tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-08-2017

  • Cập nhật : 07/08/2017

Vì sao Vietcombank lãi đột biến?

Vietcombank đã vươn lên vị trí dẫn đầu về lợi nhuận ngân hàng khi 6 tháng đầu năm lãi trước thuế đạt 5.254 tỷ đồng, tăng 23%.

Theo thông tin công bố về hoạt động 6 tháng đầu năm, Vietcombank là nhà băng công bố mức lãi lớn nhất hệ thống sau nửa năm hoạt động. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu đạt 5.254 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lãi này bỏ xa hàng trăm tỷ đồng đối với lãi 6 tháng của ngân hàng đứng vị trí thứ hai là VietinBank với 4.813 tỷ đồng, và hơn 1.200 tỷ đồng so với BIDV (khoảng 4.000 tỷ).

Để có được mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều không dễ dàng. Trong đó, lý do nổi bật nhất phải kể đến là tăng trưởng tín dụng của nhà băng này khá cao. 

loi nhuan 6 thang cua vietcombank dat hon 5.200 ty dong. anh: nguyet trieu

Lợi nhuận 6 tháng của Vietcombank đạt hơn 5.200 tỷ đồng. Ảnh: Nguyệt Triều

Tính đến hết ngày 30/6, cho vay tại ngân hàng này tăng gần 14% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ cho vay với khách hàng cá nhân của Vietcombank tăng mạnh tới hơn 24% so với đầu năm. Điều này giúp thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với VnExpress mới đây, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương cho biết, năm nay ngân hàng tăng trưởng bán lẻ rất tốt. Trong đó, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ khá lớn. Đây cũng là trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới bên cạnh công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động ở mảng bán buôn.

Đặc biệt, với địa bàn miền Tây Nam bộ, ông Thắng cho rằng ngân hàng hoạt động rất hiệu quả. Trong đó, riêng chi nhánh Tây Đô (thuộc Cần Thơ), năm 2015 bị tổn thất lớn và trích lập dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng thì năm ngoái và năm nay ngân hàng đã thu hồi được một phần khoản nợ. Đồng thời, năm 2017 này, chi nhánh Tây Đô (nay đổi tên là Tây Cần Thơ) dự kiến sẽ đạt mức lãi cao nhất ở địa bàn Tỉnh Cần Thơ so với tất cả các ngân hàng trên địa bàn.

"Ngoài ra, các khoản nợ xấu ngoại bảng của ngân hàng có chất lượng tốt và được sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan ban ngành như toà án, viện kiểm sát, thi hành án... nên việc thu hồi các khoản nợ xấu rất khả quan và đã đóng góp không nhỏ vào con số lợi nhuận cho Vietcombank", ông Thắng chia sẻ và cho biết, hiện nhà băng đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra, trở thành ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC.

Bên cạnh những yếu tố trên, việc các lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng cao cũng là lý do giúp lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng mạnh. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 24% lên hơn 1.300 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ lên 1.065 tỷ, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 40% lên 254 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 11% lên 908 tỷ đồng.

Song song đó, lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, những năm gần đây, ngân hàng đã triển khai hàng loạt dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng cũng như xây dựng KPI đánh giá hiệu quả hoạt động cho từng cán bộ nhân viên; đưa ra chính sách khen thưởng cũng như kỷ luật rất chặt chẽ... Nhờ đó, hiện nay năng suất lao động của ngân hàng rất cao. Trong đó, có 10 chi nhánh có hiệu suất cao nhất, với mức trung bình năm là 2,5 tỷ đồng lợi nhuận trên một đầu người. 

Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu khả quan từ những con số lợi nhuận, phân tích cơ cấu thu nhập của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có thể thấy rằng phần lớn số lãi vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Và điều này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai vì một khoản nợ xấu thường chỉ phát sinh sau giai đoạn 3-5 năm đầu của khoản vay.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp vay 100 tỷ, năm qua ngân hàng thu lãi 15 tỷ đồng, nhưng do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp xin đáo hạn nợ thành 150 tỷ. Nghĩa là ngân hàng sẽ vẫn hạch toán khoản lãi và số tăng tín dụng vào sổ sách, nhưng thực tế là sau đó có thể do hoạt động khó khăn và khách hàng mất khả năng trả vốn lẫn lãi. Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận hiện nay của các ngân hàng vẫn chưa nói lên được điều gì chắc chắn.

Và nhìn vào bảng báo cáo tài chính của Vietcombank cũng cho thấy, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này đến cuối tháng 6 đã tăng gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 25% so với cuối năm ngoái.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục giảm bớt việc phụ thuộc vào cho vay, tăng tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.(Vnexpress)
------------------------------

Nghề môi giới bất động sản: Lượng đang tăng nhanh hơn chất

Nhiều khách mua bất động sản hiện nay than thở, mỗi khi tỏ ý định quan tâm đến một sản phẩm bất động sản nào đó là họ như bị lạc vào một “ma trận” thông tin hoặc bị làm phiền thường xuyên bởi những cú điện thoại không mong muốn.

nghe moi gioi bat dong san luong dang tang nhanh hon chat

Tuy nhiên, cái tiếng không tốt mà các môi giới bất động sản đang phải chịu cũng đến một phần từ sức ép rất lớn từ xu hướng marketing cho dự án của các chủ đầu tư bất động sản đang thay đổi chóng mặt.

Một môi giới có hơn 5 năm trong nghề cho biết, nhiều chủ đầu tư hiện nay khi chuẩn bị tung ra một dự án thương gọi vài ba nhà môi giới đến họp. Tiếng là họp bàn về kế hoạch giới thiệu sản phẩm ra thị trường, nhưng cũng chẳng khác một buổi “đấu giá” hoa hồng môi giới. Ai đưa ra mức hoa hồng môi giới thấp nhất thường có cơ may được lựa chọn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn có xu hướng giao khoán cả mảng truyền thông về sản phẩm cho các nhà môi giới với kinh phí chẳng dư dả gì.

“Vì doanh thu, các ông chủ sàn nghiến răng nhận mức hoa hồng thấp rồi sau đó về giao cho nhân viên môi giới với chi phí còn thấp hơn. Vậy là để bán hàng, các nhân viên môi giới phải tận dụng đủ mọi kênh, từ mạng xã hội đến gọi điện trực tiếp cho các khách hàng quan tâm với cường độ dày đặc”, nhân viên môi giới này cho biết.

Chưa kể, hiện nay nhiều chủ đầu tư tận dụng mạng xã hội như một kênh tiếp cận khách hàng chính yếu. Mà với đặc thù của kênh này, ai cũng có thể đưa thông tin một cách thiếu kiểm chứng về các sản phẩm bất động sản lên mạng. Như trường hợp một dự án bất động sản vừa ra mắt ở Hà Nội sử dụng các “hot facebooker” để quảng bá dự án. Xu hướng này vô hình trung tạo ra một “ma trận thông tin” khiến người quan tâm đến dự án không biết đâu mà lần.

Trước thực trạng này và chiều hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam, môi giới được xem là nghề có vai trò quan trọng trong chuỗi mắt xích hàng hóa bất động sản bởi là người tiếp xúc, tư vấn trực tiếp cho khách hàng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, với một thị trường bất động sản còn khá trẻ như Việt Nam, vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới đang ngày càng thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng này cần phải được kiểm soát về chất lượng, nhất là khi số lượng đang gia tăng quá nhanh như hiện nay.

Cùng quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho biết, phát triển hoạt động và đội ngũ những người hành nghề môi giới bất động sản theo hướng chuyên nghiệp, lành mạnh là một trong những yếu tố then chốt để minh bạch hóa thị trường, đảm bảo thị trường đi đúng hướng, phát triển ổn định.

Tuy nhiên, lực lượng môi giới hiện nay chưa được đào tạo bài bản. Có chăng cũng chỉ có những buổi thuyết trình mang với tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” gần đây của một số chuyên gia bất động sản.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, chế tài đủ mạnh, để quản lý hoạt động của môi giới cũng như bảo vệ lợi ích của người hành nghề. Chính điều này khiến cho người làm nghề môi giới bất động sản dễ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt, chạy theo cách làm chộp giật, “ăn xổi”, không có mục tiêu và định hướng phát triển lâu dài gây ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản.

Mặt khác, các thông tin về thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa được rõ ràng, minh bạch về những quy tắc hay quy định về đạo đức hành nghề hoặc thiếu cụ thể... dẫn đến sự cạnh tranh méo mó, không lành mạnh giữa các nhà môi giới với nhau.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định người muốn hành nghề môi giới bất động sản phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chỉ dựa vào Thông tư số 11 chưa đủ cơ sở tạo lập một đội ngũ môi giới chuyên nghiệp.

Bởi, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cũng như bằng lái xe.

Có bằng không đồng nghĩa với việc lái tốt và tuân thủ giao thông. Vì vậy, để nghề môi giới thực sự là cầu nối an toàn của chủ đầu tư đến khách hàng và ngược lại thì rất cần một chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm trong hành nghề.(ĐTBĐS)
------------------------

'Chiều ông lớn', Bộ Công Thương cho Panasonic nhập 5.000 tấn tôn miễn thuế

Mặc dù 3 loại tôn mạ màu nhập khẩu đang bị Việt Nam áp dụng các biện pháp tự vệ (đánh thuế và có hạn ngạch - quota) song mới đây Bộ Công Thương quyết định cho phép Panasonic Việt Nam được nhập khẩu hơn 5.000 tấn tôn mạ màu mà không bị áp dụng biện pháp tự vệ nói trên.

Cụ thể, theo Quyết định của Bộ Công Thương, ba loại tôn mạ mày là PCM, VCM và PEM, có mã hải quan HS là 7210.70.10 và 7212.40.20 cho Công ty TNHH Panasonic Việt Nam nhập khẩu không áp dụng biện pháp thuế tự vệ. Số lượng 5.000 tấn trong năm 2017.

panasonic viet nam duoc bo cong thuong uu ai nhap ton ma mau khong chiu thue va han ngach nhap khau (anh minh hoa).

Panasonic Việt Nam được Bộ Công Thương ưu ái nhập tôn mạ màu không chịu thuế và hạn ngạch nhập khẩu (ảnh minh hoạ).

 

Đáng nói, 3 loại tôn mạ màu mà Panasonic Việt Nam nhập khẩu được miễn thuế tự vệ lần này đã bị chính Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ vào cuối tháng 5/2017.

Không những thế, theo quyết định của Bộ Công Thương, trường hợp Panasonic Việt Nam đã nộp thuế tự vệ khi nhập khẩu tôn mạ màu này trước đó, Bộ sẽ hoàn lại tiền cho DN.

Theo Bộ Công Thương, điều kiện để Panasonic Việt Nam được miễn trừ áp dụng biện pháp thuế tự vệ và hoàn thuế đã nộp là: Ba mặt hàng nhập khẩu trên không là hợp kim cán phẳng, phủ Plastic, sơn polymer dùng để sản xuất tủ lạnh và máy giặt. Hàng phải được nhập khẩu năm 2017 và do Panasonic trực tiếp nhập hoặc uỷ thác nhập khẩu.

Trước đó, ngày 31/5/2017, Bộ Công Thương ra Quyết định số 1931 về Áp dụng biện pháp tự vệ đối với lượng lớn tôn thép mạ màu nhập khẩu từ 3 thị trường là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, do lợi dụng thuế quan ưu đãi của Việt Nam nên lượng lớn tôn mạ màu chia thành 8 mã hàng nhập khẩu đã ồ ạt nhập về Việt Nam với giá rẻ. Điều này khiến ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước, gây xáo trộn thị trường và đặc biệt các DN Việt Nam đã phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường, đề nghị Bộ Công Thương điều tra áp dụng thuế tự vệ.

Bộ Công Thương khẳng định, lượng nhập tôn mạ màu về Việt Nam từ năm 2013 - 2016 tăng liên tục, năm 2016 đạt hơn 590.685 tấn, tăng gần 71% so với năm liền kề 2015. Việc nhập khẩu ồ ạt làm suy giảm và thiệt hại nặng cho ngành sản xuất tôn thép trong nước.

Xác định được lượng tôn thép giá rẻ, được trợ cấp, nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam nên Bộ Công Thương ban hành quyết định: Áp thuế tự vệ và nhập khẩu có hạn ngạch (quota) với ba thị trường nói trên.

Cụ thể, trong 3 năm, hạn ngạch nhập khẩu ưu đãi dành cho tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc về Việt Nam vào khoảng 1,1 triệu tấn; tôn thép mạ màu Hàn Quốc là hơn 114.000 tấn và tôn mạ màu từ Đài Loan là hơn 28.000 tấn (chia đều tương ứng theo các năm).

Trường hợp nhập quá hạn ngạch nói trên, tôn mạ màu ba nước cùng một số nước khác sẽ phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 19% theo quy định.

Được biết, biện pháp áp dụng thuế hạn ngạch nhập khẩu tôn thép mạ màu trên là 3 năm, kể từ tháng 6/2017 đến hết tháng 6/2020.

Cũng vào thời điểm cuối tháng 7/2017, Bộ Công Thương ra quyết định cho 9 công ty khác được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối khi nhập tôn mạ màu. Số lượng nhập khẩu là hơn 30.100 tấn, trong đó có LG Electronics Việt Nam nhiều nhất 12.000 tấn, công ty con của Tập đoàn Hoà Phát, công ty con của Tập đoàn Samsung tại TP.HCM....

Như vậy, tổng số lượng tôn mạ màu được Bộ Công Thương miễn trừ áp dụng các biện pháp tự vệ (như thuế 19%, hạn chế bằng hạn ngạch) là hơn 35.100 tấn. (Dantri)
---------------------

Kinh tế Mỹ ghi nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực trong tháng 6

Tháng Sáu vừa qua ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong thâm hụt thương mại của Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua, một tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục đà cải thiện.

Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 4/8 cho thấy cho biết thâm hụt thương mại trong tháng Sáu đã giảm 5,9% xuống còn gần 44 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Con số này thấp hơn so với mức dự báo của các chuyên gia kinh tế là 45 tỷ USD. Sự sụt giảm này phần lớn nhờ vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực tế tăng vọt và chạm mốc cao nhất mọi thời đại gần 127 tỷ USD trong cùng tháng.

Trong tháng Sáu vừa qua, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ cũng tăng 1,2% lên mức hơn 194 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014, chủ yếu nhờ vào việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm và phương tiện chạy bằng động cơ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,2% xuống còn 238 tỷ USD.

Tháng này cũng ghi nhận mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm hơn 3% xuống còn gần 33 tỷ USD, khi lượng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc giảm 4,7%, trong khi lượng nhập khẩu tăng hơn 1%.
 


Trước đó, Nhà Trắng đã nhiều lần gọi thâm hụt thương mại là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đồng thời cam kết sẽ có các hành động mạnh tay để thu hẹp khoảng cách giữa xuất-nhập khẩu, bao gồm đàm phán lại hoặc rút hoàn toàn khỏi các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố báo cáo cho thấy trong tháng Bảy vừa qua, nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục tạo thêm được nhiều việc làm mới, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, trong tháng qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 209.000 việc làm, cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích. Lĩnh vực nhà hàng đóng góp thêm 53.000 việc làm mới, trong khi con số này của mảng dịch vụ chăm sóc y tế là 30.000 vị trí mới. Số công việc mới gia tăng đã giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3%.

Những số liệu khả quan trên được xem là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ tin tưởng vào sự cải thiện của nền kinh tế đầu tàu thế giới ngay khi báo cáo của Bộ Lao động được công bố.

Khi nhậm chức tổng thống, ông từng cam kết sẽ mang lại hàng triệu việc làm mới cho nước này trong thập niên tới, giúp nền kinh tế tăng trưởng 4%/năm (Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục