Gạo Việt không được lợi gì từ TPP khi vào thị trường Nhật?
Dự trữ vàng của Trung Quốc tăng thêm 14 tấn trong tháng 10
Bình Thuận sản xuất “thanh long sạch” tìm thị trường mới
Xuất khẩu sắn tăng vọt
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ngày càng cao
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-11-2015
- Cập nhật : 09/11/2015
Hải Phòng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án sinh thái 1 tỷ USD đảo Vũ Yên
Theo thông tin từ UBND thành phố Hải Phòng, thành phố vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Vingroup – Công ty CP và các sở ngành liên quan về tình hình triển khai Dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên.
Theo đó, Tập đoàn Vingroup cho biết việc thi công dự án hiện nay đang gặp một vài khó khăn cần thành phố xem xét giúp đỡ. Về công tác giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất là 872,5 ha trên địa bàn quân Hải An và huyện Thủy Nguyên; hiện đã thu hồi được 594,1 ha; còn 278,4 ha chưa thu hồi, trong đó quận Hải An khoảng 219 ha và huyện Thủy Nguyên là 59,4 ha.
Về vị trí làm ga cáp treo, bến phà, khu đón tiếp, qua khảo sát thực địa, tập đoàn đề xuất 3 vị trí gồm khu đất của Công ty TNHH Năng Lượng, Khu đất của Đoàn 273 Quân khu 3 và một phần cuối bãi cảng Chùa Vẽ khoảng 3-4 ha. Bên cạnh đó, việc cấp điện, nước ra đảo để thi công dự án cũng như phục vụ cho mọi hoạt động sinh hoạt của công trình trên đảo về lâu dài đang còn nhiều bất cập, UBND thành phố cho ý kiến để lựa chọn phương án xây dựng hợp lý.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Hải Phòng đã đề nghị lãnh đạo quận Hải An và huyện Thủy Nguyên cần rà soát lại các khu đất còn chưa được thu hồi, thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật và công khai cho các hộ dân về tiền đền bù đất, cũng như vận động, tuyên truyền cho họ hiểu để tự nguyện bàn giao đất. Với những hộ cố tình chống đối sẽ tiến hành cưỡng chế.
Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án sớm tổ chức buổi làm việc với Công ty Điện lực để tiến hành xây dựng trạm điện 110KV đảm bảo nguồn điện sử dụng lâu dài; thỏa thuận với bên sử dụng đất hiện tại để sớm xây dựng điểm đặt cáp treo sao cho đảm bảo lợi ích của cả 2 bên. Các ngành liên quan thành lập tổ công tác liên ngành đảm bảo an ninh trật tự cho nhà thầu thi công công trình thuận lợi.
Được biết, ngày 12/7 Tập đoàn Vingroup đã tổ chức khởi công Dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái trên toàn bộ diện tích đảo Vũ Yên (Hải Phòng). Đảo Vũ Yên, thuộc địa giới hành chính P.Đông Hải 1 (Q.Hải An) và xã Thủy Triều (huyện Thủy Nguyên). Tổng mức đầu tư dự kiến là 18.792,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2020.
Theo quy hoạch chi tiết 1/500, Dự án này được triển khai trên diện tích khoảng 872 ha, gồm các biệt thự sinh thái, sân golf 36 lỗ, khu vui chơi giải trí và công viên sinh thái. Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến 19.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.
Sẽ có hơn 64,7% diện tích dành cho xây dựng đô thị, 31,7% dành cho công viên sinh thái, hơn 3,5% là đất dành cho công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, sẽ có một cây cầu được xây dựng bắc qua sông Ruột Lợn. Mục tiêu đề ra là đầu năm 2016, sân golf tại đảo Vũ Yên sẽ được đưa vào hoạt động và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2019.
Xây dựng 550km đường ven biển nối Quảng Ninh-Thanh Hóa
Tuyến đường bộ ven biển dự kiến dài 550km đi qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Chiều 5/11, tại Hải Phòng, lãnh đạo 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đã họp việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Tuyến đường bộ ven biển dự kiến dài 550km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Ninh dài 250km (từ Móng Cái đến cầu Bạch Đằng); đoạn qua Hải Phòng dài hơn 30 km; qua tỉnh Thái Bình dài 50km; qua tỉnh Nam Định dài 79km; qua tỉnh Ninh Bình dài 9km; qua tỉnh Thanh Hóa khoảng hơn 70km.
Phần đường do Bộ GTVT đầu tư 240km; 6 địa phương đầu tư 208km (trước năm 2020) và 36km (sau năm 2020).
Việc đầu tư tuyến đường đã được thống nhất, theo đó Bộ GTVT sẽ làm những đoạn quốc lộ trùng với đường ven biển, các địa phương tự đầu tư phần qua địa bàn trên cơ sở hướng tuyến đã được Bộ GTVT định hướng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, các tỉnh chủ động lập, phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động sắp xếp các nguồn vốn trên cơ sở phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn; triển khai lập, phê duyệt và thực hiện dự án theo quy định của Luật Xây dựng để triển khai thực hiện đầu tư các đoạn tuyến theo phân cấp; thống nhất không điều chỉnh quy hoạch các điểm đấu nối tuyến đường giữa hai tỉnh; thường xuyên trao đổi thông tin liên quan trong quá trình triển khai các thủ tục để phối hợp tháo gỡ những vướng mắc; sớm triển khai dự án để kết nối đồng bộ giữa các tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng…
Trước đó, ngày 23/6/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 878/TTg-KTN đồng ý chủ trương xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư đối với các đoạn tuyến trên địa bàn theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam và quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xây khu biệt thự, du lịch sinh thái tâm linh 31ha gần Đền Sóc
Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích đất hơn 31,5 ha, trong đó đất biệt thự chiếm khoảng 35,5%, đất dịch vụ công cộng khoảng 39%,…
Theo tin từ Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, đơn vị này vừa bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch văn hóa Sóc Sơn khu III - Khu vực công cộng và làng du lịch (đã được TP Hà Nội duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 6 năm 2015) cho Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội.
Theo đó, đây là dự án khu du lịch sinh thái tâm linh được đầu tư xây dựng trên khu đất quy hoạch 31,5 ha gần Đền Sóc thuộc Sóc Sơn, Hà Nội.
Chức năng xây dựng gồm khu khách sạn, biệt thự có diện tích khoảng 111.930m2 chiếm hơn 35,5% diện tích đất, đất dịch vụ công cộng có diện tích khoảng 122.920m2, chiếm 38,99% diện tích, đất giao thông và bãi đậu xe chiếm 21,74%, và các khu chức năng công cộng khác…
Dự án được xác định là khu du lịch, nghỉ dưỡng gắn liền với khu du lịch tâm linh đến Sóc.
Thanh niên Sài Gòn rót 200 tỷ đồng vào Seaprodex Saigon
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon – SSN) công bố kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Với vốn điều lệ vỏn vẹn 96 tỷ đồng (tương đương 9,6 triệu cổ phiếu hiện hữu), Seaprodex đã phát hành riêng lẻ thành công 30 triệu cổ phiếu vào ngày 29/10/2015. Giá bán thành công đạt 10.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch 29/10 vừa qua, cổ phiếu SSN đạt mức giá 11.100 đồng.
Số tiền thu về từ đợt phát hành nói trên là 300 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành đạt 396 tỷ đồng. Theo kế hoạch, SSN sẽ sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào các doanh nghiệp cùng ngành nghề để mở rộng sản xuất kinh doanh, tập trung giữ vững cơ cấu xuất khẩu vào 2 thị trường chính là Hàn Quốc và EU với các mặt hàng cá tra, bạch tuộc…là chủ lực. Đồng thời, một phần nhỏ (khoảng 20 -30 tỷ đồng) sẽ được dùng bổ sung vốn lưu động tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh khai thác bất động sản thuộc quyền quản lý của công ty tại 678 Âu Cơ và 1534 Võ Văn Kiệt – Tp.HCM.
Với số lượng phát hành khổng lồ so với mức vốn hiện hữu, cơ cấu cổ đông của Seaprodex Saigon đã thay đổi đáng kể.
Cổ đông hoàn toàn mới của Seaprodex Sài Gòn chính là CTCP Đầu tư Thanh niên Sài Gòn – với đại diện là ông Nguyễn Nhân Kiệt – vừa mua vào 20,2 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ này. Tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Nhân Kiệt vừa đủ mức chi phối đối với Seaprodex Sài Gòn (51,01%). Như vậy, Thanh niên Sài Gòn đã chi hơn 200 tỷ đồng mua cổ phần của Seaprodex Saigon.
Với việc sở hữu quá bán, CTCP Đầu tư Thanh niên Sài Gòn có thể đưa người vào HĐQT Seaprodex Saigon trong thời gian tới.
Tiền rút khỏi chứng khoán thị trường mới nổi mạnh nhất 7 năm
Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong quý III, nhà đầu tư toàn cầu đã rút ròng 37 tỷ USD khỏi cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi. Đây là mức rút ròng mạnh nhất kể từ quý IV/2008.
Tính riêng tuần qua, các quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi bị rút ròng 1,2 tỷ USD, trong khi các quỹ đầu tư trái phiếu cũng bị rút ròng với mức tương tự.
Trong quý III, giá cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi đồng loạt giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua do đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp tăng lãi suất trong năm nay. Nhà đầu tư lo ngại việc Fed tăng lãi suất sẽ hút bớt dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán.
Trong tuần này, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết Fed vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới miễn là nền kinh tế tiếp tục phục hồi, lạm phát tiến gần mục tiêu 2%. Số liệu công bố hôm 6/11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 của Mỹ giảm về 5%, làm tăng khả năng Fed sẽ nâng lãi suất và kéo đồng USD mạnh lên.
Phiên giao dịch đêm qua 6/11, đồng USD lên cao nhất 7 tháng so với Euro và cao nhất 4 tháng so với Yên Nhật. Đồng USD tăng kéo giá các loại hàng hóa như dầu thô, kim loại giảm và do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước phụ thuộc xuất khẩu nguyên liệu, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi.
“Điều này rõ ràng tiêu cực đối với thị trường mới nổi”, Lucy Qiu, chiến lược gia thị trường tại UBS Wealth Management nhận định. Chuyên gia này cho rằng đồng tiền của Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do thâm hụt tài khoản vãng lai.