầu Kiên kiện công ty cũ đòi 190 tỉ đồng?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-04-2017
- Cập nhật : 02/04/2017
3 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước chi hơn 61.000 tỷ đồng trả nợ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 216,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa 175,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7%; thu từ dầu thô 9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9%.
Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 17,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 36,8 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 33 nghìn tỷ đồng, bằng 11,5%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 229,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm.
Trong đó chi đầu tư phát triển 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1%; chi thường xuyên 173,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%; chi trả nợ lãi 23 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2%. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Các cân đối của nền kinh tế chưa thật sự vững chắc. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Tổng cục Thống kê lưu ý, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa: Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại; Có giải pháp để chống chuyển giá dưới mọi hình thức của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.(infonet)
-------------------------------------------------
Tàu hàng Hàn Quốc mất tích trên vùng biển Nam Đại Tây Dương
Ngày 1/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo một tàu vận tải của nước này đã mất tích trên vùng biển Nam Đại Tây Dương, gần Uruguay.
Thông báo của Bộ trên cho biết tàu chở hàng trên có số hiệu “Stella Daisy" được xác định đã mất tích trên vùng biển gần quần đảo Marshall tối 31/3 (theo giờ Việt Nam), sau khi rời cảng Brazil hôm 26/3.
Tàu mất tín hiệu liên lạc sau khi một trong những thủy thủ đoàn gửi tin nhắn đến công ty hàng hải chủ quản nói rằng con tàu đang chìm.
Stella Daisy là loại tàu vận tải hàng rời cỡ lớn có thể vận chuyển hơn 260.000 tấn hàng.
Trong số 24 thuyền viên có mặt trên tàu có 16 thủy thủ người Philipines và 8 thủy thủ người Hàn Quốc, gồm thuyền trưởng, thợ máy và hoa tiêu.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết không loại trừ khả năng tàu bị chìm và hiện chưa xác định được các thuyền viên có kịp thoát ra hay không.
Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị Uruguay cử lực lượng cảnh sát biển cứu trợ khẩn cấp. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Uruguay cho biết hiện lực lượng cảnh sát biển nước này và các tàu hàng khác đang tiến hành tìm kiếm cứu trợ tại vùng biển xảy ra tai nạn.(TTXVN)
--------------------------------------------------------------
Bắt thêm 2 lãnh đạo liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh
Ngày 31/3, hai lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam bị bắt vì tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Đỗ Văn Hồng (50 tuổi, ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC-KB và Nguyễn Mạnh Tiến (51 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Hai bị can bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (đồng phạm), quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Trước đó ngày 15/2, cũng liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định tạm giam thêm 4 bị can, phần lớn là cựu lãnh đạo các công ty thành viên của Tổng công ty PVC.(VNE)
----------------------------------
Người Việt chi gấp đôi để nhập xe con từ Thái Lan
Giá trị nhập khẩu ôtô con từ Thái Lan tăng hơn 2 lần trong 2 tháng đầu năm với giá bình quân mỗi chiếc cao gấp rưỡi so với cùng kỳ 2016.
Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, lượng ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ các quốc gia thành viên ASEAN là 8.800 chiếc, tăng 62% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, 2 thị trường trong khu vực xuất khẩu ôtô nguyên chiếc sang Việt Nam là Thái Lan và Indonesia.
Cụ thể, lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống xuất xứ Thái Lan đạt 2.658 chiếc, trị giá 47 triệu USD. Con số này tăng 80% về lượng và tăng 2,2 lần về trị giá so với cùng kỳ 2016. Ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam trong 2 tháng đầu năm có đơn giá bình quân gần 18.000 USD mỗi chiếc, tăng mạnh so với giá bình quân hơn 12.000 USD của năm 2016.
Ôtô nguyên chiếc các loại xuất xứ từ Indonesia được nhập về trong 2 tháng tăng mạnh 3,5 lần về số lượng và gấp gần 5 lần về trị giá so với cùng thời gian năm 2016. Tuy nhiên, nếu lượng và giá trị nhập xe tải giảm thì xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống lại tăng mạnh. Cụ thể, ôtô con nhập từ thị trường này đạt 2.544 chiếc, chiếm tỷ trọng 82%, trong khi cùng kỳ chỉ có 2 chiếc. (VNE)
------------------------------------
Thanh khoản của các tổ chức tín dụng dự kiến dồi dào trong năm 2017
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong quý I/2017 đối với cả VNĐ và ngoại tệ và được kỳ vọng duy trì ở trạng thái tích cực trong quý II/2017 và cả năm 2017.
Theo số liệu của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) về kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2017 đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (tiến hành từ ngày 25/2/2017 đến ngày 9/3/2017) với toàn bộ các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, thanh khoản của TCTD dự kiến dồi dào trong năm 2017.
Kết quả điều tra cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong quý I/2017 đối với cả VNĐ và ngoại tệ và được kỳ vọng duy trì ở trạng thái tích cực trong quý II/2017 và cả năm 2017. So với quý IV/2016, tình hình thanh khoản trong quý I/2017 dồi dào hơn so với kỳ vọng của TCTD tại thời điểm điều tra tháng 12/2016.
Trạng thái thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng là cơ sở cho việc ổn định lãi suất huy động, ổn định chi phí vốn đầu vào để duy trì lợi nhuận biên và tạo nguồn lực xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017.
Kết quả điều tra cũng phản ánh kỳ vọng của TCTD về kỳ vọng lãi suất, kinh doanh, nhu cầu khách hàng với các sản phẩm dịch vụ của TCTD...
Theo kết quả điều tra, đa số các TCTD kỳ vọng năm 2017 mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, huy động vốn và tín dụng có sự điều chỉnh.
Cụ thể, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 5,58% trong quý II/2017 và tăng 16,23% trong năm 2017, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức tăng kỳ vọng 16,76% xác lập tại cuộc điều tra cuối tháng 12/2016.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 5,81% trong quý II/2017 so với quý trước và tăng 17,23% trong năm 2017 (thấp hơn mức kỳ vọng 20,09% và mức tăng thực tế 18,25% của cùng kỳ năm 2016).
Cùng đó, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện trong năm 2017.
Dự kiến trong năm 2017, 90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống TCTD - kỳ vọng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các TCTD tại cuộc điều tra tháng 12/2016 (kỳ vọng tăng 13,4%). Trong đó, thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh đều kỳ vọng tăng trưởng khá.
Nhận định nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng, các TCTD kỳ vọng việc này sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong quý I/2017, trong đó nhu cầu thanh toán, thẻ được nhận định là lớn nhất (42,5% TCTD lựa chọn mức “cao”). Tiếp đến là nhu cầu vay vốn (37,4% TCTD lựa chọn mức “cao”) và nhu cầu gửi tiền (35,5% TCTD lựa chọn mức “cao”).
Dự kiến trong quý II/2017 và cả năm 2017, các TCTD tiếp tục lạc quan về triển vọng gia tăng nhu cầu của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng của đơn vị mình.
Trong quý II/2017, có 65,6% TCTD kỳ vọng tổng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tiếp tục “tăng”, cao hơn so với tỷ lệ 55,7% TCTD có cùng nhận định cho quý I/2017 ghi nhận tại cuộc điều tra kỳ trước, tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó, nhu cầu vay được TCTD kỳ vọng “tăng” cao hơn 2 nhu cầu còn lại với 68% TCTD lựa chọn.
Diễn biến và cơ cấu gia tăng nhu cầu này phù hợp với các đặc điểm có tính chất thời vụ của nền kinh tế gia tăng nhu cầu vay vốn để đầu tư vào sản suất kinh doanh vào quý II hàng năm thay vì gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán và thẻ trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Hầu hết các TCTD cho biết đã giữ ổn định giá bình quân sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng trong quý I/2017 và dự kiến tiếp tục giữ ổn định trong quý II/2017. Dự kiến trong năm 2017, có 50% TCTD dự kiến “giữ nguyên” mức giá bình quân sản phẩm dịch vụ của mình, 20% TCTD dự kiến tiếp tục “giảm nhẹ” nhưng cũng có 29,8% TCTD dự kiến “tăng nhẹ” giá bình quân các sản phẩm dịch vụ.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, hầu hết các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình trong quý I/2017 không đổi hoặc giảm so với quý IV/2016 và tiếp tục kỳ vọng giữ nguyên không đổi hoặc giảm trong quý II/2017 và cả năm 2017.(TTXVN)