Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018; 12 ngân hàng Việt vừa được Moody's nâng xếp hạng; Trung Quốc đang trở thành 'xưởng in tiền' của thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-08-2018
- Cập nhật : 15/08/2018
Việt Nam bị đánh giá “dễ tổn thương nhất” vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Theo đánh giá của Financial Times, Việt Nam là nước ở Đông Nam Á có thể bị tổn thương nhiều nhất bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Việt Nam, Philippines và Indonesia đều có nguy cơ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, song Việt Nam dễ tổn thương hơn cả vì mức xuất khẩu cao", Nikkei Asian Review dẫn đánh giá của FT Confidential Research, bộ phận nghiên cứu thuộc Financial Times.
Nhà Trắng đến nay đã áp đặt 25% thuế trực tiếp lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc và dự kiến tiếp tục áp thuế với 16 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 23/8. Trung Quốc cũng đã có biện pháp đáp trả tương xứng. Nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung chỉ dừng lại ở đây, các nền kinh tế ASEAN không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là khởi đầu. Chính quyền Mỹ đang cân nhắc tăng thuế thêm từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa đánh thuế với tất cả 500 tỷ USD hàng Trung Quốc. Mặt khác, ông Trump cũng có những động thái khơi mào chiến tranh thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh khác của Mỹ.
Nikkei cho rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong ASEAN xét về xuất khẩu tới Mỹ. Vậy nên, khi nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ giảm, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá, một phần do lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng khiến các chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên.
Báo cáo mới công bố của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội (NCIF - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,03% năm 2018; mức giảm tăng lên 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0,12% vào 2020 - 2021. Mức tác động sẽ giảm dần các năm sau đó.
Với kịch bản Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, quy mô GDP Việt Nam năm 2018 theo NCIF, bình quân cả giai đoạn 2018 - 2022 căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ làm GDP Việt Nam giảm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.(Vnexpress)
----------------------
Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, giảm 305 đơn vị cấp đội
Theo đề án đang xây dựng của Bộ Công Thương, 681 đội quản lý thị trường cấp huyện thuộc cục cấp tỉnh cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu giảm 305 đội đến năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12-10 tới.
Theo đó, Tổng cục QLTT được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Cơ cấu, tổ chức của Tổng cục QLTT được kế thừa và phát triển từ tổ chức QLTT hiện có, bảo đảm thực hiện thống nhất trong quan hệ chỉ đạo, điều hành xuyên suốt; giữ ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở bán hàng ở TP HCM - Ảnh: Nguyễn Hải
Theo quyết định của Thủ tướng, bộ máy tổng cục ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương, gồm 6 đơn vị: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ QLTT.
Tại địa phương, thành lập Cục QLTT cấp tỉnh trực thuộc tổng cục, có đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh thay cho mô hình chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay.
Tổng cục QLTT có tổng cục trưởng và không quá 4 phó tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng do bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành quyết định, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, TP khẩn trương thực hiện kế hoạch chuyển giao nguyên trạng cơ quan QLTT ở địa phương; chi cục được tổ chức thành cục cấp tỉnh (63 cục) và giữ nguyên mô hình đội QLTT cấp huyện để bảo đảm ổn định hoạt động của cơ quan QLTT địa phương trong giai đoạn đầu thành lập tổng cục.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, đến năm 2019 triển khai xây dựng đề án thành lập 19 cục QLTT liên tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Ngoài ra, 681 đội QLTT cấp huyện thuộc cục cấp tỉnh cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu giảm 305 đội (giảm 45%) đến năm 2020.(NLĐ)
---------------------------
Lo sức ép tỷ giá lên hàng hóa
Phiên giao dịch 13/8, giá USD trong các ngân hàng (NH) tăng trở lại sau khi hạ nhiệt vào cuối tuần, được giao dịch phổ biến ở mức 23.270 đồng/USD mua vào, 23.350 đồng/USD bán ra. Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng khoảng 2,5%-2,6% ở các NH thương mại lẫn trên thị trường tự do.
Ô tô rục rịch tăng giá
Một số doanh nghiệp (DN) bắt đầu lo tỷ giá ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho hàng hóa, nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài tính bằng USD.
Trong ngành ô tô, một số DN đã tính đến chuyện tăng giá bán xe nếu giá USD cứ tiếp tục nhích lên. Theo tính toán của giới nhập xe, mỗi USD cứ tăng thêm 500 đồng thì một chiếc ô tô 10.000 USD sẽ phải tốn thêm từ 8-9 triệu đồng. Như thế, có những mẫu xe nhập sẽ bị đội giá thêm đến vài chục triệu đồng hoặc cả trăm triệu đồng với những mẫu xe sang. Không riêng nhà nhập khẩu, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô cũng "than trời" trước biến động của tỷ giá bởi hầu hết linh kiện lắp ráp ô tô đều phải nhập và sử dụng USD để thanh toán.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng), nhận định với các mẫu xe được đặt hàng từ 3 tháng trước, khả năng lớn là DN sẽ buộc phải chịu thua thiệt và không tăng giá. Nguyên nhân là bởi đã có công bố và cam kết về giá với khách hàng. Tuy nhiên, các mẫu xe đặt hàng sau thời điểm đó, khả năng giá bán sẽ cao hơn.
"Thủ tục kiểm tra, đăng kiểm theo lô cùng nhiều chi phí khác đã quá lớn. Nay lại thêm sức nóng tỷ giá sẽ bồi thêm áp lực cho DN" - ông Hùng chia sẻ và cho biết thêm hiện ông phải chuyển hướng tạm thời kinh doanh xe cũ để giảm bớt áp lực này.
Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công, nhận định giá USD tăng khiến không chỉ ôtô mà các ngành sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tất cả mặt hàng đều buộc phải tăng giá. Nếu tính theo đúng nguyên tắc đầu vào tăng - đầu ra tăng, giá xe của Hyundai Thành Công ít nhất phải tăng 3% hoặc nhiều hơn.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng cân nhắc thời điểm bởi tăng thì ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). DN ý thức được trách nhiệm trong bối cảnh Chính phủ cần kiểm soát CPI nên chưa tăng giá, còn nếu thả nổi theo thị trường thì giá xe đã tăng lâu rồi. DN gắng gượng bởi kỳ vọng Chính phủ sẽ có những động thái điều tiết bình ổn tỉ giá", ông Đức bày tỏ.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) nhìn nhận giá ngoại tệ tăng là một trong những khó khăn của DN nhập khẩu. Thời gian qua, để tránh tác động của tỷ giá, Saigon Petro mua gần như 100% xăng, dầu trong nước từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Chỉ một lượng nhỏ dầu diesel buộc phải nhập từ Singapore, Malaysia để tái xuất.
Trong khi đó, các hãng hàng không liệt kê một loạt chi phí từ thiết bị liên quan đến máy bay, hệ thống, nhiên liệu, các dịch vụ tại sân bay nước ngoài, lương trả cho phi công nước ngoài… đều tính bằng USD. Do đó, giá USD tăng cao đẩy chi phí đầu vào của DN tăng theo. Gần đây, giá dầu lại tăng đáng kể cũng ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của các hãng.
Với DN dệt may xuất khẩu, diễn biến tỷ giá gây sức ép ít hơn bởi đầu vào và đầu ra đều được thanh toán bằng USD. "Nhập nguyên phụ liệu để sản xuất rồi xuất đi bằng USD thì giá sẽ cân bằng. Tất nhiên, sẽ phải thông qua khâu đàm phán lại giá", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên, chia sẻ.
Không quá lo về tỷ giá đến cuối năm
Trong khi nhiều DN nói họ đang chịu áp lực lớn về tỷ giá thì các chuyên gia kinh tế lại cho rằng DN không cần quá lo lắng. Giáo sư Andreas Hauskrecht, Trường ĐH Indiana Mỹ, thành viên Nhóm sáng kiến Việt Nam, nhận xét tỷ giá USD/VNĐ không phải là điều đáng lo ngại đối với Việt Nam. Bởi tỷ giá trung tâm USD/VNĐ do NH Nhà nước quy định từ đầu năm đến nay chỉ tăng ở mức 1,2%-1,4% là rất nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến biến động hàng hóa trên thị trường (do các NH thương mại được phép giao dịch USD với biên độ +/-3% so với tỷ giá trung tâm - PV).
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có nguồn lực dự trữ ngoại hối lớn nhất từ trước đến nay, hoàn toàn có đủ sức can thiệp để bình ổn thị trường. Thậm chí, thời gian qua tiền đồng còn lên giá chứ không phải giảm và NH Nhà nước đã mua vào USD để tránh VNĐ mạnh lên.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cũng phân tích một trong những khả năng là NH Nhà nước sẽ cho phép tỷ giá linh hoạt hơn, nhằm giảm bớt áp lực giữa VNĐ với USD và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Thực tế, những ngày qua, tỷ giá trong NH và trên thị trường tự do có lúc giảm sâu, có ngày lại kịch trần biên độ. Đây là điều bình thường vì thị trường có tâm lý kỳ vọng và yếu tố này thường tác động đáng kể lên tỉ giá. "Trong bối cảnh này, nếu tỷ giá được điều chỉnh ở mức 2%-3% là chấp nhận được, trừ những biến cố lớn trên thị trường", TS Cấn Văn Lực nói.(NLĐ)
------------------------