tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-08-2016

  • Cập nhật : 13/08/2016

Việt Nam sẽ tiếp tục quản chặt dòng vốn ra nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới khả năng phòng vệ trước các cú sốc kinh tế. 

Với mục đích thúc đẩy thu hút vốn nước ngoài, giám sát chặt chẽ các dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ, đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, đề án nêu rõ: định hướng tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam không chịu ràng buộc bởi yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Giảm can thiệp hành chính

Thay vào đó, Việt Nam có thể chủ động xây dựng định hướng tự do hóa giao dịch vốn trong xu thế tất yếu của hội nhập các hoạt động đầu tư quốc tế; sự tương thích với mức độ sẵn sàng của nền kinh tế, mức độ phát triển và mở cửa của hệ thống tài chính; sự phù hợp với năng lực quản lý, cạnh tranh của Việt Nam.

Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn, các chính sách cần hướng tới mục tiêu giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính; chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất, tăng cường hiệu quả các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô - chế độ thông tin báo cáo, cảnh báo sớm, theo dõi qua tài khoản…

Lộ trình tự do hóa cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro của việc tự do hóa từng dòng vốn cụ thể, từ đó có biện pháp dự phòng không trái với các cam kết quốc tế, đảm bảo khả năng phòng vệ trước các cú sốc kinh tế, hạn chế sự bất ổn định và khủng hoảng do biến động dòng vốn không kiểm soát được mang lại.

Tuy nhiên, theo đề án, lộ trình tự do hóa giao dịch vốn không nhất thiết phải là việc xác định cụ thể thời điểm mở cửa cho một số dòng vốn cụ thể. Chính sách mở cửa dòng vốn cần linh hoạt theo điều kiện thực tế của nền kinh tế tại thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.

Đề án cũng nhấn mạnh, việc xây dựng lộ trình cho tự do hóa dòng vốn cần được thực hiện đồng thời với việc xây dựng tổng thể các biện pháp phòng ngừa rủi ro và phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi, những bất ổn và rủi ro trong kinh tế, bao gồm: nhóm biện pháp phòng ngừa rủi ro trước khủng hoảng; nhóm biện pháp phòng vệ chính đáng.

Quản chặt dòng vốn ra nước ngoài

Đề án cũng đưa ra định hướng cơ bản đối với lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn, trong đó, đối với các giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn thông qua kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý, hoàn thiện cơ chế báo cáo và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.

Đối với giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Trường hợp điều kiện thị trường thuận lợi, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, có thể xem xét mở rộng đối tượng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nới lỏng các rào cản kỹ thuật trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối.

Đối với tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế như cho phép sử dụng đồng Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam, cho phép đồng Việt Nam tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ 3 bằng đồng Việt Nam. (NDH)


Ô tô chục tỷ biến thành vài trăm triệu: Độc chiêu gian lận thuế

 xe o to nhap khau tai chi cuc hai quan bac ha noi. anh: tuan nguyen. 

 Xe ô tô nhập khẩu tại Chi cục Hải quan bắc Hà Nội. Ảnh: Tuấn Nguyễn. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 500 ô tô nhập khẩu (NK) qua hình thức biếu, tặng. Phần lớn trong số đó là xe sang và siêu sang như Lexus, Land Cruiser dung tích 4.6L, Mercedes S550 dung tích 4.7L; Maybach dung tích 4.6L, Land Rover, Ranger Rover, Rolls-Royce....

Điều lạ lùng nhất, tuy “khủng” về thương hiệu nhưng giá trị khai báo hải quan khiến nhiều người giật mình. Chẳng hạn, trong hơn 200 xe Lexus nhập về theo diện biếu tặng, dòng LX 570 chiếm tới hơn 150 xe, dung tích xi lanh 5.7L.

Dù giá thị trường gần 8 tỷ đồng/chiếc, nhưng nhiều DN khai báo chỉ từ 330 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng. Dòng xe sang này nếu nhập sau ngày 1/7 sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên đến 150%. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân ồ ạt nhập xe dưới hình thức biếu tặng để gian lận thuế bằng cách khai báo giá trị xe thấp.

Chẳng hạn, ngày 25/6/2016, Cty Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hưng Thịnh (đóng tại quận Lê Chân, Hải Phòng) mở tờ khai NK tại cảng Hải Phòng khu vực 3 cho xe Rolls-Royce Dawn (loại Base Sedan đời 2016, dung tích 6.6L, mới 100%, 1 cầu, máy xăng, tay lái bên trái, màu đen) với giá khai báo 5,6 tỷ đồng theo hình thức biếu tặng. Ước tính, sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế với Nhà nước, siêu xe này có mức giá khoảng 25 tỷ đồng.

Nếu NK sau 1/7 (khi áp dụng mức thuế TTĐB mới, lên tới 150%), chiếc xe này có tổng giá lên tới 40 tỷ đồng. Đây được xem là “chiêu” để một số DN “lách” Thông tư 20 khi NK ô tô du lịch vào Việt Nam. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi theo hồ sơ niêm yết công khai, công ty trên bắt đầu hoạt động từ 1/12/2008 với ngành nghề chính là bán buôn ô tô và xe có động cơ khác.

Ngày 16/6/2016, Cty Xuất nhập khẩu và thương mại Minh Thuận (đóng tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) mở 2 tờ khai tại Cảng Đình Vũ và Cảng Hải Phòng khu vực 3 để nhập xe Toyota Land Cruiser VXR (dung tích 4.6L, mới 100%, sản xuất 2016 tại Nhật Bản), nhưng lại có 2 mức giá khác nhau (446 triệu đồng và 937 triệu đồng). Trong khi giá thị trường của dòng xe này lên đến 4,7 tỷ đồng (gấp đến 5 lần giá khai báo của Cty Minh Thuận).

Một lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, cần xem hồ sơ xin cấp giấy phép cụ thể. Trong khi đợi Hải quan Hải Phòng kiểm tra hồ sơ, PV đã thử liên hệ với doanh nghiệp này và nhận được câu trả lời: Xe đã được bán cho 1 đơn vị ở Hà Nội. Người này còn mời chào: “Sắp có con Lexus RX 350, khi nào về tôi báo cho”. Như vậy, sau khi thực hiện trót lọt nhập xe diện biếu tặng, đáng lẽ, Cty Minh Thuận phải sử dụng, đăng ký tài sản nhưng DN này đã bán ngay.

Hải quan có thông đồng với doanh nghiệp?

Những hiện tượng như trên hoàn toàn không đơn lẻ, khi mới đây, Tổng cục Thuế nhận được báo cáo của Cục Thuế Đà Nẵng về việc một số đối tượng lợi dụng chính sách cho phép nhập khẩu ô tô theo hình thức biếu, tặng để gian lận thuế, trốn thuế. Riêng 5 tháng đầu năm 2016 có tới 221 xe, chủ yếu là xe sang như Cadilac, Lexus, Lamborghini…dung tích 3.5L trở lên.

Theo báo cáo trên, đa số các xe nhập khẩu theo hình thức biếu tặng là xe có giá trị cao, song hóa đơn xuất bán lại chỉ bằng 50-60% trị giá xe theo xác định của cơ quan hải quan, không phù hợp với giá giao dịch trên thị trường. Đặc biệt, qua rà soát, Cục Thuế Đà Nẵng nhận thấy:

Cùng với lượng xe NK qua hình thức biếu, tặng tăng, thì lượng DN mới thành lập trên địa bàn cũng tăng theo. Hầu hết các DN có giấy phép NK xe theo hình thức này lại chuyển nhượng ngay khi nhập xe, rất ít DN đăng ký làm tài sản cố định. Thậm chí, có DN thành lập để NK xe, tiêu thụ xong thì thông báo giải thể, không thực hiện quyết toán với cơ quan thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh.

Báo cáo là vậy, nhưng cơ quan thuế vì nhiều lý do mà chậm ấn định thuế dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, vẫn đang yêu cầu các chi cục báo cáo, chưa có kết luận.

Lý giải về việc chênh lệch trị giá hải quan, một lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, có thể cùng một dòng xe, cùng năm sản xuất nhưng linh kiện, phụ kiện khác nhau hoặc thời điểm nhập khác nhau (trước hoặc sau 1/7 chẳng hạn) thì giá cũng chênh nhau cả vài trăm triệu.

Theo bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), nhằm kiểm soát công tác kiểm tra, đảm bảo tính thống nhất về mức giá giữa các Cục Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan đã ban hành các công văn yêu cầu kiểm tra chấn chỉnh trị giá hải quan đối với ô tô con NK theo hình thức biếu, tặng.

Bà Nhụ cho hay, sau tham vấn, nếu người khai hải quan đồng ý với cơ sở bác bỏ của hải quan, giá khai báo sẽ được sửa đổi. Nếu DN không đồng ý, hải quan vẫn cho thông quan theo trị giá khai báo nhưng sẽ chuyển các nghi vấn để thực hiện kiểm tra sau thông quan. Đến ngày 20/8, các đơn vị được yêu cầu nộp báo cáo, lúc đó mới có kết luận cuối cùng; nếu phát hiện trường hợp gian lận để trốn thuế thì xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Thông tư 143/2015/TT-BTC ngày 11/9/2015, mỗi năm 1 tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu 1 xe dưới dạng quà biếu tặng. Tuy nhiên, theo thông tin của Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp nhập nhiều xe biếu tặng/năm.(Tienphong)


Khối lượng tiền trong nền kinh tế Việt Nam tăng đột biến

tong phuong tien thanh toan dang tang nhanh va dot bien so voi nhieu nam qua.

Tổng phương tiện thanh toán đang tăng nhanh và đột biến so với nhiều năm qua.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh khoản của tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tình hình huy động vốn, tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cùng tăng khá cao trong 7 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, đến ngày 29/7/2016 so với cuối 2015, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%), tín dụng tăng 8,54%.

Các chỉ tiêu trên đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, trong đó mức tăng trưởng 9,45% tổng phương tiện thanh toán là đột biến so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Dữ liệu thống kê về chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán trên website Ngân hàng Nhà nước (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) cho thấy, cùng kỳ tháng 7 các năm từ 2011 đều thấp hơn nhiều so với năm nay.

Cụ thể, so với cuối năm liền trước, tổng phương tiện thanh toán tháng 7/2015 tăng 6,3%; tháng 7/2014 tăng 6,85%; tháng 7/2013 tăng 7,51%; tháng 7/2012 tăng 6,81%; và tổng phương tiện thanh toán theo báo cáo cập nhật hàng tháng mà Ngân hàng Nhà nước công bố trước đây tính đến 20/7/2011 chỉ tăng 3,57% so với cuối năm 2010.

Gắn với mức tăng đột biến của tổng phương tiện thanh toán trong 7 tháng đầu năm nay, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh khoản của tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước; nhà điều hành đã mua được lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối…

Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán (M2) phản ánh khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế tại một thời điểm nhất định, giúp các nhà hoạch định chính sách có thể theo dõi, đánh giá diễn biến khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, từ đó đưa ra quyết định việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát cung ứng tiền tệ, duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (NDH)


Việt Nam vay nợ nước ngoài thêm 4,4 tỷ USD trong 7 tháng

7 tháng qua, Việt Nam đàm phán, ký kết vay vốn nước ngoài 4,431 tỷ USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn như WB, ADB và Nhật Bản.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 7/2016, Việt Nam đã ký kết 4 Hiệp định vay nước ngoài với Ngân hàng thế giới với tổng trị giá là 669 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016 đã đàm phán, ký kết 26 Hiệp định vay với tổng trị giá quy đổi khoảng 4.431 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn, như Ngân hàng thế giới, ADB và Nhật Bản.

Trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài của tháng 7/2016 đạt khoảng 3.274 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD). Lũy kế đến 25/7/2016, đã giải ngân khoảng 44.054 tỷ đồng (tương đương 2.014 triệu USD), đạt 42,8% so với kế hoạch cả năm (4.700 triệu USD).

Đồng thời, trong tháng 7/2016, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài từ NSNN là 4.042 tỷ đồng (tương đương 184,7 triệu USD). Lũy kế đến tháng 7/2016 tổng giá trị chi trả nợ, trả nợ nước ngoài là 20.882 tỷ đồng (tương đương 954,3 triệu USD).(Baoxaydung)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục