Kiên Giang mời gọi đầu tư 64 dự án; Chu kỳ khủng hoảng liệu có tái diễn trên thị trường bất động sản?; Đồng nhân dân tệ giảm giá, hàng Trung Quốc sẽ tràn về Việt Nam?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-08-2018
- Cập nhật : 12/08/2018
Nhà đầu tư Thái dẫn đầu việc mua lại các doanh nghiệp Việt
Liên tục trong những năm qua, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại các doanh nghiệp Việt đang dẫn đầu thị trường.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Diễn đàn Mua bán & Sáp nhập (M&A) vừa diễn ra tại TP.HCM cho thấy, năm 2017, tổng giá trị hoạt động này tại Việt Nam đạt 10,2 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 175% so với năm 2016. Sự tăng trưởng đột biến này là do có thương vụ Thaibev mua cổ phần chi phối tại Sabeco với trị giá 4,8 tỉ USD.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam cũng đạt 3,55 tỉ USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực sôi động nhất được giao dịch gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Bên cạnh đó ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng cũng có những thương vụ mới. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là người mua chính trong các thương vụ này với tỷ lệ hơn 91% trong khi nhà đầu tư trong nước chỉ thực hiện mua gần 9%.
Dòng vốn tham gia vào hoạt động mua doanh nghiệp trong nước chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại các công ty lớn dẫn đầu thị trường từ nhiều năm qua. Ví dụ như các thương vụ trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ gồm Metro, BigC, Nguyễn Kim; lĩnh vực nguyên vật liệu có Prime Group, Xi măng Holcim, VCM, nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong... và năm 2017 là thương vụ Thaibev - Sabeco đưa Thái Lan tiếp tục dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam trong năm 2017, chiếm tỷ lệ hơn 50% về giá trị đầu tư.
Tuy nhiên quy mô thị trường M&A của Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, giá trị M&A của Singapore năm 2016 đạt 62,3 tỉ USD, vượt xa so với mức 11 - 16 tỉ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Theo dự báo, cả năm 2018 giá trị M&A của Việt Nam có thể đạt 6,5 - 6,9 tỉ USD, chỉ bằng 63,7% năm 2017. Quy mô này tăng hơn mức trung bình 5 tỉ USD/năm của giai đoạn 2014 - 2016 nhưng để đạt được mức 10 tỉ USD như năm qua thì cần phải có các thương vụ lớn hơn. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản được dự báo vẫn tiếp tục "hút" dòng vốn ngoại trong thời gian tới.(THanhnien)
------------------
Saigon Co.op là nhà bán lẻ nộp thuế nhiều nhất Việt Nam 2017
Tổng cục Thuế tổ chức lễ công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017.
Bên cạnh các doanh nghiệp hàng đầu về viễn thông, ngân hàng, bất động sản, xe hơi… nhóm 100 doanh nghiệp hàng đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2017 có sự xuất hiện của các nhà bán lẻ, dẫn đầu nhóm hàng tiêu dùng nhanh là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op).
Saigon Co.op là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu Việt Nam. Thông qua các mô hình bán lẻ gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers, nhà bán lẻ này luôn ưu tiên ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến nay, hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op đã và đang tiếp tục giúp hàng ngàn doanh nghiệp uy tín trong nước bảo đảm đầu ra. Không những vậy, đây cũng là hệ thống tích cực tham gia phân phối 9 nhóm hàng bình ổn giá, giải cứu nông sản và nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực, được các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, Saigon Co.op là nhà bán lẻ trong nước gần 30 năm hoạt động đã liên tục nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, đóng góp cho ngân sách nhà nước với con số không ngừng tăng lên mỗi năm 2 con số.
Hàng hóa dồi dào và an toàn giúp hệ thống Co.opmart thu hút lượng lớn khách hàng đến mua sắm
Theo Tổng cục Thuế, tiêu chí lựa chọn là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp. Mức nộp thuế trong năm 2017 là tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp trong năm 2017. Mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổng số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho ngân sách nhà nước trong năm, không đưa vào danh sách các doanh nghiệp nộp chủ yếu cho số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp của năm trước.
Trong bảng xếp hạng năm 2017, Hà Nội và TP HCM tiếp tục dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp và tỉ trọng đóng góp về số thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, TP HCM dẫn đầu về số lượng với 333 doanh nghiệp, Hà Nội 234 doanh nghiệp, tiếp theo là Đồng Nai và Bình Dương cùng các tỉnh, thành khác trên cả nước.(NLĐ)
------------------------
Trung Nguyên muốn mở chuỗi 1.000 cửa hàng cà phê
King Coffee là thương hiệu cà phê mà Trung Nguyên International đang nỗ lực đầu tư với quyết tâm và lòng khát khao đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới.
Trung Nguyên International đã chính thức đưa chuỗi quán King Coffee tiến về TP.HCM sau một tháng mở cửa hàng đầu tiên tại Gia Lai.
King Coffee được định vị là nơi kết nối tinh hoa, sáng tạo và đam mê, mang phong cách thiết kế theo ý tưởng xuyên suốt Trải nghiệm cà phê thế giới. Với sứ mệnh kết nối con người, khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và đam mê, chuỗi quán phục vụ những sản phẩm hảo hạng gồm King Coffee và các dòng cà phê trứ danh của thế giới.
Ngoài ra, tại King Coffee còn có khu vực bán lẻ để mở rộng việc tiếp cận khách hàng có nhu cầu mua các loại cà phê rang xay, cà phê nguyên hạt và cà phê hòa tan mang về nhà.
Việc tăng cường bán lẻ sản phẩm cà phê ngay tại các quán và cửa hàng take away nhằm khuyến khích thói quen tiêu dùng cà phê cho người dân Việt. Qua nhiều kênh, King Coffee thiết lập một lộ trình để chinh phục những người mê cà phê Biết - Tin - Chọn mua. Lộ trình này cũng cho thấy sự minh bạch của thương hiệu nhằm tái dựng làn sóng cà phê thứ ba tại Việt Nam, làn sóng của những sản phẩm cà phê sạch và mua bán minh bạch.
Trước mắt, trong năm 2018, chuỗi quán King Coffee sẽ phủ đều ở sáu TP lớn. Dự kiến tại Việt Nam, King Coffee sẽ phát triển chuỗi 1.000 cửa hàng, gồm 800 cửa hàng bán cà phê mang đi và 200 quán cà phê cao cấp.
King Coffee tại số 1 đường Đồng Nai, quận 10, TP.HCM.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO Trung Nguyên International, cho biết khách hàng ngày càng khó tính hơn và những người làm việc trong ngành cà phê phải phục vụ khách hàng theo cách tinh tế hơn. Sắp tới, sau chuỗi King Coffee, Trung Nguyên International còn phát triển nhiều nhánh thương hiệu mới để mở rộng đường đi đến thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực F&B.
Cuối năm 2016, Trung Nguyên International đã ra mắt thành công thương hiệu cà phê cao cấp mang tên King Coffee tại Mỹ. Sản phẩm này được đón nhận và nhanh chóng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…
Hiện tại King Coffee đã tung ra thị trường một số sản phẩm cà phê hòa tan và rang xay như King Coffee 3in1 Instant, Pure Black, Gourmet Blend, Inspire Blend...(PLO)