Chủ tịch Ủy ban chứng khoán chê nhận định của các công ty chứng khoán
Lo ngại về khả năng tiềm ẩn hình thành bong bóng bất động sản
Nếu các ngân hàng ngưng cho vay mua nhà, thị trường BĐS sẽ bị tác động rất lớn
Năm 2015, thị trường Tp.HCM chào bán tới 49.000 căn hộ
Hà Nội thành lập Cụm công nghiệp Đông Anh quy mô 18.5 ha
Tin kinh tế đọc nhanh 23-01-2016
- Cập nhật : 23/01/2016
Trung Quốc bơm tiền kỷ lục nhằm hạ nhiệt thị trường
Theo Bloomberg đưa tin, NHTW Trung Quốc (PBOC) vừa bơm một lượng tiền kỷ lục vào thị trường thông qua hoạt động thị trường mở. Động thái này nhằm giúp nới lỏng áp lực tiền mặt khi kỳ nghỉ Tết khiến nhu cầu tiền mặt tăng cao, đồng thời cũng giúp đương đầu với áp lực dòng vốn bị rút ra ngày càng tăng.
Theo các đại lý sơ cấp, PBOC đã thực các hiện hợp đồng mua lại kỳ hạn 7 ngày trị giá 110 tỷ nhân dân tệ (16,7 tỷ USD) và hợp đồng kỳ hạn 28 ngày trị giá 290 tỷ nhân dân tệ. Con số này lớn hơn hẳn mức 160 tỷ nhân dân tệ của các hợp đồng đến hạn và dẫn đến lượng tiền ròng được bơm vào là 315 tỷ nhân dân tệ ở hai cuộc đấu giá trong tuần qua - cao nhất 3 năm. Các công cụ cho vay khác cũng được sử dụng để thêm khoảng 700 tỷ nhân dân tệ trong tuần này với các kỳ hạn từ ba ngày đến một năm.
Theo số liệu từ Trung tâm Cấp vốn Liên ngân hàng Quốc gia, lãi suấtrepo 14 ngày (là thước đo độ sẵn có của nguồn vốn liên ngân hàng) đã tăng 48 điểm cơ sở vào ngày 20/1 lên 3,30%, mức tăng cao nhất trong 13 tháng qua. Nhu cầu tiền mặt trước Tết của Trung Quốc hiện đang gia tăng. Trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các thị trường tài chính của nước này sẽ đóng cửa trong một tuần kể từ ngày 8/2.
Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế chi phí đi vay để hỗ trợ nền kinh tế mà không làm dấy lên làn sóng rút vốn đẩy giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. GDP của Trung Quốc đã tăng ở mức thấp nhất trong 25 năm và các can thiệp để duy trì tỷ giá hối đoái đã "tiêu tốn" tới 513 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
PBOC đã bơm 410 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng bằng các khoản cho vay kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF) trong khi sử dụng công cụ thanh khoản ngắn hạn (SLO) để bổ sung các khoản cho vay trị giá 55 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 3 ngày vào 18/1 và 150 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 6 ngày vào 20/1. PBOC cũng đã bán đấu giá 80 tỷ nhân dân tệ tiền gửi bộ Tài chính trong tuần qua.
Theo Bloomberg, ước tính 843 tỷ USD đã chảy ra khỏi Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2015 và các nhà hoạch định chính sách đang phải bổ sung vốn cho hệ thống tài chính đề ngăn lãi suất tăng khi dòng tiền được rút ra. Standard Chartered Plc nhận định tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng cần được cắt giảm để giải phóng nguồn vốn ngay cả sau đợt bơm tiền trong tuần này của chính phủ.
‘Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là điều không thể tránh khỏi,” Ding Shuang – kinh tế gia trưởng phụ trách Trung Quốc của Standard Chartered ở Hồng Kông cho biết. “Dòng vốn liên tục bị rút ra trong nhiều tháng nay và đây không phải là một vấn đề ngắn hạn.”
Trung Quốc và Arabia Saudi bắt tay mở nhà máy lọc dầu
Thành quả lần này một lần nữa cho thấy mong muốn gây ảnh hưởng sâu rộng của Bắc Kinh tại khu vực Trung Đông và nhu cầu của Riyardh trong việc đa dạng hóa ngành kinh tế.
Nhà máy lọc dầu quy mô lớn
YASREF là một trong năm nhà máy liên doanh về lọc dầu của vương quốc Arabia Saudi. Bốn nhà máy kia đều ở nước ngoài, bao gồm một nhà máy ở Fujian, Trung Quốc.
Một năm trước, Nhà máy YASREF với sản lượng tinh lọc 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày đã xuất đi đơn hàng dầu diesel đầu tiên.
Mặc dù Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu thô của khu vực Trung Đông nhưng chỉ gần đây Trung Quốc mới bắt đầu chú trọng việc nâng cao vị thế của mình ở khu vực này, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trước thời điểm ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công tác tại Trung Đông, một bài phân tích của Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ thực hiện điều gì đó nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng giữa Arabia Saudi, giáo phái Sunni và giáo phái Shiite ở Iran.
Eximbank bất ngờ miễn nhiệm một phó tổng giám đốc
Quyết định của HĐQT Eximbank không đưa ra lí do miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Cao Xuân Lãnh
Ông Lê Minh Quốc – Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết HĐQT Eximbank vừa ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc với ông Cao Xuân Lãnh từ ngày 21-1, đồng thời giao Tổng giám đốc Eximbank phân công công tác phù hợp cho ông Lãnh tại bộ phận phát triển nguồn nhân lực thuộc Phòng quản lý nhân sự - Khối nguồn nhân lực. Quyết định của HĐQT Eximbank không đưa ra lí do miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Cao Xuân Lãnh.
Với việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc với ông Cao Xuân Lãnh, ban điều hành của Eximbank còn lại 13 người, trong đó ông Trần Tấn Lộc là Quyền Tổng Giám đốc, còn lại là 12 Phó Tổng giám đốc.
Ông Cao Xuân Lãnh (sinh năm 1957) trước đây từng là Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cuối năm 2013 ông chuyển về công tác tại Eximbank. Ngày 2-12-2013, HĐQT Eximbank bổ nhiệm ông Lãnh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân quỹ- Hành chánh. Thời gian đó, ông Lê Hùng Dũng Chủ tịch Hội đồng Thành viên của SJC, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của Eximbank, kiêm luôn người đại diện vốn cổ phần của SJC tại Eximbank.
Ông Lê Hùng Dũng chính thức rời khỏi Eximbank vào kỳ Đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng này vừa diễn ra hồi giữa tháng 12-2015. Ông Lê Minh Quốc, một thành viên độc lập được bầu thay thế ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT Eximbank.
27 nghìn tỷ USD đang chìm trong “chảo lửa” chứng khoán
Thị trường toàn cầu lao dốc khiến cho "ví tiền" của nhà đầu tư đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo Bloomberg, ít nhất 40 thị trường chứng khoán trên toàn cầu với tổng giá trị 27 nghìn tỷ USD đang chìm trong "chảo lửa", các nhà đầu tư đang khởi đầu một năm mới tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới.
Thị trường chứng khoán Anh là "thành viên" mới nhất bị mất 20% so với mức đỉnh trong khi chứng khoán Ấn Độ chỉ còn cách 1% so với điểm được cho là "thị trường con gấu".
Trong khi đó, theo số liệu của Bloomberg, 19 trên 63 thị trường lớn nhất thế giới, với tổng vốn hóa lên tới 30 nghìn tỷ USD cũng đã "bốc hơi" từ 10 đến 20%, bước vào thời kỳ điều chỉnh.
Riêng thị trường Việt Nam, tính từ đầu năm tới đầu giờ chiều nay (21/1), chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng 57,15 điểm, tương đương 9,87% giá trị. Trong đó, các mã lớn như GAS, BID, HAG là những mã mất điểm nhiều nhất.
Ngành sữa thế giới “vạ lây” vì Trung Quốc
Nhu cầu sữa toàn cầu đang chững lại do tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc và giá dầu sụt sâu...
Cuộc khủng hoảng thừa cung khiến giá sữa thế giới rớt xuống mức thấp nhất trong 12 năm vẫn còn chưa kết thúc, và nông dân sản xuất sữa sẽ tiếp tục chịu tổn thất trong thời gian tới - hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Theo Spierings, Giám đốc điều hành (CEO) hãng sữa lớn nhất thế giới Fonterra.
Ông Spierings nói, nhu cầu sữa đang chững lại do tăng trưởng giảm tốc và thị trường chứng khoán lao dốc ở Trung Quốc. Ngoài ra, tiêu thụ sữa tại các quốc gia phụ thuộc vào dầu lửa có thể cũng giảm sau khi giá dầu sụt xuống dưới 30 USD thùng, mức thấp nhất trong 12 năm.
Sự kết hợp giữa nguồn cung tăng và nhu cầu ảm đạm đã đẩy giá sữa xuống đáy của 12 năm vào tháng 8 năm ngoái. Sau khi chạm đáy, giá sữa đã ổn định nhờ Fonterra giảm khối lượng sữa bán ra tại các cuộc đấu giá.
Công ty chế biến sữa Saputo của Canada dự báo giá sữa sẽ còn chịu sức ép giảm, và Fonterra nói các nhà sản xuất sữa với mức chi phí cao hơn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. New Zealand, quốc gia nơi Fonterra đặt trụ sở, chiếm hơn một nửa tổng lượng sữa bột xuất khẩu của thế giới.
“Chắc chắn là sẽ còn khó khăn, khó khăn hơn nữa. Vấn đề là liệu nông dân sản xuất sữa của nước nào có thể thích nghi tốt nhất với biến động giá sữa”, ông Spierings nói. Theo vị CEO này, ở New Zealand, “chúng tôi có thể vượt qua khó khăn dễ dàng hơn, nhưng nông dân ở các nước có chi phí sản xuất cao chắc chắn sẽ chật vật”.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc đang khiến niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, nhưng ông Spierings tin tưởng vào triển vọng thị trường sữa nước này trong dài hạn, khi người Trung Quốc đã được phép sinh con thứ hai và tầng lớp trung lưu của nước này tiếp tục phát triển mạnh.
Ông Spierings nói hiện Fonterra duy trì dự báo mức giá trả cho nông dân ở 2,94 USD/kg sữa khô. Nếu giá sữa toàn cầu giảm sâu hơn, Fonterra có thể sẽ giảm khối lượng sữa bán trong các cuộc đấu giá.
Giá sữa bột nguyên kem trung bình tính đến ngày 19/1 là 2.188 USD/tấn. Mức giá dự báo trả cho nông dân mà Fonterra đưa ra ở trên tương đương với 3.000 USD/tấn sữa bột nguyên kem.