tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-08-2018

  • Cập nhật : 12/08/2018

Bất động sản chờ nguồn cung từ chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp

Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay chững lại, tại một số nơi đã sụt giảm. Tuy nhiên, theo HoREA những tháng cuối năm thị trường sẽ khởi sắc. 

thi truong bat dong san duoc du bao se khoi sac nhung thang cuoi nam - son son

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ khởi sắc những tháng cuối năm - SƠN SƠN

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thường trực Thành ủy TP.HCM, Thường trực UBND TP.HCM về thực trạng thị trường bất động sản và dự báo xu hướng phát triển đến Tết 2019, nhận định thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm 2018. Phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền sẽ tăng trưởng mạnh; phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo còn phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ…

Trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung từ kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở; kế hoạc đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố, và kế hoạch của VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) xử lý nợ xấu trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản.

Tuy nhiên, HoRA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay, và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 1.1.2019 theo lộ trình của Thông tư 19.

HoRA khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM; chương trình nhà ở xã hội của TP.HCM; chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đề án xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM.

HoRA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp…(Thanhnien)
-----------------------------

Mỗi năm có trên 1 tỉ USD kiều hối đổ vào bất động sản TP HCM

Nguồn vốn lớn từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn tới xu hướng phát triển của bất động sản Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 11-8 tại TP HCM.

Hội thảo dẫn thông tin thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tỉ trọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm hơn 27% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định việc bất động sản hút được đầu tư nước ngoài kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhu cầu vốn cho bất động sản là rất lớn. Việc tham gia của vốn FDI, vốn kiều hối đóng góp tích cực vào nguồn vốn, giảm áp lực cho ngân hàng.

"Kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây khoảng 5 tỉ USD, trong đó, đổ vào bất động sản trên 21%, tức trên 1 tỉ USD mỗi năm. Đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế TP HCM nói riêng và cả nước nói chung" – ông Minh dẫn chứng.

Mỗi năm có trên 1 tỉ USD kiều hối đổ vào bất động sản TP HCM - Ảnh 1.

Vốn FDI đổ vào kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm hơn 27% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Để hạn chế rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, ông Minh cho hay cơ quan quản lý đã có chính sách chỉ cấp phép cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án. Ngoài ra, Luật Đất đai còn yêu cầu nhà đầu tư khi bán dự án hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh cho người mua nhà.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp FDI bắt tay với doanh nghiệp trong nước trên lĩnh bất động sản. "Nếu doanh nghiệp FDI có lợi thế về vốn và công nghệ thì doanh nghiệp trong nước có sự am hiểu về thị trường, văn hoá. Do vậy, sự bắt tay, cộng sinh giữa 2 khối doanh nghiệp rất cần thiết" – Chủ tịch VCCI lý giải.

Ông Lộc cũng nêu thêm trên thế giới, bất động sản chiếm tới 60% tổng tài sản kinh tế toàn cầu và là nguồn lực lớn của nền kinh tế. Trong các dòng vốn đầu tư hiện nay trên thị trường bất động sản toàn cầu, có nguồn rất đáng lưu ý từ Trung Quốc. Nguồn vốn dồi dào này sẽ ảnh hưởng lớn tới xu hướng phát triển của bất động sản Việt Nam.

Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản - Sở Xây dựng TP HCM, nhận định thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng của nhiều ngành nghề, trong đó có đầu tư nước ngoài. Theo ông Sơn, trong 5 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vào bất động sản theo hình thức gián tiếp. Nguyên nhân là do đặc thù sở hữu đất đai tại Việt Nam.(NLĐ)
--------------------------

Ngạc nhiên khi ôtô Indonesia chiếm gần 50% lượng xe nhập về VN

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần đầu tháng 8-2018 (từ ngày 3 đến 9-8) số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký nhập khẩu đạt 1.287 chiếc tương ứng tổng trị giá đạt 31,3 triệu USD.

Ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu tuần qua tiếp tục có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với 547 chiếc và Indonesia với 491 chiếc. Như vậy, hai thị trường này chiếm tới 81% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tuần qua.

Đáng chú ý, ô tô nguyên chiếc từ chín chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu trong tuần chủ yếu có xuất xứ từ Indonesia với 491 chiếc, chiếm tỉ trọng 48% trong tổng lượng xe loại này. Tiếp theo là xe Thái Lan với 340 chiếc, Trung Quốc với 70 chiếc, Mexico với 68 chiếc…

Trong đó, khu vực cảng TP.HCM có 950 chiếc làm thủ tục nhập khẩu, khu vực cảng Hải Phòng có 73 chiếc và cảng Đà Nẵng có một chiếc duy nhất.

Ngạc nhiên khi ôtô Indonesia chiếm gần 50% lượng xe nhập về VN - ảnh 1
Ô tô Indonesia vượt mặt Thái Lan trở thành nước có lượng ô tô dưới chín chỗ nhập nhiều nhất vào Việt Nam.

Ngoài ra, trong tuần có 209 chiếc ô tô tải được nhập khẩu với trị giá đạt 4,8 triệu USD, giảm mạnh so với con số 769 chiếc của tuần trước. Trong đó có 207 chiếc xuất xứ Thái Lan và hai chiếc xuất xứ Hàn Quốc.

Tuần qua, cả nước nhập 48 ô tô chuyên dụng với trị giá khai báo 7,7 triệu USD. Trong đó, chủ yếu xe có xuất xứ Trung Quốc với 16 chiếc, từ Đức 13 chiếc, từ Hàn Quốc 8 chiếc, từ Italia 5 chiếc, từ Pháp 4 chiếc…

Đáng chú ý, có sáu ô tô trên chín chỗ ngồi được nhập khẩu 100% có xuất xứ Trung Quốc với trị giá đạt gần 44,9 nghìn USD. Toàn bộ số xe này được nhập khẩu ở Đồng Nai.(PLO)
-----------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục