Khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng thị trường thế giới thế nào; Australia yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dữ liệu khách hàng; Đà tăng trưởng Trung Quốc chững lại vì nợ và chiến tranh thương mại
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-08-2018
- Cập nhật : 14/08/2018
Kiên Giang mời gọi đầu tư 64 dự án
Tỉnh Kiên Giang mời gọi đầu tư vào 64 danh mục dự án, tập trung ở các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, cấp nước và xử lý nước thải, năng lượng tái tạo, các dự án du lịch…
Ngày 13/8, tại TPHCM, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Kiên Giang” nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh, qua đó mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Kiên Giang khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 là 57.586 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7,39%. Đến nay, Kiên Giang thu hút được 680 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 503.763 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, định hướng phát triển trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông…
Tại diễn đàn này, Kiên Giang kêu gọi đầu tư với 64 danh mục dự án tập trung ở các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông sản; cấp nước và xử lý nước thải; năng lượng tái tạo; các dự án du lịch; đầu tư hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng nhấn mạnh: Với phương châm “tiềm năng, thế mạnh Kiên Giang là cơ hội của doanh nghiệp”. Đến với Kiên Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã ký kết ghi nhớ với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhằm hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã ký kết ghi nhớ với các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên các lĩnh vực như: Xử lý nước thải, rác thải, du lịch, cảng biển, khu vận chuyển hàng hóa…(Chinhphu)
----------------------
Chu kỳ khủng hoảng liệu có tái diễn trên thị trường bất động sản?
Chu kỳ khủng hoảng cứ 10 năm lại lặp lại một lần vào các năm 1999, 2009 liệu có tiếp tục tái diễn trên thị trường bất động sản vào năm 2019 là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.
Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường mà bất động sản vốn là mặt hàng “nhạy cảm” nên khi có biến động sẽ liên quan, ảnh hưởng và tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Tp. Hồ Chí Minh là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chỉ rõ, năm 1999, khủng hoảng nổ ra với sự sụp đổ của loạt ngân hàng thương mại.
Thời điểm đó, có nhiều chính sách cởi mở cho thị trường bất động sản, nhất là khi nhiều Tập đoàn nước ngoài đổ làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Cơn "sốt đất" cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 – 1998 đã châm ngòi cho khủng hoảng của thị trường bất động sản năm 1999.
Để rồi 10 năm sau đó, năm 2009 là thời điểm chỉ số chứng khoán đẩy cao và thị trường đầu tư bất động sản tiếp tục “bùng nổ”.
Cùng chịu tác động chung của khủng hoảng tài chính thế giới từ 2008, thời điểm 2009 thị trường bất động sản Việt Nam một lần nữa rơi vào khủng hoảng nặng nề và dư âm của nó kéo dài cả mấy năm sau đó.
Bởi vậy, khi năm 2019 cận kề, những lo ngại về tính chu kỳ lặp lại 10 năm một lần tiếp tục được các chuyên gia cảnh báo.
Tuy nhiên, theo phân tích và nhận xét của một số chuyên gia cũng như nhà quản lý, chu kỳ này sẽ khó lặp lại bởi Chính phủ hiện đã có những cải thiện mạnh mẽ về thủ tục hành chính, giảm bộ máy hành chính công, GDP cũng có bước tăng trưởng mạnh nhất suốt trong vòng 1 thập kỷ qua.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, việc thị trường bất động sản có “bong bóng” hay không còn phụ thuộc ở nhiều yếu tố như: kinh tế phát triển nóng; buông lỏng chính sách tín dụng; lệch pha cung cầu; gia tăng nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ; sự kiểm soát của Nhà nước.
Về đợt khủng hoảng thị trường bất động sản năm 2009, ông Châu phân tích, năm 2006 - 2007, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam lên đến 37,8% là rất “nóng”. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 2017 chỉ được 18,17%, chỉ bằng nửa của năm 2007.
Hiện nay, do có sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nên không có chuyện buông lỏng tín dụng, không có chuyện ngân hàng cho vay dưới chuẩn nên dòng tiền hoàn toàn chịu kiểm soát.
Cùng đó, nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ ở Việt Nam có dấu hiệu gia tăng nhưng chủ yếu là mua đi bán lại nên không đủ để tạo nên “bong bóng”.
Trong khi đó, Nhà nước đã kịp thời sử dụng những công cụ về hành chính để điều chỉnh thị trường rất rõ.
Bởi vậy, theo ông Châu, Nhà nước đã kiểm soát được các yếu tố liên quan nên không thể có “bong bóng” xảy ra với thị trường ở thời điểm này cũng như năm 2019.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, bài học tín dụng tăng nóng vào lĩnh vực bất động sản hơn 10 năm trước vẫn còn đó nên ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm tăng trưởng tín dụng nhưng cơ bản vẫn hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Việc khuyến nghị các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào bất động sản không những giúp ngân hàng phát triển bền vững mà cả thị trường bất động sản cũng ổn định.
Một số doanh nghiệp cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land nhận xét, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra tin tưởng vào kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam và quan tâm đến đầu tư vào các dự án bất động sản trong thời gian tới, nhất là các dự án do chủ đầu tư uy tín thực hiện và cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội cho biết chưa có cơ sở để khẳng định điều này. Tiếp đà tăng trưởng ấn tượng của quý I, GDP trong quý II của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 7,08%, cao nhất trong 8 năm qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (lạm phát) đang ở mức vừa phải là 4% (10 năm trước - thời kì khủng hoảng, lạm phát lên tới 15%).
Cùng đó, nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng tăng mạnh. Nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam ngày một nhiều.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,3 tỷ USD, bao gồm vốn từ các dự án cấp phép mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành bất động sản thu hút 5,4 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng nguồn vốn FDI trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, các chỉ số phát triển của doanh nghiệp vẫn đang trên đà tăng, doanh số bán lẻ tăng, giá nhà ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp ở mức tăng dưới 5% trên bình diện thị trường.
Yếu tố vĩ mô cho thấy, hiện tại chưa có dấu hiệu cụ thể để nói thị trường bất động sản đang có nguy cơ đối diện với khủng hoảng vào năm 2019 – bà An phân tích.
Mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Xây dựng cho biết, trong 2 quý đầu của năm 2018 đã xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất thường ở một số khu vực vùng ven Tp. Hồ Chí Minh, huyện Long Thành (Đồng Nai), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)…
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (sân bay Long Thành, tuyến Metro số 1 của TP.HCM, một số đường cao tốc…) để tung tin thất thiệt, thổi giá, đầu cơ…
Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại chưa làm tốt việc truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ của các dự án đầu tư lớn, kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
Bộ Xây dựng khẳng định sốt đất đã ổn định và bước đầu được kiểm soát. Hiện những “điểm nóng” về tăng giá tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì giao dịch cũng đã bị “hãm phanh” trong mấy tháng gần đây.
Nguyên nhân lớn nhất được dự đoán là do các nhà đầu tư, người mua nhà đang căng mình nghe ngóng và cảnh giác trước thời điểm bản lề của lời nguyền chu kỳ khủng hoảng.
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh khẳng định, năm 2018 sẽ không xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản như nhiều người lo ngại; hiện Bộ Xây dựng cũng đang làm đề án, dự báo tình hình thị trường về trung hạn (2018-2025) để trình Chính phủ.
Ông Ninh chia sẻ thêm, Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản.
Trong đề án này, Bộ sẽ đánh giá tình hình an ninh trong nhiều vấn đề liên quan đến bất động sản như: lĩnh vực đầu tư nước ngoài, cho người nước ngoài mua nhà, tín dụng - bong bóng bất động sản, quản lý vận hành, tranh chấp nhà chung cư… trước khi trình Chính phủ vào tháng 12.(Bnews)
------------------------
Đồng nhân dân tệ giảm giá, hàng Trung Quốc sẽ tràn về Việt Nam?
Nhiều ý kiến lo ngại việc đồng nhân dân tệ giảm có thể khiến hàng hóa XK của Trung Quốc trở nên rẻ hơn và tràn qua Việt Nam, làm giảm sức cạnh trạnh sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hoạt động XNK trong nước.
Chiến tranh thương thương mại leo thang, đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục mất giá
Theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc: "Nếu tình hình căng thẳng thương mại trên thế giới tiếp tục leo thang, đồng nhân dân tệ có thể sẽ còn mất giá do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải "bơm" dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá".
Điều này dấy lên lo ngại việc đồng nhân dân tệ giảm có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn và tràn qua nước khác, làm giảm sức cạnh trạnh sản phẩm nội địa. Mối lo ngại này càng rõ rệt hơn khi Mỹ áp hàng loạt lệnh thuế mức cao lên hàng hóa Trung Quốc, đẩy nguy cơ nước này chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường thay thế khác.
Được biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ đã tác động trực tiếp đến thị trường tiền tệ, trong đó có đồng nhân tệ.
Thống kê từ Bloomberg, giá 1 USD quy đổi là 6,8563 nhân dân tệ (CYN) hôm thứ Sáu tuần trước (10/8). Theo đó, tính đến cuối tuần tuần trước, nhân dân tệ có 9 tuần giảm liên tiếp, đánh dấu chuỗi thời gian đi xuống dài chưa từng có kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chế độ tỷ giá hiện đại vào năm 1994. Đồng tiền Trung Quốc đã mất giá khoảng 7% kể từ giữa tháng 6 năm nay.
Diễn biến tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD trong một năm qua. Nguồn: Bloomberg
Cùng mối quan ngại về giá nhân dân tệ giảm, ông Hoàng Hữu Chương - Tổng giám đốc Công ty Dệt may Hữu Hoàng nêu quan điểm: “Hàng dệt may Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tràn về Việt Nam với số lượng lớn. Việc tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm khiến khả năng cạnh tranh hàng may mặc của chúng tôi bị ảnh hưởng ngay tại sân nhà”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong nước.
Đồng nhân dân tệ giảm giá, hàng Trung Quốc sẽ tràn về Việt Nam?
Hàng Trung Quốc sẽ tràn về Việt Nam?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, về mặt lý thuyết khi đồng nhân dân tệ giảm giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ và tràn về Việt Nam nhiều hơn, gây bất lợi cho hàng hóa trong nước. Đồng thời, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, thực tế điều này không quá lo ngại do hiện nay tầng lớp trung lưu (middle income) đang ngày một gia tăng và họ không còn có xu hướng dùng hàng giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc. Thay vào đó, họ dùng các các mặt hàng có chất lượng cao hơn. Tầng lớp trung lưu mới chính là đối tượng chính điều khiển giá cả thị trường”, ông Thắng nhận định.
TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định: “Đây là bài toàn cung - cầu thị trường, không còn là bài toán về giá. Người Việt Nam có xu hướng không tin và cũng không thích hàng Trung Quốc nữa”.
Mặt khác, ông Thắng cho rằng, những tác động tiêu cực mới chỉ dừng lại ở dự báo và chưa biểu hiện rõ rệt. Thậm chí ngược lại, 6 tháng đầu năm ngoái, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức cao trên 60%; đến nửa đầu năm nay xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ
Đồng nhân dân tệ đem lại tác động tích cực xét trên khía cạnh giá thành nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Thế nhưng, điều này phát sinh hai vấn đề là dòng vốn đầu từ FDI có thể giảm và khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hàng hóa khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sẽ khiến mục tiêu tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khó lòng đạt được. Khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng rẻ, càng ít doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội để đầu tư”, ông Thắng nói.
Đối với mối lo ngại việc nhập khẩu hàng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo quy tắc xuất xứ, theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thì FTA cũng trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, ông Thắng nhận định: "Nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nếu được chế biến sâu thì vẫn đảm bảo việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA. Số lượng doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để hưởng thuế quan ưu đãi tăng lên đáng kể. Nếu như trước kia, tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ FTA chỉ dừng lại ở mức khoảng 30% thì đến nay con số này tăng lên 45%".(KTTD)
--------------------------------