Ai hưởng lợi sau “cú ngã” của Euro Auto?; Bắc Giang quy hoạch 18 vùng nông nghiệp công nghệ cao; Thừa Thiên - Huế đầu tư khoảng 8.940 tỷ đồng phát triển thương mại; Đồng hồ Rolex của vua Bảo Đại bán giá kỷ lục 5 triệu USD
Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-05-2017
- Cập nhật : 13/05/2017
Mexico dọa 'xoay trục' xuất khẩu sang Trung Quốc nếu Mỹ bỏ NAFTA
Chính quyền Mexico vừa cảnh báo rằng nếu Tổng thống Donald Trump hủy bỏ Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), nước này sẽ tìm đến thị trường Trung Quốc để thay thế.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico vừa gửi tín hiệu cảnh báo về thương mại tới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump REUTERS
NAFTA đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mexico vì 80% lượng hàng xuất khẩu của nước này đi vào thị trường Mỹ, theo Reuters. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The Economist ngày 11.5, Tổng thống Trump tỏ dấu hiệu ông muốn thâm hụt thương mại Mỹ-Mexico giảm xuống bằng 0. Ông Trump còn muốn đàm phán lại NAFTA để có một hiệp định tốt hơn cho doanh nghiệp và lao động Mỹ, cũng như dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu không đạt được mong muốn này.
Trước tình trạng đó, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo hôm 11.5 cho hay một phái đoàn quan chức sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 9 và nhân cơ hội này để tìm thị trường xuất khẩu thay thế.
Ông Guajardo nói Mexico đã thành công trong việc thuyết phục nền kinh tế thứ 2 thế giới nới lỏng hàng rào thương mại với một số mặt hàng và mong rằng nước này sẽ tiếp tục mở cửa.
Mexico đã nỗ lực thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc trong nhiều năm qua, nhưng việc hủy bỏ một hợp đồng xây đường sắt cao tốc năm 2014 đã khiến quan hệ hai nước xấu đi.
Bộ trưởng Guajardo cho rằng thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Mexico có thể giảm nếu có thêm nhiều sản phẩm Mỹ được sản xuất bằng nguyên liệu trong khu vực mà không làm tổn hại tính cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Guajardo khẳng định việc lập lại hàng rào thuế quan để giảm thâm hụt thương mại là “chuyện không thể” và nhấn mạnh: “Tiền đề để đàm phán NAFTA là chúng ta không thể trở lại quá khứ”.(Thanhnien)
-----------------------------
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận về thịt bò, tài chính
Bộ trưởng Thượng mại Wilbur Ross ngày 12.5 tuyên bố quan hệ Mỹ - Trung đạt tầm cao mới, thể hiện qua thỏa thuận mới ở 10 lĩnh vực kinh doanh song phương.
Trong 10 lĩnh vực hợp tác vừa được công bố, Trung Quốc mở cửa cho thịt bò và khí đốt của Mỹ vào thị trường, và đổi lại sẽ được xuất khẩu thịt gà đã chế biến và mở ngân hàng trên lãnh thổ Mỹ, theo đài CNN.
Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh cho phép nhập khẩu trực tiếp thịt bò Mỹ kể từ năm 2003.
Những thỏa thuận trên đánh dấu bước tiến triển đầu tiên theo kế hoạch hành động 100 ngày đã được Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh tại Florida hồi tháng trước.
Ông Ross cho hay thỏa thuận mới ký kết chỉ là bước khởi đầu của hoạt động trao đổi và hợp tác với Trung Quốc. Thậm chí ông còn khẳng định điều mà hai nước đang hướng tới vượt xa “lịch sử quan hệ thương mại Mỹ - Trung từ trước đến nay”, theo tờ USA Today ngày 11.5.
“Có lẽ phải đến 500 khoản có thể thảo luận trong tương lai, có thể hơn 500”, theo ông Ross vẽ ra viễn cảnh đầy khả quan của hai nước.(TN)
------------------------------
Nhật, New Zealand muốn tiếp tục thực hiện TPP dù không có Mỹ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng sẽ củng cố hợp tác chặt chẽ với New Zealand trong việc làm cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực dù Mỹ không còn tham gia.
Thủ tướng Abe sẽ đề cập vấn đề nói trên khi tiếp người đồng cấp Bill English của New Zealand tại Nhật vào tuần tới, Đài NHK đưa tin ngày 12.5.
Về phần mình, Thủ tướng English cũng biết cuộc hội đàm sắp tới với Thủ tướng Abe sẽ nhằm tăng cường kết nối kinh tế và thương mại song phương, trong đó có TPP.
New Zealand nằm trong số các quốc gia đã ký TPP muốn hiệp định này được tiếp tục thực hiện dù Mỹ không còn tham gia. Hôm 11.5, New Zealand đã trở thành quốc gia thứ hai phê chuẩn TPP, chỉ sau Nhật.
TPP đã được 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Nhật, Mỹ và New Zealand, ký kết vào tháng 2.2016, nhưng đến tháng 1.2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này.
Dự kiến, các bộ trưởng Thương mại từ 11 quốc gia ký kết TPP còn lại sẽ có cuộc họp vào ngày 21.5 tại Việt Nam, bên lề một hội nghị của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, theo NHK.(Thanhnien)
------------------------
Khắc phục tình trạng 'quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá đất
Liên quan đến Kiến nghị thanh tra 60 dự án chuyển đổi “đất vàng” của Bộ Tài chính, ngày 11.5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc Quyết định thay thế Quyết định số 09, Quyết định số 140, Quyết định số 86 để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có “chân gỗ, quân xanh, quân đỏ”. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
HoREA cũng kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có). (TN)