Trung Quốc bị cáo buộc dùng “Vành đai và Con đường” để do thám; Trăm bề khó của ngành chè; Chuyên gia cảnh báo khủng hoảng lira Thổ Nhĩ Kỳ có thể xấu hơn nữa
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-08-2018
- Cập nhật : 16/08/2018
Người Việt chi gần 900 triệu USD mua hàng từ Thái Lan mỗi tháng
Trung bình mỗi tháng, Việt Nam đang chi gần 900 triệu USD để nhập hàng hóa từ Thái Lan, gấp đôi số tiền người Thái chi để mua hàng từ Việt Nam, khoảng 450 triệu USD
Hàng mỹ nghệ Thái được giới thiệu tại hội chợ hàng tiêu dùng của Thái - NG.NG
Theo phân tích từ Trung tâm thông tin thương mại Bộ Công thương hôm 13.8, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN, thương mại hai nước tăng trưởng mức 15% so cùng kỳ.
Một vài số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng trưởng gấp đôi so với chiều ngược lại, song giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt chỉ bằng nửa Thái Lan. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch song phương đạt 8 tỉ USD, trong đó xuất khẩu Việt sang Thái chiếm 2,7 tỉ USD, tăng gần 23% so cùng kỳ và Thái sang Việt gần 5,3 tỉ USD, tăng 11% so cùng kỳ.
Hiện nhóm hàng công nghiệp như điện thoại và linh kiện Việt Nam nhập mạnh từ Thái Lan, tăng gần 50% so cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi gần 125 triệu USD nhập nhóm hàng này từ Thái Lan.
Đặc biệt, theo cơ quan này, năm nay, lượng xăng dầu Thái Lan nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến với 25.800 tấn, trị giá 13,4 triệu USD trong 6 tháng. Tính giá xuất bình quân 520,52 USD/tấn, tăng gấp 14,7 lần về lượng và gấp 45 lần về trị giá.(Thanhnien)
---------------------
Vốn vay Trung Quốc kém ưu đãi, lãi suất cao
Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu và thiết bị Trung Quốc thường chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng
Báo cáo "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đánh giá vốn ODA Trung Quốc là khoản vay kém ưu đãi hơn so với các nhà tài trợ khác tại Việt Nam. Đồng thời, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cụ thể, vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4%-1,2% tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0%-2% tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75% một năm; các nước liên minh châu Âu (EU)...
Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn gần gấp 2 lần. Ảnh: NLĐ
Bộ KH-ĐT nhận định tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… "Định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc" - Bộ KH-ĐT đề nghị.
Thực tế, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Điển hình là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn gần gấp 2 lần, từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD.
Ngoài ra, 1/3 trong số 12 dự án đắp chiếu của ngành Công Thương cũng đều sử dụng vốn vay từ Trung Quốc, chẳng hạn Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Đạm Hà Bắc, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên...
Theo Bộ KH-ĐT, hiện Việt Nam đang tiếp cận vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi từ các nguồn như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD)… Tuy nhiên, do đã "tốt nghiệp IDA" (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc WB) từ 1-7-2017 nên sẽ tiếp cận nguồn tài chính ít hơn từ WB. Dự kiến, đầu năm 2019, Việt Nam cũng bị hạn chế vay vốn ưu đãi từ ADB. Riêng luồng vốn ODA và vay ưu đãi từ Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn khá lớn và có vai trò chiến lược.(NLĐ)
-----------------------------
'Đám mây đen' chiến tranh thương mại bao trùm nỗ lực quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ
Sự trượt giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang tạo ra những cơn bão đầy thách thức cho quá trình thúc đẩy quảng bá đồng nội tệ của Bắc Kinh trên toàn cầu - một yếu tố quan trọng trong việc tự do hóa rộng lớn hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi Bắc Kinh đã ghi nhận được một số mốc quan trọng, đồng nhân dân tệ đã sụt giảm giá trị trong thời gian vừa qua, hệ quả của một nền kinh tế suy giảm và một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Một dấu mốc quan trọng chính là vào năm 2016, khi nhân dân tệ gia nhập hàng ngũ đồng USD, euro, yên và bảng Anh như một phần của Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (SDR), một tài sản dự trữ quốc tế.
Nhưng đã có những biến động xảy ra, đáng chú ý nhất trong năm 2015 khi các nhà chức trách đột nhiên phá giá tiền tệ sau khi đẩy mạnh giá trị của nó cao hơn trong nhiều năm, gây ra một sự bán tháo trong các thị trường trên toàn cầu.
Đồng nhân dân tệ, hoặc theo nghĩa đen là "tiền tệ của mọi người", hiện đang bị thử thách bởi một thách thức mới khi nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ cuộc tấn công thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Các nhà phân tích nói rằng quá trình vươn mình trở thành một đồng tiền toàn cầu của nhân dân tệ có khả năng gặp trở ngại.
"Chương trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có thể bị chậm lại tạm thời trong nửa cuối năm nay", Ken Cheung, chuyên gia chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho ở Hồng Kông, nói với CNBC, trích dẫn sự gián đoạn gây ra bởi cuộc chiến thương mại.
Căng thẳng thương mại đã làm lộ ra các lỗ hổng trong nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, ông nói.
Quan trọng hơn, sự yếu đi của đồng nhân dân tệ đã diễn ra trong năm nay và không thể chỉ đổ lỗi cho căng thẳng thuế quan. Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba, các nhà kinh tế học của IHS Markit cho biết đồng nhân dân tệ đã mất giá so với đồng đô la trong nửa đầu năm nay vì lợi suất tăng ở Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất.
Trung Quốc có nhiều cách để mở cửa nền kinh tế
Nhưng việc ông Trump sử dụng các mức thuế trừng phạt để cố gắng khắc phục thâm hụt thương mại kinh niên của Trung Quốc với nước này cũng đóng một vai trò quan trọng.
Kelvin Lau, nhà kinh tế cấp cao của Standard Chartered cho Greater China cho biết: "Miễn là có nhiều căng thẳng hoặc nhiều điểm không chắc chắn xung quanh thương mại Mỹ và Trung Quốc, thì bạn có thể tưởng tượng được ra rằng khối lượng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sụt giảm", ông nói. "Và điều đó sẽ đưa ra yêu cầu phải thiết lập lại chương trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ một cách tổng thể".
Tuy nhiên, ông cảnh báo, câu chuyện xung quanh tương lai của đồng nhân dân tệ là rất phức tạp và không thể tóm tắt chỉ bằng mối liên quan đến cuộc chiến thương mại của Trung Quốc với Mỹ.
Ông nói: "Có rất nhiều cách để Trung Quốc có thể mở cửa nền kinh tế của mình", ám chỉ việc tự do hóa thị trường chứng khoán và trái phiếu, và nhấn mạnh rằng nước này cũng đang giảm rất nhiều rào cản thương mại, ví dụ như đối với ô tô.
"Dù vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn cần phải cam kết thúc đẩy tiêu thụ nội địa của mình, mời gọi hàng nhập khẩu nhiều hơn, mở cửa khu vực tài chính nội địa của mình cho phần còn lại của thế giới", ông nói.(CafeF)