tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-08-2018

  • Cập nhật : 16/08/2018

Masan Resources (MSR) hoàn tất việc mua lại 49% nhà máy chế biến hoá chất vonfram hàng đầu thế giới từ H.C.Starck

Masan Resources (MSR) hoàn tất việc mua lại 49% nhà máy chế biến hoá chất vonfram hàng đầu thế giới từ H.C.Starck

Núi Pháo được kỳ vọng sẽ cải thiện Biên Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty thêm khoảng 5% trong 6 tháng cuối năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2018 và giúp đưa MSR có cơ hội vượt mức kế hoạch với Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty trên 1.000 tỷ trong năm 2018.

Ngày 15/8/2018, CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (Mã CK: MSR) thông báo việc Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo ("Núi Pháo"), công ty con của Masan Resources, đã mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck Gmbh ("H.C.Starck") tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck ("Nui Phao – H.C.Starck") với giá trị 29,1 triệu USD. Giao dịch này được tài trợ vốn hoàn toàn bởi nguồn tiền của Masan Resources. Nui Phao – H.C.Starck đã chính thức trở thành công ty con do Masan Resources sở hữu 100%.

Được thành lập vào năm 2013, Nui Phao – H.C.Starck là công ty liên doanh giữa Núi Pháo và H.C. Starck với mục tiêu trở thành một nhà chế biến sâu trên quy mô toàn cầu các sản phẩm hóa chất công nghiệp vonfram như Ammonium Paratungstate ("APT"), Blue Tungsten Oxide ("BTO") and Yellow Tungsten Oxide ("YTO"). Nui Phao – H.C.Starck chế biến sâu tinh quặng vonfram (sản phẩm của Núi Pháo) thành các sản phẩm giá trị gia tăng hóa chất công nghiệp vonfram. Công ty được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận "Hoạt động ứng dụng công nghệ cao". Nui Phao – H.C.Starck hiện là thương hiệu được công nhận trên toàn thế giới và là nhà cung cấp đáng tin cậy của các công ty sản xuất công nghiệp có sử dụng vonfram.

Ông Craig Bradshaw - Tổng Giám đốc của MSR chia sẻ: "Giao dịch này sẽ là một bước đi quan trọng đầu tiên giúp chúng tôi hiện thực hoá tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu. Đồng thời, giao dịch này sẽ giúp chúng tôi sở hữu được công nghệ tiên tiến nhất. Hiện nay, chúng tôi đang là nhà cung cấp tinh quặng vonfram hàng đầu ngoài Trung Quốc, chiếm 36% thị trường vonfram thế giới ngoài Trung Quốc. Với khát vọng và niềm tin của mình, kết hợp giữa tiềm năng Việt Nam và năng lực vận hành quốc tế, Việt Nam có thể tự hào khi Masan Resources thành công trong hành trình hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram hàng đầu thế giới. Chúng tôi sẽ đưa Núi Pháo trở thành biểu tượng của tinh thần "Vietnam can do". Công ty đang đi đúng hướng trong việc không chỉ tạo ra giá trị lớn cho cổ đông, mà còn mang lại giá trị kinh tế - xã hội giúp nâng tầm vị thế Việt Nam trên sân chơi toàn cầu".

Ông Danny Le - Giám đốc cấp cao Chiến lược và Phát triển của Masan Group nhận xét: "Từ góc độ tài chính, giao dịch này cho phép công ty sở hữu 100% nguồn lợi nhuận và tiền mặt. Điều này sẽ giúp cho MSR có được sự linh hoạt cần thiết cho việc trả nợ vay và chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong kế hoạch trung hạn. Giao dịch này cũng nhất quán với chiến lược 5 năm của MSR nhằm phát triển mô hình kinh doanh chuỗi giá trị hoá chất công nghiệp và kim loại với dòng tiền vững mạnh và duy trì được lợi nhuận xuyên suốt qua các chu kỳ hàng hóa. Ngoài ra, điều này cũng giúp Masan Resources củng cố vị thế của mình việc tìm kiếm đối tác chiến lược trong tương lai gần hoặc thực hiện IPO theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm mang lại giá trị gia tăng cho cổ đông".

Kế hoạch thực hiện chi tiết cho việc tích hợp Nui Phao – H.C.Starck vào hệ thống vận hành chung mang đến sự tối ưu hóa trong hoạt động vận hành và tiết kiệm chi phí sẽ được thể hiện từ Quý 1/2019 trở đi. Núi Pháo được kỳ vọng sẽ cải thiện Biên Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty thêm khoảng 5% trong 6 tháng cuối năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2018 và giúp đưa MSR có cơ hội vượt mức kế hoạch với Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty trên 1.000 tỷ trong năm 2018.(CafeF)
-----------------

Cố vấn kinh tế cho cựu Thủ tướng Đức làm sếp Deutsche Bank Việt Nam

Deutsche Bank vừa bổ nhiệm ông Hans-Dieter Holtzmann làm Tổng giám đốc Deutsche Bank kiêm Trưởng khối Dịch vụ Ngân hàng Giao dịch Toàn cầu (GTB) tại Việt Nam từ ngày 16/8/2018.

Sếp mới của Deutsche Bank Việt Nam đã làm việc tại Deutsche Bank hơn 20 năm và từng làm cố vấn kinh tế cho cựu Thủ tướng Đức, Helmut Kohl trong thời gian làm việc tại Văn phòng Thủ tướng Liên bang Đức. Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế học của Đại học Erlangen-Nuremberg và bằng Thạc sĩ của Đại học Wayne State (Detroit, Michigan).

Tuyên bố về sự bổ nhiệm này, ông Werner Steinmueller, Thành viên Hội đồng Quản trị và cũng là Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của Deutsche Bank chia sẻ, là một trong những thị trường quan trọng của chúng tôi tại Đông Nam Á, Việt Nam đã cho thấy khả năng sinh lời ngày càng tăng. Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của thị trường này. Và đây cũng là lý do vì sao năm ngoái chúng tôi tăng đáng kể nguồn vốn vào thị trường Việt Nam, đem lại nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ các hoạt động của khách hàng.

Deutsche Bank có mặt tại Việt Nam từ năm 1992 với khoảng 70 nhân viên. Vào tháng 4/2018, Deutsche Bank chuyển sang trụ sở mới tại toà nhà Deutsches Haus ở TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.(Baodautu)
--------------------

Erdogan và cuộc chiến không chắc phần thắng với Trump

Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan với người đồng cấp Mỹ Donald Trump hiện tại sẽ khó mang lại lợi ích cho Ankara khi kết thúc.

Ngày 10/8, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ (TRY) đã có mức mất giá trong ngày lớn nhất gần hai thập kỷ, giảm hơn 14% so với USD. Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, con rể Tổng thống Tayyip Erdogan, không thể ngăn sự lao dốc. Ông có bài phát biểu ngập ngừng, không giúp mấy cho việc củng cố niềm tin.

Tổng thống Erdogan, như nhiều lần trước đó, đổ lỗi cho một quốc gia khác. Đó là Mỹ.

“Thật đáng xấu hổ”, ông Erdogan phát biểu tại một sự kiện. “Các bạn đang đổi một đối tác chiến lược tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lấy một mục sư”.

Mục sư được nhắc đến là Andrew Brunson, công dân Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ giam từ năm 2016. Brunson bị nghi là gián điệp cùng một số cáo buộc khác – như liên quan đến cuộc đảo chính bất thành tại Ankara – mà ông cùng giới chức Mỹ đều bác bỏ. Những nỗ lực của Mỹ để Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho Brunson đến nay vẫn chưa thành công.

Ankara được cho là muốn đổi Brunson lấy Hakan Atilla, nhà ngân hàng bị Mỹ kết tội vì liên quan đến một kế hoạch lách lệnh trừng phạt lên dầu mỏ Iran. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tức tối bởi Thổ Nhĩ Kỳ dùng Brunson làm con tin chính trị. Cuộc gặp cấp cao tại Washington tuần trước với phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng chấm dứt khi Mỹ yêu cầu thả tự do cho Brunson ngay lập tức.

Tổng thống Trump sau đó thông báo tăng thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy đồng lira xuống thấp kỷ lục. Khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đến trước thời điểm đó chỉ là do yếu tố nội tại, thuế đã khiến mọi thứ tồi tệ hơn và dường như chỉ ông Trump hài lòng với kết quả này.

Tổng thống Erdogan tiếp tục nêu quan điểm của ông trong một bài viết trên New York Times, kêu gọi phản đối “những hành động đơn phương của đồng minh lâu năm Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông nhắc lại các lần coi thường tương tự trước đó của Mỹ như không sẵn sàng giao Fethullah Gulen, giáo sĩ Hồi giáo bị cáo buộc chủ mưu trong vụ đảo chính năm 2016, và việc Washington vẫn hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Syria.

Ông Erdogan tiếp đó đưa ra lời đe dọa rõ ràng, kêu gọi Washington “từ bỏ quan niệm sai lầm rằng quan hệ giữa hai bên là bất cân xứng và sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều sự thay thế”.

Nếu Mỹ không thay đổi cách tiếp cận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “tìm kiếm những người bạn mới, đồng minh mới”, ông Erdogan tuyên bố. Trên thực tế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố quan hệ với Nga và tìm cách hàn gắn với các nước quốc gia Tây Âu. Thổ Nhĩ Kỳ còn nhập khẩu đáng kể dầu mỏ từ Iran, có thể làm xói mòn nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, tuyên bố trên chỉ khiến Erdogan có thêm đối thủ ở Washington, nơi ông vốn đã là một nhân vật không mấy người ưa.

Quốc hội Mỹ gần đây thông qua thương vụ quan trọng, bán các chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ với các điều kiện bao gồm cả thả Brunson ngay lập tức. Phe chỉ trích Erdogan trong nhóm lập chính sách đối ngoại Mỹ không thích cách lãnh đạo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Trump, không như những đời tổng thống Mỹ trước đó, thể hiện ý chí bất tận khi cần cứng rắn với đồng minh trong các vấn đề có bất đồng.

“Washington nhìn chung đã cố trấn an thị trường quốc tế trong những thời khắc trên, đặc biệt là khi nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng lan rộng”, Wall Street Journal viết. “Trump thay vào đó lại càng gây áp lực với Ankara”. Điều này ảnh hưởng đến toàn cầu. Bất ổn từ Thổ Nhĩ Kỳ châm ngòi lo ngại tại các thị trường mới nổi và khiến những ngân hàng châu Âu có nợ liên quan đến Ankara báo động.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Aaron Stein, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng ông Erdogan đã đánh giá sai trầm trọng tình hình.

“Cán cân sức mạnh bất đối xứng, hoàn toàn nghiêng về phía Mỹ”, theo Stein. “Không có giới hạn trên cho sự leo thang từ phía Mỹ. Đó chính là điều người Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không kiểm soát được”.

Lời kêu gọi hợp tác từ ông Erdogan tới NATO cũng không hiệu quả, do quan hệ không mấy tốt đẹp giữa nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu còn ông Trump đang chỉ trích liên minh quân sự này.

“Với một chính quyền hoặc một tổng thống không mang lại lợi ích gì nhiều cho NATO, giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong tư cách thành viên cũng giảm”, Jacob Funk Kirkegaard, Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, nói. “Chính quyền Trump sẽ không nỗ lực để cứu một tổ chức không có giá trị”.

Giới phân tích hy vọng những chiếc đầu lạnh sẽ thắng thế. “Rắc rối kinh tế và pháp lý ở Thổ Nhĩ Kỳ là rõ ràng nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng không giúp ích gì cả”, Mustafa Akyol, nhà bình luận người Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.

“Thay vào đó, chúng có thể phản tác dụng, thúc đẩy tâm lý chủ nghĩa dân tộc và đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hướng về phía Nga. Cần có ngoại giao nhiều hơn, không phải trừng phạt”.

Tuy nhiên, không nhiều biện pháp ngoại giao có tác dụng. Tổng thống Erdogan giờ dựa vào tâm lý chủ nghĩa dân tộc để lý giải việc ông tăng cường kiểm soát đất nước. Ông tái đắc cử hồi tháng 6 nhờ sự ủng hộ từ phe này, cam kết gia tăng kiểm soát sẽ giúp lèo lái kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi khủng hoảng. Tiếc là mọi thứ lại chỉ tệ thêm.

“Cuộc khủng hoảng hiện tại là cực điểm từ sự quản lý liều lĩnh của ông Erdogan. Khắc phục sẽ cần nhiều năm – nhiệm vụ đòi hỏi có đội ngũ lãnh đạo mới, quan điểm khác biệt hoàn toàn”, Aykan Erdemir, thành viên Tổ chức Quốc phòng Các nền dân chủ tại Washington, một nhà chỉ trích Erdogan, viết.

Hơn nữa, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại, ông Erdogan cũng không bị ảnh hưởng về chính trị. Erdemir lưu ý phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ không có tiếng nói và “do không có thế lực đủ mạnh để phế truất Erdogan, ông ta gần như chắc chắn sẽ đẩy bản thân cùng kinh tế quốc gia vào hố sâu hơn nữa”.

Trong khi đó. ông Trump lại có thể giành lợi thế bằng cách từ chối thỏa hiệp. Ông có thể tranh thủ cơ hội để hành động cứng rắn hơn, thu hút thêm người ủng hộ.(NDH)
---------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục