tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-07-2018

  • Cập nhật : 09/07/2018

Fed quan ngại về triển vọng niềm tin kinh doanh và đầu tư tại Mỹ

Các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 5/7 cảnh báo các rủi ro và bất ổn bắt nguồn từ các mức thuế và chính sách thương mại có thể làm xói mòn niềm tin kinh doanh mạnh và đầu tư.

Trụ sở Fed tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội). 

Fed trong biên bản cuộc họp chính sách ngày 12-13/6 công bố ngay trước thời điểm Mỹ áp đặt các mức thuế lớn vào hàng chục tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chỉ ra các lo ngại gia tăng trong kinh doanh về các chính sách thương mại trong và ngoài nước, cũng như giá tăng đối với các hàng hóa như thép và nhôm.

Với những mức thuế hiện tại Mỹ áp đặt đối với thép, nhôm và các sản phẩm khác, hiện xuất hiện các dấu hiệu mới về lo ngại trong triển vọng của Fed khi ngân hàng này đang nỗ lực giữ nền kinh tế tăng trưởng mà không đẩy lạm phát lên quá cao. 

Trung Quốc khẳng định sẽ đáp trả Mỹ qua việc áp đặt các mức thuế đối với hàng hóa Mỹ. Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico cũng đang đưa ra các biện pháp để đáp trả lập trường thương mại của Tổng thống Trump. 

Biên bản cuộc họp của Fed có đoạn viết: “Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed lưu ý rằng bất ổn và các nguy cơ liên quan đến chính sách thương mại đã gia tăng và lo ngại những bất ổn và rủi ro như vậy cuối cùng có thể tác động tiêu cực đến niềm tin kinh doanh và chi tiêu đầu tư.” 

Đến nay, các công ty trên khắp nước Mỹ đã báo cáo với Fed rằng một số trong số họ đã nhận thấy ảnh hưởng. Bên cạnh việc giá cả gia tăng, các kế hoạch chi tiêu đã bị “thu hẹp hoặc trì hoãn do bất ổn về chính sách thương mại”. Những công ty này cảnh báo về nguy cơ xảy ra thêm “các ảnh hưởng bất lợi về hoạt động đầu tư trong tương lai”. 

Tuy nhiên, báo cáo của Fed cũng lưu ý nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng và giá dầu mỏ vẫn tăng, trong khi lạm phát đã đạt được mục tiêu 2% mà Fed đề ra dù vẫn cần thời gian để đảm bảo tỷ lệ này sẽ duy trì ổn định.(bnews)
-----------------------------

Vietcombank lại tăng phí rút tiền ATM từ 15-7

Từ ngày 15-7, Vietcombank sẽ chính thức áp dụng biểu phí dịch vụ thẻ mới trong đó tăng phí rút tiền ATM nội mạng lên 1.650 đồng/lần, tăng 500 đồng/lần so với trước đó.

Theo thông báo của Vietcombank về việc áp dụng biểu phí thẻ mới, có hiệu lực từ 15-7, ngân hàng này sẽ chính thức tăng phí rút tiền nội mạng ATM lên 1.650 đồng/lần. Phí chuyển khoản liên ngân hàng trên ATM là 3.300 đồng/giao dịch.

Riêng mức phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ Vietcombank tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/lần nhưng hiện tại; phí chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng 5.500 đồng/lần trên máy ATM...

Trước đó, Vietcombank đã từng có thông báo tăng phí rút tiền nội mạng trên máy ATM từ đầu tháng 5 nhưng sau đó đã tạm ngừng áp dụng biểu phí mới. Hai tháng sau khi tạm ngừng, Vietcombank sẽ chính thức tăng loại phí dịch vụ này.

Tính đến nay, đã có 3 "ông lớn" ngân hàng là Vietcombank, Agribank, Vietcombank áp dụng mức phí rút tiền nội mạng trên máy ATM là 1.650 đồng/lần.

Số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng các loại, trong đó khoảng 70 triệu thẻ ATM. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước có lượng thẻ ATM chiếm tỉ trọng khá lớn, nên việc điều chỉnh phí dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.

Cùng với phí rút tiền nội mạng, trong vòng vài tháng qua, các ngân hàng cũng tăng nhiều loại phí dịch vụ khác như phí chuyển khoản liên ngân hàng, phí SMS Banking, Mobile Banking hoặc áp dụng thêm một số biểu phí mới như phí quản lý tài khoản...

Trong ngày 8-7, nhiều chủ thẻ ATM của Vietcombank liên tục nhận được thông báo trừ phí dịch vụ như SMS Banking, Internet Banking tháng 6-2018. Đại diện Vietcombank cho biết do hệ thống của nhà mạng cung cấp dịch vụ bị lỗi dẫn đến việc một số khách hàng bị nhận tin nhắn thông báo từ ngân hàng nhiều lần với cùng một nội dung, đặc biệt là các tin nhắn thu phí dịch vụ đã nhận vào ngày 7-7.

Vietcombank khẳng định các giao dịch phát sinh trên tài khoản của khách hàng vẫn được xử lý 1 lần duy nhất và không xảy ra hiện tượng trùng lặp như nội dung tin nhắn phản ánh. Ngân hàng này cho biết đang làm việc với nhà mạng để tránh xảy ra sự việc tương tự.(NLĐ)
------------------------

Dệt may Việt Nam nhiều cơ hội mở rộng thị trường

Ngành dệt may Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc và vươn lên là một trong năm nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Sản xuất các đơn hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn ngành đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. 

Theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc "từ sợi trở đi”. 

Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.

Khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ... 

Về tình hình sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm 2018, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017 và tình hình kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định về vĩ mô, ngành dệt may có những kết quả tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 6 tháng đầu năm đạt 16 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm trước. 

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 274,6 triệu m2, tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 525,9 triệu m2, tăng 22,1%; quần áo mặc thường ước đạt 2.305,5 triệu cái, tăng 10,4% so với cùng kỳ. 

Về thị trường xuất khẩu, những thị trường trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU; đặc biệt Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là áo thun, áo jacket, áo sơ mi... 

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Phong Phú đánh giá, tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đều đạt được theo kế hoạch đặt ra, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt 1.749 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 149 tỷ đồng, góp phần giải tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 4.000 người lao động.

Các mặt hàng xuất khẩu của công ty như: sợi, bông, vải denim, may mặc vẫn giữ ổn định tại các thị trường như: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Thái Lan, Ấn Độ… Riêng về mặt hàng sợi, Phong Phú đã chiếm lĩnh được tại thị trường Nhật Bản và được phía bạn tin tưởng và đánh giá cao. 

Tuy nhiên, theo Ông Vũ Đức Giang, các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo, toàn ngành vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 - 2%, thậm chí là không thay đổi. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu. 

Một số khó khăn nữa mà toàn ngành dệt may đang gặp khó khăn đó là EU vẫn đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar… Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ, 9,6% vào thị trường EU. 

Để giúp các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có tiềm năng, ông Vũ Đức Giang cho biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh. Đặc biệt, để tận dụng được cơ hội khi Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam – EU có hiệu lực. 

Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp ngành dệt may thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng. 

Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất.

Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa. 

Tiếp đà tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành dệt may đang tập trung đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh những thị trường xuất khẩu dệt may chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tập trung khai thác các thị trường còn dư địa tăng trưởng như Trung Quốc, Asean.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục