Nhiều sai phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai tại Phú Quốc; Chính sách tiền tệ vào giai đoạn quyết liệt; Bất động sản lộ diện nhiều dấu hiệu giảm tốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-07-2018
- Cập nhật : 08/07/2018
TS. Nguyễn Đức Thành: Việt Nam nằm trong vòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh trước diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh hơn với hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong tháng 6 năm nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã có tháng giảm mạnh kỷ lục so với đồng Đô la Mỹ với 14 ngày giảm liên tiếp. Việc đồng nhân dân tệ giảm giá có tác động như thế nào đến tổng thể nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
Diễn biến tỷ giá USD và Nhân dân tệ trong một tháng trở lại đây. Nguồn: Bloomberg
Dưới đây là những nhận định của PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về việc tác động của của sự giảm giá đồng Nhân dân tệ suy yếu đến nền kinh tế Việt Nam trong bản tin Dòng chảy của tiền trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, phát sóng trưa 5/7.
Đâu là nguyên nhân chính?
TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ: “Nguyên nhân bắt nguồn từ cả hai phía Mĩ và Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ liên tục tăng lãi suất, bởi vì nền kinh tế Mỹ rất là ổn định, vì thế làm đồng USD tăng giá. Đồng thời cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thì Trung Quốc rất lo ngại điều này vì nền kinh tế sẽ bị suy giảm, vì thế chủ động mở rộng tiền tệ, vì thế làm cho suy yếu đồng tiền của mình.
So với đồng USD thì đồng Nhân dân tệ giảm rất mạnh. Trong khi đó ở Việt Nam neo vào đồng USD, nên chúng ta thấy Nhân dân tệ cũng giảm ở Việt Nam”.
Hàng hóa Trung Quốc sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành, đồng Nhân dân tệ giảm giá nhanh và mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại Việt – Trung, trong đó mặt hàng nào của Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ nhập vào ồ ạt, nhiều hơn nữa và dễ dàng hơn nữa. Hàng chúng ta đang xuất khẩu sang Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc trở thành một trong những nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam, các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn chút. Đồng thời, hành Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam nhiều hơn, thì cạnh tranh trên thị trường sẽ rõ ràng hơn. Tóm lại, việc này làm nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn hơn.
Nông sản Việt Nam chưa bị ảnh hưởng lớn khi nhập khẩu vào Trung Quốc
Đối với cách nhìn như vậy thì gần như tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp cạnh tranh hàng trong nước với doanh nghiệp Trung Quốc kể cả doanh nghiệp chế biến, chế tác đều cảm thấy mình bị cạnh tranh do hàng nhập khẩu bên Trung Quốc rẻ hơn.
Thứ hai, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang xuất khẩu mạnh vào Trung Quốc ví dụ như thực phẩm, rau củ quả hoặc gạo có thể cảm thấy giá của mình sẽ bị thay đổi.
Tuy nhiên, cái phụ thuộc là một số mặt hàng của Trung Quốc là nông sản của Việt Nam, có thể Trung Quốc không có lựa chọn nhiều nên có thể sản lượng không suy giảm, ảnh hưởng chưa đến mức lớn, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.
Đối tượng doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ đồng nhân dân tệ suy yếu
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Đồng Nhân dân tệ suy yếu thì những đối tượng đang nhập khẩu hàng của Trung Quốc, có thể là hàng tiêu dùng thấy nhập về sẽ bán dễ hơn như tôi đã phân tích.
Tuy nhiên, nó tạo áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa và hàng nhập khẩu từ nước khác. Đồng thời, hàng nguyên liệu, nguyên liệu sử dụng đầu vào của Trung Quốc là một lượng lớn của Việt Nam hiện nay.
Biết tận dụng thời cơ này thì chúng ta sẽ có được nguyên liệu, máy móc mà chúng ta đang sử dụng của Trung Quốc thì chúng ta có thuận lợi hơn. Đấy là điểm chính về các doanh nghiệp”.
Dự báo về diễn biến tiếp theo của đồng Nhân dân tệ
"Để ứng phó như thế nào? trong tương lai, tôi nghĩ trong khuynh hướng hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất tương đối là cao, thậm chí tiếp tục tăng lãi suất bởi nền kinh tế Mỹ phát triển nóng. Do đó, làm cho đồng USD tiếp tục tăng giá.
Nếu Trung Quốc lấn sâu vào cuộc chiến thương mại, như chúng ta thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm rất mạnh, nỗi lo sản xuất giảm buộc Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng, tiếp tục như ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn đang làm gần đây thì đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá.
Việc giảm giá thể hiện họ sẽ bán được nhiều hàng hơn hoặc xâm nhập vào Mỹ với giá thấp hơn bởi vì thuế bị áp chẳng hạn. Điều đó cho thấy khả năng đồng Nhân dân tệ suy giảm sẽ đi liền với cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Việt Nam sẽ nằm trong vòng xoáy như vậy", TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.(Vietnambiz)
-------------------------
Đại gia bất động sản nào đang nợ nhiều nhất?
Lãi suất cho vay mua nhà tăng khoảng 1%-2%, trong khi lãi suất cho vay chủ đầu tư tăng khoảng 0,5% khi các ngân hàng thương mại tỏ ra thận trọng hơn đối với cho vay lĩnh vực bất động sản.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại
Tính đến ngày 20/6/2018, tín dụng tăng 6,35% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 7,54%. Điều này cho thấy NHNN lo ngại lạm phát và tỷ giá tăng trước những diễn biến trên thế giới. Đặc biệt, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) thận trọng khi cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như cho vay mua nhà và cho vay chủ đầu tư BĐS.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), nhiều NHTM đã nâng lãi suất cho vay mua nhà trong những tháng gần đây thêm 1%-2% lên 11%-12%.
Trong khi đó, lãi suất cho vay các chủ đầu tư lớn của các NHTM tăng khoảng 0,5% lên 10-11%/năm.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ trọng cho vay chủ đầu tư BĐS và các công ty xây dựng trong năm 2017 là khoảng 15,8% dư nợ. Trong đó, tỷ trọng cho vay các công ty xây dựng là 9,9% và cho vay BĐS là 5,9% tổng dư nợ.
Tỷ lệ này chưa đến mức cao để gây ảnh hưởng đáng kể đến cho vay chủ đầu tư BĐS nói chung. Tuy nhiên một số NHTM như Techcombank có tỷ trọng cho vay BĐS cao, lên đến 16,1% tại thời điểm cuối quý 1/2018.
Theo khảo sát của HSC, tại các doanh nghiệp là chủ đầu tư BĐS lớn đang niêm yết cổ phiếu trên TTCK như Novaland (NVL), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), Địa ốc Đất Xanh (DXG)... có thể thấy mức vay nợ của một số chủ đầu tư đã và đang tăng đáng kể trong giai đoạn 2015-2018 với mức tăng 71% lên 79 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2018, trong khi dư nợ của nhóm các doanh nghiệp này tại cuối năm 2015 là 45,7 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Chủ đầu tư nào đang nợ nhiều nhất?
Trong số các chủ đầu tư lớn, đến cuối quý 1/2018, Novaland có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao nhất, là 1,39 lần với tổng nợ lên đến 18,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; và tăng 134% kể từ năm 2015.
Trong đó, 24% là nợ bằng đồng USD, 76% là nợ bằng đồng VND. Chủ yếu các khoản nợ của NVL vay từ các NHTM như Vietinbank, VPB và Sacombank. NVL cũng đã phát hành tổng cộng 6.886 tỷ đồng trái phiếu thường cho Techcombank, MBB và TPBank với lãi suất coupon từ 10%-11%.
Còn tại DXG, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên 0,5 lần vào cuối quý 1/2018 (2.415 tỷ đồng) so với 0,13 lần vào quý 1/2015 (179 tỷ đồng).
Năm ngoái, DXG đã phát hành tổng cộng 929 tỷ đồng trái phiếu thường với lãi suất coupon khoảng 10%-10,5%. Đây là các trái phiếu kỳ hạn 3-4 năm với lãi suất thả nổi, phát hành cho các NHTM như Tienphongbank, VPBank và VIB.
Trong khi đó, NLG hiện có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất thấp, là 0,12 lần (so với 0,29 lần tại thời điểm quý 1/2015). Tổng nợ của NLG tại thời điểm cuối quý 1/2018 là 449 tỷ đồng, chủ yếu là vay từ OCB và Vietcombank.(Infonet)
---------------------------
Căng thẳng thương mại: Cẩn trọng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam xuất qua Mỹ
Khi Trung Quốc không thể xuất khẩu được sang Mỹ, một mặt họ sẽ đa dạng hóa thị trường, mặt khác họ sẽ đẩy hàng hóa dư thừa đó sang Việt Nam.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, mặt hàng thép của Trung Quốc hiện đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này.
Đây là một trong những tác động tiêu cực đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra khi trao đổi với VnEconomy.
Nguy cơ hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam sẽ chịu tác động hai chiều từ căng thẳng thương mại giữa hai ông lớn, cả tích cực và tiêu cực.
Về tiêu cực, vị chuyên gia này nhận định, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 8 của Việt Nam, với trị giá đầu tư khoảng 11-12 tỷ USD.
Còn với Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng thị phần xuất khẩu. Mỹ cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam, sau Trung Quốc.
"Rõ ràng khi hai quốc gia này xảy chiến tranh thương mại sẽ khiến các quyết định về thương mại, về đầu tư của hai nước thay đổi, từ đó tác động đến nền kinh tế của hai nước nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung", ông Lực nói.
Cụ thể, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng chậm lại, mà Trung Quốc hiện nay đóng góp khoảng 32% nền kinh tế toàn cầu, khi Trung Quốc có vấn đề thì cả khu vực, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng. Đi theo đó là sức cầu về hàng hóa, thương mại, thiết bị sẽ giảm, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này cũng xảy ra tương tự với Mỹ.
Tiêu cực thứ hai, theo ông Lực là khi chiến tranh thương mại xảy ra, thế giới sẽ rủi ro hơn, ví như thị trường chứng khoán đã phản ứng rất mạnh trong thời gian vừa qua, khiến cho chứng khoán giảm điểm trên toàn cầu, cũng như giảm điểm ở Việt Nam.
Kéo theo thay đổi trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt gián tiếp trên sàn chứng khoán. "Chính vì thế tháng 6 vừa qua, hoạt động bán ròng nhiều hơn là mua ròng. Tất nhiên, tính từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng vào Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD, cao hơn các nước khác trong khu vực, nhưng rõ ràng là cũng bị tác động từ chiến tranh thương mại", ông Lực nhận định.
Tiêu cực thứ ba được ông Lực chỉ ra là khi hai ông lớn xảy ra xung đột sẽ làm giảm thương mại toàn cầu, giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm sức cầu của thế giới đối với Việt Nam, khiến cho xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một trong những tác động lớn nhất đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại này là nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc.
Nguyên nhân là do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.
Ngoài ra, một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn.
Ông Cấn Văn Lực cũng đưa ra quan điểm tương đồng khi nhận định, khi Trung Quốc không thể xuất khẩu được sang Mỹ, một mặt họ sẽ đa dạng hóa thị trường, mặt khác họ sẽ đẩy hàng hóa dư thừa đó sang Việt Nam. Điều này đã xảy ra trong thời gian vừa qua, ví dự như sản phẩm sắt, thép, xi măng.
"Với mặt hàng thép, hiện Trung Quốc đang phải chịu thuế rất cao từ Mỹ, nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này, nên Việt Nam cần phải cẩn trọng", ông Lực nói.
Xây dựng nhiều kịch bản hơn để ứng phó
Đề cập đến tác động tích cực, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao.
Mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc dự kiến áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể tận dụng thị trường. Căng thẳng về đầu tư Mỹ -Trung Quốc cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ.
Còn chuyên gia Cấn Văn Lực nêu quan điểm, khi chiến tranh thương mại xảy ra, Trung Quốc sẽ phải thay đổi chính sách thương mại của mình và doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi thị trường của mình.
Thay vì xuất khẩu sang Mỹ như trước kia, họ sẽ phải xuất khẩu sang Canada, Mexico hoặc Việt Nam. Hoặc là Mỹ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nữa sẽ có thể nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, khi các loại hàng hóa tương đồng.
"Như vậy, khi chiến tranh thương mại xảy ra, cả Mỹ, Trung Quốc và các doanh nghiệp của họ sẽ thay đổi đối tác, thị trường xuất nhập khẩu. Họ có thể tìm đến Việt Nam như một thị trường thay thế cho Trung Quốc, khi đó xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tăng lên", ông Lực cho biết.
Vị chuyên gia này cũng thừa nhận, với tình hình hiện nay, để đánh giá tổng thể tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với Việt Nam làm tăng hay giảm GDP bao nhiêu thì chưa có lượng hóa. Chính vì thế, ông Lực đề xuất Chính phủ cùng các Bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản khác nhau, như kịch bản xấu nhất, kịch bản trung bình sẽ như thế nào khi chiến tranh thương mại xảy ra.
"Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại này, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Đồng thời, phải phân tích chi tiết, cụ thể những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Chẳng hạn như Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ những mặt hàng gì, và mặt hàng đó chịu tác động ra sao? Tương tự đối với Trung Quốc cũng phải làm như vậy. Phải làm từng mặt hàng một, từng lĩnh vực một có thể chịu thuế", ông Lực kiến nghị.
Song song với đó, ông Lực cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cũng phải định hướng doanh nghiệp để hỗ trợ trong việc đa dạng hóa thị trường, nhất là với các FTA vừa mới ký như với EU. Còn doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới và có phương án thay thế khi tình huống xấu có thể xảy ra.(vneconomy)