Xuất khẩu vượt nhập khẩu 1,64 tỷ USD sau 5 tháng
IMF cảnh báo hậu quả nếu cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit
Động đất kéo xuất khẩu Nhật Bản sụt giảm
CEO hãng BMW Châu Á: Tôi đang rất lạc quan về thị trường Việt Nam
Dự đoán lạnh sống lưng về Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh 20-06-2016
- Cập nhật : 20/06/2016
Thép ngoại ồ ạt về Việt Nam
Trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam tăng gần 50%. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5 đạt 1,66 triệu tấn trị giá 702,386 triệu USD tăng 4,6% về lượng và 14,5% về trị giá. Tính chung 5 tháng, Việt Nam đã nhập 7,833 triệu tấn thép, trị giá 2,994 tỷ USD tăng 49% về lượng và 0,7% trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đại diện Bộ Công Thương: thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Bóc tách số liệu cụ thể, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, với mặt hàng phôi thép, trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 783.314 tấn phôi thép (trong đó có khoảng 70.000 tấn phôi dẹt) chiếm gần 40% tổng lượng phôi nhập khẩu cả năm 2015 và chiếm 28,2% thị phần phôi trong nước (tăng 2% so với cuối năm 2015).
Không chỉ mất đi 28,2% thị phần, việc phôi thép nhập khẩu tăng nhanh còn khiến cho nhà sản xuất trong nước phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa; chỉ có khoảng 50% số nhà máy luyện thép còn hoạt động.
Với mặt hàng thép dài, trong 4 tháng, Việt Nam đã nhập 442.836 tấn thép thanh cuộn và thép thanh; nhập khẩu sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là 512.174 tấn.
Ông Dũng cho rằng, việc nhập khẩu một lượng lớn phôi thép và thép dài từ nước ngoài vào Việt Nam nếu không được xem xét kịp thời sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các cơ sở sản xuất phôi thép cũng như thép xây dựng nói riêng và cả ngành công nghiệp thép trong nước nói chung.
Trên thực tế, thời gian qua, các sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu tăng đột biến và đe dọa nghiêm trong cho ngành sản xuất thép trong nước là do các doanh nghiệp đang nghe ngóng thông tin về việc Nhà nước có thể sẽ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài và tôn mạ.
Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu dự trữ hàng hóa để tranh thủ đầu cơ khi cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục chính sách đẩy manh xuất khẩu thép ra nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp thép các nước đối mặt với nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, trong đó có Việt Nam.
Để phát triển ngành thép vững mạnh, đồng bộ và khép kín, đồng thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất thép trong nước, VSA kiến nghị, Bộ Công Thương xem xét ra quyết định chính thức sớm nhất có thể đối với vụ khởi xướng điều tra tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép và thép dài; xem xét và ban hành quyết định áp thuế sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ kẽm và tôn mạ lạnh do Công ty CP China Steel Sumikin Việt Nam khởi xướng cùng Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á và Công ty CP Thép Nam Kim.
VSA đồng thời cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét và ban hành quyết định khởi xướng điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn mạ màu (PPGI/PPGL) do Tập đoàn Hoa Sen và các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước chủ trì khởi xướng.(HQ)
Lo lắng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc
Đến chiều 16/6, lượng hàng nông sản xuất bán sang chợ Pò Chài (Trung Quốc) đã trở lại bình thường, nhưng không biết tình hình này sẽ diễn ra được bao lâu. Ảnh: Duy Chiến.
Vì sao Sabeco “rút chân” khỏi dự án bất động sản nghìn tỷ?
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa cho biết, sẽ bán đấu giá hơn 14,7 triệu cổ phiếu, tương đương với 26% vốn điều lệ của Sabeco tại CTCP Đầu tư Sabeco Pearl với giá khởi điểm 13.247 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, Sabeco chỉ bán đấu giá cạnh tranh cho đối tượng là các cổ đông sáng lập còn lại của Sabeco Pearl.
Thời gian thực hiện trong quý II/2016, nếu đấu giá thành công, Sabeco sẽ thu về tối thiểu 195 tỷ đồng từ thương vụ này.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Sabeco Pearl được thành lập tháng 2/2015 với vốn điều lệ ban đầu 484,7 tỷ đồng sau đó được nâng lên 566,7 tỷ đồng do 4 cổ đông sáng lập ban đầu bao gồm: Sabeco sở hữu 26% vốn, CTCP Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%, CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An sở hữu 25,5% và CTCP Attland sở hữu 23%.
Ban lãnh đạo hiện tại của Sabeco Pearl gồm có ông Võ Thanh Hà làm Chủ tịch HĐQT và bà Lê Thúy Hương (đại cho cổ đông sáng lập Attland) làm Tổng giám đốc công ty.
Sabeco Pearl có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản với mục đích triển khai dự án tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Đây được đánh giá là dự án có vị trí đắc địa tại trung tâm TP. HCM với 4 mặt tiền: Đông Du, Thi Sách, Hai Bà Trưng, công trường Mê Linh.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tính đến cuối năm 2015, Sabeco Pearl có tổng tài sản là 1.018 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là 1.016 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang (bao gồm quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Tp.HCM với giá trị 997,27 tỷ đồng và một số chi phí khác).
Tại đại hội đồng cổ đông của Sabeco vừa qua, cổ đông đã chất vấn về hướng sử dụng khu đất số 6 Hai Bà Trưng, đại diện Sabeco cho biết, đây là khu đất Sabeco dự định đặt trụ sở. Tuy nhiên, thực tế, khu đất không thuộc sở hữu mà chỉ có quyền thuê, nếu đầu tư thì tốn khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng Sabeco không có nguồn tiền lớn vậy.
“Mặt khác, với diện tích lớn, Sabeco chỉ dùng 1 phần rất nhỏ, phần còn lại phải cho thuê mà khi cho thuê thì vướng quy định không được đầu tư ngoài ngành. Do vậy, rất khó cho Sabeco khi sử dụng khu đất trên”, lãnh đạo Sabeco chia sẻ.
Cũng trong đại hội cổ đông này, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, chủ toạ đại hội cho biết, trước đây, khi chưa có quy định về cấm các khoản đầu tư ngoài ngành, Tổng công ty tập trung đầu tư nhiều trong năm 2006-2007, trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm…
Sau khi có chủ trương thoái vốn ngoài ngành, thị trường chứng khoán đối với lĩnh vực này không còn được tốt, giá cổ phiếu bị giảm vì vậy việc thoái vốn dễ dẫn đến bị lỗ.
Gần đây, Sabeco đang phải đối mặt với hàng loạt những “chất vấn” của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam VAFI về vấn đề các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh doanh và bổ nhiệm nhân sự.
Cụ thể, chỉ trong vòng 1 tháng qua, VAFI đã gửi nhiều văn bản cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa để phản ánh về những tồn tại trong chất lượng cán bộ tại Sabeco và chỉ ra nguyên nhân vì sao Sabeco liên tục trốn tránh niêm yết.(bizlive)
Kinh tế Nga vượt khó trước lệnh trừng phạt của châu Âu
Kinh tế Nga chịu thiệt hại nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của phương Tây song cuối cùng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình tin tức hàng tuần Vesti v Subbotu, ông Sergei Ivanov, Chánh văn phòng Tống thống Nga, cho biết kinh tế nước này chịu thiệt hại nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của phương Tây song cuối cùng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo ông Sergei Ivanov, lạm phát hạ nhiệt, dự trữ ngoại tệ tăng trong khi các quỹ phúc lợi và quỹ dự trữ quốc gia không bị giảm.
Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg diễn ra mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lưu ý rằng nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Theo ông Putin, nền kinh tế Nga thích nghi hoàn toàn với điều kiện mới và đã tìm cách tạo ra những lợi thế nhất định.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/6 đã gia hạn thêm một năm lệnh cấm các giao dịch buôn bán với bán đảo Crimea. Theo quyết định trên, lệnh trừng phạt sẽ được kéo dài tới ngày 23/6/2017, theo đó EU cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Crimea và mọi hoạt động đầu tư vào bán đảo này, cấm hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng như cấm xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ cho Crimea .
Khoáng sản và Hóa chất Phú Thọ bán 4,4 triệu cổ phần Nhà nước
Tại thời điểm 1-1-2015, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Xí nghiệp Khai thác – Dịch vụ Khoáng sản và Hóa chất Phú Thọ là hơn 88,8 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, Xí nghiệp dự kiến tiếp tục duy trì và phát triển có hiệu quả các ngành nghề truyền thống thế mạnh trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời phát triển một ngành nghề có liên quan. Xí nghiệp đặt mục tiêu duy trì thị trường hiện có, tiếp cận các doanh nghiệp lớn như các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng, frit, … Đồng thời tích cực tìm kiếm các thị trường nhỏ tiềm năng với mục đích giới thiệu sản phẩm tới thị trường trong nước. Xí nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn 2016 – 2018 đạt từ 54,4 tỷ đến 77,1 tỷ đồng.
Xí nghiệp Khai thác – Dịch vụ Khoáng sản và Hóa chất Phú Thọ là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Xí nghiệp trước đây là Công ty Pyrit, được thành lập từ năm 1974, chuyên hoạt động trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản, cung cấp nguyên liệu cao lanh, fenspat, thạch anh, mica.
Hiện nay, Xí nghiệp đang quản lý, khai thác, chế biến quặng cao lanh, fenspat tại Mỏ Ngọt, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, khu mỏ có tổng trữ lượng trên 1 triệu tấn và được Nhà nước chấp thuận về mặt chủ trương cấp phép thăm dò mở cửa chủ thân quặng mới với tổng trữ lượng 1,2 triệu tấn.
Năm 2014, Xí nghiệp đã được đầu tư Nhà máy tuyển nổi quặng fenspat công nghệ tiên tiến, hiện đại đầu tiên của Việt Nam cũng như trong khu vực với công suất 60.000 tấn/năm.Với hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ khai thác và dây chuyền chế biến đồng bộ, hệ thống kho tàng đảm bảo, hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ đã tạo nên những sản phẩm của Xí nghiệp có chất lượng mang tính ổn định cao.