Amazon đã đặt chân vào Đông Nam Á, bao giờ đến Việt Nam?
Vụ lừa đảo thẻ tín dụng quy mô cực lớn tại Nhật và “thế bí” của các ngân hàng
10 nhà kinh tế đoạt Nobel cảnh báo hậu quả kéo dài của Brexit
Bill Gates nói Microsoft thâu tóm LinkedIn là để đương đầu với Facebook
VCCI: 72% số doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ Hiệp định TPP
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-06-2016
- Cập nhật : 20/06/2016
Vào TPP: Doanh nghiệp Việt đối mặt thách thức lấn át cơ hội
Vào TPP, nếu doanh nghiệp Việt không tận dụng tốt cơ hội thì thách thức sẽ lấn át và sẽ chuyển thành khó khăn dài hạn rất khó khắc phục.
Theo phân tích của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nếu Hiệp định TPP được chính thức có hiệu lực, hàng loạt cơ hội và thách thức đang chờ doanh nghiệp Việt. Trong đó, đặc biệt là một số doanh nghiệp không thích ứng được sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có thể bị phá sản, một bộ phận công nhân sẽ mất việc làm.
Nói về cơ hội mà Hiệp định TPP có thể sẽ mang lại cho Việt Nam, ông Tuyển cho biết, đó là thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn. Đồng thời, cơ hội doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, không chỉ xuất khẩu hàng công nghiệp mà còn có thể tăng xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến. Trong đó, nhiều mặt hàng thuộc nhóm này sẽ được Mỹ và các nước đưa thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Cùng với đó, TPP sẽ giúp tạo ra hàng loạt cơ hội khác như: tạo thế cân bằng mới trong quan hệ thương mại giữa nước ta và các nước; tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô; tạo dựng khuôn khổ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; năng cao vị thế nước ta trong nền chính trị thế giới, nhất là vị thế trong một khu vực địa chiến lược quan trọng, nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.
Tuy nhiên, để chuyển những cơ hội tiềm năng đó thành hiện thực, theo ông Tuyển, doanh nghiệp phải nắm vững nội dung cam kết của nước ta và của các đối tác trong hiệp định. Song, những quy định này nhiều khi rất phức tạp (về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các quy định về bảo vệ môi trường, quan hệ lao động…).
Chính vì thế, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực, ngành hàng nào phải nắm rất chắc cam kết của Việt Nam cũng như của các thành viên khác để tận dụng cơ hội và có giải pháp vượt qua thách thức. Nhất là nhờ đó doanh nghiệp Việt có thể kiện được doanh nghiệp khác vi phạm và cũng để tránh bị kiện.
Bên cạnh đó, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực của nước ta (đội ngũ quản trị, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý, công nhân lành nghề), theo ông Tuyển, cũng rất lớn cả về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, phong cách làm việc, kỷ luật lao động.
Đồng quan điểm này, góc độ pháp lý, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, khó khăn lớn nhất khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định TPP, là sẽ mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền của để tìm hiểu các quy định quốc tế. Ông Ngọc quan ngại khi trình độ tiếng Anh, khả năng của cả cán bộ và lực lượng doanh nghiệp Việt Nam trong việc hiểu đúng bản chất pháp lý, nội hàm các quy định quốc tế liên quan FTA.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt, Trưởng ban Pháp chế của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng ngay ngành dệt may quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi là điều kiện cần để hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định TPP và đây cũng là quy tắc phức tạp nhất so với các FTA trước kia. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ nhất định và cơ bản là có lợi cho Việt Nam nhưng vẫn còn những thách thức trong việc khai thác các ngoại lệ này.
Không những thế, theo ông Việt, thách thức còn là sức ép từ đối thủ cạnh tranh. Biểu hiện là nhận thấy Việt Nam gia nhập TPP với nhiều lợi ích, nhiều đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu dệt may đã không ngừng gia tăng sức ép. Đến nay, thậm chí một số nước đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam đang ngỏ ý muốn gia nhập TPP.
Từ thực tế dự báo này, ông Trương Đình Tuyển lưu ý: Cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó chuyển thành sức mạnh kinh tế, thành năng lực cạnh tranh trên thị trường. Còn thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng tác động đến đâu còn tùy thuộc vào phản ứng của chủ thể (nhà nước và doanh nghiệp).
Như vậy, theo quan điểm của ông Tuyển, “nếu tận dụng tốt cơ hội, sẽ đẩy lùi được thách thức và tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội thì thách thức sẽ lấn át và sẽ chuyển thành khó khăn dài hạn rất khó khắc phục”.(VOV)
Các ngân hàng trung ương đang mất kiểm soát
Giám đốc điều hành Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital cho rằng các ngân hàng trung ương đang “mất kiểm soát” bởi họ không hiểu được hậu quả do những chính sách của mình gây ra.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 17/6, ông Gundlach dự báo rằng các thị trường sẽ phải đối mặt với một đợt lãi suất âm nữa trước khi các ngân hàng trung ương nhận ra rằng chính sách của họ không hiệu quả và sẽ tốt hơn nếu họ chọn biện pháp kích thích tài chính.
Bậc thầy về trái phiếu này nhấn mạnh rằng sai lầm lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách là việc đưa lãi suất xuống dưới 0%. Chắc chắc kết quả họ nhận được sẽ không như những gì họ kỳ vọng.
Ông Gundlach giải thích rằng khi đưa lãi suất xuống mức âm, tiêu dùng sẽ không được thúc đẩy như dự kiến mà dòng tiền sẽ chảy vào các khoản tiết kiệm. Lãi suất âm đồng nghĩa với giảm phát và các ngân hàng trung ương đang dùng giảm phát để giải quyết vấn đề giảm phát (?!). Ông ví điều này như việc bạn chữa cháy bằng cách đổ thêm xăng vào lửa.
Vị chuyên gia này dự báo rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tin vào chính sách lãi suất âm của mình trong thời gian tới nhưng họ sẽ sớm nhận ra rằng các chính sách này không đủ để giúp họ đạt được mục tiêu.
Lãnh đạo của DoubleLine Capital cho rằng các vị lãnh đạo của ngân hàng trung ương sẽ sớm nhận ra hậu quả và bắt đầu sử dụng các biện pháp kích thích tài chính. Khi đó, mọi chuyện sẽ xoay chuyển theo chiều hướng tích cực hơn.
Ông Gundlach nhận định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực sự đạt được “một chút” sự tín nhiệm tới từ thị trường khi ít nhất họ đã nhận ra thực tế yếu kém của tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Trung Quốc vung quá nhiều tiền cho những con robot vô dụng
Một quan chức công nghệ cấp cao cảnh báo sự phát triển của ngành công nghiệp robot của Trung Quốc bị cản trở bởi những sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư quá mức và quá nhiều sự trùng lặp.
Theo tờ báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP), mặc dù lĩnh vực này đã tăng trưởng nhanh chóng trong nỗ lực chuyển biến mô hình sản xuất truyền thống của Trung Quốc thành ngành sản xuất công nghệ cao nhưng có quá nhiều sản phẩm cấp thấp và sự mở rộng đầu tư mù quáng. Đây là nhận xét của ông Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và thông tin Trung Quốc được Tân hoa xã trích dẫn mới đây. Những người làm trong ngành này cho rằng hầu hết robot công nghiệp Trung Quốc chỉ thực hiện được các công việc đơn giản như nâng hạ, vận chuyển.
Những thống kê gần đầy của Liên minh robot công nghiệp Trung Quốc (CRIA) cho thấy hơn 60% trong tổng số 22.000 con robot công nghiệp do các công ty Trung Quốc sản xuất năm ngoái là các model giá rẻ.
Phát biểu tại một hội nghị diễn ra ở Shenyang hôm thứ Năm tuần này, ông Xin cho rằng các nhà sản xuất robot cần phải phát triển các thị trường ngách trong ngành thay vì chỉ đơn giản lặp lại những gì người khác đã làm.
Đồng tình với nhận xét của ông thứ trưởng Công nghiệp, ông Ren Yutong, Chủ tịch Hiệp hội robot Quảng Đông nói Trung Quốc tụt hậu xa phía sau ác nước phát triển về công nghệ linh kiện robot.
"Có một khoảng cách lớn cần phải được lấp đầy bởi các công ty công nghệ sáng tạo. Thay vì lặp lại những gì người khác đã làm, các công ty trong nước nên tập trung vào phân loại những nút thắt như vậy", ông Ren nói.
Trong những năm gần đây, Trung Hoa đại lục đã chứng kiến nhu cầu khổng lồ về robot và sự đầu tư điên cuồng vào robot sản xuất. Theo Liên đoàn robot quốc tế, các nhà sản xuất Trung Quốc đã mua 66 nghìn robot công nghiệp vào năm ngoái, hơn 1/4 tổng số robot công nghiệp tiêu thụ trên toàn cầu.
Trong khi đó, có hơn 40 khu công nghiệp sản xuất robot công nghiệp mới được xây dựng hoặc trong quá trình xây dựng trong hai năm qua. Chính quyền địa phương cũng ban hành gần 80 chính sách để hỗ trợ lĩnh vực này.
Zeng Konggeng, kỹ sư trưởng của liên doanh Nhật – Trung Yaskawa Shougang Robot, nói việc đầu tư quá mức là rõ ràng với quá nhiều địa phương đang xây dựng các khu công nghiệp.
Thương mại Việt – Nhật luôn tăng trưởng cao 10 năm qua
Theo Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản 10 năm trở lại đây luôn đạt tăng trưởng cao, bình quân 13,9%/năm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng cao, bình quân mỗi năm tăng trưởng 13,9%. Năm 2006 thương mại hai chiều đạt mức 9,93 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước thì đến năm 2015 đã tăng gấp gần 3 lần, đạt kim ngạch 28,49 tỷ USD, chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 8,7 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nhật Bản luôn ở trạng thái tương đối cân bằng, 4 tháng đầu năm 2016 Việt Nam thâm hụt 51 triệu USD. Tuy nhiên, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây từ năm 2006 đến 4 tháng đầu năm 2016 tổng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư với Nhật Bản lên tới 3,59 tỷ USD. Đặc biệt từ năm 2012 đến 2014 luôn đạt mức thặng dư cao, như năm 2013 thặng dư 2,02 tỷ USD, năm 2014 thặng dư 1,77 tỷ USD.
Về hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam xuất sang Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2016 đạt 4,32 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản cũng có sự tăng trưởng mạnh trong 10 năm trở lại đây, năm 2006 chỉ đạt kim ngạch 5,23 tỷ USD đến năm 2015 là 14,13 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng bình quân 14,1%/năm. Trong đó có những năm xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ như năm 2008 tăng 40%, năm 2011 tăng trưởng 39,5%, năm 2012 tăng trưởng 21%. Ở chiều ngược lại chỉ có một số năm giảm như năm 2009 giảm 26,3% chủ yếu do khủng hoảng kinh tế gây ra, năm 2015 cũng có sự suy giảm nhẹ, giảm 3,8%.
Những nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2016 gồm: hàng dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, giầy dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...
Về hàng hóa nhập khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản đạt 4,37 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tương tự như hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ Nhật Bản cũng có sự tăng trưởng mạnh từ 4,7 tỷ USD năm 2006 lên 14,36 tỷ USD năm 2015, đạt mức tăng trưởng bình quân 14,1%/năm. Trong đó một số năm có mức tăng trưởng cao như năm 2008 tăng 37%, năm 2011 tăng 26%, ...
Các mặt hàng có xuất xứ Nhật Bản được nhập khẩu chủ yếu vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; linh kiện, phụ tùng ôtô; sản phẩm từ chất dẻo; vải các loại.../.