Vì sao Bộ Công Thương chưa “nhả” Sabeco?
Nga bắt cựu giám đốc ngân hàng đánh cắp 100 triệu Rúp cấp cho tổ chức “ma”
Trung Quốc ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Serbia
Boeing “thắng đậm” hợp đồng bán 100 chiếc máy bay cho Iran
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-06-2016
- Cập nhật : 20/06/2016
Thép Hòa Phát tiêu thụ gần 680.000 tấn trong 5 tháng đầu năm
Sản lượng tiêu thụ của tháng 5 đạt 134.000 tấn - giảm so với mức tiêu thụ 150.000 tấn của tháng 4
Theo thông từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), trong tháng 5 vừa qua, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng gần 134.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2015. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 679.424 tấn. Thị phần thép Hòa Phát đạt 20,3%.
Tháng trước, thép Hòa Phát tiêu thụ hơn 150.000 tấn, tăng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ 2015.
Thép Hòa Phát đã xuất khẩu xấp xỉ 7.800 tấn trong 5 tháng vừa qua, đóng góp 1% tổng sản lượng tiêu thụ và đang từng bước nâng kim ngạch xuất khẩu qua mỗi tháng sang các nước ASEAN – thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam nói chung, của Hòa Phát nói riêng và đang phải cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc. Ngoài ra, thép Hòa Phát cũng tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Australia.
Tại thị trường trong nước, bắt đầu từ tháng 5, nhu cầu về thép bắt đầu giảm do lượng tồn kho của các đại lý, nhà phân phối đầu cơ từ các tháng trước vẫn còn, thị trường dân dụng tiêu thụ chậm do đang bước vào mùa vụ thu hoạch nông sản, gián tiếp ảnh hưởng đến nhân công ngành xây dựng… Việc tiêu thụ thời gian tới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và sản lượng nhiều khả năng sẽ tương tự như tháng trước.
Mới đây, 3 doanh nghiệp thép của Việt Nam trong đó có Ống thép Hòa Phát được DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) nhập khẩu từ Việt Nam ở mức tối thiểu, từ 0-0,38%. Các doanh nghiệp khác của Việt Nam đều bị áp thuế suất ở mức rất cao: Lên đến 113,18%.
Phần lớn doanh thu Alibaba đến từ thiết bị di động
Ngày nay, gần như người dân Trung Quốc nào cũng có ít nhất một chiếc smartphone nên không có gì bất ngờ khi hầu hết đều sử dụng các dịch vụ của ông lớn thương mại điện tử Alibaba trên thiết bị di động.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý một năm nay, Alibaba cho biết, có tới 73% chi tiêu của người dùng trên hai trang bán hàng trực tuyến của công ty này - Taobao và Tmall được thực hiện thông qua điện thoại, máy tính bảng.
Alibaba thu về 115 tỷ USD trong ba tháng đầu năm cho riêng thị trường Trung Quốc, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc có 423 triệu khách hàng hàng năm.
Sự gia tăng số người mua sắm qua thiết bị di động trên Alibaba là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đã vượt qua kỷ nguyên máy tính. Người dân quốc gia này sử dụng điện thoại không chỉ để đọc sách báo, chơi games mà còn làm nhiều thứ hơn thế, từ mua sắm những thứ thiết yếu hàng ngày cho đến thanh toán mua hàng hay quản lý quỹ đầu tư trực tuyến.
Theo dự đoán của eMarketer, trong năm nay, 55,5% thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc sẽ thực hiện qua các thiết bị di động nên khách hàng của Alibaba chính là những người dẫn đầu xu hướng này. Nước Mỹ còn đi sau Trung Quốc một bước khi mới đạt tỷ lệ 25%, khi thói quen sử dụng máy tính vẫn còn phổ biến.
"Số lượng gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi của nền kinh tế theo định hướng dịch vụ và tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Alibaba bất chấp suy thoái kinh tế tại Trung Quốc", nhà phân tích của eMaketer Andria Cheng nhận xét. "Sự phát triển của mua sắm di động và thị trường nông thôn sẽ là hai điểm sáng trong cơ hội tăng trưởng này. Sở thích đặc biệt của người dân Trung Quốc với hàng ngoại cũng là một cơ hội lớn cho thị trường thương mại điện tử xuyên quốc gia", ông cho biết thêm.
Khai thác tài nguyên quốc gia nhưng lãi của Vinacomin không bằng 1 công ty buôn xe tải
Nhiều yếu tố bất lợi khiến lợi nhuận năm 2015 của Tập đoàn Than - Khoáng sản giảm tới 70% so với năm trước.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015. Do đặc thù là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý và khai thác tài nguyên của quốc gia nên Vinacomin là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất cả nước, dao động ở mức xấp xỉ 80.000 tỷ đồng trong những năm gần đây.
Tập đoàn cho biết trong năm 2015 đã sản xuất 37,6 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ 35,5 triệu tấn. Hiện tại, bên cạnh hoạt động chính là khai thác than, Vinacomin còn có nguồn thu đáng kể từ hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất điện.
Vinacomin là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam
Điểm đáng chú ý là năm vừa qua là năm mà hoạt động kinh doanh của Vinacomin chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như giá than, giá khoảng sản giảm mạnh. Bên cạnh đó lỗ tỷ giá tăng mạnh cộng với ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt từ giữa năm khiến tập đoàn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Các yếu tố trên đã khiến lợi nhuận trước thuế của Vinacomin giảm tới 70% so với năm 2014, còn 839 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng trong khi ba năm trước đó đều đạt trên 2.000 tỷ.
Mức lợi nhuận năm 2015 của Vinacomin thậm chí còn thua kém nhiều doanh nghiệp có quy mô không lớn như Nhựa Bình Minh hay Hoàng Huy HHS, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối xe tải từ Trung Quốc và chỉ nhỉnh hơn một chút so với lợi nhuận của công ty xổ sổ Tây Ninh hay khách sạn Sheraton Sài Gòn.
Nhìn chung, chưa tính đến việc lợi nhuận năm 2015 giảm bất thường thì ngay cả những năm trước, lợi nhuận tuyệt đối cũng như cũng như tỷ suất lợi nhuận của Vinacomin thua kém rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.
Đơn cử như năm 2014, Vinacomin đạt 79.000 tỷ đồng doanh thu 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tập đoàn công nghiệp Cao su (VRG) và tập đoàn Hóa chất (Vinachem) cũng đạt được lợi nhuận tương đương, nhưng với doanh thu thấp hơn rất nhiều, lần lượt là 17 nghìn tỷ và 40 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất cho vay chờ tái tạo “gói 345.000 tỷ”
Cuối tuần qua, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã gửi báo cáo kế hoạch thực hiện các giải pháp tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tiếp theo sẽ là gì?
Là vẫn phải chờ đợi. Vì giống như người tập gym để giảm cân, dù nóng lòng nhưng phải có quá trình, đúng bài, đủ lượng, kèm chế độ ăn uống hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước đang tạo điều kiện về lượng, tính bài để hỗ trợ nguồn. Sau khi đưa ra khoảng 150.000 tỷ để mua khoảng 8 tỷ USD, thi thoảng nhà điều hành mới hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu (khi lãi suất VND trên liên ngân hàng rơi sâu). Cơ chế hỗ trợ nguồn qua tái cấp vốn cũng đã được gợi mở.
Nhưng, để lãi suất cho vay giảm cân vẫn phải có một quá trình. Giữa mong muốn chủ quan của Chính phủ đến thực tế vẫn còn một quãng đường dài. Chèn vào giữa quá trình và quãng đường này là “gói 345.000 tỷ” của nợ xấu.
Tính tương đối từ các số liệu đã công bố, có khoảng 220.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và khoảng 125.000 tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng.
Lượng vốn rất lớn đó đã ra đi, quá hạn mà không trở về. Ngân hàng hụt một phần vốn lớn để tái tục kinh doanh đã đành, hàng ngày vẫn phải gồng mình nuôi nó, qua trả lãi suất huy động và trích lập dự phòng rủi ro.
Phần nuôi nợ xấu được tính vào chi phí hoạt động. Phần thu của các ngân hàng hiện chủ yếu vẫn từ 80-90% bằng tín dụng. Muốn có lãi, ngân hàng phải giảm được chi phí hoạt động, hoặc tạo phần thu chênh hơn bằng đòn cân lãi suất cho vay.
Nay, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, giảm lãi suất cho vay thì phải hạ được chi phí đầu vào. Một là Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nguồn lãi suất thấp hơn để hạ bình quân giá vốn, hai là giảm được nợ xấu.
Công cụ và nguồn để tạo vốn lãi suất thấp nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước. Nhưng để giảm lãi suất cho vay chỉ bằng cách này, ỷ vào cách này lại dễ dẫn tới béo phì lạm phát, không chừng là cả tỷ giá.
Cách để giảm lãi suất cho vay bền vững và an toàn nhất là giảm được nợ xấu, giảm gánh nặng đang đè lên chi phí vốn.
Với quy mô lên tới 345.000 tỷ đồng, với nguyên tắc không được dùng ngân sách nhà nước, với thực tế nhiều khoản nợ phải mất 2-5 năm làm thủ tục pháp lý…, thì quãng đường chỉ đạo (đang thường trực) của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay đến thực tế sẽ còn dài.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đang linh hoạt để có thể rút ngắn. Điểm ngắm cũng chính là ứng xử với nợ xấu. Và đây cũng là lý do để gọi tên “gói 345.000 tỷ”, dù sự linh hoạt sẽ chỉ một tỷ trọng nhất định trong đó.
Cụ thể, một loạt cơ chế đã và đang định hình.
Thứ nhất, xem xét giãn kỳ hạn của trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành mua nợ xấu, dài hơn 5 năm, cho một số trường hợp hoặc đối tượng. Kỳ hạn càng dài, áp lực và chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng được pha loãng, thay vì đè ngay vào giá vốn hiện nay.
Thứ hai, cơ chế đang hé mở kênh VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, bằng trái phiếu mới phát hành trực tiếp cho các tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa, sau khi bán lại nợ xấu, các ngân hàng không phải trích lập dự phòng như với trái phiếu đặc biệt. Không phải trích lập dự phòng cũng đã là có thêm vốn, bớt chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay.
Thứ ba, tại Chỉ thị 04 của Thống đốc ban hành vừa qua, hướng gợi mở là Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn với liều lượng, thời hạn phù hợp để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng. Có thể trù tính, hoạt động tái cấp vốn sẽ qua kênh trái phiếu VAMC, cũng là tái tạo vốn từ nợ xấu, với lãi suất có thể chỉ khoảng 4,5%/năm…
Những dự tính trên tạo cơ sở để góp phần chờ thực tế giảm lãi suất cho vay, từ góc nhìn về nợ xấu, bên cạnh các kênh giải pháp và cơ sở khác. Còn lại là thời gian để chính sách, cơ chế và tiến độ triển khai ngấm dần vào thực tế.
Nhưng, sự chờ đợi này đặt trong điều kiện không có những trở ngại lớn xuất hiện. Ví như sự trỗi dậy của giá vàng, cùng năng lực thu hút vốn tiềm ẩn của nó, cũng là một trong những trở ngại đáng để lường đến từ lúc này.