tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-04-2017

  • Cập nhật : 03/04/2017

Lạ lùng cổ đông đa số Việt Nam “chịu điều chỉnh” của cổ đông thiểu số Trung Quốc

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để xử lý bất hợp lý tại dự án liên doanh khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - một trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương.

moi di vao hoat dong tu nam 2014, cong ty tnhh khoang san va luyen kim viet trung da lo rat nang. anh: internet

Mới đi vào hoạt động từ năm 2014, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung đã lỗ rất nặng. Ảnh: Internet

Theo đó,  Phó thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán lại theo hướng sửa đổi hợp đồng liên doanh với đối tác Trung Quốc để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2015.

Phó thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi này bao gồm cả tính tới bổ sung các cổ đông có năng lực, cũng như sự tham gia góp vốn của các cổ đông Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung.

Sau khi đàm phán lại, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh lại dự án và trình cấp có thẩm quyền trong quý II/2017.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan "kiểm soát chặt chẽ khối lượng quặng xuất khẩu, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh gian lận thương mại".

Được biết Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) là doanh nghiệp được thành lập năm 2006.

Đây là liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh (Trung Quốc).

Trong đó, các bên phía Việt Nam góp hơn 55,7 triệu USD (55%), phía Trung Quốc góp 45,5 triệu USD.

Mục tiêu thành lập liên doanh là để triển khai dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng liên doanh, các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD của VTM đều phải có sự đồng ý của 100% thành viên HĐQT gồm cả đại diện phía Việt Nam và Trung Quốc.

Do "thỏa thuận" này, mà dù nắm quá bán vốn góp vào liên doanh, thì phía Việt Nam vẫn phụ thuộc và chịu chi phối của phía Trung Quốc trong điều hành dự án. 

Chưa rõ tác động của "mô hình" quản trị này thế nào tới nội bộ của liên doanh, nhưng về kết quả hoạt động, liên doanh đã lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là khoảng 1.077 tỷ đồng. Đặc biệt là phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất. 

Do mức lỗ quá lớn và những bất đồng trong quản lý, dự án đã rơi vào danh sách 12 dự án của Bộ Công thương phải chịu giám sát đặc biệt.(Viettimes)
-------------------------------------------------

Hai Bộ: Tài chính và Công Thương "bắt tay" quản lý bảo hiểm

Bộ Tài chính vừa ký quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong việc phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với bảo hiểm nhân thọ.

dai dien 2 bo ky quy che phoi hop

Đại diện 2 Bộ ký quy chế phối hợp

Quy chế này nhằm thực hiện Nghị định số 73 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Quyết định số 35 về bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và Nghị định số 100 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm; Luật kinh doanh bảo hiểm số 24 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm số 61 năm 2010.

Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, quy chế phối hợp nhằm thực thi quy định pháp luật bảo hiểm cũng như quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

Theo quy chế, việc phê chuẩn sản phẩm BHNT và đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các sản phẩm BHNT được thực hiện theo một quy trình thống nhất; một mặt đảm bảo được yêu cầu quản lý Nhà nước, mặt khác giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Điều này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

"Với sự nỗ lực của hai Bộ và các cơ quan liên quan, sản phầm bảo hiểm nhân thọ sẽ có bước phát triển mới, nâng cao chất lượng dịch vụ vì lợi ích chung của nền kinh tế, của các doanh nghiệp cũng như của người dân", Thứ trưởng Trần Xuân Hà hy vọng.

Theo quy chế, doanh nghiệp BHNT sẽ nộp hồ sơ phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu tại Bộ Tài chính. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ tham vấn, trao đổi chuyên môn trong quá trình thẩm định nhằm rút ngắn thời gian phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Lý giải những băn khoăn của doanh nghiệp BHNT về việc có thêm sự quản lý của Bộ Công Thương đối với hợp đồng BHNT dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính và tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp không? Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã chủ động bàn bạc để xây dựng quy chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp BHNT.

Cụ thể, quy chế quy định các doanh nghiệp BHNT chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký sản phẩm bảo hiểm 1 lần duy nhất, khi được Bộ Tài chính phê chuẩn thì việc đăng ký tại Bộ Công Thương dưới góc độ là hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung sẽ được thực hiện hoàn toàn tự động. Điều đó giúp cho các doanh nghiệp BHNT bớt được rất nhiều thời gian trong việc chuẩn bị hồ sơ (khoảng 20 ngày cho mỗi hợp đồng BHNT).

"Đây là lần đầu tiên có một quy chế phối hợp trong việc phê duyệt sản phẩm BHNT giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Hy vọng từ quy chế này có thể nhân rộng hơn nữa trong tương lai để đưa ra các thủ tục hành chính thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp theo đúng định hướng của Chính phủ kiến tạo và phục vụ sự phát triển vì người dân và vì cộng đồng doanh nghiệp", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.(Infonet)
--------------------------------------------------

Tăng trưởng tín dụng quý 1 tăng mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng quý 1/2017 đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây, ở mức 2,81% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng quý 1 các năm 2013, 2015 và 2016 lần lượt chỉ đạt 0,03%; 1,26% và 1,54%; các năm 2012, 2014 tăng trưởng tín dụng quý 1 so với cùng kỳ ở mức âm nhẹ.

Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp giai đoạn đầu năm là tương đối tốt, qua đó giúp thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện. Cũng theo báo cáo, quý 1/2017 so với cùng kỳ, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,43% trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% (tăng 2,88% so với cuối năm 2016).

Lãi suất huy động nhìn chung khá ổn định, phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%- 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.

Ngoài ra, một vài ngân hàng có hình thức huy động vốn qua chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, 8%-9%/năm, cho các kỳ hạn trung và dài hạn. Theo các chuyên gia, đây là động thái huy động vốn trung dài hạn của các ngân hàng vừa và nhỏ để đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn vay ngắn hạn cho trung dài hạn theo thông tư 06 (tăng từ 50% lên 60%), chứ chưa phải tín hiệu về việc căng thẳng thanh khoản của hệ thống .

Trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất ở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank… vẫn duy trì ổn định và chưa có dấu hiệu tham gia cuộc đua tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.

Chi phí vốn ở một số ngân hàng gia tăng sau khi phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ nhích lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình trạng trên nếu có xảy ra cũng sẽ chỉ cục bộ ở nhóm các ngân hàng vừa và nhỏ và đã huy động vốn qua chứng chỉ tiền gửi với khối lượng lớn.

Trong số các ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với khối lượng lớn, điển hình là Sacombank chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm. LienVietPostBank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm. Ngân hàng Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn từ 6 tháng đến 18 tháng, mức lãi suất cũng rất hấp dẫn, cao nhất lên đến 8,2%/năm.(InfoNet)
--------------------------------------------------

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 7,6 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu ngành nông - lâm - thuỷ sản của tháng 3/2017 ước đạt 2,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong ba tháng đầu năm nay đạt 7,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 13,5%; thuỷ sản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,6%; lâm sản ước đạt 1,8 tỷ USD,  tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Cao su là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 3 năm 2017 đạt 65 nghìn tấn với giá trị đạt 138 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su ba tháng đầu năm 2017 ước đạt 249 nghìn tấn và 510 triệu USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 90,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Cà phê ước đạt 449 nghìn tấn và 1 tỷ USD, giảm 5,4% về khối lượng nhưng tăng 25,6% về giá trị. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2.262 USD/tấn.

Tuy nhiên, trong số các mặt hàng chính, xuất khẩu gạo tiếp tục giảm về cả lượng và giá trị. Theo đó, xuất khẩu gạo 3 tháng đạt 1,28 triệu tấn, tương đương 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 năm 2017 đạt 426 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 6,01 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 4,51 tỷ USD, tăng khoảng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể trong 3 tháng đầu năm: nhập khẩu phân bón đạt 1,22 triệu tấn, 338 triệu USD, tăng 31,5% về khối lượng và 23,8% về giá trị.

Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu ước đạt 183 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 2 tháng đầu năm 2017 chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 53,1% tổng giá trị của mặt hàng này.

Nhập khẩu cao su cũng tăng 21,2%, thủy sản tăng 30%, rau quả tăng 43,7%...so với cùng kỳ năm 2016.(Infonet)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục