Tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam; Tràn lan bẫy tiền ảo; Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 cao kỷ lục
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-08-2018
- Cập nhật : 15/08/2018
Khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng thị trường thế giới thế nào
Giới phân tích đang bận rộn trong việc xác định những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà đầu tư quốc tế sẽ làm gì.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng khó khăn từ đầu năm 2018. Đồng lira (TRY) đã mất giá 33% do chính sách do ảnh hưởng từ chính sách kích thích tài chính quy mô lớn, lạm phát tăng và khoản thâm hụt khổng lồ trong tài khoản vãng lai. Ngoài ra, tác động từ Tổng thống Tayyip Erdogan tới các quyết định của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khiến nhà đầu tư bất ngờ, khiến đồng lira giảm thêm.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không quá lớn nên dù có sụp đổ, nó cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các yếu tố trong khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ lại cho thấy những thị trường tài chính khác có thể bị tổn thương như thế nào với một đợt di chuyển vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các ngân hàng châu Âu
Truyền thông hôm 10/8 đưa tin các quan chức tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo lắng về nhóm ngân hàng ở miền nam châu Âu, vốn cho Thổ Nhĩ Kỳ vay khá nhiều. Điều này đồng nghĩa các nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu của nhóm ngân hàng này có thể gặp rủi ro.
ECB từ chối bình luận về thông tin trên.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – còn được gọi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương – cho biết các ngân hàng Tây Ban Nha, Pháp và Italy lần lượt cho những bên đi vay ở Thổ Nhĩ Kỳ vay lần lượt 80,9 tỷ USD, 35,1 tỷ USD và 18,5 tỷ USD. Các nhà quản lý tại châu Âu lo rằng lira suy yếu sẽ dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ vỡ nợ nước ngoài.
Các khoản nợ liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ của một số nước. Ảnh: Guardian.
Cổ phiếu UniCredit, BNP Paribas và BBVA giảm 3% trong sáng 10/8, sau khi có tên trong danh sách những ngân hàng có rủi ro lớn nhất liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Lo ngại lan rộng, đẩy thị trường đi xuống với chỉ số Euro Stoxx 600 giảm 0,7%, chỉ số nhóm ngân hàng giảm 1,3%.
Carsten Hesse, nhà kinh tế học châu Âu tại Berenberg, nhận định một số ngân hàng trong eurozone đang chịu áp lực “do vốn của họ có liên quan trực tiếp đến các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tham gia cho vay hợp vốn – với một nhóm nhà cho vay”.
Mỹ, Nhật Bản
Khi được hỏi về tác động của khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, cho biết “ở giai đoạn này, đối tượng chủ yếu bị ảnh hưởng là ngân hàng”.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng phạm vi sẽ “hơi ‘quốc tế’”. “Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông – tất cả”.
Theo số liệu của BIS, các ngân hàng Nhật Bản, Anh, Mỹ lần lượt cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 14 tỷ USD, 16,9 tỷ USD và 18,1 tỷ USD.
Đồng lira tiếp tục lao dốc
Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh so với USD hôm 10/8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lên 20% và 50%.
Tỷ giá USD/TRY. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Erdogan đích thân lên tiếng để trấn an nền kinh tế, kêu gọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ không nên lo sợ vì lira suy yếu.
“Có nhiều chiến dịch đang được thực hiện. Đừng chú ý đến chúng”, ông Erdogan nói. “Đừng quên, nếu họ có USD, chúng ta có người dân, có đấng tối cao của chúng ta. Chúng ta đang nỗ lực hết sức. Hãy nhìn chúng ta cách đây 16 năm và hiện tại”.
Tuy nhiên, lira vẫn tiếp tục đà giảm trong ngày 13/8, lập đáy mới với tỷ giá USD/TRY là 7,24.
Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak cùng ngày thông báo nước này đã bắt đầu triển khai các biện pháp ứng phó. Trước đó, ngày 12/8, ông Albayrak loại trừ khả năng buộc quy đổi các khoản tiền gửi ngân hàng bằng USD sang lira. Nhờ vậy, lira phục hồi phần nào và giao dịch với tỷ giá USD/TRY 6,9 lúc 13h46 GMT (20h46 giờ Hà Nội) ngày 13/8.
Một số nhà đầu tư hoan nghênh bình luận của Albayrak nhưng họ muốn nhìn thấy có hành động thực tế. ”Thổ Nhĩ Kỳ cần hoàn tất tái cân bằng kế hoạch kinh tế, tăng mạnh lãi suất và cam kết ngân hàng trung ương sẽ độc lập”, chiến lược gia về thị trường mới nổi Guillaume Tresca, Credit Agricole, nói.
Tác động ‘không đáng kể’
Dù lo ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ đang lan ra khắp châu Âu, một số nhà phân tích vẫn khá hoài nghi về ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu và nhà đầu tư nước ngoài. Roger Hones, đứng đầu mảng chứng khoán tại quỹ đầu tư London&Capital, lưu ý có thể có hậu quả với các bên bảo hiểm nhưng “không đáng kể”.
“Một số ngân hàng châu Âu cùng công ty bảo hiểm gặp rủi ro với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không nhiều trong bối cảnh tổng quát. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một phần nhỏ trong lợi nhuận của công ty châu Âu và không có cái tên cụ thể nào bị ảnh hưởng mạnh”, theo Jones.
Thị trường trái phiếu
Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng mang rắc rối đến cho các khoản nợ chính phủ đứng tên ở châu Âu, tác động đến những nhà đầu tư trái phiếu và các chính phủ phụ thuộc vào thị trường nợ để tài trợ chi tiêu.
“Tôi không dự báo có lợi suất trái phiếu của quốc gia eurozone thực sự bị ảnh hưởng bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các quốc gia có lợi suất trái phiếu cao nhất có thể bị tác động nhẹ”, Hesse nói. Ông liệt kê ra các cái tên Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha.
Ông xem nhẹ nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một rắc rối nợ chính phủ đứng tên. “Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ là một nền kinh tế nhỏ - trị giá 850 tỷ USD”, theo Ash.
Chế độ 'chờ và xem'
Các nhà đầu tư đang giữ cách tiếp cận chờ và xem những rắc rối kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là do khó có thể dự đoán ngân hàng trung ương nước này định làm gì.
“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi và không bận tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi ngân hàng trung ương nước này không rõ ràng về kế hoạch kinh tế, tiền tệ", Jones cho biết. “Ảnh hưởng lan rộng dường như là do yếu tố tâm lý hơn là nguyên nhân thực sự dẫn đến khủng hoảng”.(NDH)
----------------------
Australia yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dữ liệu khách hàng
Chính phủ Australia công bố dự thảo luật yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp thông tin hoặc dữ liệu mã hóa của khách hàng để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật điều tra hoạt động tội phạm.
Dự thảo luật được Bộ trưởng An ninh mạng Australia Angus Taylor công bố. Theo đó, các công ty từ chối hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật có thể đối mặt với các hình phạt tài chính, mức phạt có thể lên tới 10 triệu AUD.
Luật hiện hành của Australia quy định, để có thể tiếp cận các thông tin cá nhân, cơ quan điều tra Australia cần phải có lệnh của tòa án. Dự thảo luật mới cho phép các cơ quan này chủ động yêu cầu sự hỗ trợ kỹ thuật từ các công ty công nghệ để phục vụ công tác điều tra.
Các công ty công nghệ có nghĩa vụ hỗ trợ giải mã các dữ liệu, giúp các cơ quan điều tra truy cập các thiết bị...
Theo Bộ trưởng Taylor, dự thảo luật mới là cần thiết để cập nhật luật hiện hành được soạn thảo trước khi điện thoại thông minh được sử dụng phổ biến. Dự thảo luật mới được thiết kế nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố. Bộ trưởng Taylor nhấn mạnh chính phủ sẽ không “mạo hiểm" để lọt các thông tin liên quan tới các hoạt động tội phạm.
Dự kiến ngay sau khi công bố và lấy ý kiến đóng góp, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội Australia xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất(Bnews)
------------------------------
Đà tăng trưởng Trung Quốc chững lại vì nợ và chiến tranh thương mại
Kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ chính sách hạn chế cho vay, nợ cao và căng thẳng thương mại gia tăng.
Sản lượng công nghiệp trong tháng 7 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm nay. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Đầu tư vào tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm tăng 5,5% so với năm 2017, thấp kỷ lục kể từ năm 1999. Ba chỉ số trên đều thấp hơn so với dự báo trong một khảo sát của Bloomberg.
Tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát tại các khu đô thị tháng 7 là 5,1%, tăng từ 4,8% hồi tháng 6.
Kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng do Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố tăng cho vay đối với các công ty nhỏ, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng cần có thời gian để những biện pháp trên có hiệu lực.
Số liệu công bố hôm nay cùng tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ gia tăng áp lực lên chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc trong hỗ trợ kinh tế.
“Kinh tế chững lại chủ yếu do chính sách thắt chặt trong 6 quý gần đây”, Gene Ma, kinh tế gia về Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế, Washington, Mỹ, nói. Ông kỳ vọng chính sách tài khóa tại Trung Quốc sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2018. “Chính sách thắt chặt gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ. Căng thẳng thương mại leo thang làm ảnh hưởng niềm tin nhưng chưa tác động đến tăng trưởng thực sự do các nhà xuất khẩu đang tích cực xuất khẩu”.
Đầu tư tư nhân vẫn mạnh mẽ trong tháng 7, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, chi tiêu của doanh nghiệp quốc doanh tăng chậm nhất kể từ năm 2004. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát nhóm này – một phần nỗ lực giảm tốc độ tăng nợ.(NDH)