Thị trường vận tải biển: 90% "miếng bánh" đang nằm trong tay DN nước ngoài
WB: TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 30%
Chỉ bán được 55 USD/thùng, ngân sách hụt thu 64.000 tỷ đồng vì giá dầu
Mỹ tiếp tục điều tra chống bán phá giá ống thép cuộn cacbon của Việt Nam
Ngành cao su Thái Lan "điêu đứng" khi kinh tế Trung Quốc suy giảm
Tin kinh tế đọc nhanh 16-01-2016
- Cập nhật : 16/01/2016
Bộ Tài chính đã tính đến phương án giá dầu dưới 30 USD/thùng
Để chủ động ứng phó với việc giảm thu NSNN do giá dầu thô giảm, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản điều hành NSNN theo từng mức giá dầu, trong đó có cả mức giá 30 và thậm chí dưới 30 USD/thùng.
Theo Bộ Tài chính, dự toán NSNN năm 2016 Quốc hội thông qua với tổng thu NSNN là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN 254 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,95%GDP).
Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ giao và Bộ Tài chính thông báo, các bộ, cơ quan trung ương đã khẩn trương thực hiện việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2016 đến các chủ đầu tư, các đơn vị sử dụng NSNN.
Bộ Tài chính cho biết, về triển vọng kinh tế năm 2016 dự báo tình hình tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2015, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%...
Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những biến động phức tạp, khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, dự báo có tác động không thuận lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN năm 2016.
Theo đó, để chủ động ứng phó với việc giảm thu NSNN do giá dầu thô giảm, giữ vững cân đối NSNN năm 2016, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản điều hành NSNN theo từng mức giá dầu, trong đó có cả mức giá 30 và thậm chí dưới 30 USD/thùng. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra những giải pháp xử lý cụ thể.
Do tỷ trọng thu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến dầu thô không lớn (khoảng 10% tổng thu NSNN); đồng thời, từ kinh nghiệm điều hành năm 2015 cho thấy việc giá xăng dầu giảm cũng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Vì vậy, số giảm thu do biến động giá dầu thô có thể bù đắp được từ số phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu.
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2016, Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tài chính – ngân sách đã được đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016.
Thứ nhất, chú trọng tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu từ nội địa và thu từ hoạt động XNK để bù đắp tối đa cho số giảm thu do tác động của dầu thô.
Thứ hai, quản lý, điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán...; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Thứ tư, điều hành bội chi NSNN trong phạm vi được Quốc hội quyết định; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường công khai, minh bạch,...
Hà Nội công khai 139 doanh nghiệp nợ thuế hàng trăm tỷ đồng
Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt đầu tiên trong năm 2016 với tổng số nợ lên tới gần 382,8 tỷ đồng.
Cụ thể, theo danh sách vừa được cơ quan này cho biết ngày 14/1, đứng đầu danh sách nợ đợt này là Công ty Cổ phần Cầu 12 – Cienco 1 với số nợ thuế hơn 88,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh sách "đen" của ngành thuế còn nhắc tới một số doanh nghiệp có nợ lớn như: Công ty Cổ phần Viptour Togi (thuộc Tập đoàn Đại Dương) nợ hơn 11 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Knight Frank Việt Nam nợ hơn 7,45 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Viettronics Đống Đa nợ hơn 8,1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần xây dựng công trình và đầu tư 120 nợ trên 6,7 tỷ đồng,…
Theo đại diện Cục Thuế thành phố Hà Nội, đây là những doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ thuế tính đến ngày 30/11/2015.
Trước đó, trong năm 2015, ngành thuế Hà Nội đã công khai 7 đợt với tổng số 628 đơn vị, dự án trong đó 588 đơn vị nợ thuế lớn với số tiền thuế nợ trên 5.459 tỷ đồng và 40 dự án nợ tiền sử dụng đất lớn với số tiền nợ là 2.340 tỷ đồng.
Kết quả tới hết năm 2015 cho thấy, đã có 311/628 đơn vị thu xếp nguồn tài chính và nộp nợ vào ngân sách Nhà nước với số tiền gần 1.771 tỷ đồng. Trong số trên, 30 đơn vị nộp hết nợ (12/40 dự án nộp hết nợ tiền sử dụng đất và 18/588 doanh nghiệp nộp hết nợ thuế, phí).
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Những tín hiệu khả quan
Với 91,1% số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho rằng số lượng đơn hàng nhận được trong năm 2016 sẽ cao hơn 2015, trong đó, 90,8% DN dự báo đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên trong năm mới, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang đứng trước sự phát triển khả quan.
Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo xu hướng kinh doanh của các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vừa đượcTổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Về xu hướng kinh doanh, đa số DN công nghiệp chế biến, chế tạo cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2015 đến nay đang tiến triển theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước. Quý IV tốt hơn quý III/2015 và quý I/2016 tốt hơn quý IV/2015.
Theo đó, hơn 80% DN đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý I/2016 sẽ tốt lên, hoặc ổn định hơn năm 2015, trong khi đó chỉ có 17,7% DN dự báo kinh doanh năm 2016 khó khăn hơn so với 2015.
91,6% DN dự báo năm 2016 có khối lượng sản xuất cao hơn năm 2015; 66,7% DN dự kiến chi phí sản xuất sẽ ổn định trong năm 2016; 56,4% số DN dự báo không có biến động về hàng tồn kho, vật liệu.
Theo Tổng cục Thống kê, xu hướng kinh doanh của DN công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. Điều này cũng phù hợp với báo cáo của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2015.
Cụ thể: Năm 2015, cả nước có 94.754 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 601,5 nghìn tỉ đồng, tăng 26,6% về số DN và 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Số vốn đăng ký bình quân của DN trong năm 2015 đạt 6,3 tỉ đồng, tăng 9,9% so với năm trước đó.
Các DN mới thành lập cũng tạo ra được gần 1,5 triệu lao động, tăng 34,9% so với năm 2014. Cũng trong năm 2015, số DN quay trở lại hoạt động là 21.506, tăng 39,5% so với năm trước. DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh là 9.467 DN, giảm 0,4% so với năm 2014.
Trên thực tế thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Lý do theo các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam vừa gặp ít rủi ro, lại tận dụng được lợi thế nhân công, năng lượng giá rẻ .
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì công nghiệp chế biến, chế tạo đang là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất của Việt Nam, hiện thu hút trên 70% vốn FDI.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam thu hút hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo lý giải của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều lao động, vì thế sẽ giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Những năm gần đây, Việt Nam có chính sách phát triển công nghiệp rất tốt, điển hình như chính sách thuế, đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Giá năng lượng tại Việt Nam cũng rẻ hơn so với các nước trong khu vực và thế giới, đây là lợi thế rất quan trọng để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” tổ chức tại TPHCM cuối năm 2015 vừa qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra nhận định: Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Trong 10 năm, sẽ có 90 tỉ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng. Thậm chí, một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử”, bà Kwakwa nói.
Bước sang năm mới 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2016 sẽ khởi sắc hơn so với năm 2015. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2015 và đang có những tác động tích cực đến hoạt động của DN nói chung và DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng.
Nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2016
Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính thuế theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ sẽ tập trung vào 3 nhóm chỉ tiêu mới là kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.
Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 36a/NQ-CP là tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng; nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN.
Với những yêu cầu đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử, phấn đấu tiến tới đạt 90% về cả 3 chỉ tiêu; triển khai thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoàn thuế điện tử, giám sát chặt chẽ tình hình hoàn thuế, hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp; triển khai áp dụng quản lý rủi ro đầy đủ, hiệu quả trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan theo các quy định của Luật Hải quan.
Tổng cục Hải quan sẽ duy trì vận hành Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thanh toán điện tử, các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia ổn định, an toàn 24/7
Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực thông quan, quản lý thu thuế, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu; thực hiện tốt Quyết định số 2026/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hang hóa xuất khẩu, nhập khẩu...
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015 Bộ đã chỉ đạo sửa đổi và bãi bỏ nhiều thủ tục kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp giúp giảm trên 30 giờ cho người nộp thuế. Cùng với việc sửa đổi cơ chế, chính sách, trong năm 2015 cơ quan Thuế đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế tập trung cho các Cục Thuế; đồng thời mở rộng áp dụng nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước, giải pháp này giảm được trên 10 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.
Như vậy, với các giải pháp đã triển khai thực hiện nêu trên, số giờ nộp thuế giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ (năm 2014 đã giảm được 370 giờ); do đó, sẽ đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế đối với người nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.
Cùng với đó, trong năm 2015 Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, theo đó đã có 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% Cục Hải quan và 100% Chi cục; chiếm 99,56% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan qua VNACCS/VCIS. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 285,6 tỷ USD, tổng số tờ khai xuất nhập khẩu đạt 7,21 triệu tờ.
Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Hệ thống VNACCS/VCIS đã chứng tỏ tính ưu việt, mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và công tác quản lý nhà nước về hải quan; rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, giảm thiểu giấy tờ trong bộ hồ sơ làm thủ tục hải quan nhờ việc sử dụng chữ ký số, tiết kiệm chi phí...
Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành đầu tiên trên cả nước tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Đây là giải pháp quan trọng để cải cách, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành, rõ nhất là thời gian chuyển đăng ký gốc giảm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày; thời gian lấy mẫu và nhận kết quả kiểm tra từ cơ quan quản lý chuyên ngành giảm từ 10 đến 15 ngày xuống còn 7 hoặc 10 ngày...
Ưu đãi thuế lớn cho các dự án bảo vệ môi trường
Nhiều doanh nghiệp thực hiện các dự án bảo vệ môi trường được miễn, giảm và hưởng thuế suất ưu đãi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới gồm: Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.
Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng; ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác; xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề; dịch vụ hỏa táng, điện táng; giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.
Cùng với đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới: Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.
Sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Sản xuất máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.
Thông tư quy định rõ về mức ưu đãi. Đối với thuế suất, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm.
Trường hợp dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hóa.
Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư.
Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định nêu trên được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.
Năm miễn thuế, giảm thuế xác định phù hợp với kỳ tính thuế. Thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập chịu thuế (chưa trừ số lỗ các kỳ tính thuế trước chuyển sang).
Trường hợp, trong kỳ tính thuế đầu tiên có thu nhập chịu thuế mà dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế dưới 12 tháng, doanh nghiệp được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mới ngay kỳ tính thuế đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế từ kỳ tính thuế tiếp theo.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thời gian ưu đãi thuế vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
Thông tư này được áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2016.