Nga chính thức áp thuế bổ sung đến 40% với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ; Gần 9 tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp nửa đầu năm; Những điểm đáng chú ý của kinh tế nửa đầu năm 2018
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-07-2018
- Cập nhật : 08/07/2018
Chuyên gia nhận định chiến tranh thương mại đang là "mối đe dọa số một" đối với TTCK
Tháng trước, việc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khác leo thang đã dẫn đến một tháng đỏ rực cho các cổ phiếu toàn cầu.
Sau khi trải qua sự biến động giá cả lớn trong sáu tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải chật vật nhiều hơn vì những lo ngại về tranh chấp thương mại sẽ tiếp tục kéo dài, các nhà phân tích nhận định.
Trưởng nhóm nghiên cứu của Phillip Securities, Paul Chew, đã mô tả cuộc đối đầu thương mại do Mỹ khởi động là "mối đe dọa số một" đối với thị trường chứng khoán bởi đến nay không ai có thể chắc chắn cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào.
"Thị trường không chắc chắn về mức độ và thời hạn của các mức thuế này", ông giải thích. "Ban đầu, mọi người nghĩ rằng đó chỉ là lời lẽ chính trị (của Tổng thống Mỹ Donald Trump) và chúng sẽ không trở thành hiện thực. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư đã ngạc nhiên khi căng thẳng kéo dài và tiếp tục leo thang."
Tháng trước, việc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khác đã leo thang, dẫn đến một tháng đỏ rực cho các cổ phiếu toàn cầu khi các nhà đầu tư đổ xô đến nơi an toàn. Đặc biệt, các mối đe dọa về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã dấy lên lo ngại rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kéo dài một cuộc chiến thương mại và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.
Những lo ngại này có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ có những biến động lớn trong quý thứ ba, cảnh báo từ giám đốc đầu tư của DBS Bank - Hou Wey Fook.
"Trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu, ai là người chiến thắng? Không ai cả. Nhưng ai là kẻ thua cuộc? Tất cả mọi người", ông nói. "Nếu bạn có tìm hiểu qua về lịch sử của thị trường tài chính, điều đã kích hoạt cuộc Đại suy thoái chính là chủ nghĩa bảo hộ, vì vậy chúng ta cần theo dõi sát sao và hi vọng cuối cùng sự hợp lý sẽ chiếm ưu thế."
Trong khi đó, những lo lắng về chiến tranh thương mại được phức tạp hóa bởi các rủi ro kéo dài khác, chẳng hạn như việc tăng lãi suất của Mỹ, cơn bán tháo gần đây trên thị trường mới nổi và các bất ổn về địa - chính trị ở châu Âu, các nhà phân tích cho biết.
"Lãi suất cao hơn đã được đặt nền móng, nhưng với đồng đô la mạnh hơn, các thị trường mới nổi đang bán tháo trong thời gian gần đây. Cho đến nay, chúng dường như là vấn đề riêng của các quốc gia cụ thể, như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Argentina, "ông Chew nói. "Nhưng sự lo lắng của một nguy cơ lan ra rộng hơn vẫn còn đó."
Trong khi đó, sự tái xuất hiện của các rủi ro về địa - chính trị ở châu Âu cũng đã khuấy động mối lo ngại, ông Hou nói.
Sau các sự kiện rủi ro, chẳng hạn như sự kiện Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) và sự tuyên bố độc lập Catalan, chiến thắng của Phong trào 5 sao và các đảng Liên minh đầu năm nay đã gia tăng những bất ổn trong chính sách ở Ý.
"Thực tế là sẽ có những lời đồn đoán xung quanh việc Italy sẽ rời khỏi EU. Nếu họ thực hiện bước này, nó sẽ rất tệ cho thị trường châu Âu. "
Tất cả những điều này sẽ kết hợp với sự biến động của thị trường nhiên liệu trong những tháng tới, theo ông Hou, mặc dù ông không nghĩ rằng những tổn thất gần đây đánh dấu sự khởi đầu của một thị trường theo chiều hướng đi xuống.
"Chúng tôi cho rằng thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh và chỉ tiếp tục tăng trở lại một khi mọi thứ ổn định trên những mặt trận này", ông nói thêm.(CafeF)
------------------------
Xuất khẩu vải thiều đã thu về 153 triệu USD
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, cập nhật mới nhất đến hết ngày 6/7, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh là: 211.600 tấn. Trong đó, vải sớm 43.570 tấn (đã tiêu thụ hết), vải chính vụ 168.010 tấn (dự kiến còn khoảng 5-6 ngày nữa là hết vụ).
Ước giá vải của cả vụ bình quân trong toàn tỉnh Bắc Giang đạt từ 16.000 – 18.000đ/kg. Ảnh: Nguyễn Thanh
Ngoài thị trường nội địa, quả vải đã được xuất khẩu sang trên 30 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường chủ yếu như EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,Thái Lan,… với tổng sản lượng ước đạt 87.400 tấn và giá trị ước đạt 153 triệu USD.
Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc: Theo thống kê tại các cửa khẩu báo về ước sản lượng vải thiều xuất qua các cửa khẩu như Tân Thanh, Cốc Nam Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Thanh Thủy Hà Giang, cửa khẩu quốc tế Móng Cái Quảng Ninh đạt 86.400 tấn, giá trị ước đạt 151,2 triệu USD.
Tại các thị trường khác như một số nước EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Australia,…, tổng sản lượng xuất khẩu là khoảng trên 1.000 tấn, giá trị ước đạt 1,8 triệu USD.
Sở Công Thương Bắc Giang thông tin thêm: Tính đến ngày 6/7 đã có 182 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc.
Tổng số điểm cân trên toàn tỉnh đến nay còn trên 350 điểm cân, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn; gồm các điểm cân lớn đóng xốp xuất sang Trung Quốc, miền nam, ... và các điểm cân nhỏ, các thương nhân, đầu mối, điểm cân vải thiều chủ yếu đặt tại phố Kim, xã Phượng Sơn…
Về mặt giá cả, giá vải sớm: Đầu vụ có thời điểm vải sớm lên đến 35.000-40.000đ/kg, còn lại cơ bản ổn định ở mức bình quân từ 8.000-20.000đ/kg. Giá vải thiều ngày 6/7 dao động bình quân ở mức 8.000-25.000đ/kg. Ước giá vải của cả vụ bình quân trong toàn tỉnh đạt từ 16.000 – 18.000đ/kg.(Baohaiquan)
------------------------
Nửa đầu 2018, quỹ VEIL mất hơn 3,5% tài sản trên thị trường chứng khoán Việt
Với đà giảm mạnh của chứng khoán trong 3 tháng qua, toàn bộ thành quả tích lũy trong quý I của VEIL đã bị đánh mất.
Theo báo cáo mới nhất của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited – VEIL, tính tới phiên 28/6, giá trị tài sản ròng (NAV) đã giảm 3,54% so với đầu năm, xuống mức 1,495 tỷ USD, trong khi VN-Index giảm hơn 2,7%. NAV/CCQ ở mức 6,81 USD.
Riêng trong tuần từ 21 đến 28/6, tài sản ròng của quỹ giảm hơn 2%. So với mức đỉnh thiết lập đầu tháng 4, NAV của VEIL đã ‘bay hơi’ hơn 20%, tương đương khoảng hơn 377 triệu USD, ứng với mức giảm của VN-Index từ đỉnh 1.024 điểm.
Mặt khác, tỷ trọng tiền mặt của quỹ tính tới cuối tháng 6, vẫn ghi âm hơn 2,81%, tương đương khoảng hơn 42 triệu USD.
Sau khi có đợt thay đổi cơ cấu danh mục trong tháng 4, nhóm 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng 50,44% NAV có biến động đáng kể với sự xuất hiện của Vinhomes (HOSE: VHM) và Sabeco (HOSE: SAB), trong khi GAS và VJC bị đẩy khỏi top 10.
Trong danh mục tại ngày 28/6, không có nhiều sự xáo trộn diễn ra, tuy nhiên, diễn biến giảm giá của cổ phiếu trong thời gian qua tỷ trọng các khoản đầu tư thay đổi, đồng thời khiến NAV của VEIL liên tục ‘lao dốc’. 3 khoản đầu tư lớn nhất vẫn là MWG, ACB và SAB.
MWG - khoản đầu tư lớn nhất của VEIL chiếm 7,9% tài sản ròng, tương đương khoảng 118 triệu USD, đã giảm gần 13% kể từ đầu năm. Trong khi đó, khoản đầu tư đứng thứ hai là ACB chiếm 7,29% NAV (gần 109 triệu USD), chỉ còn tăng 0,93% từ đầu năm nhưng giảm 29% từ đỉnh ngày 9/4.
Về phần SAB, khoản đầu tư được thực hiện cuối tháng 3, giá trị khoảng 3.300 tỷ đồng, ước tính VEIL đã có lãi 2,8%. Tuy nhiên, với VHM, quỹ này hiện đang lỗ nhẹ hơn 1,7%.
Trong nhóm còn lại, 3 mã vẫn giữ được “sắc xanh” gồm KDH tăng 13,14%, HPG tăng 13% và MBB tăng nhẹ 0,62%. Trong khi đó, 3 mã khác là ACV giảm 23%, FPT giảm 18,7% và VNM giảm 19% so với đầu năm.
Tính đến 29/6, nhóm cổ phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tài sản của VEIL, với 27,34% NAV, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 22,62% và nhóm F&B chiếm 15,59%.
Trong nửa đầu năm, ngoại trừ nhóm bất động sản tăng 2,2% (nhờ VIC), nhóm tiện ích và nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đi ngang, các nhóm ngành khác đều giảm giá. Trong đó, nhóm công nghệ và dịch vụ tài chính giảm mạnh nhất với 8,3%, theo sau là nhóm bảo hiểm giảm hơn 5% và vật liệu giảm 3%.
Chuỗi giảm điểm của chứng khoán Việt Nam được “châm ngòi” từ đầu tháng 4 khi những diễn biến kém tích cực của chứng khoán thế giới và lo ngại về thương mại Mỹ - Trung tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hoạt động cơ cấu tài sản và động thái rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài, do lo ngại FED nâng lãi suất, cũng đẩy thị trường vào tâm lý tiêu cực khi khối ngoại vẫn được xem là xương sống của chứng khoán Việt Nam từ trước tới nay.
Theo số liệu của Bloomberg ghi nhận, từ đầu năm 2018, hơn 19 tỷ USD vốn ngoại đã bị hút khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi tại châu Á, dù kinh tế của các quốc gia châu lục này vẫn khả quan. Trang báo này cũng cho rằng, tiêu chuẩn đầu tư của các khối ngoại tại các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ được nâng lên.
Cùng quan điểm với Bloomberg, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, đơn vị quản lý quỹ VEIL - chia sẻ tại diễn đàn doanh nghiệp gần đây, bất ổn thương mại giữa Mỹ - Trung và động thái nâng lãi suất của FED khiến sức hấp dẫn của các thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi suy giảm.
Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven
Tuy nhiên, Chủ tịch của Dragon Capital nhận xét rằng giá trị các công ty niêm yết của Việt Nam đang rẻ và hấp dẫn. Ông nhấn mạnh Việt Nam đang vươn lên và thị trường vốn hoá trong nước phát triển khá mạnh mẽ, bền vững những năm gần đây.
Tổng giá trị vốn hoá thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã từ 70 tỷ USD tăng lên thành 200 tỷ USD, tổng giá trị giao dịch hàng ngày của hai thị trường hướng đến cuối năm vượt 1 tỷ USD/ngày. Tổng vốn được huy động cho các nhà phát hành trong nước từ 5 – 10 tỷ USD/năm và tính đến nay đã huy động trên 4 tỷ USD.(NDH)