Nguy cơ ATM khắp thế giới bị cướp sạch tiền; Công khai 272 doanh nghiệp ‘chây ì’ nợ thuế hơn 1.000 tỉ đồng; Doanh nghiệp biết trước kinh doanh là… lỗ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-08-2018
- Cập nhật : 14/08/2018
Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Tồi tệ hơn Lehman, tương đương châu Á cuối những năm 1990
Các chỉ số tài chính do Bloomberg thống kê cho thấy tình thế "ngàn cân treo sợ tóc" mà thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong cơn lao dốc tồi tệ nhất trong lịch sử các thị trường mới nổi và có rất ít dấu hiệu cho thấy đà lao dốc sẽ sớm kết thúc. Sau khi giảm 17% trong phiên cuối tuần trước, phiên giao dịch sáng nay đồng tiền này tiếp tục giảm thêm và thủng đấy 7 lira đổi 1 USD trước khi hồi phục nhẹ trở lại. Tính từ cuối tháng 6, khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử và củng cố đáng kể quyền lực, đồng lira đã giảm gần 30%.
Dưới đây là 3 biểu đồ cho thấy thế "ngàn cân treo sợi tóc" mà thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt.
Vì đồng lira lao dốc, chi phí để giao dịch đồng tiền này cũng tăng lên. Chênh lệch giá đặt mua và đặt bán (bid-ask spread), hay khoản chênh lệch giữa mức giá mà các nhà giao dịch sẵn sàng bỏ ra để mua vào và bán ra đồng lira, đã vượt qua cả mức nhìn thấy khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008 sau sự kiện ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. Mặc dù kỷ lục vẫn thuộc về năm 2015, mức thanh khoản yếu cho thấy thị trường đang rất khó khăn.
Đồng lira yếu cũng khiến những khoản vay nợ bằng ngoại tệ trở nên đắt đỏ hơn. Kết quả là rủi ro vỡ nợ của Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên, đẩy tăng chi phí bảo hiểm chống lại sự kiện vỡ nợ bằng các hợp đồng hoán đổi. Dù có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn Hy Lạp 4 bậc theo Moody’s, Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị coi là có nhiều khả năng vỡ nợ hơn. Giá hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm cho thấy có 25% khả năng nước này sẽ vỡ nợ trong vòng 5 năm tới.
Thiếu nguồn vốn trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ phải vay mượn từ các nhà đầu tư nước ngoài để có tiền chi tiêu. Theo thống kê của Goldman Sachs, lỗ hổng nguồn vốn (funding gap – chênh lệch giữa số tiền cần để chi tiêu và số tiền sẵn có) của Thổ Nhĩ Kỳ hiện lớn hơn cả ở một số nền kinh tế châu Á đã lâm vào khủng hoảng trong thời kỳ cuối những năm 1990 hay khủng hoảng nợ ở châu Á Mỹ Latinh trong những năm 1980.
---------------------------
Nhiều mặt hàng của Mỹ đang dần mất chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc
Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc, như máy bay của Boeing và ô tô do Mỹ sản xuất, đang bị đe dọa khi mất thị trường Trung Quốc.
Các mức thuế trả đũa của Bắc Kinh đối với thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ đang khiến cho các mặt hàng này trở nên đắt “một cách quá đáng”. Ảnh minh họa: reuters
Một mục tiêu chủ chốt trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là gây sức ép buộc Bắc Kinh mua hàng Mỹ, nhưng với mặt hàng thịt mà hàng năm Trung Quốc nhập khẩu hàng triệu USD từ Mỹ thì Bắc Kinh đơn giản có thể tìm nguồn cung từ những nơi khác.
Các mức thuế trả đũa của Bắc Kinh đối với thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ đang khiến cho các mặt hàng này trở nên đắt “một cách quá đáng”. Trước tình hình đó, các công ty nhập khẩu Trung Quốc đang chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác, và xu hướng này được dự đoán sẽ diễn ra ở cả các ngành hàng khác.
Bà Zhang Lihui, Giám đốc công ty thịt toàn cầu PMI Foods chi nhánh Thượng Hải, cho biết thay vì nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, công ty này sẽ mua nhiều hơn từ Australia, Nam Mỹ và có thể nhập một ít từ Canada. Bên cạnh đó, PMI Foods cũng đã ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ sau khi các mức thuế của Bắc Kinh được ban hành hồi tháng trước đã đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
Công ty thương mại quốc tế Shanghai Xinshangshi International Trade Co đã nhập khẩu 40 triệu USD thịt bò và thịt lợn từ Mỹ trong năm 2017 và đã có dự định sẽ nâng con số này lên 100 triệu USD trong năm nay. Nhưng vì cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng giám đốc Xu Wei cũng đang chuyển hướng sang châu Âu, Australia và Nam Mỹ.
Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu thịt Mỹ, nước này xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 140 triệu USD thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm phụ có liên quan trong tháng Sáu trước khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa, chiếm khoảng 10% tổng lượng thịt bò và thịt lợn xuất khẩu của Mỹ.
Ông Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia kinh tế của công ty Capital Economics, cho biết Trung Quốc rõ ràng đang nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu như thịt, đậu tương, lúa mỳ và các sản phẩm hóa dầu, những mặt hàng có thể được thay thế dễ dàng trên thị trường toàn cầu.
Theo các chuyên gia thương mại, nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc, như máy bay của Boeing và ô tô do Mỹ sản xuất, đang bị đe dọa khi Trung Quốc có thể mua máy bay của Airbus và nhập khẩu ô tô từ châu Âu và Nhật Bản.
Thậm chí mặt hàng đậu tương, một yếu tố đòn bẩy chủ chốt của Mỹ do kim ngạch nhập khẩu khổng lồ của Trung Quốc, cũng không phải là không thể thay thế được. Người đứng đầu công ty thương mại ngũ cốc quốc doanh Cofco của Trung Quốc cho biết đang xem xét tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Brazil (Bra-xin), và các loại ngũ cốc khác từ các nước khác như Ukraine và Nga. (Bnews)
--------------------
Bộ Tài chính Nga đề xuất giao dịch dầu thô bằng Rúp
Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov thông báo trên kênh truyền hình "Russia 1" ngày 12.8 rằng, Nga cho phép giao dịch dầu thô bằng đồng Rúp do sự biến động khó lường của đồng USD.
"Chúng tôi đã giảm đáng kể việc đầu tư vào đồng USD, được coi là tiền tệ thế giới, bởi nó có thể đem đến những rủi ro cho việc thanh khoản", ông Siluanov nói.
Không những vậy, ông còn giải thích thêm rằng, chính quyền Nga sẽ không đóng cửa các công ty Mỹ đang làm việc ở đây.
Kể từ đầu năm 2018, Nga đã giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ trong 2 tháng liên tiếp: Trong tháng 4 là 47,5 tỷ USD, trong tháng 5 giảm 33,8 tỷ USD. Kết quả đã giảm xuống còn 13,7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007 và Nga bị loại khỏi danh sách 33 chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Ngân hàng Trung ương Nga giải thích rằng, họ đang tiến hành đa dạng hóa dự nguồn dự trữ quốc tế; tính toán đến tất cả các rủi ro có thể gặp phải, bao gồm cả các rủi ro về tài chính, kinh tế và địa chính trị.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Siluanov đưa ra nhằm chống lại việc Mỹ công bố quyết định mới trừng phạt Nga.
Được biết, ngày 8.8, Washington công bố các biện pháp trừng phạt mới do "việc sử dụng vũ khí hóa học của Mátxcơva ở Salisbury của Anh". Các biện pháp trừng phạt trên sẽ có hiệu lực từ ngày 22.8.2011; đợt trừng phạt này sẽ bao gồm hai giai đoạn.
Trước việc Mỹ chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Mátxcơva có liên quan đến vụ cựu điệp viên Skripal bị hạ độc, London ngay lập tức hoan nghênh quyết định này của Washington.
Trong khi đó, đại sứ quán Nga tại Mỹ lên án quyết định của Mỹ. Ông Dmitry Polyanskiy - Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc cũng chỉ trích Mỹ vô cớ trừng phạt Nga.(LĐ)