Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể bất lợi do Thái xả "gạo tồn kho"
Sẽ giảm thuế cho một số loại ô tô
Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường nước ngoài
Đế chế bán lẻ Walmart đóng cửa hàng trăm siêu thị
Sẽ cho phá sản tổ chức tín dụng yếu kém
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-01-2016
- Cập nhật : 16/01/2016
Giữa năm 2017 sẽ có thông tư về thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Thông tư quy định cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh dự kiến sẽ được ban hành vào giữa năm 2017 và đến năm 2019 sẽ đưa vào vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Xây dựng quy định vận hànhThị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/1.
Theo Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, dự án “Xây dựng quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh” đã được triển khai từ tháng 7/2015, đến nay đã cơ bản hoàn thành Dự thảo lần 1, với các nội dung liên quan đến cơ chế vận hành thị trường giao ngay như: cấu trúc thành viên, đăng ký tham gia thị trường; lập kế hoạch năm/tháng/tuần/ngày, chào giá, tính toán giá thị trường, thanh toán thị trường và các nội dung khác.
Trên cơ sở đánh giá, cân nhắc khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng và năng lực của Việt Nam tại thời điểm 1/1/2019, Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp với tư vấn xây dựng hai bộ quy định cho 2 giai đoạn của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bao gồm:
Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2019 sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế định giá điện năng thị trường đồng nhất toàn hệ thống (SMP), tính sau vận hành và thực hiện đồng tối ưu điện năng và dự phòng.
Quy định vận hành cho thị trường bán buôn điện dài hạn sau năm 2019, khi các điều kiện về hạ tầng được đáp ứng đầy đủ, sẽ nghiên cứu áp dụng các cơ chế đầy đủ của thị trường bán buôn điện cạnh tranh như: định giá theo vùng, tính toán giá cước vận hành, đồng tối ưu, cơ chế quyền truyền tải chính và cơ chế giao dịch hợp đồng tập trung.
Theo đó, trong quý II/2016 hoàn thiện bản quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực, phối hợp đơn vị liên quan xây dựng văn bản liên quan.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà máy điện, Tổng công ty điện lực sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong đó có việc hoàn thiện và khắc phục các tồn tại của hệ thống giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu.
Dự kiến giữa năm 2017 Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều sụt giảm
Cá ngừ Việt Nam hiện đang được xuất sang 107 thị trường.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, càng về cuối năm xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sẽ tăng, do nhu cầu tiêu thụ vào những dịp lễ tết tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, do giá cá ngừ vẫn ở mức thấp, cộng với nhu cầu tiêu thụ tại các nước thấp nên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam những tháng cuối năm vẫn giảm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của nước ta chỉ đạt hơn 424 triệu USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Cá ngừ Việt Nam được xuất sang 107 thị trường.
VASEP cho biết, sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu, trong khi các sản phẩm cá ngừ tươi, sống và đông lạnh có giá trị cao lại giảm tỷ trọng.
Đáng chú ý vẫn là sự tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang Nga. Nếu như năm 2014, Nga còn là thị trường nhỏ đối với xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam thì sang đến năm 2015, Nga đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 8.
Đối với thị trường Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong tháng 11 chỉ đạt gần 14 triệu USD, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng giá trị XK cá ngừ từ đầu năm tới 30/11/2015 lên gần 177,8 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Như vậy, NK cá ngừ của Mỹ từ Việt Nam trong tháng 11 chỉ bằng 61% so với tháng 10, giảm mạnh hơn so với năm ngoái.
VASEP cho biết, năm nay, Mỹ nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ tươi, sống và đông lạnh của Việt Nam nhiều hơn so với năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang đây trong 11 tháng đầu năm đạt gần 104 triệu USD, tăng 19,8% với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thăn cá ngừ tăng mạnh nhất. Trái lại, năm nay xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến sang thị trường lớn nhất này lại giảm gần 2% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá ngừ sang EU vẫn rất ảm đạm. Xuất khẩu cá ngừ sang đây trong tháng 11 vẫn giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 7 triệu USD, nâng tổng giá trị XK trong 11 tháng đầu năm 2015 lên gần 91 triệu USD.
Theo VASEP trong 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU, chỉ có Tây Ban Nha tăng nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Đặc biệt, những tháng cuối năm sau khi Thái Lan bị cấm xuất khẩu sang đây và các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bị tẩy chay do khai thác IUU, nhập khẩu của nước này từ Việt Nam tăng mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Italia vẫn giảm so với 11 tháng năm ngoái. Tuy thị trường Italia trong 2 tháng trở lại đây đã phục hồi nhưng không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trước đó.
Thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng của những tháng gần đây, tuy nhiên không đủ bù đắp cho những tháng đầu năm. Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản trong 11 tháng đầu năm vẫn tiếp tục giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 20 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ sang ASEAN trong tháng 11 đạt 3,6 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ, nâng tổng giá trị XK sang đây trong 11 tháng đầu năm lên hơn 35 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP, Thái Lan tiếp tục là nước nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam trong khối. Xuất khẩu cá ngừ sang Thái trong tháng 11 đạt hơn 2 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ, nâng tổng giá trị XK sang đây lên 23,7 triệu USD.
Với tình hình như hiện nay VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ thời gian tới sẽ khó phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trên thị trường thế giới sẽ cải thiện nhưng không nhiều.
Vietcombank báo lãi 6.655 tỷ đồng năm 2015
Kết quả kinh doanh năm 2015 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa được công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 sáng 15/1.
Theo đó, đến hết năm ngoái, tổng tài sản của nhà băng này đạt 673.200 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2014. Dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) của ngân hàng tăng 22% so với đầu năm trong khi huy động vốn tăng hơn 18%. Theo Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng, 2015 là giai đoạn có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 4 năm trở lại đây và cao hơn so với mức trung bình toàn hệ thống.
Nhờ tín dụng khởi sắc, lợi nhuận của ngân hàng mẹ năm nay cũng tăng trưởng hơn 17% so với 2014. Vietcombank cho biết lãi trước thuế đạt 6.655 tỷ đồng, lãi hợp nhất đạt 6.829 tỷ đồng. Năm 2015, đơn vị này cũng hoàn tất hai giao dịch đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ với tổng giá trị lớn nhất từ trước đến nay.
Vietcombank cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu đến hết năm 2015 chiếm 1,76%. Riêng năm 2015, Vietcombank đã xử lý gần 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó gần một nửa là nhờ thu đòi nợ tốt.
Năm 2016, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng ít nhất 10%, tổng tài sản tăng 13,5%, tín dụng tăng 17-18%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Trung Quốc giảm mua cá sấu tại TP.HCM
Tổng giá trị xuất khẩu từ cá sấu ước đạt hơn 18 tỉ đồng. Trong đó, cá sấu sống chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện một công ty nuôi và xuất khẩu các sản phẩm từ cá sấu cho hay thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc giảm số lượng thu mua và giảm giá mua cá sấu.
Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, bà Cúc cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nhập công nghệ thuộc da hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm da cá sấu. “Bên cạnh việc xuất khẩu da thành phẩm và cá sấu sống, hiện nay đã có công ty nghiên cứu sử dụng toàn bộ chế phẩm từ cá sấu như tận dụng xương cá sấu để nấu cao chữa bệnh” - bà Cúc cho biết thêm.
Gạo Việt phải sang Thái kiểm định, tốn 500 USD/mẫu
Cụ thể, hiện nay doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn kiểm tra chất lượng, phân tích dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật phải đưa mẫu sang tận Thái Lan để phân tích. Thời gian chờ đợi trên bảy ngày mới có kết quả và chi phí hơn 500 USD/mẫu gạo. “Vì vậy, VFA đang xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm để làm cơ sở kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu, hướng tới phát triển thương hiệu gạo Việt Nam” - ông Huệ cho biết thêm.
Cũng theo ông Huệ, hiệp hội sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh xuất khẩu gạo tiết kiệm được chi phí, thời gian khi không phải đưa mẫu sang Thái Lan với phí kiểm định cao.