Xuất khẩu cao su có thể đạt 1,6 tỉ USD
Siemens muốn tham gia vào các dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam
Gà từ 24 quốc gia đang ‘tấn công’ gà Việt Nam
Canada hối thúc các nước sớm công khai thỏa thuận TPP
Nhiều loại phí chứng khoán có thể giảm mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh 17-10-2015
- Cập nhật : 17/10/2015
Quỹ ngoại rót 5,5 triệu USD vào chuỗi nhà hàng KAfe
KAfe Group Limited - chủ chuỗi cửa hàng cà phê Việt vừa nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) từ Cassia Investments - một công ty có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) chuyên đầu tư vào thị trường đại lục và Đông Nam Á.Được thành lập năm 2013 bởi Đào Chi Anh - một đầu bếp và là tác giả của những cuốn sách, chương trình dạy nấu ăn, KAfe nhắm tới khách hàng trẻ, cá tính và thích đồ ăn chất lượng, tươi, giá cả phải chăng. Chỉ trong hai năm, KAfe đã xây dựng được 12 cửa hàng tại Hà Nội và vừa thâm nhập thị trường phía Nam với 4 địa điểm tại TP HCM. Chuỗi này dự kiến sẽ nâng lên 26 cửa hàng vào cuối năm nay.
"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của KAfe Group và mong được làm việc chặt chẽ với lãnh đạo công ty để đảm bảo sự thành công liên tục", Faris Ayoub, Giám đốc điều hành của Cassia Investments cho biết. Chiến lược của Cassia là đầu tư vào các công ty có triển vọng tăng trưởng mạnh, mô hình kinh doanh đã được chứng minh và được thị trường tin tưởng.
Dự kiến, nguồn vốn 5,5 triệu USD sẽ giúp KAfe mở rộng mạng lưới ở Hà Nội và TP HCM cùng các thành phố lớn khác trên cả nước. Thậm chí, thương hiệu này cũng đang xem xét việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Bà Đào Chi Anh chia sẻ trong tương lai, tập đoàn có kế hoạch xây dựng một hệ thống sinh thái, chuỗi cung ứng thông qua mua lại các trang trại hữu cơ địa phương để xây dựng nguồn cung ổn định, đảm bảo chất lượng, theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn. "Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng được chuỗi quán cà phê - nhà hàng dẫn đầu tại Việt Nam trong 5 năm", vị này nói thêm.
VinaCapital thu về 320 triệu USD nhờ thoái vốn 18 thương vụ
Tại hội nghị các nhà đầu tư thường niên 2015 của Tập đoàn VinaCapital, Giám đốc điều hành Andy Ho chia sẻ bên cạnh 18 thương vụ thoái vốn toàn phần còn có 8 thương vụ thoái vốn một phần, có tỷ suất sinh lợi nội bộ đạt 21%. Hiện VOF còn 8 khoản thoái vốn chưa thực hiện với giá trị 167 triệu USD.
Trong năm tài chính 2015 của VOF, lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân chiếm 9,9%, cao nhất so với cổ phiếu niêm yết (0,8%), trái phiếu (4,6%), các dự án khách sạn 4,5% trong khi cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài và bất động sản lỗ 3-10%. Nếu thống kê 3 năm qua, đầu tư cổ phiếu niêm yết tăng 7,8%, còn qua 5 năm, đầu tư cổ phần tư nhân có mức lợi nhuận dẫn đầu, đạt 22,6%.
Ông Andy Ho cho biết, chiến lược của VOF trong tương lai chia thành hai xu hướng chính. Thứ nhất, tập trung vào các lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa. Trong đó F&B (thực phẩm và đồ uống) kỳ vọng đạt hiệu qủa tốt vì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ lạm phát thấp, khả năng chi tiêu tốt hơn. Đầu tư gián tiếp vào bất động sản vì lãi suất tiền gửi thấp. Các lĩnh vực khác: giáo dục, y tế, truyền thông, logistics, vật liệu xây dựng.
Thứ hai là tăng các khoản đầu tư cổ phần tư nhân và OTC. VOF tiếp tục tìm kiếm, nắm bắt các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân với giá trị 10-40 triệu USD và một số doanh nghiệp đầu ngành đang tìm kiếm nhà đầu tư vào cổ phần thiểu số/không chi phối; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo ra nhiều cơ hội để tái xây dựng danh mục đầu tư OTC.
Ngoài ra, VOF cũng hướng đến chiến lược đầu tư tăng tổng giá trị tài sản quản lý. Các thương vụ được thỏa thuận riêng, đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân và niêm yết. Tập trung vào cổ phần của các công ty niêm yết với nền tảng vững chắc, có cơ hội thực hiện M&A, cân bằng lại danh mục đầu tư bất động sản, tập trung vào công ty thay vì dự án như trước đây. Tích cực tìm kiếm cơ hội thoái vốn các tài sản khác đã chin muồi với mức giá cao hơn giá thị trường.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, lãnh đạo VinaCapital cho hay, tiềm năng rất lớn vì Chính phủ đang ngày càng hướng đến những cải cách sâu rộng trong kênh đầu tư này. Nếu so với các thị trường chứng khoán tương tự: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Philippines thì chứng khoán Việt Nam giữ được sự ổn định nhất, chỉ giảm 1,8% trong khi các thị trường khác giảm 2,5-23,7%.
Riêng về quỹ đầu tư bất động sản VinaLand của tập đoàn cũng được đánh giá hứa hẹn gặt hái thành công trong thời gian tới. Hiện VinaLand có tỷ trọng đầu tư tại khu vực phía Nam chiếm 64,2%, trong khi miền Trung chiếm 27,5% và Hà Nội là 8,3%.
Hãng dầu Repsol bán gần 7 tỷ USD tài sản
Trong thông báo đưa ra hôm nay (15/10), hãng khẳng định kế hoạch chiến lược 5 năm mới sẽ giúp "đảm bảo sức mạnh và khả năng tạo dựng giá trị của Repsol trong bối cảnh giá dầu thấp". "Sự linh hoạt, sức mạnh và khả năng thích nghi của danh mục tài sản cho phép Repsol bán 6,2 tỷ euro tài sản không chiến lược và giảm chi 38% mà không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty", Financial Times trích thông báo cho biết.Sản xuất và doanh thu từ lọc dầu của Repsol năm nay đã tăng lên, nhờ mua hãng năng lượng Canada Talisman. Việc hợp nhất đã hoàn tất hồi tháng 5. Dù giá dầu thô giảm gần 50% từ năm ngoái, nguồn thu của Repsol cũng được bù đắp phần nào bằng lợi nhuận từ lọc dầu cao.
Hôm qua, Repsol dự báo lợi nhuận ròng của hãng năm nay sẽ giảm xuống 1,25-1,5 tỷ euro, "do môi trường giá dầu thấp hiện tại". Con số này thấp hơn 22% so với 1,61 tỷ euro năm ngoái. Hãng cũng xác nhận sẽ giảm 6% nhân sự toàn cầu trong vòng 3 năm tới.
Repsol là trường hợp đại gia dầu mỏ mới nhất của châu Âu tuyên bố giảm chi tiêu trong dài hạn và bán bớt tài sản do hậu quả của giá dầu thấp, gây ra bởi dư cung tại Mỹ, nhu cầu từ Trung Quốc yếu và quyết định không giảm sản xuất của OPEC (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ).
Tháng trước, Total (Pháp) cũng thông báo giữ nguyên tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông, đồng thời giảm chi tiêu 30-40% so với kỷ lục năm 2013 - thời điểm thị trường dầu đang bùng nổ.
Doanh nghiệp quốc phòng chỉ hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt, bí mật
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước được thành lập hoặc tổ chức lại để thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc bảo đảm bí mật và an ninh quốc gia.
Nghị định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải bảo đảm 3 điều kiện: Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Có ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ổn định, thường xuyên bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Nhà nước chỉ duy trì doanh nghiệp quốc phòng an ninh để hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt, bí mật (Ảnh minh họa)
Căn cứ vào quy mô và đặc thù hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định áp dụng cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên (Ban Kiểm soát) hoặc theo mô hình Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên (Ban Kiểm soát).
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hoạt động trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt, cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định.
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao quản lý và sử dụng phù hợp với quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh (trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng không đủ) bao gồm: Chi phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người chuẩn bị nghỉ hưu; chi bảo đảm quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sỹ quan, công nhân công an; thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành; các khoản chi cho công tác quốc phòng, an ninh, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân...
Về chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công theo quy định của pháp luật về người có công; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Nhà nước hỗ trợ trả lương cho số lượng người lao động tối thiểu cần phải duy trì để vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.
Khai thác dầu thô tiếp tục tăng
Báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm được Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) công bố hôm nay cho biết tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 21,86 triệu tấn, tăng 7,4% so với thời gian này năm ngoái. Trong đó, riêng dầu thô đạt 13,96 triệu tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2014.
Dù sản lượng mặt hàng chủ lực này tăng đáng kể song doanh thu toàn tập đoàn 3 quý qua chỉ đạt hơn 428.000 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch. Như vậy, con số này đã thấp hơn gần 70.000 tỷ đồng so với dự kiến. Lý do chính được đưa ra là giá dầu thô sụt giảm khoảng một nửa so với kế hoạch đề ra cuối năm ngoái. Theo đó, mức trung bình 9 tháng chỉ đạt 56,6 USD mỗi thùng, so với mức 111 USD của cùng kỳ 2014.
PetroVietnam cho biết vẫn đặt mục tiêu sản lượng khai thác cả năm vào khoảng 17,58 triệu tấn, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao khoảng 0,78 triệu tấn. Tuy vậy, tập đoàn cũng tính toán tổng doanh thu cả năm sẽ hụt khoảng 163.000 tỷ so với mục tiêu đề ra, dừng ở con số 555.000 tỷ đồng.
Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ thu chi ngân sách Nhà nước công bố đầu tuần này, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc Hội cho hay số hụt thu từ dầu thô năm nay lên đến khoảng 32.000 tỷ đồng, trong khi các khoản thu khác liên quan đến giảm giá dầu là 63.000 tỷ.