Sập bẫy đa cấp ở Trung Quốc
Hơn 70% kiều hối đổ vào sản xuất, kinh doanh
Nhiều công ty con của Tập đoàn Dầu khí lỗ do giá dầu giảm mạnh
Rửa tiền ở Mỹ quá dễ dàng
Nhật mở trang trại do robot "làm chủ" đầu tiên thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-02-2016
- Cập nhật : 01/02/2016
Kiều hối "lũ lượt" chảy vào bất động sản
Tại TP.HCM, lượng kiều hối năm 2015 dự báo sẽ cán đích 5,5 tỉ USD, trong khi số kiều hối của cả nước ước khoảng 12,25 tỉ USD, tăng nhẹ so với năm 2014.
Trong năm 2015, theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam đón lượng kiều hối khoảng 12,25 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới, tăng nhẹ so với con số 12 tỉ USD của năm 2014.
Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết thông thường doanh số kiều hối trong quý 4 năm cũ và tháng giêng năm mới chiếm đến 40% lượng kiều hối chuyển về trong năm.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng VietinBank, chiếm phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về là từ thị trường Mỹ, Úc và Canada, trong đó Mỹ chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỉ USD trong tổng lượng kiều hối chuyển về VN trong năm.
Ngoài ra, một số quốc gia siết chặt quy định về phòng chống rửa tiền theo hướng giới hạn nguồn tiền chuyển về. Riêng tại TP.HCM, nguồn kiều hối từ Mỹ và châu Âu vẫn chiếm trên 80%, trong khi nguồn từ lao động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 6,7%.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hơn 70,8% kiều hối chuyển về trên địa bàn đã chảy vào sản xuất, kinh doanh; khoảng 21,6% đổ vào bất động sản và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng kiều hối về Việt Nam hầu hết đều tăng qua mỗi năm. Nhưng trong năm vừa qua lượng tiền này chuyển về Việt Nam càng sôi động hơn, đặc biệt ở thị trường BĐS. Sự ấm lên của thị trường địa ốc là cơ sở để thu hút kiều hối chảy về lĩnh vực này tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập.
Thực tế cùng với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, đầu tư chứng khoán… thì đầu tư vào BĐS vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Đặc biệt với những người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước làm ăn, sinh sống hay những người đi lao động xuất khẩu thì nhu cầu gửi tiền về nhờ người thân đầu tư vào BĐS khá lớn. Bởi quan niệm của người Việt Nam xưa nay vẫn là có an cư thì mới lạc nghiệp. Thêm vào đó, lãi suất tiền gửi USD giảm, tuy cũng được xem là có tác động tới việc khách hàng quan tâm hơn tới các kênh đầu tư khác, trong đó nổi lên là BĐS.
Siết vay USD có làm khó doanh nghiệp?
Theo Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, một số trường hợp DN XK chỉ được vay ngoại tệ đến hết quý I-2016.
Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ mới, cùng sự linh hoạt từ các ngân hàng, nhiều DN không cảm thấy “phiền lòng” với quy định này.
Lợi nhờ cơ chế tỷ giá
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp DN có nguồn thu bằng ngoại tệ nhờ bán hàng XK nhưng lại có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước, không phục vụ hoạt động sản xuất hàng XK, việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2016, vì đối với nhu cầu vay vốn này, mục đích vay vốn bằng ngoại tệ của DN là giảm chi phí vay vốn do lãi suất vay vốn USD thấp hơn so với lãi suất vay vốn VND và kỳ vọng mức tăng tỷ giá. Vì vậy, việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này chỉ nên giới hạn trong khoảng thời gian nhất định nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế.
Đặc biệt, với cơ chế điều hành tỷ giá biến động linh hoạt tăng giảm hàng ngày, các DN đều cho rằng, khi siết lại cơ chế vay USD, DN vay bằng VND với lãi suất như hiện nay rồi đổi sang thanh toán bằng USD đều ngang nhau.
Nói thêm về vấn đề này, bà Hà Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH hệ thống và xúc tiến thương mại CG (DN chuyên XNK máy móc, thiết bị) cho biết, với cơ chế tỷ giá như trước đây, DN vay vốn bằng USD có thể được lợi khi tỷ giá được điều chỉnh tăng với biên độ lớn. Nhưng hiện nay, với những ưu đãi từ ngân hàng, cùng với uy tín của DN, vốn vay bằng VND được giảm xuống còn 7-8%/năm nên khi quy đổi ra USD đều nhận được giá trị tương đương. Hơn nữa, khi cần thanh toán với khách hàng bằng USD, DN hoàn toàn có thể sử dụng luôn dịch vụ quy đổi ngoại tệ của ngân hàng với chi phí hợp lý và ưu đãi.
Tuy nhiên, theo đại diện một DN XK thủy sản, tỷ giá USD thế giới trong năm 2016 dự báo sẽ còn nhiều biến động, các đồng ngoại tệ khác cũng sẽ có những biến động theo. Vì thế, các DN XK sẽ phải cân nhắc việc vay vốn theo ngoại tệ hay VND. Với cơ chế tỷ giá như hiện nay, giá trị có thể tương đương nhưng đến một lúc nào đó, tỷ giá dù tăng mạnh cũng không thể bù lại được mức lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với nhiều nước như hiện nay.
Cần giải pháp
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đánh giá, tỷ giá ngoại tệ trong năm 2016 có thể tăng mạnh 3-4% do những tác động từ nền kinh tế thế giới như: Giá dầu giảm, kinh tế Trung Quốc đi xuống hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất… Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu theo lộ trình chống “đô la hóa”, hạn chế cho vay và gửi ngoại tệ nên giai đoạn đầu còn gây khó khăn cho DN.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn cho phép các DN có nguồn thu ngoại tệ từ XK và cần thanh toán chi phí NK được phép vay ngoại tệ, điều này sẽ giúp giảm chi phí vay vốn của DN nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu ngoại tệ của DN. Chỉ trường hợp DN có doanh thu XK nhưng không có nhu cầu thanh toán NK bị hạn chế vay ngoại tệ. Điều này nhằm khuyến khích DN XK bán ngoại tệ trên thị trường giúp làm cân bằng cung cầu thị trường ngoại hối và giảm biến động trên thị trường.
Tuy vậy, đại diện Công ty TNHH MTV Phú Thành (DN XNK máy móc, thiết bị) cho biết, mặc dù tỷ giá có tăng nhưng việc vay USD vẫn có lợi hơn so với vay bằng VND do nhiều khâu thanh toán dù ở trong nước vẫn phải trả bằng USD. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thêm phương thức vay ngoại tệ cho DN hoặc các ngân hàng có những chương trình để hỗ trợ DN thích nghi dần với điều kiện không được vay ngoại tệ sắp tới.
Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải cho hay, DN XK có thể bán ngoại tệ kỳ hạn (giao dịch mua bán ngoại tệ theo tỷ giá được xác định vào ngày giao dịch, việc thanh toán được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai) do tỷ giá kỳ hạn thông thường sẽ cao hơn giá giao ngay đối với nguồn thu XK giúp làm giảm chi phí vay vốn tiền đồng.
Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, để hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để tạo điều kiện cho DN vay vốn VND với mức lãi suất hợp lý. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng thường có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN XK cam kết bán ngoại tệ từ nguồn thu XK cho tổ chức tín dụng, nên mặc dù vay vốn bằng VND, nhưng các DN XK vẫn được vay vốn với lãi suất thấp hơn đáng kể so với lãi suất cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường.
Mất 9 tỷ đồng do cháy, Thế Giới Di Động chưa tính đòi bồi thường
Bị thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng từ vụ cháy garage ô tô Thần Châu kế bên, tuy nhiên phía Thế Giới Di Động cho biết do đã mua bảo hiểm cho toàn bộ số hàng nên chưa tính chuyện yêu cầu phía garage này phải bồi thường.
Trưa ngày 30/1, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại garage ô tô Thần Châu (một địa chỉ có tiếng chuyên sửa chữa xe sang tại đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM) làm thiêu rụi 8 ôtô các loại và gây hư hỏng gần như toàn bộ nhà xưởng, thiết bị máy móc.
Cụ thể, 8 xe bị cháy bao gồm có 2 xe Bentley, 2 Mercedes, 1 Porsche, 1 Lexus, 1 BMW và 1 Land Rover, thiệt hại ước tính lên tới trên 20 tỷ đồng.
Vụ cháy này cũng đã lan sang siêu thị Thế Giới Di Động tại số 189 Cống Quỳnh nằm ngay kế bên, thiêu rụi số lượng lớn điện thoại, máy tính bảng, laptop…
Trao đổi với chúng tôi ngày 31/1, ông Đặng Thanh Phong, phụ trách truyền thông của Thế Giới Di Động cho hay sau khi kiểm kê, tổng thiệt hại do vụ cháy gây ra có thể lên tới khoảng 9 tỷ đồng.
“Trong đó có lượng lớn hàng hoá vừa được đưa về để bán dịp Tết Nguyên đán 2016”, đại diện Thế Giới Di Động nói.
Tuy nhiên, do đã mua bảo hiểm cho toàn bộ lô hàng và phía garage ô tô Thần Châu cũng bị thiệt hại nặng nề nên hiện Thế Giới Di Động đã làm việc đơn vị bảo hiểm để thống kê toàn bộ thiệt hại, lên phương án đền bù chứ chưa tính chuyện yêu cầu phía gara ô tô phải bồi thường.
“Dứt khoát phải thu thuế của Uber”
"Dứt khoát phải thu thuế của Uber. Ngân hàng có dịch vụ đám mây do đó với các phí điện tử khi cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng sẽ thu được", ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Theo ông Bùi Văn Nam, hoạt động của Uber tại Việt Nam giống một loại hình thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đang trình hướng dẫn, xin ý kiến Bộ về các quy định quản lý thương mại điện tử.
Liên quan đến vấn đề thu thuế của Uber hoạt động tại Việt Nam, ông Nam khẳng định, dứt khoát phải thu thuế của Uber. Trước câu hỏi liệu có thu được hay không, vị này cho biết, ngân hàng có dịch vụ đám mây do đó với các phí điện tử khi cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng sẽ thu được.
Trước đó, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, tháng 11/2015, Cục Thuế TP.HCM đã gửi công văn đến trụ sở của Uber tại Hà Lan yêu cầu đại diện đến làm việc về việc đăng ký, kê khai và nộp thuế nhà thầu liên quan đến cung cấp ứng dụng kết nối xe và khách. Tuy nhiên, Uber Hà Lan đã không có mặt.
Cục Thuế TP.HCM khẳng định, Uber thông qua ứng dụng Uber để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, Cục Thuế đã yêu cầu công ty này nộp 3% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp trước 10/12/2015.
Theo thông tin từ cơ quan thuế, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đang tổ chức đoàn khảo sát và dự kiến sẽ vào làm việc với Uber sau Tết Nguyên đán.
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, có khoảng 4.000 taxi Uber hoạt động tại TP.HCM hàng ngày đều chuyển khoảng 1 tỷ đồng lợi nhuận về công ty quản lý tại Hà Lan, số tiền được trích từ 20% doanh thu của taxi Uber.
Đến nay doanh nghiệp taxi Uber tại Hà Lan vẫn không đăng hoạt động kinh kinh doanh vận tải bằng taxi tại thành phố, trong khi đó, doanh nghiệp taxi Uber tại Việt Nam chỉ đăng ký maketing tiếp thị cho taxi Uber.
Thông tin trên tờ Tuổi trẻ cho biết, trong thời gian qua Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản xử phạt khoảng 200 taxi Uber không có giấy phép kinh doanh và không có bảng hiệu, bộ đàm, phù hiệu taxi. Trước đó, đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết taxi Uber chưa kê khai thuế về hoạt động taxi tại TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể tiến hành thu từ hai nguồn, một là người chủ của Uber và hai là người cung cấp dịch vụ (tài xế xe).
Về phía người cung cấp dịch vụ, ông Khôi đưa ra ví dụ tại Úc, chính phủ quy định người lái xe tham gia Uber sẽ phải đóng thuế trên phần thu nhập mà họ nhận được. Từ chỗ bị đánh thuế trực tiếp, những người tài xế cung cấp dịch vụ sẽ thương lượng với Uber và yêu cầu Uber chia sẻ trách nhiệm nộp thuế với họ.
Mặt khác cũng có thể tiến hành thu thuế những người sử dụng dịch vụ, tức hành khách đi xe. “Đó gọi là thuế bán hàng. Nghĩa là bạn mua bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, bạn cũng phải đóng thuế", ông Khôi nói.
Vietcombank sở hữu trên 7% vốn tại Eximbank và MB
Theo quy định của Thông tư 36, Vietcombank sẽ phải thoái vốn khỏi Eximbank và MB về tối đa 5% vốn.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) vừa công bố báo cáo quản trị năm 2015.
Theo đó, rất nhiều thành viên HĐQT và ban kiểm soát không nắm giữ cổ phần tại Eximbank. Chủ tịch HĐQT - thành viên HĐQT độc lập Lê Minh Quốc và Quyền Tổng giám đốc ông Trần Tấn Lộc cũng không sở hữu một cổ phiếu nào tại Eximbank.
Về cổ đông tổ chức, Sumitomo Mitsui Banking Corporation hiện đang nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn tại ngân hàng, là cổ đông lớn nhất.
Theo sau là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) nắm giữ 101 triệu cổ phiếu EIB, tưởng ứng với tỷ lệ 8,19% vốn điều lệ Eximbank. Vietcombank có 2 đại diện ở Eximbank nhưng hiện không điều hành, quản trị.
Ông Cao Xuân Ninh và ông Trần Lê Quyết là hai người đại diện cho Vietcombank cùng 5 cổ đông cá nhân khác, tổng cộng mỗi người đại diện cho 11,287% số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank. Còn ông Lê Văn Quyết vào HĐQT do chính HĐQT nhiệm kỳ cũ đề cử. Trước khi gia nhập Eximbank, ông Quyết đang giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa và trước đó công tác tại NHNN tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, Vietcombank cũng đang là cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Sau khi MB tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank đã giảm từ 9,59% xuống còn 7,16%.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 36, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.
Theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng Phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Do vậy, sắp tới Vietcombank sẽ phải thoái vốn tại hai ngân hàng MB và Eximbank.