Nhượng quyền thương hiệu 'Made in Vietnam' mới chỉ là khởi đầu; Moody's nâng hạng 8 ngân hàng Việt Nam; "TPP 2.0" có thể chỉ có 5 thành viên tham gia; IFC đầu tư 230 tỷ đồng vào PAN Farm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-08-2017
- Cập nhật : 17/08/2017
Giá gia công không thay đổi trong gần một thập kỷ
Đó là thông tin được tiến sĩ Chang-Hee Lee, giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, chia sẻ trong bài viết về mức tăng lương tối thiểu 6,5% năm 2018 tại Việt Nam.
“Người lao động và công đoàn nói rằng nó không đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu. Ngược lại, người sử dụng lao động, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu, lại cho rằng sức cạnh tranh của họ bị ảnh hưởng nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng. Đây là những luận điểm mà bạn có thể nghe thấy ở hầu hết các quốc gia có hội nhập thương mại toàn cầu”, ông Chang-Hee Lee nói.
Theo ông, dựa vào số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một số người có thể cho rằng mức tăng lương tối thiểu 6,5% ở trong khoảng hợp lý.
Theo số liệu của Chính phủ, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam tăng 6,2% và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 4,74% trong năm 2016. Năm nay, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,5% và CPI tăng 4%.
Ông nhận định doanh nghiệp Việt Nam ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy “lợi thế cạnh tranh về giá của họ phải chịu nhiều sức ép vì lương và lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây”.
“Nhưng xin đừng quên vế bên kia của phương trình. Chẳng hạn, trong gần một thập kỷ qua, giá gia công (còn gọi giá CMT - gồm cắt, may, ủi) cho một chiếc áo sơ mi hoặc quần jeans mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp.
Điều này giải thích vì sao những người sử dụng lao động trong các ngành xuất khẩu thường xuyên bị sức ép phải cải thiện hiệu quả của nhà máy, giảm chi phí sản xuất với mong muốn giữ chi phí lao động thấp để duy trì biên lợi nhuận (vốn bị ép giữa một bên là lương tối thiểu tăng lên, cộng các chi phí khác, và một bên là giá gia công thấp)”, ông nói.
Theo ông, các công ty đa quốc gia cần phải đối thoại với các nhà cung cấp của Việt Nam và công đoàn để đảm bảo sự phân chia công bằng của các thành quả kinh tế và trách nhiệm xã hội.
“Chúng ta đều biết nhiều nhãn hàng và công ty đa quốc gia đã công bố các cam kết, thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ mức lương tối thiểu quốc gia và tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và thương lượng tập thể”, ông cho biết.
Ông gợi ý để xác lập lương tối thiểu, cần xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động để đảm bảo rằng mức lương tối thiểu mới giúp phát triển doanh nghiệp bền vững trong khi vẫn bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp.
Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn.
Đồng thời, cũng cần tăng cường hơn năng lực chuyên môn của Ban thư ký của Hội đồng Tiền lương Quốc gia - bộ phận cung cấp những phân tích sâu sắc về số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) có thể đàm phán dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bối cảnh và bằng chứng.(Tuoitre)
--------------------------
Nhập siêu gần 3 tỉ USD từ Thái
Thái Lan đã vượt qua Nhật Bản trong danh sách những nước mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất. Dự báo xu hướng nhập siêu từ Thái Lan sẽ tiếp tục tăng.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu thống kê tháng 7, theo đó tính từ đầu năm đến hết tháng 7, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Thái Lan đạt 2,64 tỉ USD; trong khi nhập khẩu từ Thái đạt gần 5,64 tỉ USD. Như vậy tính đến hết tháng 7 lượng nhập siêu từ Thái Lan gần 3 tỉ USD, tăng 465 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả này đã giúp cho Thái Lan vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường xuất siêu nhiều thứ tư vào Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Một số nhóm hàng có kim ngạch tăng mạnh như: rau quả, xăng dầu các loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, ô tô nguyên chiếc các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Tổng cục Hải quan cũng đưa ra dự báo: Theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%. Như vậy, dự báo trong năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ còn tăng cao và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu về cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với xu hướng tăng nhập khẩu từ Thái Lan, đặc biệt là ô tô nguyên chiếc, dự báo nhập siêu từ Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng cao.(thanhnien)
------------------------
Bộ Công Thương lên tiếng việc thương nhân nước ngoài thao túng thị trường hồ tiêu
Tổng hợp các báo cáo của VPA và Sở Công Thương, Bộ Công Thương nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận thương nhân nước ngoài đang thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam.
Gần đây, một số cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về hiện tượng thương nhân nước ngoài thao túng thị trường, giá cả hồ tiêu Việt Nam.
Sau khi tìm hiểu thông tin và tổng hợp báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước, Bộ Công Thương nhận thấy thông tin này xuất phát từ trang chủ (website) của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.
Bộ Công Thương đã đề nghị VPA cung cấp danh sách cụ thể các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi rủi ro trong giao dịch với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, tại văn bản số 38/HTVN-CV ngày 10 tháng 8 năm 2017 gửi Bộ Công Thương, VPA cho biết "không có nguồn lực và cũng không thống kê được cụ thể danh sách doanh nghiệp bị ảnh hưởng và cũng không định rõ khái niệm bị ảnh hưởng là thế nào để thống kê, chưa kể trong quy luật mua bán, các doanh nghiệp không thể chia sẻ các thông tin về đối tác mà mình thường mua bán".
Cũng theo văn bản trên của VPA, thông tin vừa qua là thông tin trên website "nội bộ" của VPA, mang tính "cảnh báo, chia sẻ giữa các hội viên VPA với nhau", qua đó cùng hỗ trợ nhau giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. VPA cám ơn sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước nhưng mong muốn sự việc này "nên dừng lại" và "khi nào sự việc nghiêm trọng hơn, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy cần thiết, chúng tôi sẽ gửi công văn chính thức đề nghị Nhà nước can thiệp, hỗ trợ".
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước, hiện chưa phát hiện tình trạng thương nhân nước ngoài “đạo diễn”, “múa tay trong bị”, “thao túng” giá hồ tiêu như thông tin phản ánh trên một số báo.
Tổng hợp các báo cáo của VPA và Sở Công Thương, Bộ Công Thương nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận thương nhân nước ngoài đang thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật cho mặt hàng hồ tiêu nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung.(NDH)
---------------------------
Ngành dầu khí khổng lồ của Indonesia đang suy thoái
Ngành dầu khí của Indonesia đang suy thoái, ngay cả khi nhu cầu về năng lượng của nước này tăng vọt.
Thiếu sự quan tâm từ chính phủ và cơ sở hạ tầng nghèo nàn đang kéo ngành công nghiệp dầu khí của Indonesia tụt lại phía sau ẢNH: REUTERS
Theo Bloomberg, giá cả toàn cầu giảm, nhiều quy định thay đổi và cạnh tranh từ các nước láng giềng trong việc chứng tỏ sức hấp dẫn với các công ty năng lượng quốc tế, đang là những nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải đối mặt với sự sụt giảm về doanh thu từ dầu và nhập khẩu nhiên liệu.
Số liệu từ chính phủ Indonesia cho thấy, 5 năm trước ngành công nghiệp dầu khí chiếm gần 6% tổng GDP của quốc gia vạn đảo, nhưng trong năm ngoái con số này lao dốc chỉ còn một nửa, ở mức 3%. Đầu tư thăm dò dầu khí ở Indonesia cũng giảm từ 1,3 tỉ USD vào năm 2012 xuống còn 100 triệu USD trong năm 2016. So với 19 giàn khoan trong giai đoạn 2013 - 2014, số giàn khoan ngoài khơi có thể hoạt động của Indonesia vào nửa đầu năm nay chỉ còn bốn giàn.
“Dường như Indonesia đang thiếu một tầm nhìn dài hạn. Họ cũng đang phát đi tín hiệu về thái độ chấp nhận rằng sản lượng dầu đang giảm, chứ không phải tinh thần cố gắng để xoay xở tình thế”, Tony Regan, một chuyên gia tư vấn dầu khí độc lập tại Singapore, nói.
Theo ông Johan Utama, nhà phân tích dầu mỏ Đông Nam Á tại Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, sự thiếu “thành công và các vấn đề thương mại hóa đã làm suy yếu triển vọng của Indonesia, và đầu tư vào ngành công nghiệp này có thể sẽ còn giảm thêm nữa”.
Cách đây 20 năm, Indonesia bơm khoảng 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Năm 1997 nước này đã vinh dự chủ trì cuộc họp các bộ trưởng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Song, giờ đây Indonesia đang phải chờ đợi để được gia nhập trở lại OPEC sau khi rời khỏi nhóm trong suốt 8 năm qua. Các nhà buôn dầu và nhà quản lý liên tục phàn nàn về sự thiếu thốn trong thăm dò cũng như tình trạng đầu tư “ứ đọng” trong nước.
“Indonesia trước giờ vẫn được biết đến là một thị trường khó thăm dò và phát triển dầu khí, không phải vì nước này không có tiềm năng, nhưng vì những rào cản trong việc phê chuẩn cũng như cấp phép từ chính quyền”, ông Regan cho hay.
Theo ông Utama, chi phí thăm dò và sản xuất dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 3% trong năm nay, lên khoảng 450 tỉ USD, sau hai năm suy giảm. Và một số nước láng giềng của Indonesia đang dẫn đầu sự phục hồi này.
Bộ trưởng Năng lượng Khoáng sản Indonesia, ông Ignasius Jonan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.2017 rằng chính phủ đang lên kế hoạch mở rộng ngành công nghiệp dầu khí nhằm thu hút 200 tỉ USD vốn đầu tư trong thập niên tới, bằng cách đưa ra các ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu thiết bị khoan, đơn giản hóa chi phí phục hồi và sửa đổi cơ cấu thuế. Ông Jonan cũng nói thêm rằng nhà sản xuất dầu mỏ khổng lồ PT Pertamina đang chi hàng tỉ USD để tăng năng suất sản xuất, nâng sản lượng dầu của Indonesia dự kiến lên mức 1 triệu thùng/ngày vào năm 2019, so với mức 800.000 thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo thông tin chính phủ Jakarta tuyên bố hồi tuần trước, đầu tư vào dầu trong nửa đầu năm nay của Indonesia là 4 tỉ USD, còn cách xa so với mục tiêu cả năm là 22,2 tỉ USD.
“Các quy định mới có thể tăng tốc độ phê duyệt và tiết kiệm chi phí khai thác, nhưng so với những điểm đến khác, Indonesia có thể sẽ không phải là nhân tố hấp dẫn các công ty dầu mỏ toàn cầu. Môi trường pháp lý liên tục thay đổi là dấu hiệu cho thấy Indonesia là một nơi thiếu ổn định để đầu tư, thăm dò”, ông Utama nhận định.
Nỗ lực của chính phủ Indonesia nhằm thu hút các nhà đầu tư mới đây đã bị thổi bay, khi tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil quyết định rút khỏi dự án khí đốt tự nhiên ở phía đông quần đảo Natuna vì “không khả thi về kinh tế”. Công ty Thăm dò Khai thác và Sản xuất PTT của Thái Lan cũng ngưng hoạt động trong dự án này, để lại tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia PT Pertamina “một mình một cõi” ở một trong những vùng chưa được khai thác lớn nhất trên thế giới, với chi phí phát triển đòi hỏi có thể lên tới 56 tỉ USD.
Trong trường hợp chính phủ đạt được mục tiêu tăng sản xuất, sản lượng có được cũng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước đang tăng lên mạnh mẽ. Theo Wood Mackenzie, Indonesia đã phải nhập khẩu 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Dự báo tổng nhu cầu của cả nước sẽ tăng lên 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Một cuộc điều tra của PwC, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, trên 50 công ty quốc tế tham gia vào ngành dầu khí Indonesia cho thấy, các công ty này rất lo ngại về môi trường đầu tư “ứ đọng” cũng như cam kết của chính phủ đối với các hợp đồng.
“Việc định giá rất quan trọng, nhưng nó không phải là mối quan tâm lớn nhất đối với những người đầu tư vào Indonesia. Thay vào đó, sự thiếu quan tâm của chính phủ trong việc thực hiện bất kỳ hình thức thăm dò nào và cơ sở hạ tầng nghèo nàn là những yếu tố chính đang giữ ngành công nghiệp này tụt lại phía sau”, Colin Singer, chủ tịch công ty Tư vấn Năng lượng TIGA-I, người đã có 30 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí Indonesia, nói.(thanhnien)