Người Việt chi gần 900 triệu USD mua hàng từ Thái Lan mỗi tháng; Vốn vay Trung Quốc kém ưu đãi, lãi suất cao; 'Đám mây đen' chiến tranh thương mại bao trùm nỗ lực quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-08-2018
- Cập nhật : 14/08/2018
Ủy ban Liên minh kinh tế Á – Âu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với thép nhập khẩu
Sản phẩm bị điều tra là thép cán nóng, cán nguội, thép mạ mang mã HS: 7208 10 000 0, 7208 25 000 0, 7208 26 000 0, 7208 27 000 0, 7208 36 000 0, 7208 37 000 0, 7208 38 000 0, 7208 39 000 0, 7208 40 000 0, 7208 51 200 1, 7208 51 200 9, 7208 51 910 0, 7208 51 980 0, 7208 52 10 0 0, 7208 52 910 0, 7208 52 990 0, 7208 53 100 0, 7208 53 900 0, 7208 54 000 0, 7208 90 200 0, 7208 90 800 0, 7211 13 000 0, 7211 14 000 0, 7211 19 000 0, 7225 30 100 0, 7225 30 300 0, 7225 30 900 0, 7225 40 120 1, 7225 40 120 9, 7225 40 150 1, 7225 40 150 9, 7225 40 400 0, 7225 40 600 0, 7225 40 900 0, 7226 91 200 0, 7226 91 910 0, 7226 91 990 0.
EEC cáo buộc rằng trong giai đoạn 2015 - 2017 đã có sự gia tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm bị điều tra vào khối này cả về mặt tuyệt đối và tương đối, dẫn đến việc sụt giảm thị phần và gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Ngoài ra, EEC cũng đưa ra cáo buộc về sự đe dọa thiệt hại trong tương lai. Khối này lo ngại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dư thừa thép, sự phát triển của các biện pháp an ninh đặc biệt và chống bán phá giá với các sản phẩm thép trong giai đoạn 2015 - 2017 (đặc biệt là biện pháp 232 của Mỹ với thép) có thể dẫn đến phân phối lại sự nhập khẩu thép trên thị trường thế giới, bao gồm cả thị trường của EEC.(NDH)
----------------------
Tổng thống Putin chưa ra lệnh đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Ngày 13/8, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa ra lệnh đáp trả các biện pháp đáp trừng phạt của Mỹ vì Washington chưa công bố cụ thể các biện pháp hạn chế mới đối với Moskva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN phát
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng còn quá sớm để nói về các biện pháp đáp trả của Nga trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Theo ông Peskov, có những thông tin về một số biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đã được chuẩn bị hoặc đã sẵn sàng, song chưa rõ ràng đó là gì.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết bộ này sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả tương xứng đối với Mỹ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những cáo buộc Moskva liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury của Anh hồi tháng 3 là “vô căn cứ”.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi xem các cáo buộc không có căn cứ về việc Nga liên quan vụ việc ở Salisbury là một âm mưu khác hòng tô vẽ đất nước của chúng tôi như một nhà nước thực hiện các nghĩa vụ quốc tế một cách vô trách nhiệm”.
Hôm 8/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva với cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal ở thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh hồi tháng 3.
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ vòng trừng phạt đầu tiên sẽ có hiệu lực vào ngày 22/8, trong khi vòng thứ hai có thể được đưa ra trong 90 ngày nếu Nga không đáp ứng được một số điều kiện. Moskva đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc Nga dính líu đến vụ việc này.(TTXVN)
---------------------
Hà Nội sẽ thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sắp tới thành phố sẽ tiến thành thu hồi 47 dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.
Ông Chung đưa ra tuyên bố trên tại Phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố do Hội đồng Nhân dân thành phố tổ chức sáng 13/8.
Tại phiên giải trình, một vấn đề mà các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố rất quan tâm là quỹ đất xây dựng trường học và khu vui chơi giải trí. Đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) cho rằng, hiện nay, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân Thủ đô là rất cao. Địa bàn thành phố có nhiều dự án xây dựng các khu vui chơi, song một số dự án chậm triển khai. Đại biểu Vũ Mạnh Hải “chỉ điểm” cụ thể đó là dự án Công viên giải trí quốc tế Kim Quy trên địa bàn huyện Đông Anh. Dự án khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay không đáp ứng tiến độ. Đại biểu đề nghị cơ quan quản lý lãm rõ quan điểm, trách nhiệm đối với dự án này.
Thông tin về tiến độ thực hiện Dự án Công viên giải trí quốc tế Kim Quy, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư triển khai dự án. Chủ đầu tư dự án đã ứng 1.000 tỷ đồng cho Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay còn 800 ngôi mộ nằm trong khu quy hoạch chưa được giải phóng, thành phố đang tiếp tục đôn đốc thi công. Hiện chủ đầu tư đang thi công khu vực lõi dự án, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10/10/2019.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, khi triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư phải huy động nguồn lực rất lớn, trong khi các dự án có thời gian thực hiện kéo dài, chủ đầu tư thường triển khai cùng lúc nhiều dự án dẫn đến sự thiếu hụt về tài chính. Nhận diện khó khăn này, thời gian tới, thành phố sẽ đôn đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án, từ đó tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đủ năng lực tiếp tục triển khai dự án. Với những dự án không thể tháo gỡ được, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau phiên giải trình, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ công bố công khai danh sách 47 dự án thuộc diện thu hồi. Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung hoàn thành phần mềm quản lý quy hoạch dự án để nắm chắc tiến độ triển khai và quản lý chặt chẽ, hiệu quả các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô, nhất là trong tình hình mới, sau khi có Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014.
Tuy nhiên, đợt giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân thành phố đối với 8 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân.
Những hạn chế này cần được Hội đồng Nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân; đồng thời, đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục, sử dụng hiệu quả đất đai. Các nhà đầu tư, chủ đầu tư được giao triển khai những dự án sử dụng đất cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch, chiến lược đề ra.
Giai đoạn 2012-2017, thành phố Hà Nội quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án trên diện tích 4.082 ha; trong đó, thành phố chấp thuận triển khai 634 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 161 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, theo tổng hợp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội từ 30 quận, huyện, con số này là 383 dự án, tập trung ở huyện Hoài Đức (51 dự án), huyện Mê Linh (50 dự án), quận Nam Từ Liêm (48 dự án)…; chênh lệch lớn so với số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chỉ ra trong những dự án bị nêu tên, có dự án chậm triển khai đến hàng chục năm, nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị các sở, ngành thành phố làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm cũng như phương án xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch phân khu được lập, khiến 240 dự án phải điều chỉnh quy hoạch. Đến năm 2013, Luật Đất đai được thông qua, nhiều chính sách thay đổi tác động lên các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ thời điểm trước đó, dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng các dự án.
Giai đoạn 2012-2015, thị trường bất động sản trầm lắng. Trong khi đó, một số chủ đầu tư không quyết liệt với những thay đổi, không chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tình trạng nhiều dự án chậm triển khai. Ngoài ra, công tác hậu kiểm của các cấp, ngành thành phố chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quyết liệt xử lý khiến tình trạng vi phạm kéo dài trong nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên.
Về phương hướng khắc phục, xử lý với các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá từng dự án cụ thể; phối hợp với các sở, ngành chức năng đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm của các cấp, ngành trong quá trình theo dõi dự án.
Với những chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ì không triển khai dự án, Sở sẽ công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và không trao quyết định chủ trương đầu tư dự án tiếp theo. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng các cơ quan chức năng chỉ thực hiện nhiệm vụ riêng lẻ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng hệ thống quản lý dự án rõ ràng, xuyên suốt.(Vietnam+)