tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-08-2018

  • Cập nhật : 16/08/2018

Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018

Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo nợ công sẽ đạt tỷ lệ 63,92% GDP năm nay nếu tăng trưởng bình quân 6,53% và lạm phát dưới 4%.

Kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025.

Theo đó, dự báo về nợ công Việt Nam năm 2018, Bộ Kế hoạch cho biết, nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó nợChính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP.

Dữ liệu dự báo nợ công năm nay được đưa ra dựa trên kịch bản cơ sở với tăng trưởng bình quân 6,53%, tương ứng GDP danh nghĩa 5,53 triệu tỷ đồng và lạm phát dưới 4%. Đây cũng là kịch bản được cơ quan ngành kế hoạch đánh giá "nhiều khả năng xảy ra nhất". Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,3 triệu đồng).

Xét trong cả giai đoạn 2018 - 2020, thì tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 sẽ cao nhất 63,92%, sau đó sẽ giảm nhẹ về 63,46% năm 2019 và 62,58% năm 2020. Các chỉ tiêu này đều nằm dưới ngưỡng trần 64%GDP Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000 - 380.000 tỷ đồng. Cụ thể, nợ công sẽ tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỷ và 6,85 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách 3 năm tới sẽ lần lượt là 3,71%; 3,59% và 3,4%.

Bộ Kế hoạch cho biết, các dự báo về con số nợ công và kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở có tính tới rủi ro của 3 yếu tố là tái cấp vốn với danh mục trái phiếu Chính phủ trong nước, lãi suất và tỷ giá.

Ở khía cạnh rủi ro tái cấp vốn,việc điều chỉnh sẽ kéo dài kỳ hạn phát hành theo các Nghị quyết của Quốc hội sẽ giảm rủi ro tái cấp vốn với danh mục nợ trong nước giai đoạn 2018 – 2020.

Rủi ro lãi suất hiện ở mức thấp do Chính phủ chưa huy động nhiều các khoản vay nước ngoài có lãi suất thả nổi, phát sinh chủ yếu từ yêu cầu đảo nợ ngắn hạn của danh mục nợ trong nước. Tuy nhiên, cơ quan ngành kế hoạch cho rằng, rủi ro này sẽ gia tăng cùng với động thái lãi suất bình quân giảm xuống 6,1% một năm vào 2020, do tỷ lệ các khoản nợ áp dụng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng dần.

Còn với rủi ro tỷ giá, diễn biến cơ cấu nợ nước ngoài trên dư nợ Chính phủ ở dưới mức 50% trong 3 năm tới. Đây là xu hướng tích cực, hạn chế rủi ro tỷ giá hối đoái danh mục nợ Chính phủ, phù hợp với mục tiêu chiến lược nợ công và nước ngoài quốc gia. Dù vậy, trường hợp các đồng tiền ngoại tệ (USD, JPY, EUR) biến động bất lợi trong tương lai cùng việc điều chỉnh tỷ giá mạnh của Ngân hàng Nhà nước có thể làm tăng chi phí trả nợ và giá trị danh nghĩa các khoản nợ nước ngoài theo đồng Việt Nam.

Bộ Kế hoạch đánh giá, giai đoạn 2018 – 2020 Việt Nam vẫn cần tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương. Song, việc huy động và sử dụng cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách; cũng như xem xét, đánh giá tác động đến giai đoạn sau 2021 - 2025 để đảm bảo định hướng giảm dần bội chi, nợ công, chủ trương tái cơ cấu đầu tư công và khả năng cân đối nguồn trả nợ của các cấp ngân sách.

Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã ký; lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Chỉ sử dụng vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực, dự án đầu tư công trong nước chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực đầu tư do không có lợi nhuận hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư để kiểm soát và quản lý giá.

"Cần nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của WB, ADB và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác mà không cần bảo lãnh Chính phủ... có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi”, Bộ Kế hoạch lưu ý.(Vnexpress)
----------------------

12 ngân hàng Việt vừa được Moody's nâng xếp hạng

Sau khi nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức B1 lên Ba3 hôm 10/8, Moody's mới đây đã nâng xếp hạng đối với 12 ngân hàng thương mại Việt Nam.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố nâng xếp hạng tiền gửi nội ngoại tệ dài hạn và phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Bên cạnh đó, nâng xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) của VietinBank và BIDV, giữ nguyên với Vietcombank.

Ngoài ra, nâng xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với ACB, MB và Techcombank. Các chỉ số xếp hạng khác của 3 ngân hàng này vẫn giữ nguyên.

Đồng thời, Moody’s đã nâng xếp hạng tiền gửi nội - ngoại tệ và phát hành tiền gửi cho 5 ngân hàng gồm: ABBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, VPBank. Nâng xếp hạng CRR và CRA dài hạn đối với SHB, HDBank, OCB.

Moody’s thay đổi triển vọng cho xếp hạng tiền gửi nội ngoại tệ và xếp hạng nhà phát hành tiền gửi đối với 8 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, VPBank từ mức "ổn định" lên "tích cực".

Trước đó, ngày 10/8, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ “ổn định” sang “tích cực”.

Trong 14 được đánh giá, hai ngân hàng không có sự điều chỉnh về mức đánh giá tín nhiệm là Sacombank (Caa1 âm, caa2) và MaritimeBank (B3 ổn định, caa1). Hãng cũng tiếp tục giữ nguyên đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA đã điều chỉnh của 14 ngân hàng kể trên.(CafeF)
--------------------------

Trung Quốc đang trở thành 'xưởng in tiền' của thế giới

Sản xuất tiền cho các quốc gia khác được xem là một cách để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.

Các nhà máy in tiền ở Trung Quốc đang nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng in tiền cho các quốc gia khác trên thế giới - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay.

Nhiều nguồn tin từ Tổng công ty In và đúc tiền Trung Quốc (CBPMC) tiết lộ với tờ báo trên rằng các nhà máy sản xuất tiền ở Trung Quốc hiện đang hoạt động gần hết công suất để đáp ứng hạn ngạch (quota) cao bất thường mà Chính phủ nước này đặt ra cho năm nay.

Theo nguồn tin, hầu hết những đơn đặt hàng sản xuất tiền từ nước ngoài mà các nhà máy in và đúc tiền Trung Quốc nhận được đến từ các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong số đơn đặt hàng in tiền.

Đơn hàng tăng đột biến

Có trụ sở tại Bắc Kinh, CBPMC xem mình là công ty sản xuất tiền lớn nhất thế giới về quy mô. Với hơn 18.000 công nhân, công ty có 10 nhà máy in tiền giấy và đúc tiền xu. Các nhà máy này luôn trong tình trạng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, Cục In đúc tiền của Mỹ chỉ có chưa đầy 2.000 công nhân và hai nhà máy. Công ty in tiền De La Rue của Anh có hơn 3.100 công nhân.

Sự nổi lên của thanh toán di động ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã giảm mạnh việc sử dụng và nhu cầu tiền giấy. Từ thành phố đến các vùng nông thôn nước này, chiếc điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành ví tiền. Hầu hết giao dịch tại các cửa hàng thực phẩm Trung Quốc giờ đây đã được thanh toán điện tử, dẫn tới việc nhiều nhà máy in tiền của quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vò tình trạng thiếu việc.

Nhưng cảnh thiếu việc này đã bất ngờ chấm dứt vào năm nay. Một công nhân của 604 Factory, nhà máy in tiền lớn nhất Trung Quốc đặt ở Baoding, tỉnh Hà Bắc, cho biết nhà máy bất ngờ nhận được loạt đơn hàng lớn.

"Mấy tháng nay, máy móc của chúng tôi phải hoạt động hết công suất", người công nhân nói.

Vấn đề của các nhà máy in tiền ở Trung Quốc giờ đây không phải là thiếu việc nữa, mà làm thế nào để hoàn thành các đơn hàng đúng thời hạn.

Quy trình in tiền giấy bao gồm việc nghiền bông và sợi lanh thành bột giấy, rồi sản xuất thành giấy in tiền chất lượng cao có dấu nước (water mark) chống làm giả. Công đoạn này đòi hỏi nhiều hơi nước được cung cấp bởi một nhà máy địa phương. Tuy nhiên, nguồn cung cấp điện của địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu của nhà máy hơi nước, dẫn tới tình trạng thiếu hơi nước.

"Thiếu hơi nước đang là một chuyện đau đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã phải kiến nghị lên chính quyền và họ đang xem xét tìm giải pháp", một công nhân khác của 604 Factory cho biết.

Một nhà máy in tiền khác ở Kunshan, tỉnh Giang Tô cũng đang trong tình trạng "ngập việc", sau khi gần như không có việc làm trong năm 2017. "Năm ngoái, chúng tôi phải in giấy chứng nhận kết hôn và bằng lái để giữ dây chuyền sản xuất không bị han rỉ. Năm nay thì quá nhiều việc", một công nhân nhà máy này tiết lộ.

Theo ông Liu Guisheng, Chủ tịch CBPMC, Trung Quốc không hề sản xuất tiền cho nước ngoài cho tới tận gần đây.

Năm 2013, Trung Quốc khởi động sáng kiến Vành đai và Con đường. Hai năm sau, vào năm 2015, nước này bắt đầu in đồng 100 Rupee cho Nepal. Kể từ đó, Trung Quốc giành nhiều hợp đồng in tiền cho các quốc gia khác, gồm Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan.

Yếu tố niềm tin

Giới thạo tin nói rằng, con số thực tế các quốc gia đặt hàng Trung Quốc in tiền có thể còn lớn hơn nhiều so với những gì dược tiết lộ.

Giáo sư kinh tế Hu Xingdou thuộc Học viện Công nghệ Bắc Kinh nói rằng một quốc gia phải có niềm tin lớn vào Chính phủ Trung Quốc thì mới đặt hàng Trung Quốc in tiền cho mình.

"Bức tranh kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Khi trở nên lớn mạnh hơn, Trung Quốc bắt đầu thách thức hệ thống giá trị do phương Tây thiết lập trước đó. In tiền cho các quốc gia khác là một bước đi quan trọng trong quá trình này", ông Hu nói.

"Tiền là biểu tượng chủ quyền của một quốc gia. Công việc in tiền giúp xây dựng niềm tin, và thậm chí là liên minh tiền tệ".

Trong hơn 1 thế kỷ qua, thị trường in tiền theo đơn đặt hàng của các quốc gia trên thế giới chủ yếu do các công ty phương Tây đảm nhiệm. Một số quốc gia tự sản xuất tiền, nhưng cũng có nhiều nước thuê các công ty ở nước ngoài in tiền.

Chẳng hạn, công ty in tiền De La Rue có hơn 140 quốc gia là khách hàng. Một số công ty lớn khác trong lĩnh vực này bao gồm Giesecke & Devrient ở Đức với hơn 60 quốc gia là khách hàng, hay Crane Currency ở Mỹ với lịch sử hơn 200 năm hoạt động.

Trở ngại lớn nhất đối với một quốc gia khi thuê in tiền ngoài lãnh thổ của mình là rủi ro về an ninh.

Cách đây 7 năm, khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi còn cầm quyền ở Libya, Chính phủ Anh đã thu giữ số tiền Dinar trị giá gần 1,5 tỷ USD mà De La Rue sản xuất cho Libya. Vụ bắt giữ lô tiền này đã gây ra tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng ở Libya, góp phần gây sức ép khiến chính quyền Gaddafi sụp đổ.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục