Kiều hối "lũ lượt" chảy vào bất động sản
Siết vay USD có làm khó doanh nghiệp?
Mất 9 tỷ đồng do cháy, Thế Giới Di Động chưa tính đòi bồi thường
“Dứt khoát phải thu thuế của Uber”
Vietcombank sở hữu trên 7% vốn tại Eximbank và MB
Tin kinh tế đọc nhanh 31-01-2016
- Cập nhật : 31/01/2016
TPHCM: Bất động sản đứng đầu thu hút vốn FDI trong năm 2015
Trong năm qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu trong thu hút nguồn vốn FDI với 13 dự án đầu tư, với gần 1,5 tỷ USD (chiếm 53,29% tổng vốn đăng ký đầu tư).
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong năm qua, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư là 555 dự án (bằng 134,06% số dự án so với cùng kỳ 2014) đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,81 tỷ USD (bằng 98,86% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ 2014).
Trong số những dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, có 179 dự án tăng vốn đầu tư (bằng 134,59% số dự án so với cùng kỳ 2014) với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 826,18 triệu USD (bằng 222,56%tổng vốn đầu tư tăng thêm so với cùng kỳ 2014) .
Như vậy, trong năm 2015 giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm đạt 3,6 tỷ USD (bằng 113,14% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2014).
Trong năm qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu trong thu hút nguồn vốn FDI với 13 dự án đầu tư, với gần 1,5 tỷ USD (chiếm 53,29% tổng vốn đăng ký đầu tư). Tính đến nay, lĩnh vực bất động sản vẫn đứng đầu trong thu hút FDI. Theo đó, trên địa bàn Tp.HCM có 257 dự án bất động sản còn hiệu lực đầu tư, với số vốn trên 14 tỷ USD (chiếm 35% tổng vốn FDI đầu tư).
Trong số những dự án bất động sản mới, đáng chú ý nhất là dự án của Công ty TNHH Liên danh Empire City cam kết đầu tư 1,2 tỉ USD để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát (Empire City) gồm tòa nhà cao 86 tầng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại...tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự án đã được khởi công vào quí 4/2015 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2022.
Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã chấp nhận ký quỹ khoảng 2.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm phát triển dự án khu phức hợp thông minh có vốn đầu tư đến 2,1 tỉ đô la Mỹ tại khu đô thị này.
Theo giới quan sát, sau khi chính phủ cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam và nền kinh tế trong nước có chiều hướng tăng trưởng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam, trong đó đáng chú ý là TP.HCM.
Các chuyên gia trong ngành đánh giá thị trường bất động sản trong nước có những dấu hiệu phục hồi, nên các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM, nơi dân số đông, nhu cầu nhà ở tăng cao và hạ tầng thương mại còn thiếu. Điều này cũng đang kéo theo các quỹ đầu tư nước ngoài hướng vào thành phố trong lĩnh vực bất động sản thông qua việc đầu tư gián tiếp.
"Ông lớn" Lotte, Dairy Farm cũng chạy đua mua lại Big C Việt Nam
Sau Berli Jucker và Central Group của Thái Lan, giờ đây, cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam có thêm sự góp mặt của Lotte và Dairy Farm.
Nguồn tin của Reuters cho hay, vừa có thêm Tập đoàn Dairy Farm (Singapore) và Lotte Shopping (Hàn Quốc) tham gia cuộc đua sở hữu hệ thống Big C tại Thái Lan và Việt Nam của tập đoàn bán lẻ Casino (Pháp). Trước đó, hai đại gia bán lẻ Thái Lan khác là Berli Jucker và Central Group cũng lên tiếng muốn mua lại khối tài sản nói trên.
Cuộc đấu giá là cơ hội hiếm có để các tập đoàn tham gia rót vốn vào hai thị trường bán lẻ có lợi nhuận thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, các nhà phân tích nói. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo nguy cơ "vung tay quá trán", nhất là với hệ thống tại Thái Lan, bởi nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, thị trường bán lẻ Thái Lan vẫn đang có trị giá khá cao là khoảng 93 tỷ USD, theo nghiên cứu của Euromonitor.
Central Group, nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan, hiện đã sở hữu 25% Big C Thái Lan và muốn mua thêm 58,6% cổ phần. Tính theo thị giá hiện tại, dự kiến, ông chủ Tos Chirathivat của Central sẽ phải bỏ ra 3,1 tỷ USD để sở hữu thêm số cổ phần nói trên. Ngoài ra, Central cũng dự chi từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để sở hữu toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam.
"Nhà bán lẻ nào tham gia đấu giá sẽ phải trả cao hơn mức giá Central đưa ra hoặc không được gì cả", nguồn tin thân cận của Reuters nói. Nguồn tin khác cũng cho biết, Casino sẽ chỉ bán cả hai hệ thống cho một đối tác duy nhất.
2 nhà đầu tư tiềm năng mới xuất hiện cũng có tiềm lực tài chính khá dồi dào: Dairy Farm đang là tập đoàn bán lẻ lớn thứ nhì tại Singapore và Hongkong, và hiện sở hữu hàng loạt thương hiệu như Wellcome, Cold Storage, Giant, Hero, 7-Eleven, Mannings, Guardian, IKEA và Maxim's. Tổng doanh thu năm 2014 của tập đoàn lên tới 13 tỷ USD.
Trong khi đó, Lotte Shopping là chuỗi trung tâm mua sắm tổng hợp (department store) lớn nhất Hàn Quốc, với doanh số 23,2 tỷ USD và lợi nhuận 509 triệu USD trong năm 2014.
Ngoài ra, một nhà bán lẻ khác đến từ Nhật Bản là Aeon đang cân nhắc đề nghị tham gia cuộc đua này. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết Aeon chưa có thêm động thái tích cực nào.
Cả Dairy Farm, Lotte, Aeon và Casino đều từ chối bình luận về những thông tin trên, Reuters cho biết. Giá cổ phiếu Big C Thái Lan đã tăng vọt 17% kể từ khi Casino công bố bán lại hệ thống này vào ngày 15/1. Theo dự kiến, bất kỳ ai muốn qua mặt Central Group để mua lại hệ thống của Casino ở Thái Lan đều phải trả ít nhất 270 baht cho một cổ phiếu, cao hơn 14% so với giá vào lúc chốt phiên 28/1.
Khởi tố thành viên HĐQT BIDV về sai phạm tại Chứng khoán MHBS
Trước thời điểm diễn ra sáp nhập MHB vào BIDV, ông Huỳnh Nam Dũng là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Phước Hòa là Tổng giám đốc MHB; Trong khi bà Lữ Thị Thanh Bình là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc MHBS.
Theo tin từ Infonet, Bộ Công an đã ra tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành bắt tạm giam đối với ba người là cựu lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long MHB và CTCK Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long MHBS để điều tra về hành vi vi cố ý làm trái và lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Vụ án liên quan đến các sai phạm xảy ra tại MHBS (trụ sở trên đường Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, TP.HCM).
Ba người bị khởi tố, bắt giam là ông Huỳnh Nam Dũng (SN 1956) – nguyên chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Phước Hòa (SN 1956)– nguyên Tổng giám đốc ngân hàng MHB và bà Lữ Thị Thanh Bình – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc MHBS.
Cũng theo nguồn tin của Infonet, ngoài 3 lãnh đạo của MHBS bị bắt giam để điều tra, 6 cán bộ khác của MHBS cũng được cơ quan điều tra mời làm việc.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã có thông báo về việc ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa không còn là thành viên HĐQT BIDV.
Hồi tháng 5/2015, BIDV đã nhận sáp nhập MHB và kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích với vai trò cổ đông tại MHBS từ MHB. Tuy nhiên, BIDV không có chủ trương sáp nhập MHBS vào Chứng khoán BSC.
Sau đó một tháng, MHBS đã bị đình chỉ toàn bộ các hoạt động môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán do không đáp ứng các điều kiện theo quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định.
Kết quả hoạt động của MHBS là khá bết bát khi tính tới hết quý 2/2015, công ty lỗ lũy kế 344,75 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 174 tỷ đồng.
Vào đầu tháng 1/2016, Sở GDCK TP.HCM (HSX) đã có quyết định chấm dứt thành viên giao dịch của MHBS. Toàn bộ tài khoản khách hàng tại MHBS sẽ được chuyển giao sang Chứng khoán BSC.
BIDV cho biết, mặc dù là thành viên HĐQT, tuy nhiên hai ông Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa không tham gia chỉ đạo, quản trị hoạt động của BIDV mà được phân công chuyên trách để tập trung giải quyết tiếp những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động của MHB trước khi sáp nhập vào BIDV.
Tập đoàn Hòa Phát chi 2.500 tỷ đồng thành lập Công ty nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tương đối mới mẻ của Hòa Phát. Công ty đã bắt đầu có doanh thu từ lĩnh vực này từ năm 2015 – chủ yếu đến từ hoạt động bán nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 28/1/2015.
HĐQT công ty đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty nông nghiệp quản lý hoạt động chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ dự kiến 2.500 tỷ đồng. Tên công ty dự kiến là CTCP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát. Công ty có lĩnh vực hoạt động là chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và các hoạt động phụ trợ liên quan.
Trong đó, HPG góp 99,999% vốn điều lệ, xấp xỉ con số 2.500 tỷ đồng nói trên.
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tương đối mới mẻ của Hòa Phát. Công ty đã bắt đầu có doanh thu từ lĩnh vực này từ năm 2015 – chủ yếu đến từ hoạt động bán nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát chính thức công bố số tiền khổng lồ mà công ty này quyết định đầu tư vào ngành được cho là nhiều tiềm năng, lắm thử thách này.
Theo kế hoạch, Công ty Nông nghiệp mới thành lập sẽ thực hiện mua lại toàn bộ phần vốn góp của HPG tại các Công ty thực hiện hoạt động chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi gồm: Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát, Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình. Giá chuyển nhượng 1:1.
Doanh nghiệp Việt chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ các FTA
Quan trọng hơn, đa phần các doanh nghiệp FDI chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA.
Phát biểu tại hội thảo “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Trung tâm WTO tổ chức sáng 29/1 tại Hà Nội, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP, sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, qua thực tiễn triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia và các liên minh kinh tế quốc tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tận dụng được 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế.
“Quan trọng hơn, đa phần các doanh nghiệp FDI chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA” – bà Lan nhận định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát huy lợi thế, đồng thời tăng tỷ lệ hưởng lợi từ các FTA, thì chính từng doanh nghiệp cần tăng cường sự chủ động và tích cực nắm vững kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch, chống tham nhũng hay giải quyết tranh chấp.
Các doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về lao động và môi trường, các quy định về mua sắm công và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại.
Với tư cách là một thành viên trong đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Nga - Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định bước đi để nhanh chóng gia nhập thị trường. Tất nhiên, ban đầu doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và không thể tránh khỏi những va chạm.
Song với những nỗ lực giảm chi phí trong sản xuất, giảm chi phí do được đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với diễn biến và tình hình của hội nhập. Sự chủ động sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để thay đổi tình thế và giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp nội địa hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập kinh tế, doanh nghiệp cần luôn nhìn vào lợi thế so sánh của chính mình, thay vì “phát hoảng” trước lợi thế tuyệt đối của đối thủ.
“Bất kỳ ai, ở đâu và lúc nào, sự tự tin và khả năng phát huy lợi thế cá nhân, lợi thế so sánh chính là bước chuẩn để doanh nghiệp vươn lên và giành vị thế trên sân chơi hội nhập, cũng như sẵn sàng cạnh tranh" – ông Thành nhấn mạnh.