tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 15-08-2018

  • Cập nhật : 15/08/2018

Hà Nội công bố danh sách 22 đơn vị bị thu hồi đất

 Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong 7 năm (từ 2012-2018), Hà Nội mới thu hồi được 22 dự án vi phạm.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội vừa công bố danh sách 22 đơn vị đã có quyết định thu hồi đất vi phạm, tổ chức được giao quản lý đất thu hồi đang làm thủ tục nhận bàn giao và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.

Theo đó, từ tháng 10/2012 đến ngày 31/3/2018, Hà Nội đã ra quyết định thu hồi đất với 22 đơn vị, gồm: 27.000m2 của Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật thiết bị y tế tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; 16.000m2 đất tại phườngThượng Cát, quận Bắc Từ Liêm của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Contrexim; 3.161m2 đất tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình của Công ty Cổ phần Kinh doanh xây dựng Nhà; 9.771m2 đất tại Ao Út Tu thuộc phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ba Đình; 32.491m2 đất tại Phú Đa, Đức Thượng, Hoài Đức của Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương; 1.166m2 đất của Công ty cổ phần đầu tư dự án phát triển đô thị - UDPI tại số 11 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình.

Ngoài ra, Hà Nội còn thu hồi 1.298m2 đất của Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội tại ngõ 84 chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa; 1.944m2 đất tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa của Công ty xây dựng và kinh doanh phát triển nhà Đống Đa (nay là Công  ty cổ phần và phát triển nhà số 6 Hà Nội) và thu hồi 5.048m2 đất tại lô CN1, Khu đô thị mới Trung Yên, phường Trung Hòa và Yên Hòa, quận Cầu Giấy của Công ty cổ phần hữu nghị Fortika….

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23...

Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai được đánh giá là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô... (Bizlive)
------------------------

Giá vàng giảm về mức thấp nhất trong 18 tháng qua

Giá vàng thế giới đã chính thức thủng mức 1.200 USD/ounce,  thấp nhất trong vòng 18 tháng trở lại đây.

Vàng về mức giá thấp nhất trong vòng 18 tháng qua /// Ngọc Thạch

Vàng về mức giá thấp nhất trong vòng 18 tháng qua - NGỌC THẠCH

Giá vàng thế giới sáng 14.8 giảm 12 USD/ounce so với ngày 13.8, còn 1.193 USD/ounce, có thời điểm giá xuống 1.190 USD/ounce.

Nguyên nhân khiến vàng giảm giá là đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác sau căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, giá Euro xuống đáy một năm so với USD, tỷ giá EUR/USD ở mức 1,14091; Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm giá khi USD/CNY ở mức 6,887 - 6,906… Chỉ số USD-Index tăng nhẹ 0,1 điểm, ở mức 96,3 điểm.

Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR tiếp tục bán 1,48 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ giảm xuống 784,6 tấn. Đây là ngày thứ 6 kể từ đầu tháng 8 đến nay, quỹ này thực hiện bán vàng mà không có ngày nào mua.

Trong nước, giá vàng miếng SJC giảm 50.000 đồng/lượng so với chiều 13.8. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 36,55 triệu đồng/lượng, bán ra 36,73 - 36,75 triệu đồng/lượng. Đà giảm giá vàng trong nước không bằng thế giới nên đẩy mức chênh lệch cao hơn lên 2,7 triệu đồng/lượng.(Thanhnien)
----------------------------

Doanh nghiệp nhựa kêu có thể phá sản do container phế liệu "nằm" cảng

Chỉ tính riêng chi phí lưu container mà doanh nghiệp phải trả cho các công ty vận chuyển đã lên đến 50-100 USD/ngày.

Tại buổi họp chủ đề "Tái chế nhựa phế liệu, cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam" sáng 14-8 ở TP HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết họ đang rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí có thể phá sản do hàng ngàn container nhựa phế liệu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất còn nằm ở cảng không biết đến khi nào.

Theo ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Lê Trần, năm 2018 công ty ông dự kiến xuất khẩu 30 triệu USD sản phẩm nhựa. Hợp đồng đã ký cho cả năm, nếu tình hình thiếu hụt nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất kéo dài, công ty có khả năng phải đền hợp đồng. Nếu thay thế nhựa tái chế bằng nhựa "zin" sẽ lỗ khoảng 10 triệu USD.

"Tôi biết nhiều DN trong ngành đã đầu tư nhà máy 100 - 200 tỉ đồng để xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu đang phải ngưng hoạt động. Nhà xưởng bỏ không trong khi hằng tháng phải trả lãi ngân hàng ít nhất 1 tỉ đồng" – ông Lê cho biết. 

Theo các DN, hiện có hơn 4.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng, chỉ tính riêng chi phí lưu container mà họ phải trả cho các công ty vận chuyển đã lên đến 50-100 USD/ngày. Mỗi container chứa khoảng 10.000 USD sản phẩm, nếu tính thời gian hàng bị ách lại cảng 2-3 tháng nay thì chi phí lưu container đã cao hơn giá trị hàng hóa. Cộng gộp lại, thiệt hại do việc ách tắc này cực kỳ lớn. 

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, các cơ quan chức năng thời gian gần đây xem xét kỹ lưỡng và rất hạn chế cấp phép nhập khẩu nguyên liệu từ phế thải là do nhiều container phế liệu nhập khẩu về Việt Nam bị phát hiện chứa loại phế thải không đúng quy định. Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam sử dụng tới 80% lượng nguyên liệu nhập khẩu nên việc nhà nước đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu đã gây nhiều hệ lụy cho DN. 

Doanh nghiệp nhựa kêu có thể phá sản do container phế liệu nằm cảng - Ảnh 1.

Hiện có hơn 4.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng. Ảnh: Hoàng Triều

Hiện nay, DN nhập khẩu nhựa phế liệu không thông quan được hàng, DN sản xuất sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế tê liệt sản xuất, một số ngân hàng đã ngừng giải ngân cho vay vốn vì họ sợ DN không rút được hàng từ cảng hay xây dựng nhà máy xong lại không được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu có thể dẫn tới không sản xuất được.

"PVA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thay đổi phương pháp quản lý sao cho tạo điều kiện cho DN nhập khẩu hầu hết các loại nhựa tái chế. Bộ Tài chính cần cho thông quan các container hàng nhựa đã qua sử dụng đang tồn tại các cảng biển, cho nâng luồng kiểm tra xác suất để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng" – ông Lam nêu quan điểm (NLĐ)
---------------------

Nguy cơ mất vốn, 'vỡ kế hoạch' cổ phần hóa

Ôm doanh nghiệp không muốn nhả, định giá thấp tài sản, cổ phần hóa xong không chịu lên sàn...

Tổng công ty bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau khi bán lại cho tỉ phú người Thái Lan, có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, ngân sách đã thu lại cả ngàn tỉ đồng /// Ảnh: Ngọc Dương

Tổng công ty bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau khi bán lại cho tỉ phú người Thái Lan, có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, ngân sách đã thu lại cả ngàn tỉ đồng - ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Hàng loạt nguyên nhân đang khiến kế hoạch sắp xếp lại, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước năm 2018 có thể bị vỡ, mất vốn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm mới có 9 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), trong khi mục tiêu cả năm nay lên tới 85 DN. Về thoái vốn, tháng 7 chưa có số liệu thống kê, song trong 6 tháng đầu năm cũng mới chỉ hoàn thành 5 trên tổng số 181 DN. Năm 2017, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng chậm so với kế hoạch đề ra khi mục tiêu đặt ra là 135 DN nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 DN.

Trong danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng quyết định các bộ, UBND tỉnh chuyển giao về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 DN. Song, từ quyết định ra đời 17.8.2017 đến hết tháng 6.2018, SCIC mới tiếp nhận 25/62 DN theo danh sách chuyển giao. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC tỏ ra ngao ngán khi nhiều bộ ngành, địa phương không muốn bàn giao về cho SCIC. Điển hình là tại Bộ NN-PTNT, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành chuyển giao trong tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được và phải báo cáo Bộ Tài chính. "Lẽ ra Bộ NN-PTNT làm xong thủ tục DN nào thì bàn giao nhưng họ bảo phải bàn giao cả gói. Hay như Bộ Công thương, chúng tôi cũng làm xong hết thủ tục rồi nhưng chưa được ký, Tổng công ty thép cũng thế", ông Chi cho biết.

Kể từ đầu năm đến nay, tháng nào Chính phủ cũng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành nhưng tình trạng này vẫn diễn ra rất ì ạch. Trong tháng 9.2018 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Những chậm trễ trong thoái vốn, CPH chắc chắn sẽ được đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ thất thoát, mất vốn khi CPH tại một số DN lớn, đầu tàu. Đơn cử trường hợp tại Tổng công ty bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau khi bán lại cho tỉ phú người Thái Lan, nếu không có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, có thể ngân sách đã mất đi khoản thu 2.495 tỉ đồng. Cụ thể, qua kiểm toán báo cáo tài chính tại ngày 31.12.2016 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước khoảng 2.900 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông nhà nước chiếm 89,59%/vốn điều lệ, tương ứng được chia số tiền 2.495 tỉ đồng. Số tiền này sau đó Sabeco đã nộp về ngân sách.

Nỗi lo mất vốn

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã tiến hành kiểm toán tại nhiều DN trước khi CPH có nguy cơ thất thoát tiền và tài sản nhà nước do định giá thấp hơn giá trị tài sản thực tế. Đáng lưu ý là trường hợp của Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo báo cáo, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN này hơn 40.342 tỉ đồng, sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỉ đồng. Hay tại Tổng công ty điện lực dầu khí VN, con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN hơn 31.500 tỉ đồng, sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỉ đồng…

Tại các tổng công ty như Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO), Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) và Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ... kết quả kiểm toán cũng làm tăng giá trị vốn nhà nước tại các đơn vị này lên 2.223 tỉ đồng. Riêng công tác kiểm toán xác định giá trị DN tại Becamex đã làm tăng giá trị DN và giá trị vốn nhà nước lên 1.333 tỉ đồng.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục