tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-08-2017

  • Cập nhật : 07/08/2017

Hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp bảo hiểm đổ vào bất động sản

VAD, một công ty con của PVI, đã mua lại lô đất thuộc khu đô thị Tây Hồ Tây vào trung tuần tháng 6. Báo cáo hợp nhất của PVI cho thấy đã có 1.133 tỷ đồng vốn đi vay từ MBBank được rót vào dự án bất động sản này.

Báo cáo Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017, đầu tư trở lại của các doanh nghiệp bảo hiểm vào nền kinh tế ước đạt 217.592 tỷ đồng, tăng 17,88% so với cùng kỳ năm 2016. Phần lớn các khoản đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi và trái phiếu Chính phủ. Trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 15 năm đến 30 năm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đấu thầu thành công trong 2 quý đầu năm.

Cùng đó, trong quý II vừa qua, một số doanh nghiệp đã khá mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, một lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều trái phiếu kỳ hạn dài 30 năm.

Điển hình như CTCP Phát triển tài sản Việt Nam (VAD), công ty con của Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings, mã PVI-HoSE) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đã mua lại khu đất thuộc khu đô thị Tây Hồ Tây từ Công ty TNHH Phát triển THT, doanh nghiệp 100% vốn Công ty Daewoo E&C Hàn Quốc.

Hợp đồng chuyển nhượng vừa được hai bên ký kết vào trung tuần tháng 6/2017. Dù không rõ giá trị chuyển nhượng nhưng giá trị tài sản dở dang dài hạn trong đó chủ yếu là chi phí liên quan đến dự án này đến ngày 30/6 đã là 1.582 tỷ đồng.

Dự án Khu nhà ở thấp tầng A1TT1 - Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây (Embassy Garden) có tổng diện tích 35.851 m2 dự kiến sẽ gồm 53 lô biệt thự (diện tích 225-400 m2), 77 lô nhà phố kinh doanh (diện tích 120 - 160 m2), mật độ xây dựng trên tổng diện tích đất chỉ 33,59%.

Đây là dự án đầu tiên của VAD, nhắm tới phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp với mục tiêu dự án là xây dựng khu phố kinh doanh ở mặt ngoài và không gian sống “nghỉ dưỡng” tại các biệt thự bên trong. Theo kế hoạch, dự án sẽ bàn giao nhà vào quý III/2018.

Đối với PVI, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp bảo hiểm này tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Trước đó, Tòa nhà PVI được đầu tư xây dựng nhằm mục đích làm trụ sở và cho thuê văn phòng. Đến cuối quý II/2017, giá trị sổ sách của khoản bất động sản đầu tư này sau khi trừ khấu hao là 1.097 tỷ đồng.

Chủ trương bán Tòa nhà trên đã được công ty cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 và trong trung tuần tháng 6 vừa qua, HĐQT đã thông qua chủ trương thành lập công ty kinh doanh Tòa nhà PVI, có thể là một động thái tiến triển mới trong hoạt động thoái vốn.

Nếu hoàn tất bán vốn tại Tòa nhà PVI bên cạnh khoản lợi nhuận khi "chốt lời", PVI còn thu về khoàn tiền lớn có thể bổ sung vốn đầu tư dự án Embassy Garden này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVI, tới cuối quý II, vay và thuê tài chính ngắn dài hạn của doanh nghiệp bảo hiểm này đã tăng lên 1.363 tỷ đồng từ mức 0 trước đó. Trong số này, có tới 1.133 tỷ đồng PVI đi vay MBBank - chi nhánh Thăng Long để phục vụ cho dự án Khu nhà ở thấp tầng A1TT1 - Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Khoản tiền này nằm trong trong hợp đồng tín dụng1.230 tỷ đồng kí kết giữa PVI và MBBank nhằm tài trợ vốn đầu tư xây dựng Dự án. Gốc khoản vay sẽ được trà từ 27/3/2018 đến 26/6/2020. Khoản vay chịu lãi suất thả nổỉ, bằng lãi suất sản phẩm tiết kiệm 12 tháng của MBBank cộng với biên độ lãi suất 2% và được trả hàng quý.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, toàn bộ các quyên, lợi ích gắn liền hoặc phát sinh trong tương lai của Dự án.

Trong khi PVI đầu tư vào khu đất lớn ven hồ Tây, Hà Nội, Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH-HoSE) cũng đang có những động thái mới tại khu đất Trụ sở sát hồ Hoàn Kiếm tại số 8 Lý Thái Tổ.

Cụ thể, theo BCTC quý II, Bảo Việt đã chi ra 241,4 tỷ đồng để mua lại toàn quyền quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của VPBank tại số 8 Lý Thái Tổ. Dù vậy, khoản đầu tư này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản 82.887 tỷ đồng của BVH.

Đáng chú ý, Bảo Việt cũng đã chấm dứt và thanh lý hợp đồng thuê văn phòng tại Tòa nhà trụ sở với Sumimoto từ 8/5/2017. ĐHĐCĐ của Bảo Việt vừa qua cũng đã thông qua việc chuyển trụ sở sang 72 Trần Hưng Đạo. Đến nay, Tập đoàn này vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào liên quan đến kế hoạch đối với khu "đất vàng" số 8 Lý Thái Tổ.

Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI - HoSE) cũng lên kế hoạch bố trí vốn để xây trụ sở tại Hà Nội. Kế hoạch xây trụ sở này nằm trong các nhiệm vụ mà HĐQT đã đề ra giai đoạn 2014-2019 và được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014.

Nguồn vốn tài trợ cho hoạt động đầu tư trên đến từ đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI). Theo đó, hơn 17,74 triệu cổ phần riêng lẻ, tương đương 20% vốn điều lệ cho SFMI với mức giá phát hành 30.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về là 532 tỷ đồng. Số tiền chi cho đầu tư bất động sản là 300 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% số vốn huy động được.

Giá trị đầu tư cho các dự án này chiếm tỷ trọng không quá lớn trong cơ cấu tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Chấp nhận bước ra khỏi vòng an toàn của việc gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào bất động sản dù là cho thuê văn phòng hay nhà ở sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn nhiều nếu thành công. PVI Tower là một minh chứng khi tỷ lệ lấp đây của tòa nhà này luôn ở mức cao, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn thuê như Samsung.

Đối với PVI, Tổng công ty đang có lợi thế trường vốn nhờ thoái vốn khỏi đơn vị bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife trong năm trước và có thể sẽ nhanh chóng bán thành công PVI Tower. Tuy nhiên, bài toán về thị trường sẽ luôn là điều cần cân nhắc nhất là khi phân khúc bất động sản cao cấp vào dự án của PVI nhắm tới vốn kén khách hàng. Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội cũng không thật sự sôi động với không ít tòa nhà vắng bóng khách thuê.(NDH)
----------------------------------------

Bắc Giang phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang Trương Văn Nam cho biết qua đợt thanh tra mới đây tại huyện Hiệp Hòa, đoàn thanh tra của tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương này giai đoạn từ 1/1/2012-31/10/2016.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Giang, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Hiệp Hòa, nhất là việc thực hiện các trình tự, thủ tục trong quá trình cấp giấy chứng nhận công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất được giao trái thẩm quyền theo Quyết định số 191/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang còn nhiều sai sót; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số trường hợp không đủ điều kiện.
 

Công tác quản lý đất công ích ở huyện Hiệp Hòa còn buông lỏng. Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về đất đai ở địa phương này còn hạn chế. Tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất trái thẩm quyền trên địa bàn vẫn diễn ra; cá biệt tại xã Mai Trung có biểu hiện buông lỏng quản lý, không kiểm tra, xử lý đối với người vi phạm.

Đến thời điểm kết thúc thanh tra trực tiếp (tháng 1/2017), toàn huyện Hiệp Hòa còn 2.507 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các hộ gia đình, cá nhân chưa nộp tiền sử dụng đất, với tổng số tiền trên 249 tỷ đồng và chưa nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã xác định trách nhiệm cụ thể đối với những thiếu sót, sai phạm này. Để xảy ra những sai sót, vi phạm (không thực hiện đầy đủ thủ tục) trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 7 xã được thanh tra, trách nhiệm thuộc về Giám đốc và cán bộ, công chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hiệp Hòa năm 2012-2014.

Đối với các sai sót trong việc cấp giấy chứng nhận cho 48 thửa đất tại xã Mai Trung không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào mục đích đất ở, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã phụ trách công tác quản lý đất đai và công chức địa chính xã Mai Trung giai đoạn 2012-2014.

Những vi phạm trong việc không kiểm tra, xử lý kịp thời 8 vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn xã Mai Trung, trách nhiệm trực tiếp thuộc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã phụ trách công tác quản lý đất đai và công chức địa chính xã.

Trách niệm về những sai phạm, thiếu sót đối với một số hộ gia đình đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý làm nhà trên đất nông nghiệp thuộc về Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, công chức địa chính xã Mai Đình và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện…

Theo ông Trương Văn Nam, trước những sai phạm, khuyết điểm này, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã có những kiến nghị, xử lý. Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa có các biện pháp xử lý cụ thể (về kinh tế, đất đai) đối với các nội dung vi phạm; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện phụ trách lĩnh vực đất đai (giai đoạn 2012-2016) nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng thời chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan điều tra để xem xét, làm rõ hành vi bán đất trái thẩm quyền của Ban quản lý một số thôn ở xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng ở Bắc Giang xem xét, giải quyết.(Vietnam+)
-------------------------------

'Khát' nguyên liệu cản trở XK hạt điều

Giá điều đang được ghi nhận ở mức cao kỷ lục và có xu hướng tăng lên, song đáng buồn là khó khăn cố hữu của ngành điều về nguồn nguyên liệu vẫn còn đó. Muốn dừng lặp đi lặp lại “bài ca” phụ thuộc nguồn nguyên liệu NK, đã đến lúc, ngành điều phải nỗ lực hơn nữa.

Nguyên liệu khan hiếm hơn

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, khối lượng XK hạt điều ước đạt 186 nghìn tấn và 1,83 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều XK bình quân nửa đầu năm đạt hơn 9.700 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 36,9%, 15,1% và 12% tổng giá trị XK hạt điều.

 

che bien hat dieu xk. anh: internet

Chế biến hạt điều XK. Ảnh: Internet

Tại thị trường trong nước, hiện nay dù điều kiện thời tiết bất lợi khiến sản lượng, năng suất giảm mạnh nhưng giá thu mua hạt điều lại đang ở mức cao kỷ lục với mức bình quân khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô nhập kho. Tại Bình Phước, giá bán buôn hạt điều nhân loại W240 và W320 đã tăng 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7, lên mức giá hiện là 265.000 đồng/kg và 255.000 đồng/kg.

Đã 11 năm liền Việt Nam đứng đầu thế giới về XK hạt điều. Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) dự kiến, năm nay ngành điều vẫn giữ vững “ngôi vương” với giá trị XK đạt khoảng trên 3 tỷ USD. Mặc dù XK hạt điều ghi nhận những tín hiệu tích cực về giá trị, song điểm đáng lưu ý là, phần lớn nguyên liệu của ngành điều đều phải NK từ nước ngoài. Báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, 7 tháng qua, lượng hạt điều NK đã tăng mạnh tới 58,8% về khối lượng và gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 902 nghìn tấn và 1,73 tỷ USD.

Trên thực tế, nguyên liệu vẫn luôn là “bài toán” của ngành điều trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay tình hình có phần trở nên khó khăn hơn nữa khi thời tiết không thuận lợi, các loại dịch bệnh như sâu róm đỏ, bọ trĩ, bọ xít muỗi… hoành hành, gây thiệt hại đáng kể cho nông dân trồng điều tại nhiều địa phương trên cả nước.

Theo VINACAS, nửa đầu năm nay, các vùng trồng điều nông dân có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, năng suất ước cũng chỉ đạt 50% so với niên vụ năm 2016. Đáng chú ý, có những vườn điều thậm chí còn không có thu hoạch. Tổng sản lượng điều thô cả năm dự kiến ước đạt hơn 252.000 tấn, giảm gần 52.000 tấn so với năm 2016.

Tập trung vào nguồn giống

Với thực trạng hiện tại, VINACAS khuyến cáo, các DN chế biến, XK không nên ký các hợp đồng giao xa khi không có đủ nguồn nguyên liệu trong kho. Điều này nhằm tránh bị động về nguồn hàng cho các DN, đồng thời hạn chế những thua thiệt về giá trong thời gian tới.

Về lâu dài, để ngành điều có thể từng bước chủ động hơn nguồn nguyên liệu, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho rằng: Một trong những điểm quan trọng là ngành điều cần có một bộ giống mới chất lượng tốt, năng suất cao, thu hoạch nhiều lần trong năm. Bộ giống này phải giúp bà con nông dân trồng điều ứng phó được với các loại bệnh trên cây điều cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên quan tới vấn đề này, một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá: Với diện tích trồng điều hiện có, nếu chăm sóc tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, XK điều, hạn chế phụ thuộc NK. Giải pháp là toàn ngành điều, đặc biệt là các DN thu mua cần tăng cường hướng dẫn bà con nông dân thâm canh, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi nhằm cải thiện chất lượng điều; hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật để người dân có điều kiện chăm sóc điều hơn. Ngoài ra, các DN cũng cần đẩy mạnh phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, chọn tạo đưa vào sản xuất các giống điều cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái, có khả năng chống chọi sâu bệnh; đồng thời thúc đẩy liên kết “bốn nhà” (Nhà nước-DN-nhà khoa học-nông dân) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc…

“Câu chuyện” thiếu nguyên liệu chế biến điều đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, XK điều, đặc biệt là về nguồn giống. Được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, ngành điều cũng đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy các nội dung như: DN sản xuất, kinh doanh sẽ đồng hành cùng nhà nông với đề án “ghép cải tạo – thâm canh điều”; chương trình “sản xuất sạch hơn” nhằm cung ứng ra thị trường các dòng sản phẩm chất lượng cao, thông qua việc vận động các DN tái cấu trúc, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO – HACCP – BRC – FSSC 22000 – SA 8000…; gia tăng giá trị kinh tế thông qua đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm…

Thẳng thắn đánh giá, ở thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra dường như đã khá đầy đủ. Điều quan trọng là ngành điều cần nỗ lực, tăng tốc hơn nữa để hiện thực hóa mọi mục tiêu, may ra mới giải được “cơn khát” nguyên liệu trong tương lai gần.

Theo Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt: Năm 2020, diện tích trồng điều cả nước ổn định ở quy mô 300.000 ha; năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. Tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 20%, chế biến dầu từ vỏ hạt điều đạt tỷ lệ 50%.

Đến năm 2030, toàn quốc tiếp tục ổn định diện tích trồng điều, nhưng cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cụ thể, đến 2030, năng suất điều bình quân cả nước đạt 2 tấn/ha; tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 40-50%.

Để đạt mục tiêu, có nhiều biện pháp về khoa học công nghệ được đưa ra, trong đó đặc biệt liên quan tới nguồn giống là: Tổ chức chọn lọc, bình tuyển những cây đầu dòng có đặc tính tốt về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh ở từng vùng để người dân khai thác chồi ghép cải tạo hoặc nhân giống; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống điều mới có đặc tính nổi trội so với các giống hiện có; tạo điều kiện phát triển các cơ sở nhân giống điều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành và quản lý tốt nguồn cây giống cung cấp ra thị trường, đảm bảo người sản xuất được sử dụng giống đúng chất lượng…(Hải Quan)
----------------------

Hiệp hội hồ tiêu cảnh báo "chiêu trò" của thương lái Trung Quốc

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp thận trọng khi thực hiện giao dịch với doanh nghiệp mua bán hạt tiêu của Trung Quốc. Cách "làm giá" tuy không mới nhưng vẫn đang có dấu hiệu được các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), từ cuối tháng 7 đến nay giá Hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường. Cụ thể ngày 28/7/2017 vừa qua giá tiêu xô loại 500 g/l trong buổi sáng đang từ 80.000 đ/kg vụt tăng lên 86.000 đ/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đ/kg. Giá vẫn đang trong tình trạng trồi sụt bất thường.

Hiệp hội cho biết đã có phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên, có bằng chứng cho thấy có một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đang điều khiển thị trường Hồ tiêu của Việt Nam những ngày này.

Theo đó, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm DN Trung Quốc đến DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đặt mua Hồ tiêu. Bất thường ở chỗ DN Việt Nam đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng.

Theo thông lệ thường sau 3 ngày kể từ khi ký HĐ, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ v.v. để trì hoãn thực hiện hợp đồng.

Việc này họ làm với nhiều công ty xuất khẩu tạo tín hiệu thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn.

Cùng thời gian này, vì biết các DN xuất khẩu sẽ phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với họ nên cũng chính nhóm DN Trung Quốc này lập tức toả đi các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua tại địa phương các vùng trồng Hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý (với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó).

Các đại lý này thấy lời tốt nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, DN TQ chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.

Lúc đó vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà XK và nhà XK với họ, họ sẽ bán Hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng do họ đặt ra.

Một số DN XK hiện nay khi điện thoại lại với họ thì tất cả đều “không liên lạc được”.

Cách làm này không mới nhưng đang trở lại gần đây gây nhiều hệ luỵ cho DN xuất khẩu hồ tiêu. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã đưa ra thông báo đề nghị các doanh nghiệp thận trọng khi thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp mua bán hạt tiêu của Trung Quốc.

Các giao dịch này có thể khiến DN vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín, mối làm ăn với các DN nhập khẩu ở các thị trường truyền thống khác do đã ký hợp đồng số lượng khá lớn với DN Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được. Việc tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà XK. Ngoài ra, bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường, DN Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành Hồ tiêu Việt Nam (NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục