Fed quan ngại về triển vọng niềm tin kinh doanh và đầu tư tại Mỹ; Vietcombank lại tăng phí rút tiền ATM từ 15-7; Dệt may Việt Nam nhiều cơ hội mở rộng thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh 08-07-2018
- Cập nhật : 08/07/2018
Tôm tạm thời bị cấm xuất khẩu sang Kuwait
Kuwait tạm ngừng không thông quan một số sản phẩm tôm có nguồn gốc từ Việt Nam do xuất hiện bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn nguồn tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Kuwait sẽ tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm có xuất xứ từ Việt Nam.
Cụ thể, ngày 5/62018 Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait có Công điện số 071/ĐSQ thông báo về việc Bộ Công Thương Kuwait ban hành quyết định tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam do xuất hiện virus bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm.
Theo đánh giá sơ bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait, nhiều khả năng Bộ Công Thương Kuwait ban hành Quyết định này dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dựa trên quyết định tương tự của Saudi tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm của Việt Nam năm 2016 và toàn bộ thủy sản của Việt Nam cuối tháng 1/2018. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng chất lượng sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait phát sinh virus như phía bạn đề cập.
Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Kuwait (bao gồm cả tôm các loại) chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng xuất khẩu toàn ngành, tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam thời gian qua liên tục đối mặt với truyền thông bất lợi về chất lượng thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó Saudi (là một nước lớn có tiếng nói trong khu vực vùng Vịnh) cũng đang đơn phương tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ thủy sản của Việt Nam, động thái nêu trên của Kuwait sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường này.(CafeF)
------------------------
Thủy sản “nhắm” 10 tỷ USD, không dễ!
Qua nửa chặng đường, xuất khẩu (XK) thủy sản dù tăng trưởng khá tốt song mới đạt trên 40% kế hoạch năm. Bởi vậy, ngành thủy sản nhận định để đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD trong cả năm 2018 không phải đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực lớn.
Tăng 12,9%
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Nửa đầu năm, kim ngạch XK thủy sản ước đạt trên 4 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. So với chỉ tiêu kế hoạch XK cả năm, kim ngạch XK thủy sản đạt 40,3%.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay: Nửa đầu năm, công tác quản lý tàu cá, nghề nghiệp ngày được tăng cường, nâng cao. Bằng chứng là số lượng tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động thủy sản đạt tỷ lệ cao hơn so với các năm trước; quản lý thông tin về hoạt động của tàu cá trên biển đã có bước tiến bộ đáng kể. Bên cạnh đó, công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại các địa phương đã dần đi vào ổn định. Số lượng các lỗi cảnh báo của cơ quan thẩm quyền châu Âu đã giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, điểm đáng ghi nhận là, trong nuôi trồng thủy sản không để xảy ra dịch bệnh, vật tư đầu vào, chất lượng con giống được kiểm soát; kết quả sản xuất các đối tượng chủ lực tiếp tục theo định hướng tái cơ cấu, có hiệu quả hơn, sản lượng tôm nước lợ và cá tra đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Còn trong khai thác hải sản, tiếp tục bảo đảm an toàn đối với người và tàu cá, chất lượng hải sản khai thác (đặc biệt là cá ngừ) được cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Ông Luân thông tin thêm, trên cơ sở những gì đã đạt được, nửa cuối năm, Tổng cục Thủy sản tập trung đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ngành với các con số cụ thể như: Tổng sản lượng thủy sản là trên 3,9 triệu tấn và kim ngạch XK gần 6 triệu USD. Tổng cục Thủy sản cũng xác định sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khắc phục “thẻ vàng” IUU; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm quy định IUU; ngăn chặn các tàu khai thác vùng biển các nước…
Đánh giá cao những kết quả mà ngành thủy sản đạt được trong nửa đầu năm, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phân tích: “Với XK thủy sản nói chung, nửa đầu năm đạt 4 tỷ USD là đáng mừng nhưng so với chỉ tiêu 10 tỷ USD mà Bộ trưởng đặt ra cho ngành thủy sản, nhiệm vụ còn rất nặng nề, còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như với tôm-mặt hàng tác động chủ yếu tới kim ngạch XK thủy sản. Trong sản xuất, nuôi trồng tôm, nửa đầu năm sản lượng mới đạt 258 nghìn tấn/743 nghìn tấn đặt ra cho cả năm. Điều này không đặt ra quá nhiều lo lắng bởi kinh nghiệm cho thấy, có những năm nửa đầu năm sản lượng tôm chỉ đạt 190 nghìn tấn, song cả năm vẫn đạt sản lượng đề ra. Nhưng đây cũng là điểm phải cố gắng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Nâng năng suất, giảm giá thành
Là người nhiều năm gắn bó với công tác chỉ đạo, điều hành ngành thủy sản, Thứ trưởng Vũ Văn Tám phân tích: Có hai nhóm giải pháp cần tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất, nhóm giải pháp tập trung nâng cao năng suất, giảm giá thành, đảm bảo không sử dụng hóa chất, kháng sinh để sản phẩm tôm, cá tra có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường XK. Với tôm, quan trọng nhất là phải đồng thời “đi bằng hai chân”. Tập trung vào những phương thức nuôi tôm thâm canh, công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hiện nay đã có nhiều mô hình làm tốt, cần nhân rộng lên. Ngoài ra, cần phát triển, nhân rộng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái. Hướng này gắn với tôm sú, là mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt nguồn tôm giống. “Với cá tra, ngoài kiểm soát tốt chất lượng con giống, điểm mấu chốt là quản lý tốt thị trường tiêu thụ, XK, nhất là XK tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Nhóm giải pháp quan trọng thứ hai được Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề cập tới là tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Thời gian tới sẽ làm quyết liệt vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua. Trong luật có tiếp thu các kiến nghị từ EC và các tư tưởng mới. Thời gian sau khi công bố luật, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều biện pháp để xây dựng văn bản dưới luật, đề nghị nửa cuối năm Tổng cục Thủy sản phải tập trung hơn, trước tháng 8 phải hoàn thiện để trình Bộ NN&PTNT, trình Chính phủ ban hành với chất lượng cao. “Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp tốt với các địa phương trong tập huấn, triển khai Luật Thủy sản”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo.
Đứng từ góc độ Tổng cục Thủy sản, để đảm bảo các mục tiêu đặt ra trong cả năm nay, đặc biệt là mục tiêu XK thủy sản đạt 10 tỷ USD, đơn vị này kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ động nắm thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại để ổn định cho XK thủy sản và thường xuyên thông tin cho Tổng cục Thủy sản để chỉ đạo sản xuất sát với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y tăng cường kiểm soát và cảnh báo sớm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nửa cuối năm; tham mưu cho Bộ về phương án tổ chức lại công tác kiểm soát nguyên liệu thủy sản NK để đảm bảo quá trình kiểm soát nguyên liệu thủy sản NK sử dụng cho các lô hàng XK đi châu Âu được thực thi bởi cơ quan có đủ năng lực và có hệ thống quản lý phù hợp.
Ông Luân cho biết thêm, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương đầu tư triển khai thực hiện dự án Thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2 (khoảng 125 tỷ đồng) từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ và đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đầu tư nâng cấp một số cảng cá loại I nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của EC trong việc giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc và quản lý khai thác.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): XK thủy sản thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày một cao, nhất là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị... Từ ngày 1/7, Trung Quốc chính thức giảm thuế NK từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt, thuế NK philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7% sẽ tạo cơ hội để DN XK của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, XK thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm. Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này. (Baohaiquan)
------------------------
Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông, Châu Phi còn quá nhiều rào cản
Một trong các khó khăn là các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi chưa thiết lập quan hệ đại lý nên dẫn đến việc doanh nghiệp khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển tiền, làm phát sinh chi phí do phải thông qua ngân hàng quốc tế.
Sáng ngày 5/7, tại buổi Hội thảo Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi do Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông - Châu Phi đã có nhiều khởi sắc.
"Trung Đông - Châu Phi đang là vùng đất đầy tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam. Đây cũng là một trong những hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường truyền thống ngày một bão hòa", ông Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đầy triển vọng trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Đông - Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao). Việc thanh toán còn được thực hiện bằng TTR, đặt cọc 10% số còn lại trả nốt khi có chứng từ. Đây là phương thức thanh toán không an toàn nên hầu hết không được các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chấp thuận.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi chưa thiết lập quan hệ đại lý nên dẫn đến việc doanh nghiệp khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển tiền, làm phát sinh chi phí do phải thông qua ngân hàng quốc tế. Đối với một số nước Trung Đông cũng có khó khăn trong khâu thanh toán, ví dụ như Iran, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mới.
Doanh nghiệp hai bên thường xuyên thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau. Hiện tại, Việt Nam chỉ có 9 Đại sứ quán và 5 Thương vụ tại châu Phi nên khả năng giới thiệu, thẩm tra đối tác, xin visa... nhất là ở những nước khác gặp nhiều khó khăn. Do đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam thường chọn xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.
Đối với vấn đề SPS, hiện nay các nước ngày càng chú trọng đến vấn đề SPS, tiêu biểu như vụ việc Saudi vào tháng 01/2018 đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam do nhiễm dịch bệnh; Kuwait vào tháng 05/2018 thông báo tạm ngừng thông quan một số mặt hàng tôm tươi, làm lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý có xuất xứ từ Việt Nam do nhiễm dịch bệnh. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hơn nữa chất lượng từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến để đáp ứng được yêu cầu từ phía nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.
Khu vực Trung Đông - Châu Phi chủ yếu nhập khẩu gạo đồ, gạo trắng chất lượng cao và gạo basmati, gạo Việt Nam nhìn chung có chất lượng thấp, chưa có thương hiệu dẫn đến giá xuất khẩu cũng thấp hơn gạo của Thái Lan. Việc chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thương hiệu đã làm giảm đáng kể giá trị và uy tín của gạo Việt Nam.
Mặt khác, phương thức xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa đáp ứng được tập quán tiêu dùng của các nước Trung Đông về đóng gói, phân phối, thị hiếu, tiêu chuẩn Halal và chất lượng gạo theo yêu cầu người dân.
Trước những khó khăn và thách thức cho xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Đông - Châu Phi, ông Hưng đã đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản của các doanh nghiệp.
Tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp/UBLCP giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - Châu Phi. Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, đi khảo sát các thị trường, tìm kiếm đối tác ở thị trường Trung Đông - Châu Phi; đầu tư quảng bá thương hiệu nông, thủy sản của Việt Nam tại các nước trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp chú trọng vấn đề thương hiệu và tương quan chất lượng, giá cả.
Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế hợp tác giữa Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các Thương vụ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - Châu Phi.
Cuối cùng, thông tin có vai trò to lớn trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư. "Thực tế là hiện nay thông tin hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi còn những hạn chế nhất định. Do đó, Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi cần quan tâm phát triển công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường", ông Hưng kết luận.(CafeF)
---------------------------
Hàng tiêu dùng tăng giá
Sau thời gian dài ổn định, 3 tháng gần đây giá gas đã tăng liên tục (tính từ đầu tháng 5) với mức tăng tổng cộng 29.000 đồng/bình 12 kg, đưa giá gas lên 346.000-365.000 đồng/bình 12 kg (tùy thương hiệu). Theo sau gas, các mặt hàng phục vụ cho bữa ăn hằng ngày như: gạo, trứng, thịt… lần lượt nhích lên và đứng ở mức cao.
Giá cao nên khó bán hàng
Là người đi chợ cho gia đình, chị Trần Thị Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) bắt đầu cảm thấy áp lực trong tính toán tiền chợ mỗi ngày. "Lâu nay, nhà tôi mua gạo lúa mùa với giá 27.000 đồng/kg, cách đây 2 tháng cửa hàng tăng lên 28.000 đồng/kg và giữ giá đến nay. Trứng gà công nghiệp trước đây siêu thị bán 23.000 đồng/chục, nay tôi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà đến 28.000 đồng/chục. Tuần trước, tôi ghé cửa hàng Satra Food (đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận), thấy ghi giá trứng gà 24.000 đồng/chục nhưng kệ trống không…" - chị Hoa kể.
Nhiều mặt hàng thực phẩm bán tại siêu thị đang có giá rẻ hơn ở chợ Ảnh: TẤN THẠNH
Ghi nhận ngày 4-7 tại chợ Xóm Củi (quận 8, TP HCM), trứng gà công nghiệp 28.000-30.000 đồng/chục, trứng vịt loại lớn 40.000 đồng/chục, tăng khoảng 2.000 đồng/chục so với 2 tuần trước. Giá thịt heo đứng ở mức cao: sườn non 130.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg, thịt đùi và giò heo 80.000 đồng/kg, xương 75.000 đồng/kg. Bà Phạm Thị Mai, chủ một sạp thịt ở chợ Xóm Củi, cho biết có lúc mua thịt heo sỉ giá tăng 23.000 đồng/kg nhưng bán lẻ chỉ tăng 10.000-15.000 đồng/kg, nếu tăng nhiều rất khó bán.
Diễn biến tăng giá đã lan sang các mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả, sữa bột, sữa nước và nhóm mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh gia đình với mức tăng ít nhất 5% - 10% so với trước. Anh Trần Văn Được, chủ tiệm tạp hóa Bi Na (đường Tạ Quang Bửu, quận 8), cho biết các nhà cung cấp vừa có đợt tăng giá hóa mỹ phẩm 2.000-4.000 đồng/sản phẩm. Mức tăng này chưa ảnh hưởng đến sức mua, một phần nhờ cửa hàng linh hoạt giữ nguyên giá cũ, giảm lãi đối với những mặt hàng nhà cung cấp tăng giá thấp.
Áp lực kép
Chủ các trại chăn nuôi gia cầm cho hay giá trứng, thịt gà công nghiệp tại trại đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Mặt hàng tăng nóng nhất là thịt heo khi giá heo hơi tăng liên tục từ tháng 3 và đang đứng ở mức cao (44.000-47.000 đồng/kg). Từ cuối tháng 4 đến nay, các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường đã 3 lần tăng giá do giá nguyên liệu tăng. Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, giá thức ăn chăn nuôi tăng do tác động kép từ giá nguyên liệu tăng và tỉ giá USD/VNĐ tăng làm đội giá thành.
Ông Phan Tư Nhuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sông Xanh - chuyên cung ứng rau củ quả cho các bếp ăn tập thể và siêu thị, cho biết lợi nhuận công ty đã giảm mạnh trong các tháng đầu năm nay. "Chi phí đầu vào đang tăng rất mạnh nhưng giá đầu ra giữ nguyên và khó có khả năng tăng trong thời gian tới khiến hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Chúng tôi đã gửi email đề nghị siêu thị tăng giá nhưng phải chờ xét duyệt rất lâu và ít hy vọng sẽ được duyệt do tăng giá thường kèm với việc giảm sức mua. Trước mắt, công ty ngưng cung cấp các mặt hàng đưa vào siêu thị với giá cũ mà lỗ nặng chờ giá thị trường ổn định. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng phát triển sản phẩm mới để tăng lưu chuyển hàng hóa, tăng doanh thu" - ông Nhuận bày tỏ.
Một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM xác nhận có tình trạng tăng giá một số mặt hàng. Sắp tới, nhiều khả năng sẽ có đợt tăng giá các mặt hàng nhập khẩu hoặc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu do ảnh hưởng của tỉ giá tăng. Tuy nhiên, hiện sức mua rất thấp nên cả nhà sản xuất - kinh doanh lẫn phân phối bán lẻ đều rất cân nhắc trước quyết định tăng giá. Ông Vũ Thanh Tân, phụ trách truyền thông Big C, cho biết Big C đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp song với tiêu chí "làm cuộc sống khách hàng dễ dàng hơn", Big C sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện chính sách "giá luôn thấp" cùng các hoạt động tiếp thị thích hợp. (NLĐ)