Airbus đầu tư trực thăng vào Uber
Thêm một tập đoàn Thái Lan hỏi mua Big C
62 tỷ phú giàu bằng nửa thế giới
Bất động sản Quy Nhơn hút vốn nhà đầu tư Sài Gòn
Cho phá sản công ty tài chính bê bối
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-01-2016
- Cập nhật : 17/01/2016
Thị trường vận tải biển: 90% "miếng bánh" đang nằm trong tay DN nước ngoài
Các hãng tàu lớn của nước ngoài hiện nay thâu tóm đến 90% thị trường vận tải biển Việt Nam, số còn lại là các hãng tàu Việt Nam.
Tại Hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam”, ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện nay vận tải đường biển đang chịu nhiều bất hợp lý, trong đó bất cập đầu tiên là cước phí.
Các hãng tàu lớn của nước ngoài hiện nay thâu tóm đến 90% thị trường vận tải biển Việt Nam, số còn lại là các hãng tàu Việt Nam. Hiện nay, 1/3 giá cước đi Châu Âu đều tăng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó.
Cũng theo ông Trần Đức Minh, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu thì giá cước vận tải biển vẫn không giảm, ngoài cước phí thì các khoản phụ phí như phí chờ kho đợi chủ hàng đến nhận, phí container, phí bốc xếp hàng hóa, phí tránh bão cho thủy thủ đoàn... liên tục tăng.
"Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Cần Thơ cho biết cước hàng vận chuyển thủy sản bằng tàu biển tăng 30%, doanh nghiệp xuất khẩu tăng 200 container/tháng khiến giá cước tăng thêm 4 tỷ đồng/tháng, ngoài ra còn rất nhiều phụ phí. Tính như vậy một con cá tra bị tăng thêm 700-1.000 đồng/tiền cước và sang đến Mỹ sẽ tăng giá” - ông Minh dẫn chứng.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp tàu biển nước ngoài hoạt động. Tình trạng các công ty tàu biển nước ngoài khống chế thị trường vận tải biển đã diễn ra trong thời gian dài, trong khi đó tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam là không đủ.
“Việt Nam không kiểm soát được cước phí, phụ phí nên doanh nghiệp Việt Nam ở thế bị động. Chúng ta không cạnh tranh được với công ty nước ngoài. Đó là thực tế khiến nhiều doanh nghiệp phải trăn trở” – ông Minh nêu quan điểm.
Trong khi đó, bà Đặng Phương Dung - Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đa số các chủ hàng Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo bà Dung, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ đô năm 2015 nhưng trong đó 70% là doanh nghiệp FDI và chỉ có 30% là DN Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam đang phải vật lộn với hàng loạt vấn đề làm thế nào để đủ sức cạnh tranh trong hội nhập. Doanh nghiệp sản xuất đang tìm thị trường tiêu thụ, tăng quản lý giảm giá thành, tăng chất lượng, vấn đề cước vận tải, giao nhận.
“Lâu nay các chủ doanh nghiệp chưa thực sự chú ý đến cước vận tải chỉ khi vấn đề cước phí, phụ phí tăng lên chóng mặt, bất hợp lý chồng chéo các doanh nghiệp ngỡ ngàng mới có tiếng kêu phản ánh” – bà Dung chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp, trong câu chuyện đấu tranh về phí cần tăng vai trò và tiếng nói chủ hàng, hội nhập sâu, chậm một ngày là doanh nghiệp thiệt thòi lớn. Nhưng đồng thời phải theo luật thị trường, cuộc chơi của thị trường, bên vận chuyển là các hãng tàu, doanh nghiệp logistic và bên chủ hàng cùng làm việc.
Chính vì vậy, bà Dung nhấn mạnh, các DN cần có sự nhận thức đúng đắn hơn, cần biết các loại phụ phí, cước phí nằm ở những khâu nào; cần nhận thức rõ đây không chỉ là công việc từ phía Chính phủ mà là vấn đề mà các DN cần giải quyết.
“DN cần liên kết chặt chẽ hơn, cần có người đại diện cho tiếng nói của DN mới có thể giải quyết vấn đề một cách cơ bản. Để làm được điều đó thì Hiệp hội cần có sự cải thiện, phải chuyển tải được vấn đề của DN và các DN cũng cần tự nâng cao nhận thức của mình” – bà Dung nhấn mạnh.
WB: TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 30%
Hãng tin Kyodo dẫn một đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia vào năm 2030 lên hai con số.
WB nhận định nếu được thực hiện, TPP sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu từViệt Nam khoảng 30,1%, từ Nhật Bản khoảng 23,2% và từ Malaysia khoảng 20,1% so với khi không có TPP.
WB còn dự đoán rằng TPP sẽ giúp đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàngdệt may và phụ kiện của Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản - một nhà xuất khẩu lớn các linh kiện điện tử - có triển vọng thu lợi lớn từ TPP do thỏa thuận này sẽ giảm 87% thuế đối với các sản phẩn công nghiệp ở 11 quốc gia khác.
Ngoài ra, đà tăng trưởng mạnh giá trị xuất khẩu vẫn duy trì ở hai quốc gia châu Á khác, 9% đối với Brunei và 7,5% đối với Singapore.
Còn ngoài khu vực châu Á, xu thế tăng kim ngạch xuất khẩu hai con số được dự đoán cho New Zealand là 12,8% và cho Peru là 10,3%.
Chỉ bán được 55 USD/thùng, ngân sách hụt thu 64.000 tỷ đồng vì giá dầu
Sau khi quyết toán lại cả năm thì giá dầu chỉ ở mức 55 USD/thùng, do đó số hụt thu ngân sách do giá dầu giảm là 64.000 tỷ đồng chứ không phải là con số 63.000 tỷ đồng như thông tin trước đây.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói như vậy tại buổi gặp mặt báo chí mới đây.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2015 dự toán giá dầu trình Quốc hội phê duyệt là 100 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 8, giá dầu đã có xu hướng giảm mạnh nên dự toán mà Quốc hội phê duyệt giảm xuống còn ở mức 80 USD/thùng.
Song ngay sau khi kỳ họp kết thúc thì giá dầu đã giảm xuống chỉ còn 70 USD/thùng. Trước diễn biến của giá dầu, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với giá dầu ở các mức 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng.
Việc giá dầu giảm sâu đã tác động đến thu ngân sách trung ương năm 2015. Trong kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào tháng 10/2015, Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội mức giá dầu bình quân là 57 USD/thùng, khiến ngân sách bị hụt thu 63.000 tỷ đồng.
“Khi quyết toán lại là cả năm thì giá dầu chỉ còn ở mức 55 USD/thùng, nên tổng hụt thu so với dự toán là 64.000 tỷ đồng, chứ không phải ở mức 63.000 tỷ đồng như trước đây”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Trước tình hình giá dầu đang tiếp tục có xu hướng giảm sâu trong năm 2016, hiện đang ở mức 30 USD/thùng, trong khi dự toán giá trình Quốc hội phê duyệt là ở mức 60 USD/thùng, Bộ trưởng Đinh tiến Dũng cho rằng cần phải chủ động, linh hoạt xây dựng phương án giá dầu bởi có khi giá dầu còn xuống mức 20 USD/thùng.
“Với kinh nghiệm điều hành tốt, chủ động đưa ra dự báo, quyết tâm biến khó khăn thành thuận lợi nên Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với giá dầu ở mức 55 USD/thùng, 50 USD/thùng, 45 USD/thùng, 40 USD/thùng, 35 USD/thùng và 30 USD/thùng” – Bộ trưởng nói.
Thậm chí, phương án dưới 30 USD/thùng cũng được Bộ Tài chính tính đến để chủ động ứng phó với việc giảm thu NSNN do giá dầu thô giảm, giữ vững cân đối NSNN năm 2016. Cũng theo Bộ Tài chính, hiện tỷ trọng thu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến dầu thô không lớn (khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước).
Đồng thời, với kinh nghiệm điều hành năm 2015 cho thấy việc giá xăng dầu giảm cũng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Vì vậy, số giảm thu do biến động giá dầu thô có thể bù đắp được từ số phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để quản lý giá cước chặt chẽ. Trong năm 2014 Bộ này đã thành lập đoàn thanh tra và quản lý, kiểm soát giá cước, gây sức ép lên các doanh nghiệp vận tải để có mức giá hợp lý, phù hợp cho người tiêu dùng.
“Doanh nghiệp vận tải là những người hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm nhưng nếu không minh bạch thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích. Đây là cơ sở tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất, giảm chi phí để tạo động lực tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mỹ tiếp tục điều tra chống bán phá giá ống thép cuộn cacbon của Việt Nam
Phía Mỹ cho rằng, ngành công nghiệp nước này bị thiệt hại đáng kể bởi mặt hàng ống thép cuộn cacbon nhập khẩu từ Oman, UAE, Việt Nam.
Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA – Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11/12/2015, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã ra quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của 5 quốc gia bao gồm Oman, UAE, Pakistan (bị điều tra đồng thời chống trợ cấp), Philippines và Việt Nam.
Tại thông báo này, ITC quyết định tiếp tục tiến hành điều tra chống bán phá giá do xác định được có dấu hiêu cho thấy: Ngành công nghiệp của Hoa Kỳ bị thiệt hại đáng kể bởi mặt hàng ống thép cuộn cacbon nhập khẩu từ Oman, UAE, Việt Nam đã bán thấp hơn giá trị thông thường và có trợ cấp đối với Pakistan.
Riêng sản phẩm nhập khẩu từ Philippines, ITC quyết định chấm dứt điều tra đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Philippines do xác định lượng hàng hoá nhập khẩu không đáng kể.
Căn cứ theo quyết định này của Uỷ ban, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra nói trên, dự kiến kết luận sơ bộ về thuế chống bán phá giá sẽ được xác định vào khoảng ngày 5/4/2016.
Trước đó, ngày 18/11/2015, DOC đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon nhập khẩu từ các quốc gia nói trên. Theo cáo buộc của bên khởi kiện, biên độ phá giá sản phẩm này của Việt Nam ở mức cao nhất là 113.18%.
Năm 2014, giá trị nhập khẩu ống thép hàn cacbon từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt kim ngạch 60,6 triệu USD - mức lớn nhất trong số các nước nhập khẩu vào thị trường này.
Ngành cao su Thái Lan "điêu đứng" khi kinh tế Trung Quốc suy giảm
Ngành cao su Thái Lan "điêu đứng" khi kinh tế Trung Quốc suy giảm - Ảnh minh họa. (Nguồn: www.rainforest-alliance.org)
Chính phủ Thái Lan vừa cam kết sẽ hỗ trợ nông dân trồng cao su nhằm giảm thiểu những thiệt hại và thua lỗ do giá cả trên thị trường thế giới "lao dốc".
Bình luận về quyết định trợ giá cao su của Chính phủ Thái Lan, tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) cho rằng mối quan ngại về tình trạng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến khu vực Đông Nam Á, nhất là Thái Lan.
Nhiều nông dân trồng cao su ở miền Nam Thái Lan đã phải gánh chịu thiệt hại và thua lỗ nặng nề do giá giảm mạnh. Một số người còn dọa sẽ biểu tình, tuần hành và tuyệt thực để thể hiện nỗi bức xúc của mình.
Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ mua mủ cao su của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Nguyên nhân được cho là những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến giá cao su trên thị trường thế giới sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bảy năm qua.
Đây được coi là một vấn đề nghiêm trọng đối với giới chức Thái Lan khi họ nỗ lực tìm kiếm và duy trì sự ủng hộ từ phía nông dân ở miền Nam.
Tiến sỹ Chayo Trangadisaikul, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho rằng tình trạng trì trệ trong ngành chế tạo ôtô Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ cao su Thái Lan giảm nhanh chóng. Thực trạng này có thể kéo dài trong một vài năm hoặc lâu hơn.
Theo ông Chayo, việc thu mua mủ cao su theo giá cao hơn giá thị trường mà Chính phủ Thái Lan cam kết chỉ có thể giải quyết tạm thời những khó khăn hiện nay. Về lâu dài, đây chưa phải là một giải pháp cho vấn đề cao su.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo hôm 12/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Thái Lan xuất khẩu đến 90% sản lượng cao su, 50% trong số đó là sang thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi nông dân trồng cao su cần phải bình tĩnh. Ông cũng cam kết chính phủ sẽ nỗ lực trợ giá cao su và triển khai thêm nhiều dự án công cộng để tăng mức cầu về sản phẩm cao su. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ bắt đầu kế hoạch thu mua mủ cao su từ tuần tới.
Trong giai đoạn từ năm 2010-2013, nông dân Thái Lan đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng cây cao su do ngành công nghiệp chế tạo ôtô ở Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đẩy mức cầu lên cao. Giờ đây khi giá giảm, họ phải chịu nhiều thua lỗ.
Theo một số ý kiến, giá cao su ít nhất phải đạt mức 45 baht/kg (khoảng 1,24 USD/kg), thì mới đảm bảo chi phí sản xuất cho nông dân Thái Lan./.